Ngụy Hữu Tâm
Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.
Tôi viết bài này vào ngày vừa tiêm mũi hoocmôn thứ hai ở BV Quân Y 108 trở về nhà, cũng là đạt được một bước trên con đường trị căn bệnh quái ác này. BV này quá đông bệnh nhân nên thủ tục khá rườm rà, mất hơn tiếng đồng hồ, bệnh nhân ngoại trú cũng phải có giường riêng, phải thay quần áo của bệnh viện chứ không được mặc thường phục. Buồn cười nhất là cậu điều dưỡng viên trẻ mở hộp thuốc ra thấy kim tiêm to đùng, mà lại phải tiêm vào bụng thậm chí một cụ U80 nên có vẻ ngại, chắc chắn lần đầu tiên, bèn bảo: „Cháu sợ bác đau, thôi cháu bảo cô điều dưỡng viên này tiêm cho bác“. Đúng thế. Nhưng dẫu sao vẫn không nhẹ như lần đầu vợ mình tiêm.
Lại nói cái đêm hôm kia cũng chẳng khác gì đêm đặt xông, chỉ có đau đớn kiểu khác. Lần đầu tiên trong đời sốt lên đến 39º8, rét run lên dù đắp hai chăn, may vợ có sẵn thuốc trong nhà cho ống thuốc hạ sốt, mồ hôi liền vã ra như tắm, phải thay quần áo ngay, hết sốt, hết đau đầu. Bèn bảo vợ, sau không cho anh thuốc này ngay từ đầu tiên, anh khỏi khổ sở thế, nàng bảo, cái gì cũng có cái giá của nó, anh dùng nhiều thuốc này thì coi như cái gan anh đi toong.
Nhân nói chuyện gan. Đợt đau vừa qua đã làm tôi nản chí, có lần nói vợ „anh chỉ muốn sớm được ra đi thôi cho hết khổ“. Vợ tôi cau mặt. sao anh nói gở thế, anh là trụ cột trong gia đình, còn em, còn các con, anh đi thì xã hội nó nhìn gia đình này khác ngay lập tức. U80 mà ông nổi quá, Hãy nhìn cậu K em họ vợ tôi, còn khổ hơn rất nhiều. Mẹ nó và mẹ vợ tôi là hai chị em ruột, gia đình giàu có nhất nhì Hà Nội, ông cụ thân sinh từng có một nhà ngay sát rạp Hồng Hà và nhiều nhà quanh khu vực chợ Hàng Da đó, nói ai cũng nể, có xe hơi riêng, hàng tuần đánh xe xuống Hải Phòng chơi, nhưng chơi bời trác táng quá khánh kiệt, mất hết nhà.
Kháng chiến bùng nổ, hai chị em lên Việt Bắc, một người làm dược tá, người kia y tá, vì gái Hà Nội chính hiệu nên mẹ vợ tôi lấy bố vợ tôi, BS Quân Y, đã kể nên không nhắc lại, bà em, mẹ K lấy một ông chuyên gia tiếng Tây Ban NHa là ban đối ngoại Bộ Quốc Phòng, sau kháng chiến cũng lên đại tá, nhưng chết sớm, ngay năm 1975, vì ung thư đại tràng.
Ông con, cậu K. có bà chị giỏi giang, giống tính bố, hết sức căn cơ đến mức chi li, được sang Kiev, Ucraina học ngành kinh tế hàng không, từng làm trưởng phòng kinh doanh Vietnam Airlines, có villa to đùng và khách sạn cho Tây thuê ngay cạnh Nhà máy Bia Hà Nội. Nhưng ông em tính tình khác hẳn, sống quá ư thoải mái. Năm 1975, mới 14 tuổi, vì biết có nhiều họ hàng giàu có trong SG nên leo lên nóc tàu hỏa vào Nam chơi, không một xu dính túi. Ở trong đó hàng tháng mới ra. Đầu tiên theo học trường Sĩ quan Xe hơi (DZ, em vợ tôi, học E 400 như tôi mà), rồi lại chuyển trường Sĩ quan Cảnh sát, tuy không tốt nghiệp nhưng cả đời hành nghề lại xe nên lái giỏi và quen biết cũng nhiều, kể tất cả công an nên tạm gọi cũng thành đạt.
Nay có ngôi nhà 5 tầng to, mặt tiền ngay cạnh bà chị ở hơi ngách một chút, lại đã từng đi lái cho Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh 3 năm, vợ đi theo là đầu bếp nên cuộc sống miễn chê. Về hưu năm ngoái. Thế mà tối qua bà vợ K gửi cho vợ tôi xét nghiệm bệnh viện: K dạ dày giai đoạn cuối, đã lan sang cả gan. Tôi rùng mình, thương mình thì ít mà thương cậu em họ nhiều hơn, sắp tới đi phẫu thuật đủ kiểu, đau đớn, tốn rất nhiều tiền, mà hậu quả ra sao đây.
Cũng tại lỗi cậu ta, sống quá ư thoải mái, mà „bệnh nghề nghiệp“ mà, trước đây quá ư dễ dãi với bia rượu. Hay là đời tại số mệnh? Và liệu cậu ta có chấp nhận chữa trị đau đớn & tốn kém hay quay về với „Đông y“ chỉ là lời an ủi ngàn năm để ra đi trong ít tháng nữa. Cậu ta đã nhận số phận, hôm qua đã tổ chức chuyến đi thăm quê lần cuối ở Hành Thiện, Nam định. Cũng không dám lái nữa mà nhờ anh bạn lái hộ chiếc xe 7 chỗ những người thân thiết nhất. Cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho cậu em K.
Lại nói về nghề nghiệp của tôi. Tôi dừng lại ở hè 1974, sang Berlin ngày 16.04 thì hôm sau anh Phúc dẫn đến Adlershof gặp thày là Dr. Roland König, trưởng nhóm laser màu của Viện ZOS. Người Đức thực tế ghê, sau vài câu xã giao thông thường, ông dẫn tôi đến Phòng tài vụ chi ngay 325 Mác (tiền chiếc xe Mifa) là nửa tháng lương, trong khi bên Bộ Đại học chỉ chi 480 Mác, nhưng cũng phải nói, chúng tôi may mắn là những người đầu tiên đi theo chế độ trao đổi tương đương giữa các VHL tất cả các nước XHCN nên mới được thế, sau này ghé thăm các bạn ở Moscow thấy cũng tương tự.
Lại chi nghỉ luôn cả tuần để làm các thủ tục với VHL, ở trung tâm là Helhmholzstraße, ngay sát Tây Berlin kia, nhưng đi U-Bahn (xe điện ngầm, xe trên mặt đất là S-Bahn, xe trên cao như ta và Thái thì châu Âu ít xây, theo tôi biết) thì thoải mái, đâu cũng đến được, chỉ phải lội bộ thêm 15-20min. Ở đó sau khi làm giấy tờ như thẻ cư trú cho người nước ngoài và các giấy tờ khác, họ còn cho tôi 300 Mác, (lúc đó gọi là MDB, Mark der Deutschen NotenBank để phân biệt với DM của Tây Đức khi 1949 chia cắt hai miền. lúc đầu là một đổi một.
Năm 1989 khi bức tường Berlin đổ, đã phải đổi là một đổi…bảy, ưu việt của CNXH mà). Tôi thỏa sức vào Centrumwarenhaus (siêu thị trung tâm) mua sắm, gặp ngay anh Bạc là người đã từng dịch cho MR khi ông ta thăm CHDC Đức, rồi „chót“ lấy vợ Đức, mà là con một ông huyện ủy viên hẳn hoi, mà tôi từng kể trước rồi, hai anh em lâu ngày không gặp nói chuyện hả hê, anh từng chăn bò bao năm trên Sơn Tây, cũng là điểm nhấn thêm cho mình biết CNCS là gì.
Trở lại những ngày năm 1974 sang Viện ZOS VHLKH CHDC Đức ở Berlin với đề tài nghiên cứu khoa học là gì, sợ sâu quá phiền lòng bạn đọc, chỉ nói qua điều ai cũng hiểu, miễn học qua vật lý đại cương. Laser phát ra ánh sáng đồng bộ nên mới có những ưu việt mà ứng dụng nó khắp nơi ai cũng thấy, nhưng nó chỉ phát ở một tần số cố định, nên bị hạn chế. Việc chuyển đổi tần số (hay bước sóng ánh sáng) có nhiều cách mà một là OPO (Optical Parametric Oscillator-máy dao động thông số quang học, chuyên môn này là của GS TB Chữ, cũng làm cùng tôi ở ZOS rồi về công tác Bộ Quốc phòng), cách này khó hơn, đòi hỏi thiết bị đắt tiền hơn.
Cách thứ hai mà chúng tôi ở nhóm laser màu theo đuổi là dùng laser màu rồi dùng hiệu ứng trừ tần số DFM (Difference Frequency Mixing) cũng đạt được điều tương tự. Cả hai cách đều phải dùng hiệu ứng quang phi tuyến, tức là các sóng ánh sáng tương tác trong các tinh thể đặc biệt mang tính chất này, gọi chung là phi tuyến. Chuyên môn quá sâu của ngành quang học, bạn đọc quan tâm xin đến Thư viện Quốc gia có lưu trữ các luận án TS mà chúng tôi đã được dùng tháng để dịch ra tiếng Việt , từ đầu năm 1978, cách nay 44 năm rồi.
Nay thi thoảng lên viện chơi, thấy các đồng nghiệp vẫn còn dùng các máy thời xưa chúng tôi, dĩ nhiên nay các bạn cũng có rất nhiều máy hiện đại rồi, và làm các đề tài hiện đại, xung không còn là nano giây như xưa nữa mà femto giây là khó gấp ngàn lần rồi. Bước tiến vật lý là như vũ bão, thế mới có các tiến bộ nha máy tính hay điện thoại thông minh chứ. Nhưng người làm nghiên cứu khoa học thì ở đâu cũng nghèo khi so với các nghề khác, thế nên mới cần niềm đam mê. Và ngày nay ít bạn theo đuổi nghiên cứu khoa học cũng là điều phải chấp nhận thôi.
Nhưng để trở thành nước công nghiệp phát triển thì cái đích 2045, theo tôi và rất nhiều bạn bè tôi, là không tưởng, nói cho vui thôi. Có là nước dân chủ, tự do tư tưởng mà còn khó, nói chi đến độc tài toàn trị, đến phát biểu ý kiến hơi khác đã bị trù úm chứ nói chi tù đày, nếu đụng chạm chính trị. Ai chẳng biết, để phát triển khoa học và sáng tạo, điều kiện cần và đủ là tự do, mà cái đó là cái cấm kỵ ở nước này.
Quay trở lại, ý của thầy König là trừ ánh sáng laser Ruby (đỏ) với ánh sáng laser màu thì ta có ánh sáng miền hồng ngoài vì ta điều chỉnh ánh sáng laser màu được mà. Thu ánh sáng đó trên máy quang phổ nhiễu xạ DFS 2 của Hãng CARL ZEISS nổi tiếng mà ở Hà Nội hồi đó chúng tôi cũng có do nước bạn CHDC Đức hào phóng giúp đỡ. Mà dùng laser Ruby cổ điển lâu lâu mới bắn bùm một phát, lọ mọ ra rửa kính ảnh trong buồng tối xem có hiệu ứng mới không (phát xạ laser hồng ngoại) thì chẳng biết bao giờ mới đến đích.
Giữa chừng, sau sự cố 1975 tôi được về phép, sẽ kể sau, sang làm mãi không ra, Dr. Lau, thầy anh TS Thúy, trưởng phòng tán xạ Raman, ở các phòng ngay bên cạnh, cũng có sang thăm Hà Nội một lần mà tôi từng làm tourguide cho thầy khi đi thăm thành phố và dịch thuật khoa học cho thầy, mới gợi ý tôi, sang làm với thầy thì xong ngay vì thầy đã đầy kinh nghiệm với Việt Nam (mở ngoặc nói người Đức khi đó đánh giá TS nước ngoài bảo vệ luận án ở CHDC Đức thế nào: ‚Mày cứ bảo thầy mày báo luận án „unter Dienstverschluss-bí mật quốc gia“ phải bảo vệ hội đồng kín là xong ngay thôi mà’, sếp Hiệu cũng từng nói: „Bất cứ con bò nào qua được biên giới là cũng có thể mang tấm bằng TS về“).
May quá luận án tôi không thuộc dạng đó. Mà tôi đủ tỉnh táo, khéo léo từ chối thiện ý của thầy Dr. Lau, cứ tiếp tục với thầy König. “Cụ” bị dồn thế bí, cuối 1977 phải xong vì đã là trên 3 năm rưỡi, phải dùng tổng lực thôi. Cũng may các laser nitơ mà Viện ZOS khi ấy sản xuất cũng đã đủ mạnh và hoạt động với độ tin cậy cao, tần suất xung hình như đã đạt 24x/s, có thể dùng thoải mái, chúng tôi dùng nó với một laser màu của ZOS, cũng đã có trình độ cao tuy chưa ngang ngửa thế giới nhưng dùng được. Còn máy thu hồng ngoại, ai còn dùng kính ảnh nữa, tôi từng sang mau cho các anh Thúy, Anh bên Tây Berlin đủ loại, bán đầy trên thị trường. ZOS khỏi mua, làm công văn mượn bên Bộ Quốc phòng CHDC Đức 3 tháng là có ngay.
Tôi kết nối với tivi, thấy tất cả kết quả trên màn hình, cứ như xem phim „chưởng“ ấy. Tinh thể phi tuyến thì lúc ấy cũng đã có nhiều loại tốt, rẻ, hợp với đề tài là LiNioO3 nên chúng tôi có ngay, chỉ ít tháng sau là tôi đã phát hiện hiệu ứng mới DFG-Difference Frequency Generation, phát xạ tần số trừ trong miền hồng ngoại (nghĩa là ánh sáng laser), có 2 bài báo ở CHDC Đức, một ở Optics Communication (Mỹ), một nữa ở Kvantovaja Optika (báo vật lý đầy uy tín Liên Xô thời ấy). Bảo vệ ở Hội đồng khoa học Khoa Lý trường đại học HUB, quá ư nghiêm chỉnh, ở đời may hơn khôn (lỏi) mà.
Sáng thứ sáu này bạn Khải mời lên nhà chơi. Trời mưa suốt chứ không như tuần trước, gió Bấc thổi ào áo, tôi lại theo con đường cũ ven đê sông Hồng lên khu Ciputra, mưa gió ào ào nên đi mất đúng 2 tiếng thay vì tiếng rưỡi tuần trước, và cũng chẳng còn thấy thi vị nữa.
