Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tuyển sinh đại học qua xét điểm học bạ: dừng hay tiếp?

Mai Lan

(VNTB) –  Trong kỳ tuyển sinh đại học khóa sắp tới đây, nhiều trường đại học công lập đã dừng việc xét tuyển qua học bạ.

 

Kỳ tuyển sinh đại học khóa sắp tới đây, theo thông báo thì nhiều trường đại học công lập đã dừng việc xét tuyển qua học bạ. Các lý do được giải thích: giúp các gia đình sinh viên tránh được lãng phí tài chính và thời gian, khi dùng sức học thể hiện ở học bạ cho việc theo đuổi bậc đại học, thay vì nên trải qua qua thi tuyển sát hạch về một số môn mà bậc đại học thường chương trình rất nặng.

Xét về quy định của pháp luật chuyên ngành thì ở khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học ngày 18-6-2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19-11-2018 quy định tổ chức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo như sau: “a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.

Như vậy, Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh.

Nhắc lại: Giai đoạn từ năm 1998 – 2005, giáo dục Việt Nam thực hiện quy chế tuyển thẳng đại học đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi. Tiêu chuẩn ban đầu là, học sinh tốt nghiệp loại giỏi (học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, trung bình điểm thi 8,0 trở lên, không có môn nào dưới 7,0 điểm. Năm đầu tiên áp dụng, số học sinh được tuyển thẳng rất ít, có tỉnh chỉ 3-5 em.

Thế nhưng đến năm thứ 2, thì số học sinh được tuyển thẳng tăng lên hàng chục lần, đa số là con em giáo viên, cán bộ công chức.

Năm 2004, 2005 Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ tuyển thẳng, chỉ cộng điểm thưởng cho học sinh tốt nghiệp giỏi: 2 điểm đối với học sinh có trung bình điểm thi từ 9 trở lên; 1,5 điểm đối với học sinh có trung bình điểm thi từ 8,5 đến cận 9; 1,0 điểm đối với học sinh có trung bình điểm thi từ 8,0 đến cận 8,5. Từ năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ luôn việc thưởng điểm.

Trong khoảng ba năm gần đây, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển đại học phổ biến, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hầu hết trong số hơn 240 trường đại học, học viện trên cả nước dành chỉ tiêu cho phương thức này.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Tỷ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (52,3%).

Trong một hội nghị về giáo dục, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – nguyên hiệu trưởng trường đại học Sư phạm TP.HCM, thành viên Hội đồng Khoa học TP.HCM – cho rằng kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng vừa qua ghi nhận quá nhiều học sinh có học bạ giỏi và xuất sắc. Thầy Hồng cho rằng phải chăng việc các trường đại học tăng cường tuyển sinh xét học bạ đã làm chất lượng học của học sinh “tăng lên”, thể hiện qua điểm số tại trường phổ thông?

“Thực chất là chất lượng giáo dục phổ thông có tăng lên đến mức vậy hay không? Tôi nghĩ câu trả lời có ở tất cả trong từng gia đình, trong từng thầy cô giáo và học sinh. Tôi thì không tin là chất lượng phổ thông của chúng ta tăng nhanh như thế” – thầy Hồng nhận xét.

Không ủng hộ việc xét tuyển học bạ, ông Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, khi các trường đại học sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong việc chấm điểm, thậm chí có cả tình trạng “mua điểm”. Điều này dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.

“Hơn nữa, hiện nay chất lượng các cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở cũng là khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển đại học sẽ là không công bằng với học sinh. Vì thế, theo tôi, điểm học bạ chỉ nên là tiêu chí phụ, bổ trợ cho điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, ông Lê Viết Khuyến ý kiến.


Tin bài liên quan:

VNTB – Giáo dục chú trọng kinh doanh hơn là truyền bá tri thức

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đưa môn văn vào xét tuyển đầu vào trường y vì Văn là Người?

Do Van Tien

VNTB – Giới trẻ Việt Nam đã dần thay đổi tư duy học đại học 

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo