Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tướng công an bác quyền im lặng vì muốn phá án… giỏi?

Lê Vân (VNTB) Quyền im lặng, một trong những quyền được áp dụng trên thế giới nhằm bảo đảm tối đa quyền con người của bị can, bị cáo (quyền im lặng là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn của Luật sư để tránh việc tự buộc tội mình) đã bị các ĐBQH là tướng công an bác bỏ, trong buổi nhóm họp tổ Quốc hội để thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) chiều 27/05 [1].

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho rằng, “những quy định không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc tự nhận mình có tội thì không chuẩn lắm, làm khó khăn cho hoạt động điều tra.”

Đại biểu Quốc hội, thiếu tướng Trịnh Xuyên cho rằng nêu ra quyền im lặng là rất vô lý – Ảnh: Việt Dũng

Đồng tình với quan điểm của Thượng tướng Hiếu, thiếu tướng Trịnh Xuyên (Giám đốc Công an Thanh Hóa) cho biết: “Tôi cho rằng người bị bắt, bị tạm giữ trước hết phải có quyền và nghĩa vụ trình bày diễn biến, hành vi của mình và có quyền chứng minh mình không phạm tội, đồng thời cũng có trách nhiệm phải nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật.

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Anh (Vụ Pháp chế – Bộ Công an) cũng có quan điểm, “quyền im lặng không phù hợp với thực tiễn văn hóa nước ta.” Lý do, “đa phần người bị tình nghi khi bị bắt đều kêu oan, chứ không im lặng.”

Vì sao cần phải đưa quyền im lặng vào Luật?

Nhiều người ủng hộ đưa quyền im lặng vào Luật Tố tụng hình sự, bởi quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Tại Khoản 4, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 có quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Bên cạnh đó, khi bị bắt hay tạm giam, thì người bị tình nghi (bị can) diễn ra tâm lý lo sợ, chưa kể việc phải đối diện với việc khảo cung, ép cung, đe cung, mớm cung của điều tra viên, dẫn đến việc thừa nhận hành vi không thực hiện (oan sai), do đó quyền im lặng sẽ được xem như một phương pháp ổn định tâm lý, tránh các trường hợp nêu trên. Quyền im lặng cũng là giúp cho bị can, bị cáo giảm thiểu khả năng “bắt nhận gấu thành thỏ” để làm nên thành tích “Cơ quan điều tra thuộc hàng giỏi nhất thế giới” (Việt Nam) – và tạo ra những “Nguyễn Thanh Chấn”.

Đối với ý kiến rằng quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra, thì nhiều luật sư, trong đó có TS – LS Trần Đình Triển (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Để phá án và làm rõ tội phạm, cơ quan điều tra phải dùng nhiều biện pháp chứ không chỉ phụ thuộc vào lời khai của bị can nên không thể nói nghi can im lặng ảnh hưởng đến công tác phá án” [2], bên cạnh đó, quyền im lặng cũng là một phương cách tạo điều kiện cho bị can, bị cáo có thể tiếp xúc và khai báo với người bào chữa nhằm hưởng sự khoan hồng, điều này tránh sự bất hợp tác đối với các điều tra viên, nhất là đối với các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, quyền im lặng cũng giúp xác định lại vai trò của Luật sư bào chữa hay người trợ giúp pháp lý, bởi bấy lâu nay, hai yếu tố này hầu như không đóng vai trò gì trong quá trình điều tra tội phạm, trong khi nghi can bị tạm giữ và lấy lời khai. Bởi dù bộ luật tố tụng hình sự quy định rằng, không ai có thể bị coi là có tội trước khi bị tòa kết án, tuy nhiên, quá trình khảo cung, mớm cung đã khiến cho quy định mang tính thượng tôn pháp luật đó bị vô hiệu.

Tướng công an không tán thành vì thành tích “phá án giỏi”?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, nếu so sánh với các cơ quan điều tra khác trên thế giới thì cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh.

Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với việc phá án nhanh đó là tình trạng “chết trong đồn” do “tự tử, hối hận” bằng cách va đầu vào cạnh bàn, dùi cui, treo cổ bằng dây điện thoại… và những vụ án oan kéo dài đến 10 năm như của ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ án vườn mít…

Tháng 9/2014, tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) đã ra bản phúc trình dài 23 trang. Với tiêu đề “Công bất an: Những vụ tử vong khi bị tạm giam, giữ và vấn nạn công an bạo hành ở Việt Nam,” bản phúc trình đã trình bày một số vụ điển hình từ tháng 8/2010 đến 7/2014 về nạn bạo hành của công an dẫn tới tử vong hoặc chấn thương nặng cho những người bị giam giữ vì “công an bắt người chỉ dựa trên nghi vấn mơ hồ, rồi đánh đập đối tượng để buộc tội.” [3]

Cũng trong buổi thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) chiều 27/05, đứng trước sự phản bác của các vị tướng công an về quyền im lặng, Luật sư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết, “quyền không khai báo các nước làm hết, còn mình lại hạ thấp, như thế là hạ thấp quyền của người dân Việt Nam xuống. Khi anh áp dụng cái mới, tất nhiên là khó nhưng khó thì phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn”.

Tháng 11/2014, Quốc hội Việt Nam ra quyết nghị phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Cộng hòa XHCN Việt Nam ký ngày 7/11/2013 tại trụ sở Liên hợp quốc, tuy nhiên,Việt Nam không áp dụng trực tiếp Công ước chống tra tấn, mà sẽ xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước.

Tham khảo:

[1] tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150527/cac-tuong-cong-an-khong-muon-quy-dinh-quyen-im-lang/753072.html
[2] danviet.vn/phap-luat/nghi-can-can-co-quyen-im-lang-cho-luat-su-105765.html
[3] hrw.org/sites/default/files/reports/vietnam0914vi_ForUpload.pdf

Tin bài liên quan:

VNTB – “Quyền im lặng” chưa được ghi cụ thể trong luật

Phan Thanh Hung

‘Chỉ quyền im lặng là không đủ’

Phan Thanh Hung

Từ ngày 1/7/2016: Bắt buộc ghi âm trong hỏi cung *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.