VNTB – Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: độc tài mềm (Bài 9)*

VNTB – Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ: độc tài mềm (Bài 9)*

Đoàn Hưng Quốc

(VNTB) – Đã có quyền lực mềm tất phải có độc tài mềm (soft totalitarian). Quyền lực mềm dựa trên sự thuyết phục. Độc tài mềm dựa trên áp lực dư luận và tư duy một chiều (political correctness).

Một chế độ độc tài tức là thiếu dân chủ và cai trị bằng bạo lực, công an hay quân đội. Dân chủ phi tự do gồm những nhà nước do dân bầu nhưng sau đó dựa vào sự ủng hộ của một thành phần trong quần chúng để đàn áp tiếng nói đối lập. Độc tài mềm gồm những thế lực tuy không nắm quyền hành cai trị nhưng xử dụng sức mạnh trong truyền thông và giáo dục nhằm xây dựng hệ thống tư duy một chiều, rồi sau đó vận động biểu tình, tẩy chay hay dựa vào áp lực của dư luận để bóp chết khác biệt.

Cụ thể thì Việt Nam và Trung Quốc là độc tài. Hung, Ba Lan và Phi  tức dân chủ phi tự do. Ở Mỹ có độc tài mềm cánh tả, riêng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại có độc tài mềm cánh hữu. Xã hội loài người thật phong phú với muôn vàn màu sắc!

Cuộc chiến văn hóa hiện thời ở Mỹ có thể xem như do phe hữu chống lại nền độc tài mềm của thành phần ưu tú cánh tả vốn nắm uy quyền gần như tuyệt đối trên báo chí, các sàn thông tin (Facebook, Twitter…) và trong học đường nhằm xây dựng hệ thống tư duy một chiều, một xã hội đa văn hóa (multi-culturalism) và của toàn dân (for all) mà giới bảo thủ cho là sặc mùi xã hội chủ nghĩa – cái gì bình đẳng và của toàn dân là nhà nước hốt trọn! 

Những vấn đề mà cánh tả gọi là sự thật hiển nhiên (self-evident truths) rồi nâng lên thành quyền con người (human rights) như quyền phá thai, quyền hôn nhân đồng tính, quyền của giới LGBTQ, quyền di dân dù bất hợp pháp, quyền có nhà ở, quyền có bảo hiểm y tế, quyền được hưỡng giáo dục, quyền có mức lương cao tối thiểu…thì cánh hữu cho rằng mỗi người phải tự có trách nhiệm với đời sống của chính mình mà không đòi hỏi được nhà nước bao che, nên không đồng ý và tiếp tục tranh luận.

Nói một khác, những quyền hạn phổ thông của nhân loại (universal human rights) nếu chỉ gồm mưu cầu hạnh phúc và chống độc tài, chống kỳ thị màu da, giới tính và tôn giáo thì ai cũng gật đầu đồng ý. Nhưng diễn dịch mở rộng để bao gồm thêm đủ mọi tự do như đã nói trên thì vẫn còn nhiều phản ứng ngập ngừng e ngại. Rồi dùng độc tài mềm để áp đặt tư duy một chiều (political correctness) ép buộc chấp nhận như sự thật hiển nhiên (self-evident truth) không thể tranh cãi thì gặp chống đối.

Ở Mỹ trong học đường nếu bày tỏ quan điểm chống phá thai, hôn nhân đồng tính, LGBTQ… thì thầy bị đuổi, học trò bị điểm xấu rồi bạn bè tẩy chay cô lập.

Nhiều cơ sở thương mại vì không phục vụ cho hôn nhân đồng tính và LGBTQ đã bị áp lực biểu tình tẩy chay đến khánh tận.

Báo chí dòng chính (mainstream media) và các sàn thông tin (Facebook, Twitter,…) không chỉ đưa tin mà tự phong cho chức năng đạo đức (moral authority) để thông tin một chiều, tự quyết định thật hay giả mà đục bỏ các mẫu tin không phù hợp với quan điểm của tòa soạn hay giới thượng lưu.

Đối với các nước nhỏ, giới tinh hoa Tây Âu và Hoa Kỳ dùng quyền lực kinh tế và quyền lực mềm để hù dọa áp đặt những mẫu mực đạo đức như LGBTQ, hủy bỏ án tử hình, ép buộc di dân lên các nước nhỏ…cho nên mới có làn sóng dân chủ phi tự do nổi lên ở Đông Âu, Phi, Brazil chống lại áp lực độc tài mềm từ Tây Phương.

Nghịch lý là một nhân vật như Trump lại dẫn đầu trào lưu dân túy chống độc tài mềm ở Mỹ.

Khoảng phân nửa dân chúng rồi sẽ bỏ phiếu cho mỗi phe và không chắc sẽ nhìn nhận kết quả bầu cử là chính đáng, như vậy là dân chủ hay nội chiến? 

Trump 2020 hay Trump 2024?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)