J.B Nguyễn Hữu Vinh
(VNTB) – Có một câu chuyện đã tưởng kết thúc khi trắng đen đã rõ ràng, mọi chuyện đã được khép lại. Thế nhưng hôm nay trên trang Việt Nam Thời Báo (www.ijavn.org) là trang báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam lại xuất hiện bài viết “Tấn công lẫn nhau, dù đúng hay sai đều mang hậu quả xấu cho phong trào chung”, tác giả bài viết là Mai Tú Ân.
Cuộc tranh cãi đòi hỏi sự minh bạch
Trên mạng xã hội Facebook tuần qua, nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt, thu hút sự chú ý của nhiều người về một vấn đề: Ăn chặn tiền cứu trợ của một nhân vật: Người tổ chức nhóm Cứu lấy dân oan và nay là nhóm Mai Info.
Câu chuyện tưởng đã kết thúc để không mất thời gian của nhiều người khi sự thật đã được vạch rõ. Những khoản cứu trợ bị biển thủ, những thủ đoạn gian dối đã được vạch ra chi tiết với những câu hỏi gắt gao yêu cầu trả lời. Thế nhưng thay vì thái độ cầu tiến của một người cầm tiền của bá tánh, ông ta luôn lẩn tránh và lấp liếm mà không trả lời bất cứ điều gì – bởi không thể trả lời.
Việc đầu tiên, tệ hại hơn cả là dùng ông ta dùng một số nick giả để ca ngợi mình như những lãnh tụ, đạo đức và chửi bởi những người đấu tranh không vào cánh của ông ta. Nick Le Quang Ha là một ví dụ điển hình.
Việc sử dụng tên giả để viết về mình, ca ngợi mình là một hiện tượng thuộc về liêm sỉ và nhân cách. Người ta có thể dùng tiền bạc, lợi ích vật chất và nhiều thứ để ca ngợi mình. Người ta có thể dùng súng, đạn để buộc người khác viết về mình, ca ngợi mình. Người ta cũng có thể dùng nhiều biện pháp giả dối khác nữa để tuyên truyền cho một số người thành những vị “Thánh”. Đặc biệt xuất hiện khá nhiều ở Chế độ Phát xít và chế độ Cộng sản.
Tuy nhiên, hiện tượng dùng tên giả đánh phá người khác, ca ngợi mình để lôi kéo người khác vào những việc đóng góp tiền nhưng không minh bạch thì điều này mới xuất hiện gần đây khi mạng Internet phát triển. Thực chất đó là một trò lừa đảo những đồng tiền ân nghĩa đổ vào “cái xô” của mình.
Rồi nhiều chứng cứ cụ thể được đưa ra để chất vấn và đề nghị làm rõ đều bị lảng tránh.
Chẳng hạn, số tiền gần 18 triệu trong số mấy chục triệu của bà con được kêu gọi để làm nhà văn hóa cho dân Bãi giữa ở đâu? Ông ta không trả lời.
Chẳng hạn việc nhận tiền của người ở nước ngoài, xong không đưa vào các khoản thu cứu trợ, khi người ta hỏi thì khóa nick Facebook của họ lại, chặn số điện thoại.
Chẳng hạn việc các bản thu chi được công bố trên mạng trong một bản báo cáo của một ngày, đã chênh lệch cả 11 triệu đồng hoặc khoản tiền 28.800.000 đồng đã nhận bổng nhiên không cánh mà bay. Nên nhớ có rất nhiều bản báo cáo trong một đợt như vậy.
Chẳng hạn việc khi người ta hỏi về con số thu chi được công bố trên mạng, thì ngay lập tức ông ta vào sửa lại con số… để lấp liếm.
Một thông tin mới cho tôi biết: Còn nhiều bằng chứng tham nhũng, ăn chặn mà họ chưa công bố.
