Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vài suy nghĩ về vụ xét xử nhà báo Đoan Trang

Trịnh Xuân Thuỷ

 

Một ngày trôi qua và 2 ngày liên tiếp là 2 vụ xét xử đang là chủ đề nóng trên mạng xã hội. Bài viết này là vài suy nghĩ cá nhân của tôi về mấy vấn đề liên quan khía cạnh pháp lý xung quanh vụ xét xử Phạm Thị Đoan Trang, cựu phóng viên đồng thời là một nhân vật hoạt động xã hội được hầu hết dân mang biết đến.

Án đã tuyên, tôi không lạm bàn việc Đoan Trang có tội hay không có tội; cũng không đặt vấn đề vi phạm luật này luật kia (vì nhiều người nói rồi) mà chỉ đưa ra cảm nhận và suy nghĩ về một số việc cụ thể qua diễn biến và kết quả của phiên tòa:

1. Chủ thể bị “xâm hại” và cơ sở xác định “thiệt hại” để cáo buộc tội danh.

Nhà báo Đoan Trang bị truy tố với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, khoản 1 Bộ luật Hình sự năm 1999.

“Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 16-11-2017 đến ngày 5-12-2018, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, bị cáo Đoan Trang còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.

Cụ thể, bị cáo Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”.

Viện Kiểm sát nhân dân xác định các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền “luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

trích dẫn nguồn: https://nld.com.vn/…/pham-thi-doan-trang-linh-an-9-nam….

Qua nội dung cáo trạng trích dẫn trên: Cáo buộc Đoan Trang xâm hại ở các hành vi cáo buộc cụ thể thì có 3 chủ thể: 1 là chính sách, đường lối của nhà nước; 2 là chính quyền nhân dân, và 3 là nhân dân, trong đó tòa nhân danh nhà nước cộng hòa XHCNVN” tuyên án?!

+ Với chủ thể 1

“Đường lối, chính sách của nhà nước”. Đây là các văn bản, luật lệ; quyết định; qui định… do chính quyền lập và đưa ra; là các đối tượng cụ thể. Nhưng đường lối, chính sách của nhà nước là do bộ máy nhà nước lập ra, không có bất cứ ai làm thay đổi được nội dung của nó trừ nhà nước và bản chất là bắt buộc mọi người dân phải tuân thủ. Không thể có chuyện ai đó xuyên tạc mà gây ra thiệt hại được. Nhà nước ngày nay, người dân ngày nay không phải là thời phong kiến trong cổ tích. Có thể lý giải qua VD rất đơn giản:

Nhà nước viết ra cái gì, thực hiện đường lối thế nào hoàn toàn là trong bộ máy nhà nước, cô Đoan Trang làm gì có quyền lực thò tay váo đó sửa hay thay đổi được?

Một VD dân dã hơn cho dễ hiểu: Anh nói đây là con Dê, thì không ai bảo là con Chó mà người khác tin, nghe theo là Chó trừ phí đó là con Chó thật chứ không phải con Dê.

+ Chủ thể 2 “chính quyền nhân dân”:

Theo ghi chép của luật sư Ngô Anh Tuấn – người tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị cáo – tại tòa thì các luật sư cũng đã yêu cầu làm rõ danh nghĩa “chính quyền nhân dân” và các thiệt hại nên tôi không bàn lại khía cạnh này. Tạm thời tôi cứ coi như có chủ thể “chính quyền nhân dân” (mặc dù tôi không biết chính quyền đó ở đâu, cụ thể ra sao.. vì ở VN chỉ có CHÍNH QUYỀN NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VN).

