Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vai trò thủ lãnh chính trị trong dịch bệnh

Anh Thư


(VNTB) – Trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng ‘Vua Sư tử’ (The Lion King) cho thấy vai trò quan trọng đặc biệt của kẻ đứng đầu trong dẫn dắt bầy đàn vượt qua bi kịch. Không có người đứng đầu sẽ không có kẻ chịu trách nhiệm và cả đàn sẽ chết lần lượt.

Trong cơn dịch bệnh Vũ Hán vừa qua, phải thừa nhận vai trò chỉ đạo và điều hành quyết liệt của ba nhóm chính khách. Tại Sài Gòn là bộ đôi lãnh đạo Bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân và ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch thành phố; tại đầu cầu phía Bắc là ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Tp. Hà Nội; và cuối cùng là ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cho đến nay so với các quốc gia khác, thì tình hình dịch bệnh Vũ Hán ở Việt Nam dù phức tạp nhưng vẫn trong liệu trình đối phó. Bằng chứng là số người lây nhiễm tăng không quá mức đột biến so với các quốc gia phương Tây cũng như Hàn Quốc. Có vẻ như chính nhóm lãnh đạo được nêu ở trên đã cho thấy linh cảm chính trị của họ về dịch bệnh dựa trên sự tư vấn hoặc hiểu biết sâu đúng về cơ sở vật chất, sức tải của hệ thống y tế Việt Nam. Đó là lý do vì sao Việt Nam bằng các chỉ đạo liên tục nhưng không gây hỗn loạn đang từng bước kiềm chế dịch bệnh, khoanh vùng và chủ động trong thực hiện cách ly bệnh. Con số 200 ca lây nhiễm, trong đó có trên 20 ca đã hồi phục là một thành quả đáng được ghi nhận trong tình hình thế giới vẫn căng sức mình để chống đỡ dịch bệnh hiện nay.

Vai trò thủ lãnh của ông Phong, ông Nhân, ông Phúc, ông Chung là nhân tố cốt lõi để giữ được hiện trạng như hiện tại. Và dường như dịch bệnh đã trở thành một bài kiểm tra cho vai trò của mỗi người, về bản lãnh và tầm nhìn trong điều hành nhà nước ở tình huống khẩn cấp. Dư luận trên Facebook đang đánh giá cao cách làm việc của nhóm lãnh đạo này, ngay cả trong những nhóm người bị chính quyền gọi là ‘phản động’. Điều này cho thấy, năng lực điều hành và chỉ đạo qua đợt dịch này của nhóm lãnh đạo trên đã chiếm lĩnh sự thiện cảm của không ít người.

Dân cũng chỉ cần có như vậy.

Tố chất lãnh đạo là thứ mà người dân mong muốn đối với các chính khách nhà nước. Tố chất đó phải biết lắng nghe người dân, bám sát tình hình thực tế, chỉ đạo dựa trên tình hình từng giờ, phút; coi trọng phát huy sức dân và cộng đồng xã hội chứ không còn dừng ở mảng ‘cả hệ thống chính trị vào cuộc’ nữa. Tổng hoà sẽ mang lại hiệu quả trong điều hành vĩ mô nhà nước ngay trong những tình huống nguy cấp nhất ‘ngàn cân treo sợ tóc’.
Dịch bệnh không sợ lý luận, dịch bệnh chỉ sợ người dân đồng hành cùng nhà nước, và sự chỉ đạo đến từ thực tiễn cuộc sống. Đó có vẻ sẽ là bài học lãnh đạo mà nhóm lãnh đạo được nêu tên trên có thể lĩnh hội được nhiều, hình thành một phong cách chính trị trong thời kỳ tới và dẫn đường cho một hệ giá trị chính trị tốt đẹp mà họ có thể được người dân ủng hộ.

Chỉ cần dân ủng hộ, cộng đường lối điều hành chỉ đạo cấp nhà nước đúng đắn kịp thời, dựa trên quyền lợi của người dân thì tiếng chửi của người dân trên mạng xã hội sẽ bớt dần đi.

Dịch Vũ Hán trở thành môi trường mà người nhân Việt có thể dễ dàng nhận ra ai xứng đáng giữ vai trò thủ lãnh trong và sau mùa dịch bệnh. Tinh thần chống dịch bệnh có thể được kế tục trong phát triển kinh tế, xã hội và điều này nếu thành hiện thực sẽ hình thành cơ sở tín nhiệm chính trị trong dư luận xã hội Việt Nam

Tin bài liên quan:

VNTB – Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa

Phan Thanh Hung

VNTB – Đáp số của gói 62.000 tỷ bạc?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hài danh tính bệnh nhân: hệ lụy căn bệnh mãn tính của Tuyên giáo

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.