VNTB – Tuần lễ nhạy cảm đã bắt đầu

VNTB – Tuần lễ nhạy cảm đã bắt đầu

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Ngày thứ hai 25-1, Đảng họp trù bị. Lệ thường, phiên trù bị luôn căng như dây đàn… Đêm Chủ nhật, chắc không ít người trằn trọc.

 

Vậy là tuần lễ cuối cùng của tháng Một, leo sang ngày 2-2, người ta khi ‘cà phê – cà pháo’ nơi hè phố cần phải biết giữ mồm, giữ miệng, tránh luận bàn khen chê ông này, bà nọ.

Trong bối cảnh đó, chẳng hiểu sao có vị bên Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, lại ‘uống mật gấu’ khi nhận lời làm đồng diễn giả tại “Bàn tròn trực tuyến: Từ Trump đến Biden – Nhân quyền, quyền công dân, và quan hệ Mỹ-Việt”, diễn ra vào thứ Sáu, ngày 29-1, từ 9 giờ đến 10 giờ 30 sáng giờ Hà Nội, do Trung tâm Nghiên cứu Việt – Mỹ, Đại học Oregon tổ chức.

Như tên gọi, nội dung của luận bàn về nhân quyền ‘đậm đặc’ nhạy cảm chính trị, đến độ có lẽ ít ai ở Việt Nam đủ can đảm để trực tiếp tham gia, dù là trực tuyến.

Hiện tại thì phía Trung tâm Nghiên cứu Việt – Mỹ của Đại học Oregon nêu 3 vấn đề cho thảo luận:

Một, chính sách của cựu tổng thống Trump đối với Việt Nam có gì đặc biệt về lãnh vực nhân quyền? Chính sách của ông để lại những di sản gì?

Hai, quan điểm và chính sách của chính phủ Việt Nam đối với lãnh vực nhân quyền có gì thay đổi trong 4-5 năm qua? Người ta có thể kỳ vọng gì trong 5 năm tới? Công dân Việt Nam tham gia vào công việc của nhà nước như thế nào? Có những cơ hội và trở ngại nào cho việc vận động chính sách ở Việt Nam?

Ba, về lãnh vực nhân quyền thì Việt Nam hơn hay kém các nước láng giềng ở Đông Nam Á? Có những cơ hội, trở ngại, và ưu tiên nào cho chính quyền Biden khi tương tác với Việt Nam và các nước ASEAN trong lãnh vực nhân quyền?

Từ chuyện bàn tròn của Đại học Oregon trong tuần lễ Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhân việc ông chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tuyên bố từ chối kháng án, vì “Tôi hiểu đây là một bản án đã được định sẵn cho chúng tôi để bóp nghẹt tự do báo chí ở Việt Nam”, có lẽ điều mà Nguyễn Nam mong muốn được gửi đến Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (http://vnclp.gov.vn; https://www.facebook.com/VienNghienCuuLapPhap), là kỳ vọng ngay trong năm nay là “dừng bóp nghẹt quyền tự do báo chí ở Việt Nam”.

Yêu cầu “dừng bóp nghẹt” này, hiểu một cách đơn giản là cần chấp nhận việc báo chí ở Việt Nam có được quyền phát hành những thông báo kiểu như vầy gửi đến quý cộng tác viên:

Chúng tôi mong nhận được đóng góp bài vở bằng tiếng Anh hay tiếng Việt từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và quý bạn đọc quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam. Quý vị cộng tác viên tự do viết các vấn đề mình quan tâm, không liên quan đến quan điểm của tòa soạn…”.

Nôm na của nội dung thông báo – nói theo ngôn ngữ của giới tư pháp: không có bất kỳ vùng cấm nào trong thể hiện quyền tự do tư tưởng.

Trong quá khứ, Đảng đã từng chấp nhận về quyền tự do tư tưởng – như vụ việc “Thư Trần Phú gửi Quốc tế cộng sản, phê phán Nguyễn Ái Quốc 17-4-1931”.

Nội dung của lá thư này được nhìn nhận là mối xung đột tư tưởng giữa Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) và Trần Phú ở giai đoạn mới thành lập Đảng cộng sản: Trần Phú muốn đi theo con đường cộng sản chủ nghĩa (đấu tranh giai cấp), còn Nguyễn Ái Quốc muốn đi theo con đường dân tộc chủ nghĩa.

Quan điểm này cũng được nhiều chính khách và học giả ở Việt Nam ủng hộ từ thập niên 1990, sau khi khối cộng sản chủ nghĩa tan rã, như Võ Nguyên Giáp trong sách “Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” năm 1993.

Bằng chứng thường được sử dụng để chứng minh cho mối xung đột “tư tưởng” này là lá thư Trần Phú gửi Quốc tế Cộng sản để phê phán Hồ Chí Minh. Tuy vậy, đọc lá thư này, ta thấy hai ông tuy có xung đột nhưng không phải là xung đột về tư  tưởng “dân tộc” hay “giai cấp”, mà chỉ là xung đột về lề lối làm việc, vị trí lãnh đạo và một số vấn đề khác.

Từ góc nhìn kể trên, khi tìm hiểu những bài viết trên VOA, Người Việt, hay ở các hội luận trực tuyến trên BBC và cả trang Việt Nam Thời Báo, sẽ thấy nhà báo Phạm Chí Dũng xung đột về cung cách quản trị quốc gia của Đảng. Nhà báo Phạm Chí Dũng đã thể hiện quyền công dân, và cả quyền của một người từng là đảng viên cộng sản để phê phán Đảng.

Không chỉ là nhân quyền, mà đây còn là bổn phận công dân mà nhà báo Phạm Chí Dũng thể hiện theo quyền Hiến định ghi rõ tại Điều 4.2, Điều 25 và Điều 28, Hiến pháp 2013.

Thật trớ trêu cho việc bỏ tù khi công dân thực hiện bổn phận giám sát Đảng mà ‘nhiều chê – ít khen’. “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” – trích Điều 4.2, Hiến pháp 2013.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)