Liên Sơn
(VNTB) – Có lẽ Việt Nam sẽ khống chế để đảm bảo rằng sự tự chủ của Fulbright cũng ở trong khuôn khổ và định chế XHCN tại Việt Nam.
Quan hệ Mỹ – Việt đang kéo sát lại nhau vì Biển Đông dậy sóng? Trước mắt, với một loạt thỏa thuận giữa hai quốc gia trong thời gian Tổng Bí thư sang thăm Mĩ, và việc chính quyền Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng là một khởi đầu tốt.
Tuy nhiên, cũng có thể đánh giá mối quan hệ hai nước qua một chi tiết, đó là trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, ngày 10/7 tại New York, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự lễ trao giấy chứng nhận đầu tư của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho dự án trường Đại học Fulbright VN (FUV).
Chỉ thị số 34-CT/TW
Fulbright là cái tên không lạ đối với tầng lớp tri thức và cả giới lãnh đạo Việt Nam.
Không lạ vì lẽ, Fulbright là cái tên danh giá khi người Việt lựa chọn để bổ túc tri thức [1]. Càng không lạ khi mà vào tháng 6/2009, Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưa, hoạt động “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa được Ban Tuyên Giáo Trung Ương gửi đến lãnh đạo các ngành, các cấp. Trong đó có ghi nhận “Sự chống phá của các thế lực thù địch” trên lĩnh vực tư tưởng- chính trị [2]:
“Chúng tập trung vào “chiến lược con người” để đào tạo một lớp người thân Mỹ và phương Tây. Mỹ đã bộc lộ rõ ý đồ lợi dụng hợp tác giáo dục, đào tạo để chuyển hoá Việt Nam. Đến nay chỉ riêng Mỹ đã có 15 chương trình, dự án lớn có liên quan đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo đang triển khai ở Việt Nam. Ngân sách của chính phủ Mỹ dành cho các chương trình Fulbringt Việt Nam tăng lên 4 triệu USD/ năm, còn “Quỹ giáo dục Việt Nam” mỗi năm dành 5 triệu USD cấp cho 100 sinh viên Việt Nam học tại Mỹ, Đại sứ quán Mỹ ráo riết triển khai dự án “Góc Mỹ” nhằm quảng bá với lớp trẻ hình ảnh nước Mỹ, lối sống Mỹ. Các cơ quan hoạch định chiến lược của Mỹ đưa ra bản “lộ trình 4 bước”, trong đó bước 4 có nội dung các trường đại học Mỹ được khuyến khích mở các cơ sở tại Việt Nam.”
Ccâu chuyện Nguyễn Thiện Nhân?
Trong Chỉ thị số 34 – CT/TW cũng nêu rõ biện pháp chống nguy cơ, xu hướng “tự diễn biến”; “tự chuyển hoá”, đi chệch hướng XHCN, trong đó nhấn mạnh tinh thần “xây” và “chống”.
5 năm sau, trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 (5/2013), ông Nguyễn Thiện Nhân cùng với bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Bí Thư Trung Ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc Hội) được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI.
Tuy nhiên, vào ngày 05/09/2013, ông được thuyên chuyển sang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Một chức vụ không lấy làm tươi sáng lắm cho nghiệp đi lên chính trị ở Việt Nam.
Tiến sĩ Thayer, Giáo sư Danh dự của Đại học New South Wales, Australia đã đặt ra hai khả năng [3], thứ nhất là tạo cơ hội cho ông Nguyễn Thiện Nhân chứng tỏ năng lực của mình sau khi đã không thành công với cương vị Bộ trưởng Giáo Dục và Đào Tạo; và thứ hai là ông đã “bị đẩy sang một bên và không còn là ứng viên cho chức thủ tướng vào năm 2016.”
Nhân sự cho ĐH sắp tới đang được lên danh sách, nhưng nếu nhìn vào Chỉ thị 34-CT/TW, và một nhà chính trị Việt Nam “không lạ gì với Mĩ”[1] thì có thể nhận biết được con đường hoạn lộ của ông Nguyễn Thiện Nhân rơi vào khả năng nào.
Nó cho thấy, tinh thần “chống” nguy cơ, xu hướng “Tự diễn biến”; “Tự chuyển hóa” trong Đảng là cực kỳ mạnh mẽ và không hề bị mất cảnh giác.
Câu chuyện của ông Nguyễn Thiện Nhân cũng có thể chính là một phần số phận của FUV trong tương lai. Lúc đầu, mọi thứ trông thật trôi chảy và tốt đẹp với việc ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đánh giá cao sáng kiến xây dựng FUV” [4] trong buổi lễ cấp giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng trường ĐH Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng cũng là “giáo sư gộc” ngành Xây Dựng Đảng, và ông cũng thuộc nằm lòng “lộ trình 4 bước” của các thế lực thù địch trong lĩnh vực tư tưởng, trong đó bước cuối là “trường đại học Mỹ được khuyến khích mở các cơ sở tại Việt Nam.”
