(VNTB) – Vì sao trái vải lại nằm trong danh sách 9 loại trái cây Việt Nam được phép nhập vào TQ, từ trước mà đến nay danh sách này chưa có những sầu riêng, dừa, bưởi, khoai lang…?
Sáng nay , đọc thấy một status ngắn của anh bạn nhiếp ảnh Nguyễn Công Thành vốn hiền khô và rất thân thiện: “Nhà tôi chuyển qua ăn chôm chôm để ủng hộ bà con nông dân miền Tây. Thôi ăn vải thiều vừa mắc vừa cảm thấy bị xúc phạm”, tôi thật bất ngờ.
Tìm hiểu thì có thấy một số stt nói kiểu bất cần giải cứu. Cũng có văn bản của Ủy ban tỉnh Bắc Giang yêu cầu không được dùng từ “GIẢI CỨU” vải thiều nữa, vì theo lập luận từ văn bản này, là mỗi lần nói giải cứu là vải thiều bị mất giá. Tôi cũng có người quen làm quản lý ở Bắc Giang, tôi cũng biết lãnh đạo và nông dân tỉnh Bắc Giang đã cố gắng nhiều để trái vải được nhận diện là vải sạch, và điều tiến bộ nổi bật là đã có 50% diện tích vải BG có tiêu chuẩn VietGAP và cả GlobalGAP. Tuy nhiên, năm nào mùa vải rộ lên cũng xảy ra việc ứ đọng trong tiêu thụ, cũng có yêu cầu giải cứu, năm nay, tỉnh là tâm dịch lại càng cần giải cứu (?). Khởi đầu là có văn bản của tỉnh gửi Thủ Tướng nên sau đó chính phủ mới chỉ đạo cho các Bộ Ngành huy động cả hệ thống phân phối , cả hệ thống giao thông vận tải và các tỉnh thành cùng chung tay giải cứu.
Việc góp sức tiêu thụ khi mùa vải rộ cao điểm cũng chỉ là giải pháp cấp thời. Vải gặp khó trong tiêu thụ, sâu xa chính là vì không đa dạng hóa được thị trường kịp thời, nhất là thị trường châu Âu đã có EVFTA. Ngoài ra còn do nguyên nhân căn cốt nhất là VN cứ tiêu thụ toàn vải tươi, không có chế biến.
Không đồng ý dùng từ “giải cứu” thì ta dùng từ “TỰ HÀO ăn vải thiều” vậy. Mà phải là, cứ là ai thích thì ăn, không thích thì thôi, không cần nhắc nhau “bầu ơi thương lấy” nữa, vì thương vậy hoa ra lại là “lợi bất cập hại” à ?
TÔI THẤY CẦN GIẢI CỨU SẦU RIÊNG VÀ KHOAI LANG VÀ…
Trong khi đó, không ai kêu gọi giải cứu sầu riêng và các loại trên mà riêng tôi , tôi thấy cần “giải cứu”.
Và dù bài dài, các bạn cho tôi nói thêm để tránh hiểu nhầm. Tôi đề cập từ giải cứu theo nghĩa rộng của một loại trái cây “mạnh” (hay có thể nói đến dừa, bưởi, khoai, có sản lượng lớn, có thời gian mùa vụ dài…) đang gặp khó khăn lớn, nhất là sầu riêng, cần giúp đỡ qua suốt một quá trình mấy năm nay rồi.
Tôi hoàn toàn không mong mọi người chạy đi mua sầu riêng về ăn. Sau rất nhiều lao đao thì giờ nhà vườn cũng đã tìm cách xuất qua các nước hay đốn vườn, khốn khó lắm rồi. Tôi đề cập một cục diện khái quát hơn và nhìn về tương lai xa hơn là chuyện đi mua sầu riêng. Còn dừa, bưởi, khoai lang nữa, kể sao hết?
Hiện giờ, sầu riêng vẫn ách tắc lớn về thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc vì trái sầu riêng không nằm trong danh sách 9 loại trái cây Việt Nam được phép nhập vào TQ : Thanh long, nhãn , vải, xoài, dưa hấu, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt.
Trong chỗ thân tình, giới kinh doanh trái cây thường thắc mắc hỏi tôi: tại sao trái vải lại nằm trong 9 mặt hàng này, điều ấy ai trong nghề cũng thấy thật khó hiểu vì về sản lượng, thời gian mùa vụ và giá trị, tính về giá trị thương mại trong tương quan với các loại trái cây khác là ít hơn xa, là kém hơn nhiều.
Theo tôi, đưa trái vải vào danh sách gần 10 loại trái cây được xuất sang TQ từ nhiều năm trước là điều không thể lý giải, không thể hiểu được và ngày càng rõ, việc này là chưa tính toán, cân nhắc cặn kẻ về thứ tự ưu tiên đưa vào danh sách trên căn cứ về lợi ích kinh tế chung cho quốc gia.
Nguyên tắc đàm phán là khi chúng ta muốn bán cho người ta một sản phẩm nào đó thì phải mua lại của họ một sản phẩm khác tương đương. Vì sao trái vải lại nằm trong danh sách này từ rất sớm, từ trước mà đến nay danh sách này chưa có những sầu riêng, dừa, bưởi, khoai lang…?