Ăn trưa quá sang trọng với món thịt bò xào măng tây, đây là món quá ngon của Tây, tôi nhớ có lần VHLKH Đức tổ chức cho chúng tôi đi chơi một ngày ở Potsdam, trưa vào nhà hàng ăn, bọn tôi được ai mấy tự do chọn món mình thích, tôi đã chọn món này, làm sao quên dù đã nửa thế kỷ trôi qua. Chị Nhu vợ anh Khải còn làm món canh chua lá giang nấu thịt gà, vị chua ngọt cực ngon, lần đầu tiên trong đời được ăn nên không thể quên, không dễ kiếm ở chợ đâu, anh chị Khải & Nhu chu đáo quá.
Xin tóm qua tờ Spiegel số 6 tháng hai 2022. Trang bìa có con gấu trắng đen nổi tiếng của Trung Quốc, nhưng có cặp mắt hết sức dữ dằn với tiêu đề: Festung China – Das Olympia Theater – und der gefährliche Hochmut einer Supermacht – Thành trì Trung Quốc – Trò hề Olympic (Mùa Đông) và sự kiêu ngạo nguy hiểm của một cường quốc, cũng chẳng hề kém gì số trước với con gấu Putin, chỉ có lần này là con gấu Trung Quốc (chứ không phải họ Tập vì y chưa lộ rõ mặt như thế), nhưng sự nguy hiểm chẳng hề vì thế mà kém cạnh gì.
Bên trong là 10 trang với 3 bài: Các cuộc giao tranh Thế vận hội được tiến hành ở một nước mà nó xa cách phần còn lại của thế giới, Chính phủ CHLB Đức muốn làm căng thẳng hơn đường chính trị đối với giới lãnh đạo Trung Quốc và cuối cùng là bài tổng kết lịch sử: 50 năm sau, chuyến đi thăm Trung Quốc của Nixon có phải là một bước đi sai hay không?
Lấy cớ sợ dịch cúm corona, các cuộc giao tranh Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh xảy ra ở một thế giới song song bị khép kín. Thế nhưng song song, Trung Quốc cũng tách biệt với phần còn lại của thế giới về cả mặt chính trị lẫn kinh tế – với những hệ quả cũng nguy hiểm cả cho CHLB Đức. Bài kể kỹ các cuộc tranh đua tiến hành khép kín thế nào ở một khu vực đồi núi ngay giáp tỉnh Hồ Bắc, với tuyết nhân tạo. Các nhà thi đấu thì vừa xây vội xong. Dẫu đại dịch, Trung Quốc vẫn thực hiện nullcovid và vì vậy tất cả vận động viên khắp thế giới hàng ngày vẫn phải làm test. Dĩ nhiên khách du lịch nước ngoài không được đến đã đành, ngay người dân Bắc Kinh cũng bị hết sức hạn chế tiếp xúc, nghĩa là tới dự các cuộc đua. Chưa nói nhiều nước công khai tẩy chay, ít nhất là đối với quan chức thể thao và quan chức chính trị. Duy nhất có Putin đến, chắc chắn muốn có Trung Quốc hậu thuẫn cho cuộc chiến ở Ucraina sắp diễn ra. Và Trung Quốc cũng đã được báo trước sự kiện này.
Đấy là góc nhìn từ nước Đức, nước có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu và nền khoa học, phát minh sáng chế, công nghệ và công nghiệp phát triển trước Trung Quốc hàng trăm năm, nhưng chỉ trong ít năm qua bị Trung Quốc ăn cắp công nghệ, đã bị Trung Quốc vượt mặt. Trung Quốc lấy cớ corona để tách biệt thế giới bên ngoài. Thế nhưng Trung Quốc rất khác Nga, dân Nga nhìn chung không đồng tình với Putin, nhưng Tập lại được dân chúng Trung Quốc ủng hộ và họ hài lòng với các chính sách của y, theo cá nhân tôi, cái bệnh Đại Hán của dân tộc Trung hoa quá nặng, khó chữa và đó là mối nguy cơ cho toàn thế giới. Một câu hết sức quan trọng in chữ to là: 1,4 tỷ người dân Trung Quốc sống ở đất nước cực kỳ rộng lớn – và đa số trong họ rõ ràng là hài lòng với chính phủ phi dân chủ của họ. Nếu Trung Quốc ở riêng thì miễn bàn nhưng ở thế giới đang càng ngày càng toàn cầu hóa, chắc chắn thế giới phải phản ứng. Bài cũng đề cập tới sự tự hào của người Trung Quốc và họ hoàn toàn có thể làm điều đó qua các số liệu cụ thể về tiến bộ nhiều mặt. Thế nhưng tách biệt không chỉ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài, mà ngay với cục xương khó gặm: Hồng Công.
Độc tài và dân chủ là nước và lửa. Trung Quốc là vậy, Việt Nam nên có bài học, nước nhỏ bị chính Trung Quốc kìm hãm cả 1000 năm, 80 năm thuộc địa Pháp với văn minh phương Tây, 20 năm chiến tranh chống Mỹ chưa rút đủ bài học ư, hay những người lãnh đạo quá đam mê quyền lực và những quyền lợi mà họ đã ăn cướp được của nhân dân Việt Nam? Từ 77 năm nay. Quá lâu rồi.
Một trang dành cho sự xoay trục của chính phủ Scholz với Trung Quốc. Merkel dẫu hay thế nhưng 16 năm cầm quyền đã để lại di sản quan hệ với Trung Quốc quá nguy hiểm. Quá phụ thuộc về kinh tế để bỏ qua (hay nói nhẹ là làm lơ, y như với Việt Nam dù từ những nguyên nhân khác nhau) vấn đề nhân quyền. Đức nay cũng để ý hơn đến việc Trung Quốc nhúng tay vào nền kinh tế Đức. Ngoài thủ tướng Scholz, 2 đảng FDP và Xanh phụ trách 2 Bộ Kinh tế và Tài chính đều muốn có thế đứng mạnh hơn trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Còn bài „Nixon có quan điểm sai ư?“ kể lại Nixon chuyến đi thăm Trung Quốc tháng hai 1972 của Richard Nixon để mở cửa cho Trung Quốc. Thế mà nay đã nửa thế kỷ trôi qua, ở phương Tây vẫn còn nhiều người tự hỏi, đấy có phải là một bước đi sai hay không? Đã mở hộp Pandora ra, cứ tưởng Trung Quốc sẽ hợp tác với thế giới, thậm chí có lập ra từ „Chimerica“ để nói về mặt kết nối. Đâu biết từ xưa đến nay Trung Quốc là nước muốn bá chủ thế giới. Nay Trung Quốc quá tự tin để sẽ đánh lại toàn bộ thế giới còn lại vì dân số chiếm đến 1/4 thế giới, chưa nói tiềm lực kinh tế và quân sự. Mỹ mở cửa cho Trung Quốc mà hoàn toàn không biết sau đó sẽ như thế nào, cứ nghĩ đơn giản là đôi beeb cần nhau, đâu biết đến sự đểu giả, mưu sâu của người Trung Quốc, từ xưa đến nay, nhưng nay thì đã quá muộn. Chỉ có Việt Nam hiểu Trung Quốc, nhưng lãnh đạo Việt Nam đớn hèn, từ MR cho đến nay, và càng ngày càng lùn hơn.
Trong bài còn hay nữa là bài: „Các chính trị gia Đức làm nhục chúng ta trước toàn thế giới“. Phóng viên Spiegelphỏng vấn hai phụ nữ dũng cảm, tài ba nhất thế giới, hai nữ sĩ giải Nobel Hertha Müller và Svetlana Alexeijevitch đều phải chạy khỏi Đông Âu trước sự tàn bạo của CNCS. Ngay trước đó ba tuần, họ đã tiên đoán được rằng, Nga có thể tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng Ucraina, họ đòi hỏi Đức phải gửi vũ khí sang Ucraina, và ngạc nhiên về hoài niệm Liên Xô (hay rộng hơn là Đại Nga, nếu muốn so sánh với Trung Quốc và nguy cơ cho Việt Nam ta). Đáng tiếc ở Việt Nam vẫn có đến 50% người „sùng Putin“ mà sáng nay khi nói chuyện với một anh bạn thân, PGS Hóa học, hiện vẫn làm việc ở VHLKH&CNVN, tôi đã phải rào đón, „Cậu yêu hay ghét Putin“ thì anh bảo „Yêu“. Không lạ, học ở Nga về nên mang ơn Nga nhưng ngay trí thức cũng không phân biệt được giữa Putin và nhân dân, văn học, âm nhạc, hội họa, khoa học …Nga.
„C’est là vie, đời là vậy“. Chỉ biết an ủi thế. Hãy cảnh giác không thì cãi nhau to.
Hai ngày trước kỷ niệm Trịnh Công Sơn ra đi thế là đã 21 năm. Hiện bây giờ tôi đang mở „Biển nhớ“ trên Youtube. Thời gian trôi đi như con thoi. Xin phép nhân đây kính viếng một trong những nhân tài bậc nhất nước Việt thời nay.
Xin dừng bút (chính xác là nhấn con chuột) để bài sau kể tiếp.
*****
Nhân đây cũng xin liệt ra những bài báo mạng mà thời gian mấy ngày qua, tôi theo dõi được: “Đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam: Họ là ai?
Đến nay chỉ chọn 3 nước làm “đối tác chiến lược toàn diện” là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ đã đề nghị 3 lần nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên “đối tác chiến lược” (thấp hơn “đối tác chiến lược toàn diện” một bậc) nhưng Việt Nam chưa trả lời.
Hôm 21/3/2022, Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Marc Knapper đề nghị nâng tầm quan hệ Việt Mỹ lên “đối tác chiến lược”. Mỹ ít nhất đã đề nghị nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược” với Việt Nam từ thời Ngoại trưởng Hillary Clinton. Gần đây nhất, trong chuyến thăm tháng 8/ 2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhắc lại đề xuất nâng cấp quan hệ thành “đối tác chiến lược”. Cả ba lần nêu trên, Mỹ đều là phía chủ động, nhưng Việt Nam vẫn im lặng.
Bài viết này đánh giá lựa chọn nói trên của Việt Nam thông qua số liệu và tình hình thực tế.
“Đối tác chiến lược toàn diện” Nga: yêu nhưng không hôn
Tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam năm 2021 là gần 670 tỷ USD (Số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam). Trong đó, năm 2021, Việt Nam giao thương:
với Nga là là 5,5 tỷ USD,
với Ấn Độ là hơn 12,8 tỷ USD
với Trung Quốc là 165,8 tỷ USD (còn theo thống kê của Trung Quốc thì đã vượt 200 tỷ USD, có thể do họ tính cả các giao thương phi chính thức), trong đó Việt Nam nhập khẩu hơn 100 tỷ USD, tức nhập siêu 53,9 tỷ USD.
với Mỹ là 111 tỷ USD (trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 96,3 tỷ USD)
với EU là 41,3 tỷ USD,
với Nhật Bản là 42,7 tỷ USD.
Việt Nam cần nhìn vào số liệu để biết nồi cơm của mình nằm ở đâu, và lựa chọn của mình hợp lý hay không. Nga chỉ chiếm 0,8 % tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là nếu nước Nga biến mất thì Việt Nam vẫn có thể dễ dàng bù đắp chỗ khác, mức độ ảnh hưởng không lớn. Ấn Độ chỉ chiếm hơn 1,8% tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là tầm quan trọng của Ấn Độ đối với sự sinh tồn của Việt Nam không hơn Nga là mấy.
Trung Quốc chiếm hơn 24% tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam. Một con số khá lớn.
Hoa Kỳ chiếm hơn 17% tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam, nhưng là nước mà Việt Nam xuất siêu nhiều nhất, 96,3 tỷ USD (xem Tổng cục Thống kê) tức là nơi Việt Nam kiếm được tiền nhiều nhất.
Làm sao có thể “nói chuyện phải quấy” với một tay trùm dối trá?
Cũng như các chế độ độc tài khác, nước Nga được xây dựng trên một “đế chế dối trá”. Đó là trở ngại lớn nhất đối với các cuộc đàm phán hòa bình. Hòa bình đâu không thấy, nguy cơ trở thành nạn nhân của những cam kết bịp bợm là rất cao. Đã có những bài học lịch sử đau thương.
Nói dối không chớp mắt!
Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi của tuần này, nhiều người có cảm giác hy vọng là Nga có thể giảm bớt cuộc tấn công tàn bạo tại một số thành phố của Ukraine sau khi một vị tướng của họ tuyên bố “Giai đoạn 1” của cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã kết thúc để chuyển sang “Giai đoạn 2” giải phóng vùng Donbas thân Nga. Thứ Ba tuần này, sau khi các đặc phái viên Nga thảo luận với phái đoàn Ukraine tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Thứ trưởng Quốc phòng Nga cũng thông báo “sẽ rút lực lượng và giảm mạnh hoạt động quân sự quanh hai thành phố Kyiv và Chernihiv để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau”.
Nhưng chẳng có mấy ai tin những lời hứa suông của hai quan chức trên. Thậm chí nhiều người còn xem đây là màn đánh lừa để quân Ukraine mất cảnh giác và để phía Nga “câu” thời gian. May mắn là trong thời đại hình ảnh vệ tinh chụp trong thời gian thực, những dối trá liên quan đến dịch chuyển quân đội đều bị Mỹ phát hiện dễ dàng. Và trên thực tế, sau khi bị Mỹ vạch trần “âm mưu nói dối”, quân Nga mới chịu rút quân ra khỏi vài nơi, ví dụ quanh nhà máy điện hạt nhân không còn vận hành Chernobyl.
Bàn rộng về quan điểm “phò Nga” tại Việt Nam
Lý trí, trong một cách dễ hiểu, là khả năng của ý thức để thu nhận, hiểu, phân tích và phán đoán một sự kiện của mỗi người. Những người có phán đoán giống nhau tạo/làm nên một thành phần xã hội. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Cộng hòa Ukraine tạo ra ít nhất hai thành phần, ủng hộ Nga và ủng hộ Ukraine, trong xã hội Việt Nam.
Tại cấp chính phủ, sự ủng hộ dành cho Ukraine chiếm phần đông trên thế giới. Tại diễn đàn LHQ, quyết nghị LHQ ủng hộ Ukraine “đòi Nga rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận” ngày 2 tháng 3, 2022 do 96 quốc gia bảo trợ, có 141 nước ủng hộ Ukraine, 5 nước ủng hộ Nga, và 35 nước vắng mặt. Nếu không tính Nga và vệ tinh Belarus, chỉ có 3 nước ủng hộ, đó là Bắc Hàn ở Á Châu, một Bắc Hàn ở Phi Châu là Eritrea và một bệnh nhân đang thở bằng bình dưỡng khí Nga tên là Bashar al-Assad ở Syria.
