VNTB – Tương lai nào cho các hiệp hội độc lập?

VNTB – Tương lai nào cho các hiệp hội độc lập?

Trịnh Hồng Duẩn

(VNTB) – Những gì đang diễn ra tại Việt Nam tương tự như Trung Quốc, khi không gian xã hội dân sự bị siết chặt. Nhưng với EVFTA, cơ hội nào sẽ đến với các hiệp hội độc lập?

Từ trường hợp ông Phạm Chí Dũng

Báo Thanh Niên Online ngày 21-11-2019 ghi nhận sự kiện Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM bắt Phạm Chí Dũng. Nội dung cũng cho biết, ‘bị can Phạm Chí Dũng (Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – IJAVN) ra ‘Tuyên bố thành lập IJAVN’ với số lượng ban đầu hàng chục thành viên, nội dung Điều lệ hoạt động của Hội thể hiện rõ quan điểm là tổ chức xã hội dân sự…, là trái với quy định của pháp luật Việt Nam.’

Báo Thanh Niên Online dẫn quan điểm của cơ quan an ninh điều tra Tp. Hồ Chí Minh, xác lập hành vi vi phạm của ông Phạm Chí Dũng là ‘thành lập IJAVN’ trái với quy định của pháp luật Việt Nam, và thể hiện ‘rõ quan điểm là tổ chức xã hội dân sự.’

Thật khó để có thể diễn giải bằng cách nào để một hội đoàn độc lập, tự do được thành lập tại Việt Nam mà nhận được sự công nhận của giới chức. Ngay cả vận dụng hành lang pháp lý là các Công ước về quyền dân sự và chính trị 1966 mà Việt Nam đã tham gia ký kết, và nguyên tắc ưu tiên áp dụng ‘điều ước quốc tế’, thì nhà nước Việt Nam lại áp dụng khoản 2, Điều 22 Công ước 1966, ‘hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng.’.

‘Vì lợi ích an ninh quốc gia’ là khái niệm thường thấy ở Trung Quốc, Việt Nam khi áp dụng bắt giam những người được cho là gây tổn hại đến khai niệm này. Mặc dù, các tổ chức nhân quyền liên tục chỉ trích hàm ý mơ hồ của chính nó.

Dù vậy, xét ngay trong câu chữ của khoản 2, Điều 22 Công ước 1966, thì các ‘hạn chế’ này là ‘cần thiết trong một xã hội dân chủ.’. Vậy, định nghĩa như thế nào là dân chủ, có phải chăng xã hội dân chủ là xã hội là quyền con người đảm bảo về cả mặt pháp lý lẫn thực tiễn, bao gồm ghi nhận quyền dân sự – chính trị trong Hiến pháp, và đảm bảo ra các luật để thực hiện các quyền đó? Nếu như thế, thì ‘xã hội dân chủ’ phải là có Luật về Hội, Luật về Biểu tình? Ngược lại, nếu chưa có thì chưa thể hạn chế vì lý do an ninh quốc gia?

Tiếp đó, Điều lệ IJAVN thể hiện quan điểm là tổ chức xã hội dân sự sẽ khó có thể là trái với quy định pháp luật. Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào ‘cấm’ quan điểm tổ chức dân sự. Chỉ có Quy định 102 do Ban chấp hành T.Ư ĐCSVN ban hành ngày 15-11-2017 nhằm xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó cấm thực hiện ‘xã hội dân sự.’. Thế nhưng, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 của Việt Nam thì văn bản của ĐCSVN không nằm trong văn bản pháp quy. Do vậy, ‘trái với quy định pháp luật’ là một quan điểm sai, áp đặt.

Đến cơ hội nào cho hội đoàn độc lập?

Đến nay, một số hội đoàn độc lập vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Nhưng trong khi chờ đợi Luật về Hội được đi vào thực tiễn đời sống, thì còn có cơ hội nào cho các hội đoàn này?

EVFTA một Hiệp định thương mại, nhưng đồng thời hiệp định này cũng chứa đựng các ràng buộc về nhân quyền. ‘Công đoàn ngoài nhà nước’ được ghi nhận trong Bộ Luật lao động sửa đổi, nhưng nhiều hơn thế nó mở ra cánh cửa về thành lập các tổ chức hội đoàn khác.

Trong khi đó, Đại hội của Tổ chức Liên minh các Công đoàn EU (ETUC) trong hai ngày 17-18 của tháng 12 vừa qua đã đưa ra một tuyên bố, cho thấy quan điểm rõ ràng hơn về các hội đoàn độc lập, tự do ở Việt Nam.

Trong đó, ETUC kêu gọi Nghị viện EU phản đối phê chuẩn FTA và IPA cho đến khi Việt Nam phê chuẩn hoặc xác định lộ trình ràng buộc rõ ràng để phê chuẩn Công ước 87 của ILO về tự do lập hội. Sâu hơn, ETUC còn nhấn mạnh cần phải đảm bảo sự tham gia của các đối tác xã hội độc lập và xã hội dân sự trong giám sát quá trình phê chuẩn, thực hiện FTA.

Như vậy, nếu áp lực đủ lớn, và có đủ sự đồng thuận của khối nhân quyền ở EU và ý thức chủ động nhân quyền của các hội đoàn dân sự trong nước thì có khả năng, Luật về Hội gắn với ‘tự do lập hội’ sẽ được thực thi sớm hơn ở Việt Nam. Chấm dứt tình trạng ‘dùng dằng’ ở cấp Chính phủ, khi cho rằng, các dự luật về Hội hay dự luật Biểu tình chưa được ban hành là vì ‘cần được tiếp tục rà soát, đánh giá tính cấp thiết.’.

Mặc dù đây là khe cửa hẹp, nhưng ít ra nó cũng cho thấy một sự tỉnh táo của ETUC đối với cam kết nhân quyền tại Việt Nam.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)