Cáo trạng xác định Đoan Trang có 2 hành vi phạm tội là “xuyên tạc” và “phỉ báng”. Nhưng không chỉ ra các “tài liệu; bài viết” được cho là của Đoan Trang đã XUYÊN TẠC điều gì và PHỈ BÁNG thế nào, nếu VKS và tòa làm rõ và chứng minh điều này mới có cơ sở để cáo buộc nhưng qua diễn biến của phiên tòa thấy chủ yếu chỉ tranh luận xung quanh một tài liệu tiếng Anh gì đó được dịch ra tiếng Việt – Đoan Trang cho biết đó là tại liệu của một hội thảo nước ngoài mà cô ấy tham gia chứ không phải của cô ấy viết. Bản thân tài liệu này cũng cho thấy: chưa cần nói đến nội dung, ngay việc chứng minh Đoan Trang viết hay ai viết thì không thấy tòa nhắc tới chắc là ở hành vi “lưu trữ”? Lưu trữ mà không đưa nó cho người khác thì không thể nói là “phát tán; tuyên truyền” .. cũng không thấy cáo trạng và tòa đưa ra chứng cứ cụ thể đưa cho ai, tuyên truyền thế nào. Các bài viết trên mạng xã hội thì báo chí nhà nước đầy bài viết đi ngược lại chính sách nhà nước, diễn giải sai; tuyên truyền những nội dung trái luật.. nhưng có ai bị kết tội đâu? Riêng cáo buộc “phỉ báng” thì tôi không biết cô Đoan Trang phỉ báng trong phát ngôn, bài viết nào hay không, không có tài liệu liên quan được công bố nên không bàn thêm.

HOANG MANG 1: Chứng cứ không rõ ràng nhưng vẫn kết tội.

+ Chủ thể 3 bị “gây hoang mang” – Nhân dân .

Hoang mang là tình trạng TÂM LÝ không biết cái nào đúng, cái nào sai; không biết lựa chọn, quyết định thế nào..

Tình trạng hoang mang chỉ có thể xẩy ra với một tình huống, một đối tượng cụ thể. Đối với các nội dung là bài viết; phát ngôn thì tùy thuộc khả năng NHẬN THỨC của người nghe khi tiếp nhận và phân tích nó. Tác động của bài viết, lời nói “gây hoang mạng,” chỉ dẫn đến hậu quả xấu (có phát sinh gây hại) khi và chỉ khi:

– Nội dung đưa ra CỐ Ý LÀM NHIỄU NHẬN THỨC của người tiếp nhận, khiến người khác (ở đây là nhân dân) không thể phân biệt được sự thật. Từ những nội dung cố ý làm nhiễu nhận thức khiến người tiếp nhận có quyết định, lựa chọn gây hại cho bản thân, xã hội.

– Thể hiện sự ĐE DỌA khiến người khác KHÔNG TỰ CHỦ ĐƯỢC lựa chọn và quyết định của mình.

Các nội dung bài viết, tài liệu làm chứng cứ của vụ án có thể hiện các yếu tố này hay không?

Các Luật sư tại tòa cũng đưa ra quan điểm cho rằng không có cơ sở nhưng không thấy tòa hay VKS đưa ra diễn giải hợp lý hoặc cơ sở chứng minh được.

HOANG MANG 2: Không chứng minh được chủ thể lẫn hậu quả thiệt hại vẫn bị buộc tội?

2. Tuyên vượt mức án VKS đề nghị, chồng chéo vai trò trong hành pháp.

+ Mức án. Tôi không bàn về mức án nặng hay nhẹ, chỉ nhận xét về mặt ý nghĩa mức án đã tuyên. Chuyện tòa tuyên vượt mức đề xuất của đại diện VKS đã xảy ra nhiều và tôi nhận thấy chỉ những vụ án liên quan khía cạnh chính trị, xã hội.. những phiên tòa đối với các tội danh chống phá nhà nước; âm mưu lật đổ chế độ.v.v.

Luật tố tụng hình sự VN tại điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003; Được hướng dẫn thi hành bởi Khoản 2 Mục II Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 thì :

“Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.

Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”.

Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật, có nghĩa là với những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố, Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn hoặc theo khoản nhẹ hơn so với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật.

Trong vụ Đoan Trang, VKS chỉ cáo buộc 1 tội theo luật và nhóm hành vi cụ thể trong một khoản; VKS đề xuất mức xử phạt là 7-8 năm tù nhưng tòa tuyên 9 năm tù nhưng không rõ tòa tuyên án theo khoản nào; hành vi nào để phán quyết mức phạt cao hơn?

HOANG MANG 3: Tòa tuyên mức án dựa trên cơ sở nào?

(Phần này do chưa có bản án giấy được công bố nên chỉ căn cứ tường thuật của các luật sư thì không thấy có thay đổi tội danh hay áp dụng áp dụng khoản mục khác với cáo trạng).

+ Sự chồng chéo vai trò quyền lực giữa tòa và VKS.

