Việt Nam Thời Báo

VNTB- “Tùy Việt Nam thôi!”: Thủ tướng Phúc có đạt kết quả trong chuyến đi Mỹ sắp tới?

Phạm Chí Dũng
(VNTB) – Nếu không thể thuyết phục Bộ Chính trị đảng phải cải cách thể chế và cải thiện nhân quyền một cách thực chất với tưng nội dung chi tiết cùng lộ trình cụ thể, chuyến đi Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phúc sẽ không thể mang về một hiệp định thương mại song phương Việt- Mỹ được rà soát và điều chỉnh lại có lợi cho Việt Nam. Và cũng chẳng thể ghi dấu một thành tích thương mại song phương nào để khiến nâng uy tín của ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc chạy đua thăm dò uy tín tổng bí thư tương lai (gần).

Ông Murray Hiebert – cố vấn cao cấp và là phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại CSIS.

Ông Murray Hiebert – cố vấn cao cấp và là phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (CSIS) – vừa có bài viết trên tờ Cogit Asia ngày 07/4/2017, cho biết một số tin tức đáng chú ý:
Các quan chức Hà Nội vui mừng vì Phó Tổng thống Mike Pence sẽ dừng lại ở Indonesia vào cuối tháng 4 cùng với chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Họ hy vọng Pence sẽ đưa ra một tuyên bố rõ ràng về tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với chính quyền mới và kế hoạch của Hoa Kỳ để thu hút khu vực năng động này.
Cũng trong thời gian đó, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự kiến ​​sẽ thăm Washington để gặp Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ngay sau đó, Thủ tướng Phúc, người nhậm chức năm ngoái, dự kiến ​​sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Washington. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh đang có kế hoạch thăm Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc đàm phán về an ninh với quan chức quốc phòng Hoa Kỳ trong một hoặc hai tháng tới”.
Không thể khác hơn, một lần nữa kể từ năm 2013 và 2015, giới ngoại giao hai nước Việt và Mỹ lại “đi đêm” trong việc thỏa thuận những chuến công du của “lãnh đạo cấp cao”.
Chỉ có điều, bối cảnh năm 2017 là khác rất nhiều so với lối tuyên giáo của đảng vào những năm trước về “Mỹ cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Mỹ”.
Bằng chứng rõ rệt về việc “ai cần ai” là vào tháng Ba năm 2017, đột nhiên xảy ra một động tác “bắn tiếng” chưa từng có tiền lệ: trang Facebook của chính phủ Việt Nam đăng tải những thông tin về ý nguyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “sẵn sàng đi thăm Mỹ”.
Đến ngày 31/3/2017 ông Trần Đại Quang đã “bất ngờ” có một cuộc gặp tay đôi với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Ted Osius để chuyển cho ông Ted thông điệp: “Khẳng định lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Donald Trump duy trì đà phát triển của quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.”
Chỉ ít hôm sau, ngày 4/4/2017, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Ted Osius “bất ngờ” có hai cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Ed Royce và Dân biểu Alan Lowenthal thuộc đảng Dân Chủ tại Washington. Những cuộc gặp này mang tính chất “báo cáo nhân quyền” do Ted là người thông tin. Chi tiết đáng chú ý là sau cuộc gặp này, phản ứng của hai vị dân biểu Ed Royce và Alan Lowenthal đã được thông tin công khai trên mạng xã hội.  
Thông báo của văn phòng Dân biểu Ed Royce đã nói thẳng: Nếu Mỹ và Việt Nam muốn xây dựng mối quan hệ vững mạnh hơn, chính phủ Việt Nam phải tôn trọng những nhân quyền cơ bản của người dân Việt Nam”.
Tôi khẳng định với Ngài Đại sứ (Ted Osius) rằng Việt Nam muốn tăng cường mối quan hệ thương mại và ký kết hiệp định song phương thì phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Nếu họ không làm thế thì không thể có Hiệp định Thương mại song phương. Tùy thuộc vào Chính phủ Việt Nam thôi! Đây là thông điệp của tôi chuyển đến Chính phủ Việt Nam” – Dân biểu Alan Lowenthal đưa ra lời kết trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Á châu tự do.
Đáng chú ý, Ed Royce và Alan Lowenthal lại là hai nhân vật tiêu biểu trong nhóm Vietnam Caucus (Nhóm quan tâm những vấn đề Việt Nam) của Quốc hội Mỹ.
Có vẻ như một lần nữa từ năm 2013, những quân bài lại được hai phía Việt và Mỹ đặt xuống chiếu. Việt thì cần đi Mỹ và cần đủ thứ khác, còn Mỹ dứt khoát muốn Hà Nội phải cải thiện nhân quyền và cải cách thể chế.
Bởi từ lâu lắm rồi, bất chấp đòi hỏi của các tầng lớp dân chúng trong nước cùng rất nhiều lần khuyến nghị của quốc tế, giới chóp bu Việt Nam vẫn bo bo giữ thế độc quyền chính sách cho những doanh nghiệp lợi ích nhóm nhà nước trong ngành xăng dầu và điện lực, vẫn ôm trọn quyền “sở hữu đất đai toàn dân” mà thực chất là kéo dài càng lâu càng tốt cơ hội cho các nhóm lợi ích và quan chức thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt. Và trong khi viện ra đủ thứ lý do để “treo” các quyền hiến định của dân như Luật Biểu tình, Luật Lập hội, Luật tự do báo chí thì vẫn thẳng tay đàn áp giới bất đồng chính kiến và những người dân nào dám thể hiện các quyền ấy.
Đi Mỹ hay đi châu Âu với hộ chiếu công vụ và tiền thuế bổ đầu dân chỉ là “chuyện nhỏ” đối với giới quan chức Việt Nam. Nhưng sống còn hơn nhiều là làm thế nào đi mà không phải trở về với hai bàn tay trắng?

Cũng bởi, nếu không thể thuyết phục Bộ Chính trị đảng phải cải cách thể chế và cải thiện nhân quyền một cách thực chất với tưng nội dung chi tiết cùng lộ trình cụ thể, chuyến đi Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phúc sẽ không thể mang về một hiệp định thương mại song phương Việt- Mỹ được rà soát và điều chỉnh lại có lợi cho Việt Nam. Và cũng chẳng thể ghi dấu một thành tích thương mại song phương nào để khiến nâng uy tín của ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc chạy đua thăm dò uy tín tổng bí thư tương lai (gần).

Tin bài liên quan:

VNTB – Tình trạng sức khoẻ đáng lo ngại của ông Phạm Chí Dũng trong trại giam

Do Van Tien

VNTB- Từ bi kịch Hữu Thỉnh đến hội đoàn nhà nước bị ra rìa

Phan Thanh Hung

VNTB- Thấy gì qua ‘khẩu khí Nguyễn Đức Chung’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo