VNTB – Vắc xin Trung Quốc có tốt hơn vắc xin Việt Nam?

VNTB  – Vắc xin Trung Quốc có tốt hơn vắc xin Việt Nam?

Hiền Lương

 

(VNTB) – Đừng nói là các vắc xin khác khó mua. Hãy nhớ là từ cuối năm 2020, một công ty tư nhân để bỏ tiền ra đặt mua đến 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca 

 

“Chúng ta không thể so sánh đối đầu vắc xin (head-to-head) do cách tiếp cận khác nhau trong thiết kế các nghiên cứu, nhưng về tổng thể, mọi vắc xin đã có mặt trong trong Danh sách Sử dụng khẩn cấp của WHO đều hiệu quả cao trong việc phòng bệnh nặng và nhập viện do COVID-19”.

Khuyến cáo trên là của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi đề cập về vắc xin Sinopharm của Trung Quốc.

Người Việt có câu, “tiền nào của đó”. Vậy thì nếu mang giá cả ra để thử coi vắc xin nào mắc nhất sẽ là vắc xin tốt nhất ở lúc này đối với Covid-19, liệu có đúng hay không?

Trong bài viết “Giá các loại vắc xin phòng ngừa COVID-19 được cấp phép tại Việt Nam” đăng trên trang web bệnh viện đa khoa MEDLATEC, Hà Nội, bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thanh Tuấn cho biết giá vắc xin AstraZeneca được đánh giá là rẻ hơn so với các loại khác, 1 liều chỉ khoảng 2,4 USD. Giá bán vắc xin Sputnik V cho mỗi liều khoảng 13 USD.

Vắc xin Pfizer do Mỹ sản xuất có thể mua được với giá trung bình khoảng 19,5 USD/liều.

Báo Financial Times ngày 1-8-2021 dẫn tài liệu hợp đồng và thông tin từ một số quan chức cho biết Moderna áp dụng mức giá mới là 25,5 USD/liều thay cho giá 19 euro (22,6 USD) trong thỏa thuận ban đầu với khách hàng Châu Âu.

Một mũi vắc xin Johnson & Johnson có giá khoảng 10 USD.

Còn mỗi liều vắc xin Vero Cell của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm và Beijing Institute of Biological Products, có giá khoảng 13,6 USD.

Vắc xin NanoCovax của Công ty Nanogen Việt Nam, có giá bán lẻ dự kiến 120 ngàn đồng/ liều, tức tương đương 5 USD/ liều.

Như vậy nếu làm phép so sánh của ‘tiền nào của nấy’, thì vắc xin ‘bét’ nhất là AstraZeneca với giá 2,4 USD/ liều. Vắc xin NanoCovax xếp thứ hai với giá mắc gấp đôi là 5 USD/ liều. Vắc xin Johnson & Johnson đứng thứ ba từ dưới đếm lên về giá, với 10 USD/ liều và chỉ cần 1 mũi duy nhất, có nghĩa tương đương vắc xin NanoCovax phải chích 2 mũi.

Ba vắc xin đầu bảng về giá: Moderna, Pfizer, Vero Cell.

Thế nhưng với giới thương mại thì các so sánh ở trên không đúng trong trường hợp các hợp đồng mua vắc xin do Trung Quốc sản xuất, bất kể đó là Vero Cell hay Sinovac/ Coronavac.

“Một người bạn ở Singapore nói với tôi rằng mỗi liều vắc xin Sinovac (còn có tên Coronavac) được chích ở các phòng mạch tư của đảo quốc này, có giá dao động từ 7,5 USD đến 18,6 USD/ liều.

Trung Quốc luôn có những khoản hoa hồng hậu hĩnh cho các hợp đồng thương mại. Họ sẵn sàng ghi giá trên hợp đồng với khoản chênh lệch để phía mua hàng là Việt Nam bỏ túi riêng. Thật sự thì trong làm ăn chẳng ai dại gì mua món hàng 13 USD mà dân chúng Việt Nam chẳng ai muốn được chích.

Đừng nói là các vắc xin khác khó mua. Hãy nhớ là từ cuối năm 2020, một công ty tư nhân để bỏ tiền ra đặt mua đến 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca để rồi sau đó Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nhượng lại cho chính phủ vào tháng 6-2021” – một chủ doanh nghiệp trong ngành sinh phẩm y tế ở Sài Gòn, nhận xét.

Có một câu hỏi đặt ra, đặc biệt là với lực lượng dư luận viên của Tuyên giáo Đảng: “Quan ngại về hiệu quả, vì sao nhiều nước vẫn dùng vắc xin Trung Quốc?”.

Các nhà phân tích nhận định, việc sử dụng công nghệ vắc xin truyền thống là virus bất hoạt giúp Trung Quốc nhanh chóng phát triển và đưa vào sản xuất. Dù có hiệu quả giúp giảm bệnh nặng và tử vong, song vắc xin Trung Quốc được đánh giá là kém hiệu quả bảo vệ hơn các loại vắc xin sử dụng công nghệ mRNA như của Pfizer/ BioNTech và Moderna.

Vài tháng gần đây, khi bắt đầu có thêm nhiều lựa chọn vắc xin khác, một số quốc gia đang phát triển đã quay sang các nhà cung cấp vắc xin khác do lo ngại về hiệu quả của vắc xin Trung Quốc trước biến thể Delta.

Đơn cử, một số khách hàng lớn của vắc xin Trung Quốc – như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE theo tên tiếng Anh là United Arab Emirates), Bahrain – đã bắt đầu dùng loại vắc xin khác để tiêm mũi tăng cường do lo ngại vắc xin Trung Quốc kém hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta nguy hiểm.

Thái Lan cũng đang kết hợp vắc xin của hãng công nghệ sinh học Trung Quốc  Sinovac với vắc xin của hãng dược Anh AstraZeneca. Trong khi đó, Nam Phi được cho là đã từ chối 2,5 triệu liều vắc xin Sinovac được phân bổ qua COVAX – cơ chế đảm bảo tiếp cận vắc xin công bằng toàn cầu. Nigeria cũng chỉ xem 8 triệu liều vắc xin của Tập đoàn Y Dược Trung Quốc (Sinopharm) nhận được qua COVAX là vắc xin “tiềm năng”.

Indonesia đã công bố một động thái tương tự từ đầu tháng 7-2021, họ nói rằng sẽ tiêm tăng cường Moderna cho các nhân viên y tế được đã được chủng ngừa bằng Sinovac.

Trở lại với NanoCovax của Việt Nam.

Cho đến nay, vắc xin Nga, Trung, Cuba, UAE gì cũng được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép khẩn cấp hết rồi, trong đó có những vắc xin mà phương Tây lẫn Mỹ vẫn cho rằng còn tù mù dữ liệu thử nghiệm khoa học và hiệu quả thực tế.

Vậy thì, hãy hỗ trợ tối đa cho vắc xin Việt Nam ra đời. Đây không chỉ là uy tín quốc gia, lợi ích kinh tế, mà đặc biệt là vì sức khỏe quốc dân đồng bào ngay bây giờ và mai này. Việt Nam phát triển được công nghệ vắc xin hiện đại, sẽ yên tâm hơn nhiều khi tiếp tục xảy ra các đại dịch hậu Covid-19 (khó tránh khỏi), chứ không phải đi xin, ăn đong khắp nơi và xếp hàng mỏi mòn như hiện nay.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)