Hà Nguyên
(VNTB) – Mấy ngày nay, thấy nhiều người bỏ xứ ra đi, người thì đi tỵ nạn giáo dục, kẻ lại tỵ nạn kinh tế, rồi cả tỵ nạn công lý…
Bác sĩ ngoại khoa Võ Xuân Sơn kể về một câu đố cắc cớ của bệnh nhân vốn là cán bộ nhà nước, cấp cũng kha khá cao, và có quê ở một tỉnh miền Trung: “Cách đây cỡ khoảng 30 năm, thỉnh thoảng chúng tôi được những gia đình bệnh nhân, sau khi điều trị xong, mời đi ăn uống.
Lúc cao hứng, anh chỉ tôi và nói: “Anh biết chú mày quê gốc ở miền Trung, nhưng anh cũng biết chú mày chẳng biết gì về quê hương cả. Anh đố chú mày, cái gì ở quê mình không có?”.
Tôi hơi bất ngờ, vừa không hiểu vì sao anh ấy biết tôi quê gốc miền Trung, lại còn cái câu hỏi cắc cớ kia nữa.
Thế rồi anh tự trả lời câu đố. Quê anh nghèo lắm, nên cứ ai có đủ sức khỏe, có đủ tiền mua vé tàu vé xe là đi, và đa số là vô miền Nam, kiếm sống. Ở quê chỉ còn lại những người không thể đi được. Anh lý giải, rằng người sống thì còn phải mua vé tàu vé xe, chứ ma thì đi mây về gió, nên anh tin là có bao nhiêu ma là đi hết, ở quê chẳng còn con ma nào.
Anh còn quay qua hỏi tôi, có phải nhà tôi thờ đủ 4 đời, giống như nhà anh không…”.
Bác sĩ ngoại khoa Võ Xuân Sơn ‘chốt hạ’ đầy ngậm ngùi: “Mỗi lần nhớ về quê nội, tôi lại nhớ câu chuyện của anh ấy. Mấy ngày nay, thấy nhiều người bỏ xứ ra đi, người thì đi tỵ nạn giáo dục, kẻ lại tỵ nạn kinh tế, rồi cả tỵ nạn công lý… Tôi lại bùi ngùi nhớ lại quê hương, nơi không có ma”.
“Tỵ nạn công lý”, có lẽ cụm từ này muốn nói đến vụ ba vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM đã buộc phải ‘vong quốc’ để tránh sự trả đũa của nhà chức trách Việt Nam trong những vụ án liên quan đến điều luật hình sự 117, 331. Có hai trong ba vị luật sư đó đã tham gia bảo vệ quyền lợi chính trị và dân sự của các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn trong vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Gọi là “tỵ nạn công lý” không hề khiên cưỡng.
Từ “tỵ nạn” là một từ mượn gốc Hán Việt, mang nghĩa “tránh khỏi tai họa, khốn ách”, thường dùng để chỉ một trường hợp phải chạy trốn qua một xứ khác, nơi khác để thoát cảnh hiểm nguy, ngược đãi, hoặc bắt bớ. Người tỵ nạn là người thực hiện hành động tỵ nạn (tránh nạn) đó.
Định nghĩa hiện đại đầu tiên về tình trạng tỵ nạn quốc tế được đề xuất bởi Hội Quốc Liên năm 1921 từ Ủy ban tỵ nạn. Sau Thế chiến II, và để đáp ứng với số lượng lớn người chạy trốn khỏi Đông Âu, Công ước về người tỵ nạn của Liên Hợp Quốc năm 1951 đã định nghĩa “người tỵ nạn” (tại Điều 1.A.2) là bất kỳ ai:
“bởi nỗi sợ hình thành vì bị đàn áp vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, vì thành viên một hội nhóm xã hội đặc biệt, hoặc vì quan điểm chính trị cụ thể, cư trú bên ngoài quốc gia của mình và không thể hoặc, do sợ hãi như vậy, không sẵn sàng tự mình tận dụng sự bảo vệ của đất nước đó; hoặc là người không có quốc tịch và cư trú bên ngoài quốc gia là nơi cư trú trước đây của người đó, do các sự kiện như vậy, không thể hoặc, do sợ hãi như vậy, không sẵn lòng quay trở lại với nó”.
Năm 1967, định nghĩa về cơ bản đã được xác nhận bởi Nghị định thư liên quan đến tình trạng của người tỵ nạn của Liên Hợp Quốc.
Kể từ năm 2011, UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn), ngoài định nghĩa năm 1951, còn công nhận những người sau là người tỵ nạn: “những người ở bên ngoài quốc tịch hoặc nơi cư trú thường xuyên của họ và không thể trở về đó do các mối đe dọa nghiêm trọng và bừa bãi đối với cuộc sống, tính toàn vẹn về thể chất hoặc tự do do bạo lực chung hoặc các sự kiện gây rối nghiêm trọng trật tự công cộng”.
Trở lại với 3 vị luật sư nêu trên.
Năm 2008 xảy ra vụ án Thái Hà, trong đó có việc tranh chấp tài sản đất đai giữa giáo hội công giáo và chính quyền Việt nam. Luật sư Lê Trần Luật là người đại diện cho Giáo hội công giáo. Sau phiên tòa, cơ quan an ninh đã gặp ông Luật và khuyên ông không nên theo đuổi những vụ án chính trị. Sau đó ông Luật bị cho là đã lợi dụng phiên tòa để tuyên truyền chống phá nhà nước.
Người ta đã tước bằng luật sư của ông Luật, và ông thường xuyên bị cơ quan công an mời làm việc. Theo ông kể thì trong khoảng thời gian 7 năm ông phải gặp cơ quan an ninh đến hơn 300 lần. Khi bị buộc phải chấm dứt hành nghề luật sư và cũng không tìm được việc làm nào khác, ông Luật lâm vào tình trạng rất khốn khó.
Khi biết được tình trạng này, cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị rằng ông có thể xin đi tỵ nạn chính trị. Đứng trước tương lai không sáng sủa của gia đình và bản thân ông Luật chấp nhận xin đi cư trú chính trị tại Mỹ…
Không rõ tình cảnh pháp lý của 3 vị luật sư ra sao, nhưng như phát biểu ‘uyển ngữ’ của luật sư Đặng Đình Mạnh tại Hoa Thịnh Đốn hôm 16-6-2023 cho thấy đây có thể là vấn đề của tỵ nạn chính trị: “Việc tôi xuất cảnh, đi lại, cư trú và chọn nơi lao động như thế nào là quyền của tôi. Đây là quyền tự do của công dân theo hiến pháp. Không một cơ quan nào có thể cản trở những quyền này của tôi cả. Thực tế, tôi đang thực hiện các quyền tự do của công dân theo hiến pháp quy định mà thôi”.