CSVN vắng mặt
CSVN vắng mặt và điều này không khó hiểu. CSVN vắng mặt theo TQ. Về mặt cơ chế chính trị, hệ thống lý luận, nền tảng tư tưởng và một phần lớn nền kinh tế, CSVN đã bị “Phần Lan hóa” bởi Trung Quốc qua “Mật ước Thành Đô” 4 tháng 9, 1990 và được chính thức hóa sau khi quan hệ giữa hai nước CS được tái lập ngày 7 tháng 11 năm 1991. Khi cơ chế chính trị Liên Xô lung lay tận gốc, giới lãnh đạo CSVN phải đích thân sang TQ cầu cứu mặc dù trước đó không lâu TQ đã chiếm Gạc Ma và tàn sát 64 binh sĩ CSVN.
“Phần Lan hóa” là gì? “Phần Lan hóa” (Finlandization) “để trở nên Phần Lan”, là một khái niệm chính trị để chỉ ảnh hưởng của một cường quốc trên các chính sách đối nội, đối ngoại và quốc phòng của một quốc gia láng giềng nhỏ, bị cô lập, không phải là thành viên của một liên minh quân sự và không nhận được sự bảo vệ của các cường quốc. Khái niệm này bắt nguồn từ chính sách của chính phủ Phần Lan chấp nhận không đi ngược lại các chính sách của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ năm 1947 đến năm 1990 nhằm mục đích duy trì chủ quyền đất nước (Trần Trung Đạo, “Hiểm họa Trung Cộng và Bài Học Phần Lan hóa”, Chính Luận 2, “Bánh mì Ai Cập cá Việt Nam Khát vọng con người”, Cổ Loa 2017)
Từ khi bị “Phần Lan hóa” khuôn mặt Biển Đông dần dần thay đổi. Các căn cứ quân sự nổi của TQ như Johnson Reef South (Đá Gạc Ma), Subi Reef (Đá Xu Bi), Gaven Reef (Đá Ga Ven), Hughes Reef (Đá Tư Nghĩa), Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập), Cuarteron Reef (Đá Châu Viên) và Mischief Reef (Đá Vành Khăn) được TQ xây trước những “quan ngại sâu sắc” quen thuộc được lặp đi lặp lại của các lãnh đạo đảng CSVN.
Đa số người dân Việt Nam ủng hộ Ukraine
Mặc dù không có thống kê khách quan, nhìn chung qua các mạng xã hội, đa số người Việt ủng hộ Ukraine. Ngoài tình nhân loại có máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn, sự ủng hộ Ukraine còn biểu hiện của niềm cảm thông của những con người cùng hoàn cảnh.
Phân tích trên lãnh vực địa lý chính trị, vị trí của Ukraine đối với Nga không khác mấy so với vị trí của Việt Nam đối với Trung Quốc. Đại Nga là Đại Hán, Hắc hải là Biển Đông, Kharkiv là Hà Giang, Belarus là Cambodia (căn cứ TQ tại Sihanoukville), Aleksandr Lukashenko (Tổng thống Belarus từ 1994 đến nay) là Hun Sen (Thủ tướng Cambodia từ 1985 đến nay). Điểm khác quan trọng nhất và có tính quyết định là Ukraine có một Volodymyr Zelenskyy anh hùng trong khi Việt Nam lại có một Tô Định thời đại toàn cầu hóa.
Thành phần “phò Nga”
Thành phần “phò Nga” phát xuất từ 3 nguyên nhân chính (1) mê muội, (2) quá khứ Liên Xô, (3) tin tưởng vào một Putin kiêu ngạo.
Ngửa mặt lên trời mà nhổ
Dựa vào những gì xuất hiện trên báo chí Việt Nam, thì có thể nhìn thấy rằng khoảng vài chục năm nay, sự phát triển về độ tráo trở của ngôn luận đang mỗi lúc vượt bậc.
Từ sự kiện Nguyễn Phương Hằng cho đến vụ bắt giữ Trịnh Văn Quyết, báo chí quay ngoắt 180 độ, với một khung cảnh không khác gì bầy thú trong chuồng cứ hồng hộc đổ dồn vào những nơi nào đang có thức ăn.
Chỉ mới ngày nào những “giấc mơ” của bà Nguyễn Phương Hằng về giới nghệ sĩ được hà hơi tiếp sức và liên tục chất vấn, đưa ra những thông tin như để cố chứng minh rằng mọi thứ đúng như bà Hằng nói. Kể cả câu chuyện về Tịnh Thất Bồng Lai, không biết bao nhiêu người hò hét, nói theo giọng của bà Hằng để đổ tội lên đầu cho một gia đình tu tập theo khuynh hướng Phật gia. Báo chí cũng ồ ạt tấn công theo, chỉ với một quan điểm duy nhất khởi nguyên, là nơi này “thấy ghét”.
Nhưng báo chí và xã hội Việt Nam thời văn hóa xã hội chủ nghĩa vẫn luôn thích tấn công những kẻ “thấy ghét” mà không có quyền lực, và dễ bị chà đạp trong xã hội. Bởi, nó an toàn trong ánh mắt cú vọ kiểm soát xã hội của chính quyền.
Vụ bắt giữ Trịnh Văn Quyết cũng vậy. Chỉ một hai ngày sau khi tin tức tạm giam điều tra loan đi, các kiểu tin bài góp phần “vạch rõ tội trạng” của ông chủ tập đoàn FLC cũng đang dần xuất hiện. Mọi thứ giống y như kiểu mới phát hiện về một kẻ sai phạm, giỏi che giấu từ bao nhiêu năm nay mà không ai biết gì.
Như mọi đại gia bùng phát tiền của ở Việt Nam sau năm 1975, với lịch sử sử bí ẩn của đời mình, không ai biết Quyết làm gì để có số tiền khổng lồ như ngày hôm nay để góp mặt cùng mâm với giới tư bản đỏ Việt Nam. Một chút thông tin về Quyết cho biết rằng anh ta kiếm tiền từ việc mở nhóm dạy thêm từ thời còn sinh viên năm 2, và sau đó buôn bán điện thoại và cuối cùng trước khi trở thành đại gia thì mở công ty luật SMIC. Từ đó về sau mọi thứ mờ ảo theo những chuyện kể tóm tắt con đường kinh doanh của Quyết.
Riêng chuyện dạy thêm, bán điện thoại, và mở công ty luật, cũng đã có hàng triệu người Việt Nam đang làm những công việc như vậy mà hiện chưa có mấy ai trở thành “đại gia”. Một chút thông tin hé lộ về khởi đầu công việc của Quyết, rằng khi còn rất trẻ, khi nhận được một vài “cơ hội”, anh ta đã quyết tâm bước vào ngành bất động sản và thành công ngay.
Mọi chuyện nghe thật đơn giản. Ở một đất nước gần nửa thế kỷ không có phát minh nào tốt đẹp đóng góp cho nhân loại, ngoài chuyện đổ xô nhau mua bán đất đai ăn dần – vốn cũng có hàng triệu người Việt Nam cũng mua bán bất động sản – nhưng không phải ai cũng trở thành một thế lực được như Quyết.
Ắt phải có một điều gì đó, ngoài tài năng và may mắn. Ắt là phải như vậy thì Quyết mới trở thành một bóng ma xô dạt hàng chục ngàn người dân ra khỏi nơi cư trú của mình, cùng với những cái bắt tay chặt chẽ của chính quyền địa phương. Quyết chỉ tay vào đâu trên bản đồ thì nơi đó sẽ trở thành của Quyết. Kể cả đất đai của Quốc phòng, nếu nằm trong tầm ngắm của Quyết, thì cả quân đội cũng không thể nào tranh giành được.
Phải có quyền lực hay người chống lưng lớn thế nào thì Trịnh Văn Quyết mới “thích gì nhích đó”. Tháng Tám, 2018, chỉ hơn một tháng sau “đề nghị” của Cty Cổ phần Tập đoàn FLC, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra ngay công văn “hỏa tốc” yêu cầu Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tạm dừng các thủ tục đầu tư xây dựng đồn Biên phòng Bình Hải nhằm điều chỉnh đến vị trí khác phù hợp, để “nhường” đất cho dự án của Quyết.
Nhà văn Liên Xô Vasily Grossman và ‘sự thật tàn nhẫn’ của chiến tranh
Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, đọc về người viết thời sự với đôi mắt tinh tường về những ngày đen tối nhất của lịch sử thế kỷ 20 vô cùng thích đáng.
Khi Hồng quân tràn vào Ukraine vào cuối mùa hè năm 1943, Vasily Grossman đã kiệt lực vì cả sự phấn khởi và linh tính về việc trở lại quê hương. Người viết tiểu thuyết trở thành phóng viên chiến trường cảm thấy ấm lại với “hơi thở nhẹ nhàng của Ukraine” trên khuôn mặt ông và khung cảnh gợi nhớ với những cây dương cao ngút, những túp lều trắng và những hàng rào phên liếp ở vùng quê. Nhưng sau hai năm bị phát xít Đức chiếm đóng, ông thấy đất mẹ xinh đẹp đã bị “lửa và nước mắt” tàn phá và đã bị “nỗi buồn và cơn thịnh nộ” tiêu diệt.
Ông sốc khi thấy tận mắt sự tàn phá khi đi qua những thành phố mà ông đã biết rõ từ những ngày trước chiến tranh (và tên của những thành phố đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta ngày nay trong cuộc xung đột gần đây nhất ở Ukraine): Donetsk (sau đó được đặt tên là Stalino) nơi Grossman đã làm kỹ sư mỏ than; Kyiv, thủ đô của Ukraine với những mái chóp vàng, nơi ông đã kết hôn với người yêu, Anna Petrovna Matsyuk; và Odesa, hải cảng ở Biển Đen giàu văn hóa, nơi có nhiều người thân bên mẹ là người Do Thái từng sinh sống và sau đó bị thảm sát. Ông viết,
“Mấy cụ già khi nghe tiếng Nga đã chạy ra gặp bộ đội mà khóc thầm, không thốt nên lời. Những bà cụ nông dân nói với vẻ ngạc nhiên lặng lẽ: ‘Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ hát và cười khi nhìn thấy quân đội của mình, nhưng trong lòng chúng tôi quá đau buồn, nước mắt đã tuôn rơi.’”
Vasily Grossman
Là một người con tự hào của Ukraine, thấm nhuần văn hóa Nga, Grossman vừa là người biên niên về những chiến công vĩ đại nhất của Liên Xô vừa là người điều tra rõ ràng về những tội ác đen tối nhất của nước này.
Sự tương phản giữa cuộc hành quân chiến thắng của Hồng quân trên khắp Ukraine vào năm 1943 và cuộc xâm lăng của Tổng thống Vladimir Putin vào năm 2022 không thể rõ ràng hơn. Quay trở lại chiến thắng của Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai, tổng thống Nga đã phóng đại tình huynh đệ giữa hai dân tộc Slavic và sự đối xứng lịch sử của một quân đội Nga “giải phóng” người dân Ukraine khỏi sự kìm kẹp của chủ nghĩa phát xít mới. Như Putin đã viết trong một luận văn sôi nổi về Ukraine (với lịch sử có gạn lọc), xuất bản vào tháng 7 năm ngoái, người Nga và Ukraine đã ràng buộc với nhau qua nhiều thế kỷ thử thách, thành tựu và chiến thắng chung. “Cùng nhau, chúng ta đã luôn và sẽ mạnh hơn, thành công hơn gấp nhiều lần. Vì chúng ta là một dân tộc.”
Tuy nhiên, ngoài một số quận ly khai ủng hộ Moscow ở miền đông Ukraine đã hoan nghênh sự can thiệp của Putin, thực tế đã khác rất nhiều. Ngay cả trước khi xảy ra xung đột mới nhất, một cuộc thăm dò dư luận Ukraine công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy 72% số người được thăm dò coi Nga là một “quốc gia thù địch”. Sự bất chấp, lòng dũng cảm và tinh thần dân tộc những người Ukraine đã thể hiện khi đối mặt với cuộc tấn công tàn nhẫn thật sự phi thường. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tình anh em duy nhất được thể hiện giữa người Nga và người Ukraine, giống như tình anh em giữa Cain và Abel.
Luôn có nhiều lý do chính đáng để đọc Grossman, nhưng hiếm khi nào gây được tiếng vang như một người Ukraine của chúng ta. Là một người con tự hào của Ukraine, thấm nhuần văn hóa Nga, Grossman vừa là người ghi lại những chiến công vĩ đại nhất của Liên Xô vừa là người điều tra rõ ràng về một số tội ác đen tối nhất của nước này. Ông ta hiểu rõ hơn hầu hết mọi người về người hai căn cước, lòng trung thành bị chia đôi và những thù hận lịch sử làm nền tảng cho cuộc xung đột hiện tại. Thật vậy, ông ấy là hiện thân của rất nhiều trong điểm vừa nêu.
Sinh ra trong giới trí thức người Ukraine gốc Do Thái ở Berdychiv vào năm 1905, Grossman lớn lên trong thời đại đầy biến động giết người, sống qua Cách mạng Nga, nội chiến, Nạn đói khủng bố ở Ukraine, cuộc thanh trừng của chủ nghĩa Stalin, chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc tàn sát của Đức Quốc xã
Chính sách Bốn Không làm VN cô quạnh khi có quyền lợi chung với Mỹ?
Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine nhiều người Việt Nam tự hỏi, nếu có ngày nào lại đến lượt mình?’ Đây là sự e ngại rất chính đáng.
Hai cuộc chiến Ukraine và Việt Nam là khác hẳn nhau. Tuy nhiên cũng có một điểm tương đồng về khía cạnh địa chính trị: Ukraine nằm sát nước Nga, bị Vladimir Putin coi như vùng đệm (trái độn – buffer, or cushion zone) với Nato. Lãnh đạo TQ coi VN là vùng đệm giữa họ thế giới tự do, còn Mỹ thì coi Việt Nam là ‘lá chắn’ để che bão tố đến từ Bắc Kinh.
Câu hỏi đầu tiên là nhìn từ Washington D.C. thì chính giới Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam quan trọng như thế nào?
Các nhà quân sự Mỹ đánh giá sự quan trọng của Việt Nam trên ba phương diện:
Về vị trí: Việt Nam nằm sát Trung Quốc, và lại gần ngay tuyến hàng hải quan trọng vào hàng nhất thế giới;
Về địa chính trị: Việt Nam là nước mạnh nhất về quân sự tại Biển Đông
Về chiến lược: tầm quan trọng của Việt Nam bắt nguồn từ sự tính toán của Ngũ Giác Đài rằng có hai Á châu: lục địa và hải đảo (Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore).