Vậy điều gì sẽ xảy ra với mấy năm trời họ tự thu, tự chi, tự báo qua facebook mà không có một sự kiểm soát hoặc minh bạch nào được ai đề cập?
Và còn nhiều những vụ việc khác chưa tiện nêu lên.
Hẳn nhiên, việc những người đòi hỏi một xã hội công bằng, minh bạch là điều hoàn toàn chính đáng và cần thiết cho những người chấp nhận làm những công việc thiện nguyện bằng tiền của từ bốn phương. Cũng nên nhớ, đó là những đồng tiền nghĩa tình, chắt chiu từ những tấm lòng hướng về đất nước, về quê hương với những hoàn cảnh khốn khó.
Thế rồi khi không thể trả lời những yêu cầu minh bạch, ông ta quay ra dùng biện pháp đe dọa bằng bạo lực với các cá nhân và gia đình những người yêu cầu.
Cộng đồng mạng chộn rộn bàn tán, kẻ chê người bênh ông ta. Thậm chí có những người còn bênh rằng: Dù có sai, , dù có ăn chặn nhưng nó cũng làm được một số việc… Hoặc ai đóng góp tiền bạc cho việc cứu trợ thì mới được đòi minh bạch, nếu không thì đó là dạng “thiếu liêm sỉ, vô văn hóa”, “tiền từ thiện đã vào chúng tôi mà không nói rõ thì chúng tôi muốn dùng thế nào là tùy ý”…
Chuyện rồi cũng tưởng qua đi sau khi quan sát những hành động và cách xử lý của những người liên quan. Và cộng đồng tạm yên ắng để chú ý vào những câu chuyện khác.
Thế rồi xuất hiện bài viết của Mai Tú Ân nói trên. Đọc kỹ bài viết, người ta nhận thấy đây là bài viết cố công bào chữa cho hành động thiếu trong sáng và minh bạch của nhân vật đã nói.
Tấn công lẫn nhau?
Theo tác giả Mai Tú Ân, thì đó là “những người đấu tranh dân chủ với những người dân chủ đấu tranh liên quan vấn đề tiền bạc làm từ thiện. Một cuộc huynh đệ tương tàn, gà nhà đá nhau hay quân ta đánh quân mình”.
Tôi không tự nhận mình là một nhà nào, kể cả đấu tranh, hoặc dân chủ, tôi cũng không tham gia hội nhóm từ thiện nào kêu gọi tiền bạc. Nhưng ở đây, tác giả đã đánh đồng giữa hai loại đối tượng là những người đấu tranh dân chủ và người cơ hội sử dụng phương thức từ thiện mang màu sắc đấu tranh.
Nhà báo Võ Văn Tạo, một người từ Nha Trang, Khánh Hòa xa xôi sau những trải nghiệm về nhân vật này đã nhận định “Thực chất, ông ta chẳng phải người có ý thức dấn thân vì tự do, dân chủ, mà chỉ là kẻ ký sinh hào nhoáng và “chuyên nghiệp” trên lòng tốt, sự cả tin của bá tánh hảo tâm”.
Do vậy, việc đánh đồng giữa những người đấu tranh dân chủ và “kẻ ký sinh hào nhoáng và “chuyên nghiệp” trên lòng tốt, sự cả tin của bá tánh hảo tâm” là sự thiếu chính xác về bản chất.
Chính vì sự thiếu hiểu biết chính xác về bản chất, nên tác giả Mai Tú Ân đã cho rằng việc đó là “quân ta đánh quân mình” – một sai lầm tai hại.
Và nếu thật sự đó là một nhà đấu tranh dân chủ thật, thì việc loại bỏ những sự cơ hội, lợi dụng danh nghĩa đấu tranh để trục lợi bằng sự minh bạch thì có nên không?