Thử làm bài toán so sánh nhanh. Trái vải chỉ có vài tỉnh phía Bắc trồng, và mùa vụ chỉ có 2 tháng (cây bắt đầu có trái vào giữa tháng năm, rộ vụ chính là đầu tháng 6 đến đầu tháng 7 rồi dần dần hết vào giữa tháng 7). Diện tích trồng vải thiều cả nước hiện nay chừng trên dưới 30 ngàn hecta và sản lượng tổng cộng hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương là 220 ngàn tấn (Bắc Giang có 165 ngàn tấn và Hải Dương có 55 ngàn tấn)
Trong khi đó trái sầu riêng trồng rãi khắp các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ, với 75 – 80 ngàn hecta, và mùa vụ rãi xen kẻ hai miền này quanh năm. Vụ rãi như sau: Tháng 3 tới tháng 5: chính vụ của miền Tây; Tháng 4 tới tháng 7: chính vụ của Đông Nam Bộ gồm Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng; Tháng 7 –tháng 9: Dak Nông, Dak Lak; Tháng 9-tháng 10: Gia Lai và từ tháng 11 tới tháng 3 lại là mùa nghịch của miền Tây.
Với khoai lang, bưởi, dừa, thời gian mùa vụ cũng rãi ra hầu như quanh năm.
Vậy mà đã hơn 2 năm, từ tháng 3-2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương của Việt Nam đặt vấn đề với phía TQ (bí thư tỉnh Quảng Tây và Tổng Cục Hải quan TQ) chấp thuận cho chanh leo, sầu riêng, khoai lang VN …vào danh sách được nhập khẩu, sau nhiều cuộc đàm phán, hứa hẹn, đến nay, phía TQ vẫn không chấp thuận.
Trong khi đó, họ ủng hộ đẩy mạnh nhập sầu riêng Thái Lan và Mã Lai tối đa. Mới đây, vnexpress.net đăng thông tin: người TQ săn đón sầu riêng Mã Lai và mặt hàng này đã đứng đầu doanh số trái cây bán ra tại một lễ hội bán lẻ, là sự kiện mua sắm lớn thứ 2 tại TQ. Mấy năm gần đây, sầu riêng được người TQ đặc biệt ưa chuộng, nhập khẩu sầu riêng tươi đã tăng lên 4 lần và số lượng nhập sầu riêng hiện là kim ngạch nhập khẩu trái cây cao nhất.
Vì không được phép nhập khẩu, sầu riêng VN phải xuất một ít vòng qua Thái và Mã lai, chịu đủ loại thiệt thòi (như nhập khẩu chui vào TQ) và đủ loại chi phí phát sinh rất lớn. Lỗ lã quá, nhiều chủ vườn phải bỏ trống chờ thời.
Tôi có nhiều bạn bè thân kinh doanh sầu riêng. Hơn 2 năm qua, họ phơi áo và cầm cố đủ thứ để đeo đuổi …nỗi SẦU. Cứ nghe hứa, nghe hẹn, TQ sắp ký nghị định thư…mà tới giờ này, vẫn bặt vô âm tín.
Tất nhiên còn có yếu tố quan trọng là TQ “chính trị hóa” việc nhập khẩu nông sản. Nghe TQ tận tình giúp cho CPC xuất 80 tấn xoài tươi tháng 5-2021, và tiếp tục cho CPC nhập vào TQ đến 100.000 tấn xoài năm nay, rồi cấp hạn ngạch xoài đến 500.000 tấn / năm sắp tới, là hiểu rồi, là thấy mệt rồi. Tin mừng nhỏ giọt là gần đây, TQ cho nhập khẩu măng cụt và thạch đen vào nước họ. Than ôi, măng cụt thì sản lượng quá nhỏ, thị trường toàn hàng Thái còn thạch đen (sương sáu) thì các tỉnh phía Bắc vẫn còn xuất chủ yếu thân và rễ cây này với giá trị hạn chế.
Sầu riêng đã được sử dụng chế biến khá đa đạng thành thực phẩm sấy thăng hoa, làm nhân bánh mì (ông Kao Siêu Lực chế biến bánh mì thanh long, rồi sầu riêng) nhưng phần chính vẫn là ăn tươi nên hiện vẫn đang cần xuất số lượng lớn nhất qua TQ.
Nhiều điều khó hiểu về chính sách xuất khẩu từ rất lâu trước đây vẫn tiếp tục làm khó nông dân và thương nhân. Nghe thị trường TQ ngày càng mê sầu riêng, và biết là họ ăn sầu của mình dưới áo khoác Thái Lan hay Mã Lai mà buồn nẫu ruột. Đâu thể ngồi chờ trong rất ít hy vọng? Nhưng vướng dịch bệnh thế này, nhà hàng, công ty đều nghỉ, chạy đường nào?
Lại có thương nhân nói với tôi: thôi, EU hồi phục rồi, mình tính đường khác đi và tăng chế biến đi. Họ lại tự xoay tiếp, Tôi không nghe nông dân kêu nhà nước giải cứu?
Nhiều người quen của tôi lo lặng lẽ trả nợ. Nông dân tính chuyện chặt sầu riêng, thay đổi cây trồng.
Bạn tôi hai năm qua bỏ tiền cho nông dân Dakak làm tiêu chuẩn Vietgap, làm mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói thì nay đang…chuẩn bị bán nhà.