Do đó, ông vẫn sẽ “đánh giá cao sáng kiến”, bởi nó là một phần di sản trước đó của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; một phần vì bởi ông đang trong một chuyến đi thăm mang tính chất lịch sử và nó cần phải “tinh tế, ý nhị” với một món quà “vừa lòng nước bạn” (dựa trên thành tựu tốt trước đó). Và cũng bởi, ông cùng một số vị “đồng quan điểm” trong Bộ chính trị đã đặt ra một võng lưới đón tiếp FUV, với chiến lược “xây” và “chống”.
Nó cũng được hiểu như cách Việt Nam tiếp nhận và áp dụng Công ước Quốc tế, theo đó, việc phê chuẩn Công ước chống Tra tấn chỉ là “cơ sở pháp lý quan trọng” để nhằm “đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân …” của “các thế lực thù địch chống phá Nhà nước Việt Nam”. Và Việt Nam sẽ không áp dụng trực tiếp toàn bộ các điều khoản trong Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. [5]
Và FUV vẫn được chào đón tại Việt Nam cũng cùng một cách như trên, để cho thấy rằng, “Người dân VN chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay [6].” Và mối quan hệ Việt – Mỹ đang gắn chặt, bản thân sự ra đời của FUV cũng là một mấu chốt giúp Việt Nam nhận thêm được nhiều lợi ích từ Mỹ, nhất là trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng. Khi “nhân quyền” là sự khác biệt, thì “đàm phán” giữa hai nước sẽ được hiểu qua lĩnh vực “giáo dục – đào tạo”, một lĩnh vực vốn được trao đổi qua lại rất tốt giữa hai quốc gia trong nhiều năm qua.
FUV sẽ chỉ đi được nửa đường?
Do đó, việc Tổng Bí thư tán đồng đề nghị của ông Thomas Vallely rằng FUV cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn các trường khác không có gì là quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, để áp dụng nguyên tắc quản trị thiết yếu của nền giáo dục Mĩ như cách ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard kỳ vọng là, “minh bạch và trách nhiệm giải trình, tự chủ, trọng dụng nhân tài, tôn trọng lẫn nhau và giảng dạy gợi mở” thì đó là một kỳ vọng một nửa.
Và có lẽ Việt Nam sẽ khống chế để đảm bảo rằng sự tự chủ của Fulbright cũng ở trong khuôn khổ và định chế XHCN tại Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn câu nói của Tổng thống Theodore Roosevelt – “Có lòng tin là đã đi được nửa đường” – để bày tỏ lạc quan về tương lai Việt – Mỹ.
Và có nhẽ FUV cũng sẽ đi nửa đường tại Việt Nam. Ví như, sẽ có được sự “minh bạch, giải trình, trọng dụng nhân tài, tôn trọng lẫn nhau”, nhưng hẳn thiếu đi “tự chủ và giảng dạy gợi mở”.
Nhưng chính trị là một nghệ thuật không thể sắp đặt, nếu kỳ ĐH sắp tới, ghế ngồi Tổng Bí thư được trao cho người có tinh thần cởi mở hơn, thì FUV lại trở thành một dấu mốc lớn trong sự mở rộng dân chủ hóa Việt Nam trong tương lai, mở đầu “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” trong thế kỷ XXI.
Chú thích
[1] Ông Nguyễn Thiện Nhân, đã sang Mỹ du học chương trình Thạc sĩ Quản trị Công cộng (tiếng Anh:Master of Public Administration), chuyên ngành Tài chính công (tiếng Anh: Public Finance), tại Viện Đại học Oregon, theo chương trình học bổng Fulbright; khóa đào tạo Chuyên gia Thẩm định Dự án Đầu tư tại Viện Đại học Harvard vào năm 1993.
[2] NIGHTLY BUSINESS REPORT FOURTH OF JULY SPECIAL “Visions of a New Vietnam”: archive.is/gpKbW
[3] Ý nghĩa của việc ông Nhân sang Mặt trận: bbc.com/vietnamese/vietnam/2013/09/130916_nguyen_thien_nhan_mat_tran_to_quoc
[4] Tổng bí thư dự ra mắt dự án đại học Fulbright: vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/249911/tong-bi-thu-du-ra-mat-du-an-dai-hoc-fulbright.html
[5] Trình QH phê chuẩn Công ước chống tra tấn: vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/203517/trinh-qh-phe-chuan-cong-uoc-chong-tra-tan.html
[6] Tổng bí thư thẳng thắn về dân chủ với học giả Mỹ: vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/249474/tong-bi-thu-thang-than-ve-dan-chu-voi-hoc-gia-my.html