VNTB – Ước gì họ chịu lắng nghe ngay từ đầu…

VNTB – Ước gì họ chịu lắng nghe ngay từ đầu…

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Phải đến khi mà các đại diện hội ngành nghề có vốn đầu tư nước ngoài ‘hạ chiến thư’ sẽ rời ‘cuộc chiến Covid’ ở Việt Nam, thì người ta mới được nghe những ý kiến mà phải chi ngay từ đầu họ dám nói ra…

 

Ông Trần Đắc Phu – người có chức danh cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp cộng đồng (Bộ Y tế), mới đây đã cho rằng với tâm lý lo sợ dịch bệnh lây lan, khi phát hiện F0, thay vì điều tra dịch tễ một cách kỹ lưỡng, xét nghiệm sàng lọc để xác định phạm vi ổ dịch, “nhiều nơi vội vàng phong tỏa cả thôn, xóm, xã, phường, khu chung cư hoặc rộng hơn”. Cách làm này gây lãng phí nguồn lực và “phong tỏa rộng mà không chặt thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong khu phong tỏa sẽ tăng lên”.

Ý kiến của ông cố vấn chẳng mới mẻ gì, vì ngay tử đầu ai cũng thấy rõ là khi ‘nhốt’ dân chúng cả thành phố lại để ‘chọc mũi’, thì một mặt họ bị tạm tước mất quyền làm việc, quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú, mà nguy hại hơn nữa là họ bị tước mất luôn quyền được đi khám bệnh.

Đầu tháng 6-2021, không ít ý kiến từ giới y khoa ở Sài Gòn đề xuất nên để các F1 tại nhà của họ – thậm chí, khi F1 đang cách ly tại nhà mà chuyển thành F0 nhưng không triệu chứng, hoặc tình trạng không nặng thì vẫn tiếp tục cách ly tại nhà.

Lập luận khi ấy như sau: TP.HCM những ngày qua (tức thượng tuần tháng 6-2021) vẫn giữ được số ca bệnh ở mức vài trăm, chưa bước qua con số ngàn, nhưng lượng người tiếp xúc qua các vòng ước chừng đã 170.000 – 200.000 với hàng trăm địa điểm phải khoanh vùng, phong tỏa và hàng ngàn người phải cách ly tập trung. Chỗ đâu mà cách ly, sức người sức của cho việc xét nghiệm sẽ rất lớn, chưa kể các hệ lụy khác.

Với thực tế đang diễn ra, hàng chục ca nhiễm chưa rõ nguồn lây, nguy cơ có hàng ngàn người nhiễm cùng lúc không còn là một viễn cảnh, vì dù chúng ta đang cố gắng truy vết nhưng không thể nào không bỏ sót.

Cách chúng ta đang làm là cách ly tập trung 100% các trường hợp F1, nếu số ca nhiễm cùng lúc lên hàng 5.000, 10.000 hoặc cao hơn nữa thì lượng người phải cách ly sẽ cực kỳ lớn, nhân lực và cơ sở hạ tầng khó lòng chịu thấu.

Đó là chưa kể trung bình có 5% bệnh nhân trở nặng, cần điều trị, thậm chí can thiệp bằng những trang thiết bị hồi sức cao cấp để cứu mạng. Nghĩa là cứ 1.000 ca nhiễm thì có 50 ca phải can thiệp sâu. Nếu lượng ca nhiễm càng cao thì số ca nặng cũng tăng lên tương ứng, áp lực chữa trị sẽ càng đè nặng lên lực lượng y tế.

Với cách lập luận trên, giới y khoa ở Sài Gòn cho rằng có một điểm có thể tác động rất lớn lên nhận thức người dân Sài Gòn khi để F1, F0 không triệu chứng ở nhà, đó là người dân sẽ cảm thấy F0 luôn ở đâu đó, nên họ sẽ tuân thủ tốt hơn rất nhiều. Việc cách ly tập trung triệt để F1 ít nhiều tạo cho những người khác tâm lý chủ quan, trong khi có người còn không biết rằng mình đã là F0 tự lúc nào.

Nhận xét trên còn được căn cứ các đợt giãn cách xã hội đã và đang thực hiện cho thấy việc người dân Sài Gòn tuân thủ 5K trong sinh hoạt, lao động, giao tiếp giúp hạn chế tốc độ lây nhiễm của Covid-19 trong cộng đồng. Do vậy, sẽ hiệu quả hơn nữa, nếu mỗi người tự mình đối chiếu với lịch trình, các khu vực có các ca nhiễm rồi tự cách ly để không biến thành “F0 lang thang”, và đủ thời gian để ngành y tế xử lý các ổ dịch.

Tiếc là các đề xuất của giới y khoa ở Sài Gòn đã không được ‘bề trên’… đoái hoài, để rồi khi thực sự chịu hết xiết đúng như những cảnh báo, thì họ mới bắt đầu dần dần ‘xuôi theo’. Chính vì độ trễ này trong chính sách đã dẫn đến những đổ vỡ kinh tế, nhân mạng – trong đó có đến trên 1.500 trẻ ở Sài Gòn lâm cảnh mồ côi cha mẹ vì đã thương vong khi y tế quá tải cho các hoạch định ‘chống giặc’ của chính quyền trung ương.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Muốn biết lắng nghe thì phải hiểu trước đã!
    Người không thể hiểu làm sao biết lắng nghe?
    Tất cả là tại cái cơ cấu ‘cha truyền con nối’ từ thời quân chủ chuyên chế đã được duy trì bảo thủ lưu giữ…mà không đi đúng đường lối chọn người tài đức qua tuyển dụng chân chính.