Ở châu Á hải đảo, Mỹ đã có đồng minh mạnh mẽ là Nhật, Hàn, và bây giờ thêm Úc qua AUKUS.
Còn ở châu Á lục địa thì không có đồng minh nào mạnh, nên rất cần Việt Nam.
Vị trí chiến lược của Việt nam
Ngày nay thì lại còn thêm một khía cạnh chiến thuật: vai trò của Cam Ranh. Đây là địa điểm mà Mỹ rất cần để làm căn cứ bảo dưỡng và tiếp liệu cho Hạm đội 7. Đặc biệt là các tàu ngầm có hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử bây giờ đã dày đặc ở Thái Bình Dương. Các đội tàu này có thể đánh trả nhanh chóng các phi đạn hạt nhân của TQ và Bắc Hàn phóng tới Guam, Honolulu, hay California.
Chi hơn 800 tỷ USD cho quốc phòng 2023, Hoa Kỳ không hề xao nhãng Trung Quốc?
Vào ngày thứ Hai, 28/3/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden công bố đề nghị ngân sách quốc gia năm 2023 của ông, trong đó đáng chú ý nhất là chi tiêu dành cho quốc phòng và an ninh lên đến 813 tỷ USD, mức chi tiêu cao nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Việc chi tiêu ngân sách, trong đó có quốc phòng và an ninh, năm sau nhiều hơn năm trước cũng thường tình do giá cả tăng, nhưng điều gây chú ý của dự trù quốc phòng lần này là tỷ lệ tăng so với ngân sách quốc phòng năm 2022 cũng rất cao, đến 4%.
Tuy nhiên những người theo dõi thời sự quốc tế sẽ không ngạc nhiên về con số gần 900 tỷ này, vì sự gia tăng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, cường quốc đang lên và mong muốn vùng Đông Nam Á, Đông Á, là sân sau của mình.
Bà Kathleen Hicks, Thứ trưởng bộ quốc phòng Mỹ, không giấu diếm khi nói rằng số tiền lớn như thế là để nhắm đến mục tiêu chiến lược là Trung Quốc. Bắc Kinh phản ứng ngay tức thì, gọi đó là một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Người theo dõi thời sự cũng sẽ không ngạc nhiên khi người đứng đầu Ngũ Giác Đài, Tướng Lloyd Austin, nói số tiền đó dùng để chống các mối đe dọa từ Nga, khi cuộc xâm lăng của Moscow vào nước Ukraine láng giềng bước qua tháng thứ hai.
Vậy thì Nga hay Trung Quốc?
Cuộc xâm lăng của ông Putin vào Ukraine làm bộc lộ nhiều nhược điểm của nước Nga, mà trước đó Mỹ và phương Tây có thể đã không hình dung hết. Về phương diện quân sự, quân đội Nga không những tệ hại về những loại vũ khí quy ước như xe tăng, mà họ còn rất kém trong cuộc chiến điện tử chống lại Ukraine. Về kinh tế, lĩnh vực làm cơ sở cho một nền quốc phòng hùng mạnh, nước Nga cũng đang chới với do những biện pháp cấm vận mạnh mẽ chưa từng có của phương Tây.
Ngược lại, Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, có ảnh hưởng không nhỏ đến phương Tây. Với sức mạnh kinh tế này, trong thời gian ngắn vừa qua, Trung Quốc đã gặt hái nhiều thành công trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật tiên tiến, có thể làm nền tảng cho việc phát triển quốc phòng.
Vậy thì việc tăng ngân sách quốc phòng như thế của Hoa Kỳ, có phần nhiều hơn là nhắm vào Trung Quốc, ở mục tiêu dài hạn.
Wüstenstrom statt Putins Gas – Wiederbelebung einer Jahrhundert-Idee – Điện sa mạc thay cho khí đốt của Putin – sự hồi sinh một ý tưởng từ thế kỷ trước
Công viên năng lượng mặt trời NOOR I ở Marốc đã đi vào hoạt động từ mùa xuân năm 2016
Ý tưởng đưa điện mặt trời xuyên Địa Trung Hải đến châu Âu đã gây hưng phấn cách đây 13 năm. Tuy nhiên, dự án đã thất bại trong việc thực hiện. Nhưng bây giờ, nhờ một chiến lược mới, dự án đang hồi sinh. Đã có một cuộc nói chuyện về một “trật tự thế giới hydro” mới.
Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức gần đây đã có một chuyến đi khảo sát để mua năng lượng ở Qatar thay thế khí đốt của Nga. Tại một trong những cuộc gặp gỡ với các ông Hoàng và các doanh nhân, một người Hà Lan râu bạc như cước đã đến gần ông bộ trưởng Đức, lịch sự tự giới thiệu: “tôi là Paul van Son, Chủ tịch của Desertec.” Sau cuộc trò chuyện, ông chắc mẩm: “Habeck sẽ đưa chúng tôi vào tầm ngắm”.
Sáng kiến sức mạnh sa mạc đã biến mất khỏi tầm ngắm của công chúng Đức nhiều năm trước. Nhưng nó vẫn tồn tại, được hỗ trợ bởi những người ủng hộ mới từ Trung Quốc và Ả Rập. Trong khi đó, các công ty Đức cũng đang quay trở lại và đăng ký danh sách thành viên với số lượng ngày càng đông đảo hơn.
Sau khi gần như giải thể vào năm 2014, tổ chức này đã có hơn 60 tập đoàn, bao gồm ThyssenKrupp, Siemens Energy, E.on, RWE và Uniper. Với tên gọi Desertec 3.0, sự tái sinh thứ ba của ý tưởng sức mạnh sa mạc bất ngờ hứa hẹn những trợ giúp rất cụ thể cho vấn đề kép về thiếu hụt năng lượng và bảo vệ khí hậu cần được giải quyết trong ngắn hạn.
Ý tưởng ra đời ở Đức. Được phát triển bởi Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR) và Viện Fraunhofer về Hệ thống Năng lượng Mặt trời. Nó dựa trên các tính toán của nhà vật lý quá cố Gerhard Knies. Ông phát hiện ra rằng: “Trong sáu giờ, lượng năng lượng mặt trời đổ xuống các sa mạc trên trái đất nhiều bằng cả nhân loại tiêu thụ trong một năm.”
Việt Nam trước ngã ba đường và các bài học lịch sử
Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc (TQ) như Ukraine nằm cạnh Nga. Nguy cơ bị láng giềng kiểm soát, thậm chí tấn công luôn tồn tại.
Đầu tiên, tôi xin giới thiệu lại cuộc họp lịch sử giữa Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlan Nehru vào năm 1954:
–Thủ tướng Nehru: “Mặc dù Hoa Kỳ rất mạnh về quân sự và tài chính, nhưng luôn lo sợ mất vị trí (lãnh đạo) của mình.”
–Chủ tịch Mao: “Chẳng có quốc gia nào có thể đem quân vào Hoa Kỳ nhưng người ta cho rằng Hoa Kỳ sợ mất đi những khu vực mà họ đã chiếm đóng ở nhiều nơi trên thế giới …”
–TT Nehru: “Hoa Kỳ là một quốc gia lớn với quy mô lãnh thổ và dân số… nhưng Hoa Kỳ luôn sợ rằng quyền lợi của mình sẽ bị tổn hại. Giống như tất cả những người đã có sẵn quyền lợi, Hoa Kỳ đang lo lắng, sợ hãi. Bởi vậy, họ muốn bảo vệ quyền lợi của mình.”
–CT Mao: “Sự sợ hãi của Hoa Kỳ thật sự là quá đáng. Hoa kỳ đã đẩy tuyến phòng thủ của mình tới Đại Hàn, Đài Loan và Đông Dương, là những nơi thật xa Hoa Kỳ nhưng lại rất gần chúng tôi. Điều này làm cho giấc ngủ của chúng tôi không được yên giấc (This makes our sleep unsound).
–TT Nehru: “Đúng”.
–CT Mao: “Điều này làm cho chúng tôi khó ngủ yên giấc” (This has made it difficult for us to have a sound sleep).
Đây là biên bản cuộc họp lịch sử giữa ông Mao và ông Nehru, vào ngày 19/10/1954. Biên bản này mới được giải mật, soi sáng nhiều về những suy nghĩ, tính toán của hai nhà lãnh đạo của hai nước đông dân nhất thế giới trong thời gian sau Thế Chiến II. Cuộc họp kéo dài ba ngày (19-23-26 tháng 10,1954).
Khi ông Mao bình luận rằng việc Mỹ “lấn ra” như vậy đã làm cho ông ngủ không yên giấc – và nói hai lần sát nhau – trong chỉ vài phút thì ta thấy ông đã ý thức được mức nghiêm trọng của những cái chốt của Mỹ ở Á Châu để bao vây Trung Quốc như thế nào.
Tại sao nhiều tướng Nga tử trận tại Ukraine?
“Chiến tranh sắp sửa kết thúc”, Yakov Rezantsev (trong hình) đảm bảo với binh sĩ của mình như vậy bốn ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine. Đó là cách đây một tháng. Vào ngày 25 tháng 3, vị trung tướng, chỉ huy Quân đoàn Vũ trang Hỗn hợp số 49 của Nga, được cho là đã chết, bị giết trong một cuộc tấn công gần thành phố Kherson. Các quan chức Ukraine nói rằng ông là vị tướng Nga thứ bảy thiệt mạng trên chiến trường ở Ukraine. Các quan chức phương Tây đồng ý với thông tin này. Phía Nga chưa xác nhận, và tổng số tướng Nga tử trận cũng chưa được xác minh độc lập. Nhưng rõ ràng là các tướng lĩnh hàng đầu của Nga đang có tỉ lệ tử trận cao bất thường. Tại sao lại như vậy?
Các sĩ quan cấp tướng – trong hầu hết các quân đội là những người có hàm cao hơn đại tá – thường chỉ huy các đội hình lớn, như sư đoàn và quân đoàn. Những đội hình đó cần phải được điều khiển từ các sở chỉ huy lớn, có xu hướng nằm ngoài tầm bắn của pháo binh và rocket, và do đó thường nằm cách xa tiền tuyến. Vì vậy các vị tướng thường có vị trí an toàn hơn.
Mỹ đã mất 9 tướng khi chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam, dù khoảng thời gian đó là hơn 20 năm chứ không phải một vài tuần, và hầu hết đều chết khi trực thăng của họ bị bắn rơi. Trong hai thập niên chiến tranh ở Afghanistan và Iraq vừa qua, chỉ một viên tướng Mỹ bị chết – và ông ta bị bắn bởi một người lính Afghanistan. Ngay cả trong thời kỳ chiếm đóng đẫm máu Afghanistan giai đoạn 1979-1989, Liên Xô được cho là mất không quá 6 tướng trong 6 tháng đầu của cuộc chiến.
Chúng ta phải quay ngược lại 80 năm để tìm thấy mức độ tử trận cao tương tự của các sĩ quan cấp cao. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khoảng 235 tướng lĩnh Liên Xô đã thiệt mạng trong chiến đấu, theo cuốn “Những vị tướng Xô-viết hi sinh”, một cuốn sách của Aleksander Maslov (hơn 200 vị tướng khác đã chết theo những cách khác). Ngay cả lúc đó, trong giai đoạn tồi tệ nhất – từ tháng 6 năm 1941, khi Đức xâm lược Liên Xô, cho đến tháng 11 năm 1942, khi Hồng quân bao vây quân Đức tại Stalingrad – trung bình chỉ có chưa tới 6 vị tướng bị giết mỗi tháng, tương đương với mức tổn thất hiện tại của Nga.
Một lý do giải thích cho tỷ lệ tử vong cao ngày nay là do Nga đã tiến hành các cuộc tấn công của mình không thành công, đặc biệt là ở miền bắc Ukraine. Nhiều đơn vị của Nga đã cho thấy họ không có khả năng tác chiến trong điều kiện vũ khí phối hợp hiện đại, khi các xe tăng đã liều lĩnh tiến lên phía trước mà không có sự yểm trợ của pháo binh. Tinh thần xuống thấp, hậu cần kém và thương vong cao. Và điều đó dường như đã buộc các vị tướng phải trực tiếp xuống thực địa chiến trường. Trong hầu hết các quân đội chuyên nghiệp, một đội ngũ binh sĩ (enlisted personnel) phục vụ lâu năm được gọi là hạ sĩ quan (non-commissioned officer) thường giám sát các binh sĩ và nắm quyền lãnh đạo các đơn vị nhỏ hơn trong chiến đấu. Một trong những quan chức của NATO cho biết các hạ sĩ quan như vậy là “xương sống” của liên minh này. Quân đội Nga thiếu một lớp lãnh đạo như vậy. Điều đó có thể đã buộc nhiều sĩ quan cấp cao hơn phải tiến lên, để tự mình xem xét tình hình và có thể điều khiển các chỉ huy cấp dưới.
ĐÁNH ĐẤM THẾ NÀO VỚI ĐỘI QUÂN MA
AI – Trí tuệ nhân tạo trong tương lai sẽ thay thế gang thép và thuốc súng và là điều kiện quan trọng để giành chiến thắng.
Muốn chiến thắng trong trận chiến tương lai, cần phải chiếm được ưu thế so với kẻ địch trong hệ thống tổng quát được hình thành bởi nhiều kỹ nghệ chủ chốt như mạng, truyền thông, điện tử, bán dẫn và phương tiện truyền thông.
Trong một bài báo được đăng ngày 5 tháng 3 với tiêu đề “Trận chiến ảo diệu – Putin chiến đấu với ai”, nói về nhiều sự kiện ảo kỳ diệu trong cuộc chiến Nga-Ukraine, vượt quá tầm hiểu biết của người dân thường về chiến tranh. Khả năng quân sự của Ukraine đến đâu và Nga đang chiến đấu với ai ? Một tháng đã trôi qua, và những sự kiện kỳ lạ vẫn tiếp tục xảy ra.
Quân đội Nga đã gặp phải những điều khó tưởng tượng, há miệng mắc quai nào trên chiến trường mặt đất? Khả năng của quân đội Ukraine đến đâu và Nga đang chiến đấu với ai?
Đúng vậy, một tháng đã trôi qua, và những sự việc kỳ lạ vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng qua một số tiết lộ của phương tiện truyền thông, sự thật dường như đang dần lộ diện.