Theo quan điểm của chúng tôi, việc đó là hết sức cần thiết. Dù phong trào đấu tranh cho dân chủ còn mong manh, còn yếu đi nữa thì cũng không thể để nó tự do phát triển trên nền tảng của sự dối trá và lừa đảo. Bởi càng lớn lên trên nền tảng đó, thì nền dân chủ nếu có, cũng chỉ như con người chứa nhiều mầm bệnh sẽ đến ngày tàn lụi mà thôi. Việc đòi hỏi một xã hội dưới chế độ độc tài Cộng sản phải thay đổi để minh bạch, công khai, dân chủ trong mọi việc nhằm hạn chế nạn tham nhũng, ăn cắp, dối trá và lừa đảo là điều hết sức khó khăn thì không thể lại phấn đầu thay thế nó bằng một tư duy “đóng cửa bảo nhau”, “xử lý nội bộ” hay bỏ qua những điều không thể bỏ qua, chỉ vì “hình như nó là phe mình”.
Nhà đấu tranh dân chủ từng đã chấp nhận tù đày và kiên cường chống lại chế độ độc tài Tạ Phong Tần đã nói về vụ việc này như sau: “Tôi rất đau lòng khi thấy những chuyện như thế này. Nhưng nếu thấy cần thiết để lấy lại niềm tin của quần chúng thì bắt buộc phải chống cả những người đấu tranh mà công tư lẫn lộn, ko rõ ràng”.
Chúng tôi không có quan điểm giống của tác giả Mai Tú Ân, rằng “tôi không biết chuyện đúng sai” nhưng vẫn ngồi phán “đoàn kết” bởi vì “tấn công lẫn nhau dù đúng hay sai đều mang lại hệ quả xấu cho phong trào…”
Đây là một quan điểm rất lạ trong những người cầm bút của Hội Nhà báo Việt Nam Độc Lập.
Bởi khi đã nói đến một vấn đề để bày tỏ quan điểm của mình, mà không cần biết đúng, sai thì làm sao đủ tư cách để bàn đến nó. Nếu nghe một người nông dân như thế này có lọt tai không: “Tôi không cần biết nó bệnh gì, nhưng đem vào bệnh viện là không được” vì nhà tôi đang ít người lao động”?
Nếu chỉ vì phonng trào mà chấp nhận sự dối trá, sự không minh bạch, thì phong trào đó là phonng trào gì và sẽ đi về đâu?
Bởi nếu vậy, báo chí và xã hội tại sao cứ phải kêu gào, lên án việc thiếu minh bạch của nhà nước Cộng sản Việt Nam khi có những hiện tượng bất công trong hệ thống pháp lý khi người dân trộm cái bánh mỳ thì bị tù, còn bà Mạc Diệu Lan – Phó Chánh Văn phòng sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng thì không khởi tố vụ án hình sự. Ở đó, nhà nước Cộng sản cũng đang vì “phe ta” và “đoàn kết” đấy thôi.
Bởi nếu vậy, thì điều Phó Giám đốc Công an Tp Hồ Chí Minh mới tuyên bố việc chống tham nhũng hết sức khó khăn, vì hầu hết những kẻ tham nhũng là đảng viên mà Công an không được trinh sát đảng viên do chỉ thị 15 của Bộ chính trị hết sức có lý vì đảng viên thuộc “phe ta”?
Và có lẽ cũng vì tư duy như vậy, nên cũng chính ông Thiếu tướng Phó Giám đốc Công an này đã cho biết: “có hơn 1/3 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản “nhưng làm xong là đút vào ngăn tủ cất”, có đúng không, hợp lý không thì không ai biết.” Bởi chẳng ai được phép công khai, minh bạch những tài liệu đó vì nó thuộc “phe ta”.
Vậy thì cái Phong trào, cái đấu tranh đó nhằm mục đích gì?
Hay lại tiếp tục đưa đất nước vào tình trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” dày hơn, cứng hơn và khó tiêu hóa hơn?
* Bài viết trên mục Diễn đàn thể hiện quan điểm riêng của tác giả