Theo qui định và chức năng của VKS thì trong xét xử vu án Đoan Trang , VKS có cả 3 chức năng chính:

– Giữ quyền công tố: theo quy định của Luật tố tụng hình sự.

– Thực hiện quyền giám sát hoạt động hành pháp: Luật Kiểm sát & Luật TTHS.

– Đại diện cho quyền và lợi ích của nhà nước (tương tự đại diện cho nguyên đơn): Luật tổ chức nhà nước và Luật kiểm sát.

Như vậy: Hiểu nôm na trong vụ án cụ thể này thì:

Đại diên bên bị hại (nguyên đơn – tức VKS) nhận thấy “thiệt hại” ở mức 7-8 năm tù là hợp lý nhưng tòa thì không, phải nhiều hơn mức mà “bị hại” đưa ra?

Khi đề xuất mức phạt, đại diện VKS luôn đưa ra căn cứ cụ thể và đương nhiên gắn liền với chức năng giám sát của VKS tại tòa nhưng tòa tuyên khác thì.. không ý kiến gì ?

Trên vai trò là đại diện cho quyền và lợi ích của nhà nước với ý nghĩa là “bị hại” trong vụ án thì khi các luật sư yêu cầu phải có các nhân chứng; triệu tập những người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì tòa phải coi đó như một điều kiện đương nhiên chứ tại sao lại từ chối với lý do “khi cần thiết”? “Khi cần thiết” này cụ thể là khi nào trong khi đã đưa ra xét xử? Xử xong mới triệu tập ư?

HOANG MANG 4: Không có sự phân định rõ ràng về vai trò và quyền lực giữa đại diện VKS và tòa án trong từng nhiệm vụ, chức nang cụ thể. Cần bổ xung và điều chỉnh qui định cụ thể để bản án đưa ra không bị coi là “trả thù” như dư luận đang nhận xét về các bản án liên quan chính trị.

HOANG MANG 5. Ai đang gây ra hoang mang?

Thú thật là trong đời tôi rất hiếm khi gặp trạng thái hoang mang. Không phải vì tôi gan lỳ mà vì trước mỗi vấn đề tôi đều cố gắng tìm hiểu càng kỹ càng tốt trước khi lựa chọn hay quyết định. Đặc biệt là không bao giờ đổ lỗi cho việc đọc ai đó viết hay nghe ai đó nói mà hoang mang dẫn tới quyết định hay lựa chọn sai lầm của mình.

Năm 1979, khi TQ xâm lược VN, mọi người nháo nhào hoang mang đủ thứ nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản: giặc đến thì chiến, việc gì phải sợ?

Năm 2014, sau rất nhiều hoạt động xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền VN, đỉnh điểm là đưa giàn khoan HD981 vào sâu vùng lãnh hải của VN nhưng không thấy chính quyền có động thái dứt khoát, rõ ràng nên tôi hoang mang bởi giặc đã đến nhà sao không dám làm gì?

Quay lại vụ án này, với những thông tin có được từ các luật sư tham gia phiên tòa công khai trên mạng facebook thì ngoài 4 hoang mang nói trên, hoang mang thứ 5 của tôi chính là:

Các viện dẫn của các luật sư đều có cơ sở rất rõ ràng, cân cứ để xác định đều có trong luật; có thể tìm hiểu dễ ràng.. trong đó đặc biệt là việc viện dẫn các công ước quốc tế mà VN đã ký kết tham gia.. nhưng tất cả đều bị bác nhưng đáng nói hơn là lý do bác lại không hề rõ ràng và không đưa ra căn cứ nào cụ thể (!) Vậy chẳng lẽ phiên tòa chỉ là các bên võ mồm với nhau cho vui, việc kết án là quyền chứ không liên quan bên nào đúng sai?

Cuối cùng: ai mới là người đang gây hoang mang cho người dân?

_______________

Nguồn tham khảo:

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10219839823817247&id=1569759542

P/S: Đây là quan điểm cá nhân, có bạn nào có ý kiến khác khi cmt vui lòng giữ thái độ công bằng, khách quan. Xin cảm ơn!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nếu không tạm giam bà Phạm Đoan Trang thì an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hội Nhà báo độc lập: Thảo luận đầu xuân ‘Quốc hội và tự ứng cử ĐBQH’

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại hội Đảng toàn quốc bắt đầu trong bối cảnh đàn áp tự do Internet leo thang

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.