Đêm 6/3, tàu tuần tra Vasily Bykov của Hạm đội Biển Đen Nga bị lực lượng Ukraine bắn chìm. Nghi vấn ? Ukraine không còn hải quân, và chính một cuộc phóng hỏa tiễn đa điểm đã đánh chìm tàu tuần tra. Làm thế nào một vũ khí bắn trực tiếp không có điều khiển như vậy lại có thể đánh chìm một con tàu hải quân xa bờ với độ chính xác như vậy trong bóng tối? Đây không phải là tàu tuần tra thông thường mà là tàu tuần tra có trọng tải 1.800 tấn được bắt đầu hoạt động năm 2018. Ukraine có khả năng làm được không?
Một số phương tiện truyền thông cho biết khi tầu Vasily Bykov bị đánh chìm, hai máy bay không người lái nghi là Raven đang bay lượn trên bầu trời.AeroVironment RQ-11 Raven do một công ty khoa học môi trường ở Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ chế tạo, chỉ nặng 1,9 kg, có thể ném trực tiếp lên không trung bằng tay. Sau khi đạt độ cao định trước, nó có thể bay lượn theo quán tính trên không trong khoảng 1,5 giờ nên rất khó phát giác. Sau đó loại máy bay này được Cty Lockheed Martin mua lại, hãng này đã giảm kích thước nhỏ hơn và lắp đặt một thiết bị nhìn ban đêm dùng cho quân sự. Đây là một loại vũ khí cũ đã được phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ trong hơn một thập niên.
Người ta nói rằng Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Tham mưu trưởng Tập đoàn quân 41 của Nga, đã bị giết chết, có thể là do thông tin định vị bởi Raven cung cấp.
Nếu tin đồn là sự thật, thì vấn đề là chiếc máy bay không người lái này không nằm trong danh sách vũ khí mà Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine. Ai đã đưa Raven đến Ukraine?
Tiếp tục đặt câu hỏi :
Vào ngày 11 tháng 3, Thiếu tướng Andrey Borisovich Kolesnikov, Chỉ huy của Tập đoàn quân 29 thuộc Quân khu phía Đông của Nga, đã thiệt mạng khi đang thực hiện nhiệm vụ. Cần chú ý, đây là Thiếu tướng Nga thứ ba thiệt mạng tại Ukraine đến lúc ấy. Ông ta bị giết khi ra tiền tuyến giám sát trận đánh theo lệnh của Putin mở cuộc tổng tấn công nhằm vào Kyiv. Lại là một cuộc định điểm (xác định vị trí) thanh trừ ? Không chỉ ông ta, mà còn nhiều tướng tá khác lần lượt bị giết.
Ngày 11/3, theo phát giác từ vệ tinh của Mỹ, đoàn xe bọc thép, xe tăng nối đuôi dài 64 km ở phía bắc Kiev bắt đầu tiến 4,5 km về phía Kyiv sau 11 ngày đình trệ. Tuy nhiên, ở nhiều thời điểm, đoàn xe đã bị tấn công bởi những kẻ không quen biết nhưng với lối tấn công rất quen thuộc là đánh vào hai đầu của một đoàn xe, sau đó phần giữa không di chuyển được. Một cuộc hành quân như vậy là rất cấm kỵ và vô cùng ngu dốt, không hiểu sao quân Nga lại không thể hiểu được điều này. Cho nên: Tại sao đoàn xe không nhúc nhích trong nhiều ngày ? Tại sao chỉ tiến 4,5 km ? Tại sao không thể tấn công Kyiv một cách ào ạt ?
Có điều gì ẩn khuất mà khiến quân Nga nói không ra lời ?
Một bên là những cơn sóng gang thép của Nga và bên kia là những binh đoàn ma của Ukraine, đó rõ ràng là một cuộc chiến không tương xứng. Và khi chúng ta đi sâu tìm hiểu thêm về thông tin từ nhiều phía, bí ẩn đang dần được hé lộ.
BỘ TƯ LỆNH KHÔNG GIAN MẠNG HOA KỲ
Hãy quay trở lại 12 năm trước, vào năm 2010, quân đội Hoa Kỳ đã bổ sung thêm một đơn vị tác chiến mới: Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ. Có trách nhiệm tiến hành các hoạt động quân sự mạng và bảo vệ các hệ thống máy tính quân sự, nó thuộc về Bộ Chỉ huy Nhất Thể Hoá Tác Chiến của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, được thành lập bởi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates và chính thức ra mắt vào ngày 21 tháng 5 năm 2010. Trung tướng Keith Alexander, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, là chỉ huy đầu tiên. Có trụ sở chính tại Căn cứ Quân đội Fort Meade, Maryland, Hoa Kỳ .
Một điều thú vị khác về nó :
– Logo của bộ tư lệnh không gian mạng Hoa Kỳ (United States Cyber Command) có bộ mật khẩu
“9ec4c12949a4f31474f299058ce2b22a”. Tạp chí kỹ nghệ “Wired” của Mỹ từng tổ chức cuộc thi bẻ khóa mật khẩu, các thí sinh đã bẻ khóa mật khẩu trong khoảng 3 giờ. Người phát ngôn của Cyber Command sau đó đã xác nhận giải mã, đó là nội dung nhiệm vụ của bộ tư lệnh bằng mã hóa MD5 :
– “USCYBERCOM lập kế hoạch, điều phối, tích hợp, đồng bộ hóa và tiến hành các hoạt động: lãnh đạo các hoạt động và bảo vệ mạng thông tin DoD ; chuẩn bị và dưới sự chỉ huy, thực hiện các hoạt động quân sự toàn diện trên không gian mạng để bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ và đồng minh trong không gian mạng. Tự do hoạt động và ngăn chặn cùng một hành động của kẻ thù”.
Chắc vào thời điểm đó, không ai có thể nghĩ rằng cuộc chiến trong tương lai sẽ có một hướng đi mới tại điểm nút này.
CÁCH NGƯỜI ISRAEL GIỮ NƯỚC
Khi nghe người ta nói “nếu Wall Street (Phố Wall) hắt hơi, cả thế giới bị cảm cúm”, nhiều bạn tưởng tượng phố Wall to lớn lắm, thực tế nó là một con đường bề ngang chỉ vài mét, chiều dài khoảng 1,1 km. Wall Street là nơi tọa lạc các định chế tài chính lớn nhất thế giới. Người làm việc ở Phố Wall là tinh hoa của giới tài chính toàn cầu.
Mùa đông năm 2014, mình đến New York du lịch. Thông qua vài người bạn, mình có quen một vài tinh hoa Phố Wall, trong đó có Gidon – người Israel. Gidon trạc 30 tuổi, tốt nghiệp cử nhân toán ở Israel trước khi học thạc sĩ tài chính ở ĐH Columbia. Học xong, Gidon về nước làm cho quỹ đầu tư trước khi quay lại Mỹ phụ trách giao dịch cổ phiếu của một số công ty Israel trên các sàn chứng khoán New York. Gidon hôm đó được nghỉ phép, anh mời mình đến quán Manon Café, ngay đầu phố Wall.
1. Khởi nghiệp kiểu Israel
Mình lúc đó chưa từng đến Israel, kiến thức về đất nước này chỉ thông qua sách báo, tivi (sau này thì có đến vài lần). Khi nghe Gidon xác nhận thông tin trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp, trong số 3.850 công ty mới ra đời được niêm yết trên sàn NASDAQ, có tới 1.884 công ty là của Israel, quốc gia có 7,1 triệu dân so với 7 tỉ dân toàn cầu, mình không biết nói gì hơn. Ở Israel, mọi sinh viên từ năm 2 là đã bắt buộc thành lập doanh nghiệp để thử nghiệm (trừ các ngành đặc thù như y khoa, sư phạm, …). Gidon bảo với người trẻ, ý tưởng và khả năng điều hành doanh nghiệp mới là cái khó chứ không phải vốn. Vì ở phố Wall hay bất cứ thị trường chứng khoán nào, tiền vẫn cứ đang nằm chờ để giải ngân vào các ý tưởng điên rồ nhất. Khi phát triển doanh nghiệp, các bạn trẻ người Israel lập tức mang dự án mình đến các quỹ đầu tư có văn phòng đặt tại Tel Aviv, trung tâm kinh tế của Israel, để “kén rể”. Các quỹ này đánh giá thấy “cô dâu” này “ngon ăn” sẽ giúp các bạn “mai mối” trên sàn chứng khoán New York, London, Tokyo, Hong Kong, Singapore, …
Putin được gì khi xâm lược Ukraine?
Với mình, một đứa đã lang thang trong thời trẻ trâu dọc nước Nga, từ thủ đô tới Siberi, qua đến Saint Petersburg, cái thời đáng ra phải đi học nhưng đi buôn là chính, từng được sống với tất cả sự nồng ấm chân thành của người dân Nga ngay sau khi liên bang Xô viết sụp đổ, từ tính cách của người dân đến lịch sử chính trị của đất nước này, việc quân đội Nga sa lầy như hiện nay giữa chiến trường Ukraine thực sự mình không ngạc nhiên.
Nhìn lại từ thời Sa hoàng, nước Nga chưa bao giờ có dân chủ. Lịch sử cai trị của đất nước này luôn chỉ ra sự tàn bạo của kẻ mạnh với người yếu thế. Mạng người trong lịch sử nước này chưa bao giờ có giá trị, đơn giản với những ví dụ về các trại cải tạo lao động dành cho những người đối lập trong suốt chiều dài lịch sử, với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, được dựng lên tại vùng đất băng giá Siberia, nơi nhiệt độ giữa mùa đông và mùa hè có thể chênh lệch tới 100C. Chỉ có bạch dương mới sống sót được trong khí hậu này. Hàng trăm ngàn tù nhân đã phải bỏ xác khi hoàng cung mới được xây dựng tại Saint Petersburg. Rồi đến thời Stalin với những thảm sát đẫm máu những người bất đồng chính kiến và giới trí thức. Lịch sử chính trị của Nga được in dấu bởi sự dối trá và tàn bạo. Cho đến tận hôm nay.
Điều này giải thích cho những hành động mà quân đội Nga đang ngày đêm thực hiện trong cuộc chiến tại Ukraine khi giết hại dân lành một cách man rợ.
20 năm Putin cai trị nước Nga, cũng vài lần mình trở về thăm chốn cũ. Ngoài những hào hoa phồn thịnh tại các thành phố lớn cùng với những vấn nạn của sự phát triển không có quy mô, khí thải và nạn kẹt xe tại Mátxcơva là một tình trạng kinh hoàng. Nếu không tính toán cụ thể và ra sân bay vào chiều cuối tuần, khi dân cư thành phố nườm nượp đổ ra nhà nghỉ ngoại ô và các cửa ngõ tắc nghẹt, việc bạn bị trễ máy bay là chuyện không ai quan tâ
Tác động của việc Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon
Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình ở Thái Bình Dương. Một thỏa thuận an ninh đã được lên kế hoạch với Quần đảo Solomon hiện đang đặt các cường quốc xung quanh là Australia và New Zealand trong tình trạng báo động. Đơn giản vì khu vực này cũng có tầm quan trọng lớn đối với phương Tây.
Trong những ngày qua một số tài liệu đã được công khai khiến hai nước New Zealand và Australia không khỏi lo lắng. Theo tài liệu này thì Quần đảo Solomon, một nhóm các đảo ở Thái Bình Dương gần hai nước nói trên, đang thực hiện một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết
Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, nhưng anh Quyết “úp bô” nhà đầu tư chứng khoán nhiều lần. Mỗi lần như vậy, dư luận ước tính anh Quyết hốt vài trăm tỷ đồng!
Tất nhiên vài trăm tỷ đồng đối với một nhà đầu tư hoặc một người dân bình thường là một con số khổng lồ. Tuy nhiên, với tầm vóc của một tài phiệt nắm trong tay cả tập đoàn thì đó là những pha “ăn mảnh”, nặng một chút thì có thể nói là… ăn cắp vặt.
Tôi có lần viết rằng doanh nhân có rất nhiều tâm thức. Có người mang giấc mơ trăm năm, kiến tạo giá trị doanh nghiệp và di sản thương hiệu (số này hiếm trong cơ chế mình). Số khác ăn xổi ở thì, xem doanh nghiệp chỉ là công cụ để kiếm chác.
Với một hệ sinh thái trải dọc khắp đất nước bao gồm các khu nghỉ dưỡng, sân golf và các dự án phôi thai, việc cổ phiếu FLC cả thập niên trầy trật dưới mệnh giá là một điều khó hiểu. Điều này cho thấy rằng nội tại của FLC không hấp dẫn như vẻ ngoài của nó.
Putin đang nghĩ gì?
Tóm tắt: Bản sắc dân tộc mà Tổng thống Nga đã góp phần quảng bá — phi tự do, mang tính đế quốc và sự căm phẫn phương Tây — đã đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc xâm lược tàn bạo của ông vào Ukraina.
Năm 1996, năm mà Vladimir Putin chuyển từ St.Petersburg đến Matxcơva để đảm nhận vị trí ông chủ Điện Kremlin thay Boris Yeltsin, tờ báo chính phủ Rossiyskaya Gazeta đã hỏi độc giả của mình một câu hỏi hàng đầu: “Bạn có đồng ý rằng chúng ta đã có đủ dân chủ không, chúng ta đã thích nghi với nó chưa, và bây giờ đã đến lúc để thắt chặt hay không?” Tờ báo này thiết lập một đường dây nóng và đưa ra số tiền thưởng tương đương hai nghìn đô la cho bất kỳ người nào có thể đưa ra một “ý tưởng thống nhất quốc gia” mới. Sự việc này đã phản ánh Nga khi đó – một đất nước nghèo đói, mất tinh thần và lạc hậu.
Cùng lúc đó, Yeltsin đã tập hợp một ủy ban gồm các học giả và chính trị gia để hình thành một “ý tưởng quốc gia” mới. Có lẽ cuộc thi trên tờ báo trên có thể cung cấp một số ý tưởng cho quá trình này. Nhưng những nỗ lực này cũng chẳng đi đến đâu. Yeltsin đã không tạo dựng được bất kỳ động lực nào đằng sau
Trung Quốc đang đe dọa các nước láng giềng – nhưng Mỹ có thể ngăn chặn điều đó
Các nhà lãnh đạo NATO đã thống nhất vào tuần trước để ủng hộ quân đội Ukraine và theo đuổi các cách thức mới để trừng phạt kinh tế Nga vì hành động xâm lược vô cớ của họ. Tổng thống Vladimir Putin không có dấu hiệu dừng lại, nhưng các chỉ huy của ông ta gợi ý rằng họ có thể thu hẹp các mục tiêu của mình để đáp lại sự phản kháng gay gắt của Kyiv.
Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên áp dụng các bài học từ Ukraine, nếu không họ có thể thấy mình phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy được củng cố bởi một thập kỷ tranh chấp trong vùng xám.
Quân đội Nga đang củng cố lợi ích của mình ở đông nam Ukraine xung quanh Crimea và khu vực Donbas – hai khu vực mà Moscow giành được thông qua cuộc nổi dậy do lính đánh thuê và lực lượng bán quân sự lãnh đạo. Trung Quốc thì đang lật sang một trang mới khỏi cuốn kịch bản của Moscow, tại Biển Đông là nơi họ đã xây dựng và trang bị các đảo nhân tạo dọc theo các tuyến đường hàng hải và đường bay quốc tế, cũng như trong các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của hệ thống phòng không và tên lửa chống hạm tới các vùng biển và lãnh hải của các nước láng giềng, Bắc Kinh có thể cầm chân các tàu thuyền của đối thủ ở cảng và phi cơ trên mặt đất, giúp Trung Quốc có lợi thế trong bất kỳ cuộc đối đầu nào. Và giống như Nga ở miền đông Ukraine, Trung Quốc sử dụng vũ khí tầm xa để bảo vệ lực lượng dân quân biển và lực lượng bảo vệ bờ biển của họ ở Biển Đông và Hoa Đông khi họ quấy rối hải quân, đội tàu đánh cá và tàu vận tải biển của đối thủ.
Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đã làm rất ít để đối đầu hoặc chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Các hoạt động tự do hàng hải đã thất bại trong việc ngăn chặn sự kiểm soát và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Việc gia tăng tần suất hoạt động của các tàu sân bay thân thiện có thể khiến các đồng minh của Mỹ yên tâm, nhưng hành vi của Trung Quốc là không thay đổi và khi các tàu sân bay rời đi, các đồng minh lại một lần nữa phải tự xoay xở.
Xung đột Nga – Ukraine và vấn đề toàn vẹn lãnh thổ trong luật quốc tế
1. GIỚI THIỆU
Trước khi phát động các hoạt động quân sự chống lại Ukraine, chính phủ của ông Putin đã ra quyết định công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ và cũng là hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk vốn thuộc Ukraine. Từ đó, trong phát biểu khởi đầu cuộc chiến, ông Putin đã nêu một số lý do, trong đó có vấn đề ‘gìn giữ hòa bình và an ninh’, ý là đối với hai vùng lãnh thổ này, trước các hoạt động quân sự của chính phủ Ukraine. Các động thái này tương tự như năm 2008 khi Nga tấn công Georgia (Gruzia), cũng được bắt đầu với việc công nhận độc lập đối với hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Georgia. Vậy, hành vi công nhận các vùng lãnh thổ ly khai thuộc quốc gia khác có hợp pháp không theo luật pháp quốc tế, và vấn đề đó tạo nên những hệ quả pháp lý gì? Vấn đề giải quyết các vùng lãnh thổ ly khai thuộc thẩm quyền của quốc gia hay cộng đồng quốc tế? Vai trò của các thể chế quốc tế như thế nào trong vấn đề này? Bài viết này sẽ tập trung làm rõ các vấn đề liên quan để trả lời các câu hỏi này, trên cơ sở nguyên tắc ‘độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’ của các quốc gia và dựa vào thực tiễn quốc tế.
2. CÁC VÙNG LÃNH THỔ LY KHAI: MỘT VẤN ĐỀ TỒN TẠI CỦA QUAN HỆ QUỐC TẾ
Trên phạm vi thế giới, tình trạng các vùng lãnh thổ và các nhóm dân cư ly khai từ lâu đã là một vấn đề phức tạp không chỉ đối với bản thân các quốc gia mà còn đối với cộng đồng quốc tế nói chung. Đây thường là vấn đề gây ra những mầm mống cho những bất đồng giữa các bộ phận lãnh thổ với chính quyền trong một quốc gia, đồng thời cũng là cái cớ và kẻ hở để các quốc gia khác và thế lực bên ngoài can thiệp vào. Các vùng lãnh thổ ly khai này thường gắn liền với phong trào ly đòi độc lập tồn tại ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thông thường, việc ly khai để thành lập các nhà nước độc lập xuất phát từ các lý do về sắc tộc, tôn giáo, kinh tế hoặc chính trị, và cũng có thể vì mục đích tái lập các nhà nước/quốc gia đã từng tồn tại trong quá khứ.
Có thể kể ra một số phong trào/vùng ly khai điển hình trên thế giới như: vùng lãnh thổ Chechnya (Nga), vùng Kosovo (Serbia), đảo Corse (Pháp), vũng lãnh thổ của dân tộc Tamil gắn liền với lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (Sri Lanka), vùng Cataluynia hay Catalan (Tây Ban Nha), vùng Tây Tạng và Tân Cương (Trung Quốc), quần đảo Cook (New Zealand), vùng lãnh thổ Quebec (Canada), … và tất nhiên là 2 vùng lãnh thổ gần đây được nhắc đến nhiều trong cuộc xung đột Nga – Ukraine là Donetsk và Luhansk thuộc Ukraine.
Lược sử Ukraine (P1): Từ sơ khai đến cuối thế kỷ 18
Giới thiệu: Làm thế nào mà người Ukraine vẫn kiên cường đối đầu với quân đội Nga mạnh hơn gấp bội? Lịch sử hơn 1000 năm qua của họ có thể cho ta câu trả lời. Đây không chỉ là cuộc chiến để chọn lựa giữa dân chủ và độc tài, giữa Tây và Đông, mà còn là chiến đấu để bảo vệ bản sắc dân tộc, bảo tồn di sản của cha ông để lại, bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa đạt được sau gần một thế kỷ đấu tranh với nhiều biến cố rất đau thương. Họ không muốn quỳ gối khi đã đứng dậy và ngẩng cao đầu. Ký ức về những việc làm vẻ vang, lý tưởng tự do và bình đẳng của họ vẫn còn tồn tại trong truyền thuyết dân gian. Nghe câu cuối cùng của quốc ca Ukraine, chúng ta có thể hiểu họ phần nào: “Chúng tôi từ bỏ thể xác và linh hồn vì tự do của mình, và chúng tôi sẽ cho các anh em thấy rằng chúng tôi thuộc bộ tộc Cossack”.
Loạt bốn bài biên khảo sau đây hy vọng sẽ làm sáng tỏ những khía cạnh lịch sử trong cuộc chiến hiện nay. Sau đây là bài thứ nhất.
***
Đối tượng biên khảo
Lãnh thổ của nhà nước Ukraina ngày nay và các vùng phụ thuộc của nó là một phần của ít nhất 14 quốc gia khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử; quan trọng nhất trong số đó là Vương quốc Ba Lan-Litva, Đế quốc Nga, Chế độ quân chủ Habsburg và Liên bang Xô viết. Vì vậy, chủ thể lịch sử Ukraine không thể được xem là nhà nước, như trường hợp của Pháp hay Nga. Tuy nhiên, điều này không chỉ áp dụng cho Ukraine, mà còn cho nhiều quốc gia hiện đại khác, thí dụ như Đức và Ý.
Tỉ phú Roman Abramovich XÁC NHẬN ông và hai nhà đàm phán Ukraine đã ‘bị mù trong vài giờ và bị tróc da mặt và tay’ trong vụ tấn công nghi đầu độc sau cuộc đàm phán hòa bình ở Kyiv
+ Roman Abramovich được cho là bị đầu độc vào ngày 3 tháng 3, sau khi tham dự các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga ở Kyiv
+ Abramovich, cùng một doanh nhân Nga khác và nghị sĩ Ukraine Rustem Umerov đều phát triển các triệu chứng phù hợp với việc bị đầu độc bằng vũ khí hóa học
+ Tất cả họ đều phát triển các dấu hiệu bao gồm mắt đỏ và bong tróc da mặt
+ Đại diện của Abramovich xác nhận các triệu chứng như được loan báo, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết
Roman Abramovich đã bị nghi nhiễm độc cùng với các nhà đàm phán hòa bình Ukraine hồi đầu tháng 3, khiến da mặt họ bị bong tróc và mù tạm thời, các nguồn tin cho biết.
Một đại diện của Abramovich đã xác nhận, nhà tài phiệt đã bị các triệu chứng như đã được loan báo, nhưng từ chối cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.
Chớ đặt cược vào sự kết thúc của Vladimir Putin
Cách đây gần 5 thập kỷ, tôi được cử đi công tác lần đầu tiên ở Moscow, với tư cách là phóng viên nước ngoài mới chân ướt chân ráo vào làm cho Reuters, và được nghe giữa tiệc chia tay trong quán rượu rằng tôi đã may mắn đến nhường nào. Các đồng nghiệp của tôi nói rằng, chắc chắn tôi sẽ được chứng kiến sự kết thúc của Leonid Brezhnev, kẻ ác trong Điện Kremlin. Ái dà, cuối cùng thì hóa ra Brezhnev cuối đời vẫn y chang Brezhnev giữa triều đại của mình, giữa những chao đảo liên tục.
Giờ đây, cuộc chiến Ukraine, bùng nổ và tàn bạo, đang được phương Tây coi là cú hích cuối cùng của Vladimir Putin, biểu hiện man rợ của một chế độ đang điêu đứng. Tuy nhiên, cá cược của tôi là chúng ta đã đạt đến khoảng giữa triều đại Putin chứ không phải là cuối Putin. Và ngay cả khi chiến tranh kết thúc, nước Nga vẫn trở nên đen tối và tồi tệ hơn.
Phương Tây đưa ra ba giả định sai lầm về chính trị Điện Kremlin. Đầu tiên là các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cá nhân và công khai, rằng “những sai lầm” trong cuộc chiến Ukraine sẽ phải là đề tài về Moscow tương đương với Báo cáo Chilcot (cuộc điều tra về vai trò của Anh trong cuộc chiến Iraq – ND). Nó sẽ không xảy ra đâu. Mà nó cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Putin sẽ mất hứng thú với chiến tranh trong và ngoài nước. Bạo lực làm nền tảng cho hệ thống cai trị của Putin, cho hình thái của nỗi sợ hãi trong ông ta, đã không bị cuộc xâm lược chế ngự. Cuối cùng, quyền chỉ huy của Putin đối với cảnh sát mật, tòa án và phương tiện truyền thông rất toàn diện nên việc tìm kiếm vật tế thần và né tránh những sai lầm của mình sẽ trở nên dễ dàng một cách đáng kể. Ông ta sẽ không bị đuổi khỏi vị trí quyền lực.
Cơn giận dữ của Vlad (*) sẽ kéo dài
Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc, sự tức giận và thất vọng của Putin sẽ kéo dài và sẽ ảnh hưởng đến chính người Nga. Hãy sẵn sàng cho một cuộc Đại thanh trừng phiên bản năm 2022. Nó sẽ không khốc liệt như năm 1937 của Stalin, khi 680.000 người bị hành quyết, 116.000 người bị tống vào Trại cải tạo lao động (Gulag) và hàng nghìn người phải tự sát. Mọi người đều biết những gì sẽ xảy ra khi một thẩm phán kết án nạn nhân “10 năm tù mà không có quyền gửi nhận thư từ“, trong một phiên tòa trình diễn. Nó có nghĩa là tù nhân không có cơ hội sống sót. Putin có thể ngưỡng mộ Stalin, nhưng ngay cả khi ông ta cũng phải chấp nhận rằng một cuộc thanh trừng hiện đại phải trông hơi khác trước đây một chút. Cuối cùng, vào năm 2017, ông chính thức mở Bức tường Đau buồn ở Moscow để tưởng nhớ các nạn nhân năm 1937 của Stalin. Và không thể phủ nhận cách mà các cuộc thanh trừng đã làm tổn hại tâm lý của nước Nga và tất cả các xã hội hậu Xô Viết.
Nhìn từ Nga-Ukraine: Tại sao Việt Nam nên lo lắng hơn Đài Loan
+ Ở châu Á, Việt Nam, chứ không phải Đài Loan, phải đối mặt với kiểu cô lập chiến lược giống như Ukraine, do học thuyết ‘ba không’ về trung lập địa chính trị.
+ Tệ hơn nữa, khi các lệnh trừng phạt sâu rộng đánh vào Nga, Hà Nội nhiều khả năng không còn có thể dựa vào Moscow như là một nguồn cung cấp khí tài quân sự và đầu tư chiến lược
“Chúng tôi đã bị bỏ lại một mình để bảo vệ nhà nước của mình,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, đồng thời kêu gọi người dân của ông giữ vững tinh thần trước cuộc xâm lược của Nga. “Ai sẵn sàng chiến đấu bên cạnh chúng ta? Tôi không thấy ai cả. Ai sẵn sàng cung cấp cho Ukraine một sự đảm bảo về tư cách thành viên Nato? Mọi người đều sợ hãi,” ông nói thêm, nhấn mạnh tình trạng bi đát của Ukraine.
Ngay cả khi có một loạt các biện pháp trừng phạt được tung ra đối với Moscow và cung cấp vũ khí tối tân cho Kyiv, phương Tây vẫn nói rõ rằng họ không sẵn sàng kết nạp Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, cũng như đối đầu quân sự với Nga.
Xung đột Ukraine đã gây ra những làn sóng chấn động khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Theo cách hiểu thông thường, thì tình cảnh tương đồng gần nhất với Ukraine là Đài Loan.
Rốt cuộc, Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng sử dụng “mọi phương cách cần thiết” để thống nhất hòn đảo tự trị. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, rõ ràng là Việt Nam chứ không phải Đài Loan, mới phải đối mặt với kiểu cô lập chiến lược giống như Ukraine.
Trung Quốc sẽ hung hăng hơn trước khi đạt đỉnh
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, giáo sư Michael Beckley của Đại học Tufts cho rằng Trung Quốc sẽ sớm bước vào thời kỳ suy yếu do dân số già và thiếu thốn tài nguyên, lập luận rằng nước này có nguy cơ trở nên hung hăng đối với những quốc gia khác trong quá trình gấp rút đạt được các mục tiêu kinh tế và ngoại giao.
Ông cảnh báo các nước láng giềng nên cảnh giác với một cường quốc đang trỗi dậy bất ngờ trì trệ và trở nên hống hách, một tình huống mà ông gọi là “bẫy đỉnh quyền lực” (peak power trap).
Gần đây, Beckley, người cũng là nghiên cứu viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ, đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia ngoại giao Washington khi thảo luận về “Hồi kết cho Sự Trỗi dậy của Trung Quốc” (The End of China’s Rise) trên các tạp chí đối ngoại và nhiều ấn phẩm khác của Mỹ.
Vị giáo sư nói rằng Trung Quốc sẽ mất hơn 70 triệu người trong độ tuổi lao động và sẽ có hơn 100 triệu người cao tuổi vào đầu những năm 2030, khi sức mạnh quốc gia của họ nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh. Vì Chủ tịch Tập Cận Bình muốn để lại di sản cá nhân, Beckley cũng dự đoán giai đoạn căng thẳng nhất trong đối đầu Mỹ-Trung tại Eo biển Đài Loan sẽ diễn ra vào cuối những năm 2020.
Dưới đây là nội dung đã được biên tập của bài phỏng vấn.
Tuyên truyền về Liên Xô quá mạnh khiến có người Việt Nam ủng hộ Nga xâm lược Ukraine
“Hoài niệm về Liên Xô đặc biệt đối với những thế hệ người lớn tuổi ở Việt Nam được tạo dựng từ việc thể hiện lịch sử Liên Xô được tô hồng cách trình bày (sanitized presentation) từ cỗ máy tuyên truyền của Việt Nam nói chung và các sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam nói riêng, Phó Giáo sư Martin Grossheim từ Đại học Quốc gia Seoul nói với BBC News Tiếng Việt.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm rõ sự chia rẽ giữa các đồng minh của Mỹ và những nước còn lại
Cuộc khủng hoảng Ukraine đang thống nhất các nền dân chủ ở châu Âu và Thái Bình Dương nhưng làm phức tạp mối quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh.
“Hãy quyết định bạn đứng về phía nào”, Volodymyr Zelenskiy nói với Hội đồng Châu Âu, chỉ ra một lựa chọn ngày càng trở nên khó tránh, khi bạo lực tuyệt đối của cuộc xâm lược Ukraine của Nga làm rõ sự phân chia thế giới thành hai phe.
Hà Nội và nghịch lý giao thông kết nối: cầu đường bộ bỏ đường sắt, cắt đường thủy
Thành phố Hà Nội vừa công bố chọn phương án xây cầu Đuống mới, cầu đường sắt tách riêng có tĩnh không 7m, cầu đường bộ tĩnh không 9,5m. Trước đó cầu Trần Hưng Đạo cũng đã vẽ với tĩnh không 9,5m… Những cây cầu “phi chuẩn” này đem lại những lợi ích gì?
Ứng xử với tuyến đường thủy lớn huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Đường thủy nội địa miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km, công suất vận tải hàng hóa dự kiến đến 2030 đạt 199 triệu tấn/ năm(1). Hà Nội là tâm điểm của mạng lưới đường thủy Bắc bộ với 356 km trên các sông lớn (Hồng, Đà, Đáy, Công, Cầu), còn 131 km các sông nhỏ hơn có thể khai thác vận chuyển du lịch kết hợp thủy lợi, cảnh quan môi trường.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga đưa ra một thỏa thuận?
Làm thế nào để kết thúc một cuộc chiến mà không ai có khả năng chiến thắng?
Hai cuộc thế chiến hồi thế kỷ 20 đã cho chúng ta một nguồn vô tận các tiền lệ và so sánh. Giai đoạn trước Thế chiến 2 đã sản sinh ra phép so sánh Munich, ám chỉ quyết định năm 1938 của Anh và Pháp, cho phép Đức Quốc xã sáp nhập một phần lãnh thổ Tiệp Khắc. “Munich” sau đó đã trở thành một từ viết tắt của “chính sách xoa dịu.” Trong khi đó, giai đoạn hậu Thế chiến 2 tạo ra phép so sánh Nuremberg, khơi gợi về các phiên tòa xét xử công khai những nhà lãnh đạo còn sống của chế độ Đức Quốc xã, mà khi đó đã bị đánh bại hoàn toàn. “Nuremberg” bây giờ là viết tắt của “đầu hàng vô điều kiện.”
Ngoại giao mềm dẻo có kết quả
Ở Bruxelles, Chính phủ Mỹ đóng vai khiêm tốn hơn, mở mặt trận ngoại giao qua ba cuộc họp thượng đỉnh, giúp dân Ukraine chống Nga và cảnh cáo Trung Cộng.
Napoleon từng nói rằng trong chiến tranh tinh thần chiến đấu quan trọng gấp ba lần sức mạnh vật chất. Lòng yêu nước của quân và dân Ukraine đang lên cao tột đỉnh. Tinh thần quân lính Nga đang xuống thấp.
Trong 20 năm, Mỹ không quan tâm đến các nước đồng minh. Chính phủ George W. Bush tấn công Iraq mặc dù Pháp, Đức, New Zealand và Canada không ủng hộ. Chính phủ Donald Trump đánh thuế trên hàng hóa của Âu châu cũng như của Trung Quốc, dọa rút ra khỏi NATO và thỏa hiệp với Taliban để rút chân ra khỏi Afghanistan, không cần bàn với các nước khác. Ông Joe Biden rút quân vội vàng và lộn xộn cũng không báo trước cho các đồng minh để cùng chuẩn bị rút. Chính phủ Biden ký thỏa ước với Anh quốc giúp Australia về tàu ngầm nguyên tử bất chấp dự án cộng tác giữa Australia với Pháp; sau đó ông Biden phải xin lỗi.
Bao giờ người Việt sẵn sàng cho dân chủ?
Đa phần người Việt thiếu trải nghiệm sống trong một xã hội dân chủ thật sự, chưa thể hiện sự khát khao cho dân chủ, theo tác giả Võ Ngọc Anh
Thực trạng hiện nay, trong nước, đa phần người Việt thiếu trải nghiệm sống trong một xã hội dân chủ thật sự, chưa thể hiện sự khát khao, sẵn sàng hy sinh và chưa có một lực lượng đủ tầm vóc để lãnh đạo cuộc vận động cho dân chủ.
Trong khi đó, các tổ chức, đảng phái người Việt ở hải ngoại chưa ngồi lại được với nhau để có cùng tiếng nói cho tiến trình dân chủ tại quê nhà.
Chọn bạo lực, hoặc “trở về giải tán Cộng Sản” là ảo tưởng
Sắp tới tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra xét xử 12 bị cáo với tội danh, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 109, Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
12 người này bị bắt hai năm trước vì tham gia vào, chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời. Đây là tổ chức do ông Đào Minh Quân lập ra vào năm 1990, tại Mỹ, nhưng không hề có uy tín hay thực lực tại hải ngoại.
Đầu năm 2018, chính quyền Việt Nam đưa chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời này vào danh sách tổ chức khủng bố. Có lẽ do nguyên nhân, các thành viên của tổ chức này đã sử dụng vũ khí thô sơ, tự chế nhằm gây thiệt hại.
“Đồng Tâm có thể là một trong những lý do trực tiếp khiên Đoan Trang bị bắt”
Có thể, hành động tạo vũ khí chỉ nhằm mục đích gây tiếng vang, nhưng lại bất chấp hậu quả. Điều này cho thấy chóp bu của tổ chức này không suy tính đến sự an nguy của thành viên trong nước.
Việc chính quyền Việt Nam xem tổ chức này là khủng bố, đã đưa đến những bản án nặng nề hơn với người tham gia vào nó.
Đến thời điểm hiện nay, có khoảng 60 người trong nước đang bị bỏ tù với các bản án nhiều năm vì có liên quan đến chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời. Nhưng hoạt động thực sự cho tổ chức này chắc chỉ vài người nông nổi.
Tôi tin rằng, động cơ khiến những người này chịu cảnh tù đày vì, họ khao khát một xã hội tự do, dân chủ, công bằng hơn. Đây là nhu cầu chính đáng của mọi công dân. Nhưng chính sự nông nổi, thiếu thông tin và hiểu biết khiến họ bị lôi vào tổ chức manh động, vớ vẩn này.
Ba năm trước, qua mạng xã hội, một người phụ nữ tên Loan mời tôi tham gia vào chính phủ của ông Quân. Bị tôi chê, bà Loan block ngay vì không chấp nhận bất kỳ ai chê ông Quân và chính phủ bà đang tham gia.
Hồi tháng 9/2020, Việt Nam cũng xử 20 thành viên của nhóm Triều Đại Việt với tổng số 200 năm tù. Đây cũng là tổ chức chọn cách thức bạo lực qua việc tạo vũ khí, gây nổ tại các cơ quan công an. Cũng như nhóm Đào Minh Quân, nhóm Triều Đại Việt gần như không được ai biết tới tại hải ngoại.
Bất kỳ tổ chức, đảng phái nào ở hải ngoại chọn bạo lực, hoặc “trở về” giải tán Cộng Sản sẽ khó nhận được sự ủng hộ. Thành viên tham gia các tổ chức này chịu cảnh tù đày vô ích. Làm cho hình ảnh đấu tranh dân chủ trở nên xấu xí, khó chấp nhận.
Bởi, dù vẫn là một quốc gia độc tài, nhưng các nước dân chủ hiện nay không có ác cảm với chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hơn nữa, thế giới đang có khuynh hướng nhìn nhận Việt Nam là nền kinh tế năng động, gắn kết chặc chẽ với nền kinh tế toàn cầu.
Với thế địa chính trị và nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, các nước dân chủ sẽ lôi kéo để tạo ra sự thay đổi từ bên trong chính quyền hơn việc ủng hộ các tổ chức đối lập thúc đẩy bạo lực, gây bất ổn từ bên ngoài đưa vào.
Trung Quốc: Dân Thượng Hải đổ xô đi mua hàng trước ngày phong tỏa
Các biện pháp phong tỏa ở Thượng Hải khiến người dân xếp hàng rồng rắn mua hàng thiết yếu trong siêu thị
Người dân ở Thượng Hải đổ xô đi mua hàng để tích trữ khi lệnh phong tỏa được áp dụng ở hai nửa thành phố trong khoảng thời gian khác nhau.
Sau khi thực hiện chính sách phong tỏa một số tòa nhà nhiều tuần lễ, chính quyền Thượng Hải, thành phố 25 triệu dân, sẽ phong tỏa thành phố theo hai khu vực hai bên bờ sông Hàng Phố.
Người dân sống ở nửa đông Thượng Hải phải ở nhà từ đầu tuần này, trong khi những người ở nửa tây thành phố sẽ bắt đầu phong tỏa từ thứ Sáu.
Quyết định này được đưa ra để đối phó với số ca nhiễm Omicron đang tăng mạnh.
Kể từ ngày 1/3, Thượng Hải ghi nhận chừng 20.000 ca nhiễm Covid, có nghĩa số ca trong 4 tuần qua cao hơn tổng số ca trong hai năm qua.
Chính sách zero Covid của Trung Quốc ngày càng bị thách thức bởi biến thể Omicron lây lan chóng mặt.
Các quan chức của thủ đô tài chính Trung Quốc đã tìm cách giữ cho thành phố hoạt động bình thường bằng cách chỉ áp dụng phong tỏa cục bộ cho một số khu dân cư hay tòa nhà.
Nhưng hôm Chủ nhật, chính quyền thông báo phong tỏa diện rộng theo hai nửa bên sông Hàng Phố.
Người dân sống ở khu vực Phố Đông (Pudong), bờ Đông sông Hàng Phố, sẽ phải ở nhà trong bốn ngày kể từ thứ Hai 28/2. Còn khu vực Phố Tây, ở bờ Tây sông, sẽ bắt đầu phong tỏa tư thứ Sáu.
Xét nghiệm diện rộng được thực hiện cho tất cả người dân Thượng Hải.
Ukraine: Putin yêu cầu Mariupol phải đầu hàng trước khi Nga ngừng bắn phá
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói việc bắn phá thành phố Mariupol ở phía Nam Ukraine sẽ chỉ ngưng khi quân đội Ukraine đầu hàng.
Ông Putin có bình luận trên trong một cuộc điện đàm dài một tiếng đồng hồ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đêm thứ Ba, Điện Kremlin nói trong một thông cáo.
Nhưng các quan chức Pháp nói vị tổng thống Nga đã đồng ý xem xét kế hoạch sơ tán thường dân khỏi thành phố.
Những hình ảnh mới từ vệ tinh cho thấy mức độ hủy hoại mà bom đạn Nga đã gây ra tại thành phố này.
Những bức ảnh do hãng quan sát Trái đất từ vệ tinh Maxar đưa ra, cho thấy các khu dân cư bị san phẳng chỉ còn là đống đổ nát và nổi rõ pháo cao xạ Nga đang trong tư thế bắn ở ngoại ô Mariupol.
Các quan chức Pháp từ Điện Elyseé gọi tình hình ở thành phố là “thảm họa” và nói thêm rằng “thường dân phải được bảo vệ và rời khỏi thành phố nếu họ muốn. Họ phải được tiếp cận viện trợ lương thực và thuốc men mà họ cần”.
“Tình hình nhân đạo rất tồi tệ này gắn với việc quân đội Nga bao vây thành phố,” thông cáo viết.
Pháp, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và một số tổ chức nhân đạo khác, đã đề nghị một kết hoạch sơ tán người dân với ông Putin.
Các quan chức cho biết ông Putin nói với ông Macron rằng ông sẽ “suy nghĩ” về đề nghị này.
Nhưng trong văn bản tường trình về cuộc điện đàm, Điện Krelim dường như gợi ý rằng ông Putin không hề nói như vậy
Các quan chức Nga nói ông Putin nói với vị tổng thống Pháp rằng “nhằm giải quyết tình hình nhân đạo khó khăn ở thành phố này, các nhóm quân đội theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine phải ngừng chống cự và hạ vũ khí”.
Thông cáo của Nga nói thêm rằng ông Putin đã cho ông Macron “thông tin chi tiết về các biện pháp mà quân đội Nga thực hiện để cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp và đảm bảo sơ tán an toàn” cho người dân thành phố bị bao vây.
Ukraine cáo buộc Nga đã ép hàng ngàn người phải chuyển chỗ ở từ Mariupol tới vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng.
Tập giữ lập trường ủng hộ Nga vì lo sợ mô hình Gorbachev
Nhưng nếu nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi ràng buộc với Moscow, một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ sẽ xuất hiện.
Tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại kiên trì giữ lập trường thân thiện với Nga, bất chấp các hành động tàn sát ở Ukraine?
Chìa khóa để hóa giải bí ẩn này có thể nằm trong nhận xét của ông từ 10 năm trước.
Tháng 12/2012, chỉ vài tuần sau khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, tân Tổng Bí thư Tập nói rằng Trung Quốc cần phải rút ra bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô.
“Cuối cùng, Gorbachev chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng là có thể tuyên bố giải thể Đảng Cộng sản Liên Xô, và một đảng vĩ đại đã không còn,” ông nói khi nhắc đến nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev. “Không ai dám làm một người đàn ông đích thực. Không ai dám đứng ra phản kháng,” ông than thở.
Sự đồng cảm của Tập đối với hệ thống Xô Viết đã gây bất ngờ cho nhiều thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là cánh cải cách, mà khi đó vẫn còn hoạt động tích cực.
Nhìn lại, nhận xét của Tập cũng tương đồng với triết lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine: mong muốn hồi sinh vinh quang thời Liên Xô, và sự mất lòng tin mạnh mẽ đối với phương Tây.
Phát biểu của Tập vào tháng 12/2012 đã được đưa ra tại tỉnh Quảng Đông, trước nhiều quan chức địa phương.
Cực hữu và Tân phát xít Nga: Putin xử lý ‘thù trong giặc ngoài’ ra sao?
Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, một trong những từ khóa được nhắc tới nhiều nhất là “fascism” – chủ nghĩa phát xít. Đây là lý do chủ đạo lý giải tại sao Nga tấn công Ukraine.
Theo ông Putin, người gốc Nga ở phía Đông Ukraine đang bị “diệt chủng” bởi một “chính quyền theo chủ nghĩa tân phát xít”. Bản thân người Ukraine cũng bị giữ làm con tin bởi một chính quyền họ “căm ghét”. Quân đội Nga có nhiệm vụ “giải phóng” Ukraine, “bảo vệ” người dân khỏi bàn tay diệt chủng”. Những người lính Nga sẽ được người Ukraine mang cờ hoa ra chào đón.
Phát xít là gì?
Trong một bài giảng về văn hóa Á Đông, tôi có kể câu chuyện bó đũa: một chiếc thì dễ gãy, nhưng ai có thể bẻ được cả bó đũa? Một sinh viên người Ý nhận xét: “Nếu ta lắp thêm vào bó đũa ấy một lưỡi dao, ta sẽ có chủ nghĩa phát xít”.
Quả vậy, cái gốc của từ “phát xít” bắt nguồn từ fasces, gồm một bó que buộc chặt với một lưỡi rìu. Biểu tượng này được gắn trên vũ khí của các vệ sĩ thời La Mã, thể hiện sức mạnh của đế chế và quyền năng trừng phạt những kẻ không chịu phục tùng. Thêm một con đại bàng quắp lấy bó que, thế là ta có biểu tượng của phát xít Ý.
Tuy nhiên, phát xít là một thuật ngữ khó nhằn. Thậm chí định nghĩa của chính từ điển Oxford cũng không được hoàn toàn đồng thuận. Nó gắn chủ nghĩa phát xít với độc tài, chủ nghĩa dân tộc và cực hữu. Nhưng những yếu tố này chỉ là hệ quả chứ không nhất thiết là tiêu chí để xác định ai là phát xít. Ví dụ, thời kỳ đầu của phát xít Ý không phải “thiên hữu” như trong định nghĩa của Oxford mà lại là “thiên tả”. Phát xít Ý thời đó đấu tranh cho giới hạn chỉ còn 8 giờ làm việc, nâng mức lương tối thiểu cho công nhân và đánh thuế nặng những kẻ giàu có.
Chính vì vậy, để hiểu phát xít một cách đúng nhất, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ta phải bám chắc vào gốc cơ bản của nó. Đó là trên danh nghĩa lợi ích cộng đồng, mỗi cá nhân phải triệt để tuân lệnh, nếu không sẽ bị trừng phạt. Nói cách khác, tư tưởng phát xít xuất hiện khi quyền lợi của nhà nước được đặt lên trên tất cả, kể cả khi quyền tự do cá nhân bị chà đạp. Ví dụ, nhà người dân nằm trên khu đất chính quyền muốn giải tỏa, nhưng họ không được thuyết phục để rời đi mà bị cưỡng ép phải rời đi. Hoặc tiếng nói phê phán chính quyền sẽ bị coi là “bôi nhọ” chính quyền, và người tố cáo bị bỏ tù.
Từ cái cốt cơ bản đó, một xã hội bị quản thúc bởi tư tưởng phát xít khá giống một bầy cừu, con nào cũng giống con nào, đi theo cùng một hướng, nghĩ theo cùng một kiểu, tin vào cùng một hệ giá trị, trung thành với một kẻ chăn dắt duy nhất. Sự đồng nhất ấy được tôn vinh dưới các mỹ từ “tổ quốc là trên hết”, “đoàn kết”, “sức mạnh”, “trong sạch” và “thuần nhất”. Nó được củng cố bằng sự trừng phạt nếu con cừu nào dám đi lệch khỏi hàng, ngăn chặn tiếng nói đa phương trong hệ thống chính trị và kiềm tỏa ý kiến đa chiều của báo chí.
Đi tìm ý nghĩa của đời sống trên quê hương bị hủy hoại bởi độc tài toàn trị
(VNTB) – Chế độ độc tài toàn trị đã đang và sẽ hủy hoại và tàn phá mọi thứ trên đất nước đã bỏ tù Anh Dũng , Anh Thụy , Anh Tuấn 11 năm , và cô Trang 9 năm.
Theo lời kể của Giáo sư Phạm Minh Hoàng, năm 2016, anh Phạm Chí Dũng rủ anh Hoàng đến tham dự phiên họp hàng năm của Hội Nhà Báo Độc Lập. Anh Hoàng nói anh ấy ngần ngại vì đang anh ấy đang bị quản chế và theo dõi. Anh Dũng nói: ”Anh cứ đi một cách bình thường, họ đi theo cứ để họ đi, chẳng có vấn đề gì đâu.” Cũng may, đường đi đến chỗ họp phải qua một khu chợ, người theo dõi bị mất dấu.
Phiên họp kết thúc tốt đẹp với khoảng 20 thành viên cùng sự tham dự của hai viên chức Tổng Lãnh Sự Mỹ. Lúc chia tay, Anh Dũng nói:”Đấy, anh thấy em nói có sai đâu, mình cứ làm như bình thường, chẳng có gì phải lo.” Tuy nhiên, lời động viên hôm ấy lại hóa ra là lời giã biệt của hai anh em.
Anh Hoàng là người bảo vệ nhân quyền, giáo sư đại học tại Sài Gòn, và blogger. Anh đã viết hàng chục bài bình luận về các vấn đề như nhân quyền, môi trường và tham nhũng. Từ năm 2012 đến 2017, Anh Hoàng đã làm các lớp tập huấn cho giới trẻ về nhân quyền và luật pháp Việt Nam.
Cách sống hoài nghi hay bạn nghĩ gì về Nguyễn Phú Trọng?
(VNTB) – Bọn độc tài toàn trị không chịu thừa nhận sai lầm.
Hãy nghĩ về một thời điểm mà bạn đã thay đổi quyết định của mình. Có lẽ bạn muốn đất nước của bạn xâm chiếm Cambodia, và bây giờ bạn nhận ra rằng có lẽ đó là một ý tưởng tầm bậy. Hoặc có thể bạn lớn lên trong một gia đình theo cộng sản, và rồi bạn tự diễn biến. Một phần của sự trưởng thành là phát triển sự khiêm tốn về trí tuệ. Bạn đã sai trước đây; bây giờ bạn có thể sai.
Tất cả chúng ta đều quen thuộc với bọn độc tài toàn trị không chịu thừa nhận sai lầm. Bạn nghĩ gì về những người như vậy? Bạn có ngưỡng mộ sự bền bỉ trong u tối của chúng không? Hay bạn ước rằng chúng sẽ thừa nhận rằng chúng đã đi đến kết luận, đọc sai bằng chứng, hoặc chỉ muốn nhìn thấy những gì chúng muốn xem? Những người ngoan cố không chỉ sai về sự thật. Chúng cũng có thể rất hung dữ khi bạn phản biện lại “sự thật” của chúng.
Vì sao bạn ủng hộ Putin?
Các bạn bảo vệ Đảng Cộng sản VN, mình hiểu các bạn. Cha mẹ các bạn có thể là đảng viên Đảng CS, bản thân các bạn ăn cây nào rào cây ấy. Nhưng các bạn ủng hộ Putin mình hoàn toàn không hiểu các bạn. Nếu lúc đầu cuộc chiến, do thiếu thông tin, các bạn chọn nhầm bên, ok thông cảm được. Giờ này, trắng đen đã khá rõ ràng, báo chí VN cũng đưa tin 2 chiều, chứ không đưa tin 1 chiều như lúc đầu nữa. Vậy mà các bạn vẫn còn ủng hộ Putin thì vì lẽ gì?
– Nếu nói Nga đã từng ủng hộ VN đánh Mỹ thì Ukraine cũng vậy, vì khi đó họ ở cùng trong Liên bang Xô Viết và Liên Xô ủng hộ Việt Nam.
Tổng thống Joe Biden: Đừng sợ!… Putin không thể tiếp tục cầm quyền!
“Đừng sợ!”
Đây là lời mở đầu trong bài diễn văn công khai đầu tiên của Đức Giáo hoàng Ba Lan Gioan Phaolô John Paul II sau khi ông được phong chức vào tháng 10 năm 1978. Đức Giáo hoàng về sau nỗi tiếng từ hai chữ nầy. Những chữ có thể thay đổi thế giới.
Gioan Phaolô đã mang thông điệp “Đừng sợ” đến ở đây – Warsaw trong chuyến về nước đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng vào tháng 6 năm 1979. Đó là thông điệp về sức mạnh, sức mạnh của niềm tin, sức mạnh của sự kiên cường, sức mạnh của con người. Trước một hệ thống chính quyền cộng sản độc tài toàn trị độc ác và tàn bạo, đó là một thông điệp giúp chấm dứt sự đàn áp của cộng sản Liên Xô tại vùng đất trung tâm ở Đông Âu cách đây 30 năm.
Thiếu thốn khiến người Nga nhớ về nỗi ám ảnh thời Liên Xô bao cấp
Sau một giờ rưỡi xếp hàng chờ mua các bao đường, hoặc nhiều hơn vậy mà vẫn phải đang giành giật nhau mua trong siêu thị, người Nga đang cảm nhận rõ sự thiếu thốn do bị cô lập với thế giới.
Hàng dài những người dài chờ mua đường ở Saratov khiến người ta nhớ đến thời ảm đạm của nước Nga Xô Viết cũ, một phần diễn biến của thị trường hàng hoá Nga đã làm khơi lại nỗi sợ rằng cuộc xâm lược của Kremlin ở Ukraine sẽ dẫn đến sự thiếu hụt hoặc lại phải xếp hàng vô tận như thời Liên Xô.
Tại sao những tuyên bố ngoài văn bản của Tổng thống Biden lại quá nguy hiểm?
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Warsaw, Ba Lan vào ngày 26/03
Tổng thống Zelensky nói Ukraine sẵn sàng thảo luận về tình trạng trung lập
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói Ukraine sẵn sàng thảo luận về việc thực thi tình trạng trung lập như một phần của thỏa thuận hòa bình
Nhưng ông Zelensky nói vấn đề tình trạng trung lập của Ukraine sẽ được trưng cầu ý dân và phải được bên thứ ba đảm bảo
Bình luận của ông Zelensky được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo Nga độc lập, khiến cơ quan quản lý truyền thông nhà nước Nga lên tiếng cảnh báo
Vòng đàm phán trực tiếp sắp tới giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra trong tuần này tại Thổ Nhĩ Kỳ
Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Kyrylo Budanov nói Nga đang cố tạo “Nam Hàn và Bắc Hàn tại Ukraine”
Nhà Trắng nói Tổng thống Biden không kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga mặc dù ông nói rằng Vladimir Putin “không thể tiếp tục nắm quyền”
Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một loạt những tuyên bố không được soạn sẵn trong văn bản và điều này đã khiến mối quan hệ Nga-Mỹ tăng nhiệt, gần chạm ngưỡng nguy hiểm.
Tuy nhiên, dòng tuyên bố không được chuẩn bị trước, được bổ sung vào phần cuối của bài phát biểu quan trọng tại Ba Lan vào ngày thứ Bảy 26/03 – dường như kêu gọi lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin – có lẽ đã gây khó khăn nhất.
Trong bài phát biểu trước giới chức trong chính phủ và những nhân vật cấp cao của Ba Lan tại Lâu đài Hoàng gia ở Warsaw, thì Tổng thống Mỹ một lần nữa cảnh báo thế giới đang rơi vào cuộc xung đột mang tính định hình kỷ nguyên giữa các nền dân chủ và độc tài.
Ông cũng cam kết Nato sẽ bảo vệ “mỗi inch” lãnh thổ của các quốc gia thành viên trong liên minh. Ông cũng cam kết tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, mặc dù lưu ý rằng sẽ không đưa quân đội Mỹ giao chiến trực tiếp với quân đội Nga tại Ukraine.
Đây là một bài phát biểu mang tính đối đầu nhưng được ‘đo ni đóng giày’ thống nhất với những tuyên bố của giới chức Mỹ từ Ngoại trưởng Antony Blinken trong hàng tháng qua.
Sau đó, ngay trước khi nói lời “cảm ơn” và “tạm biệt” thì ông Biden đã thêm phần đề cập đến người đồng cấp Nga: “Ơn Chúa, người đàn ông này [Putin] không thể nắm quyền.”
“Bài phát biểu – và những lộ trình liên quan đến Nga – thật sự gây sốc, nếu dùng ngôn từ lịch sự,” người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. “Ông ta [Biden] không hiểu là thế giới không chỉ có nước Mỹ và phần lớn châu Âu.”
Và Mỹ lùi bước.
“Quan điểm của Tổng thống là Putin không được phép thực thi quyền lực đối với các nước láng giềng hoặc khu vực. Ông ấy không nói về quyền lực của Putin ở Nga, hay sự thay đổi chế độ”, một quan chức Nhà Trắng giải thích sau bài phát biểu của Biden tại Warsaw.
Tốc độ nước Mỹ phát đi thông tin “làm rõ” – sau đó theo tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken – cho thấy Mỹ hiểu rõ sự nguy hiểm tiềm tàng trong từ ngữ mà ông Biden đã sử dụng.
Trước đó thì Tổng thống Mỹ đã gọi ông Putin là một “tên đồ tể”. Tuần rồi thì ông Biden dường như đi trước tiến trình ngoại giao trong chính quyền của mình khi cáo buộc nhà lãnh đạo Nga phạm tội ác chiến tranh.
Trong cả hai trường hợp thì bài phát biểu của ông Biden đã bị phía Moscow lên án và cảnh báo rằng mối quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ đang bị chệch sang mức có thể bị đổ vỡ.
Có một lằn ranh giữa việc lên án lãnh đạo một quốc gia – thông thường là khi ngôn từ ngoại giao tăng nhiệt quá mức – và kêu gọi sự lật đổ. Cũng có một lằn ranh mà cả người Mỹ và người Liên Xô đều tôn trọng thậm chí vào cao điểm Chiến tranh Lạnh. Và đó là lằn ranh mà Tổng thống Mỹ Joe Biden rõ ràng đã vượt qua.