(VNTB) – Quan hốc một đống hàng trăm hàng nghìn tỷ thì chỉ bị cảnh cáo khiển trách, dân làm thiệt hại mấy triệu là bị đi tù mọt gông.
Liên quan vụ ông Bùi Văn Mến – phó chủ tịch UBND huyện Giang Thành (Kiên Giang) cho con gái 600 công đất làm quà cưới, ngày 28/3, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết vừa thi hành kỷ luật ông này bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản không trung thực.
Căn nguyên vụ này là do hồi tháng 10/2024, mạng xã hội dậy sóng với đoạn clip tại đám cưới của con gái ông Bùi Văn Mến; trong clip, vợ ông Mến tuyên bố tặng con gái 600 công đất (tương đương 60ha) trị giá 90 tỷ đồng, cùng nhiều tài sản khác có giá trị cao. Tới khi bị chất vấn, ông Mến giải thích rằng vợ mình “nói nhầm”, thực tế chỉ tặng 60 công đất và số tiền chỉ có khoảng 9 tỷ nhưng lại nói nhầm là 90 tỷ đồng. Lời giải thích ngô nghê này làm sao qua mắt được dân. Nên vụ việc mới bị đẩy lên tới Uỷ ban Kiểm tra.
Nhưng cách xử lý của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cũng lại khiến người dân “đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác”. Bởi, Uỷ ban này công bố xác định ông Bùi Văn Mến “chưa thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương”, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, đặc biệt kê khai tài sản không trung thực. Và hình thức kỷ luật nặng nề nhất được đưa ra là… cảnh cáo.
Cảnh cáo – một hình thức kỷ luật quá nhẹ nhàng, chẳng khác nào một cái vỗ vai nhắc nhở đầy trìu mến. Sau một thời gian ngắn, mọi chuyện sẽ chìm vào quên lãng, ông Mến vẫn có thể tiếp tục giữ chức hoặc tìm cách “hạ cánh an toàn” với khối tài sản khổng lồ. Không có ai phải chịu trách nhiệm, không có tài sản nào bị thu hồi, và điều quan trọng nhất: vẫn không có ai trả lời câu hỏi tài sản đó từ đâu mà có.
Vụ ông Mến là một điển hình của chuyện quan chức cộng sản sở hữu đất đai, tài sản khổng lồ nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết. Dù rằng năm nào cán bộ, công chức cũng đều phải kê khai tài sản. Nếu vợ chồng ông Mến không “lỡ miệng” khoe của hồi môn khủng, liệu ai có thể phát hiện ra khối tài sản khổng lồ này?
Từ vụ này mới thấy rằng chuyện kê khai tài sản chỉ là một thủ tục hình thức, chẳng có tác dụng gì ngoài việc hợp thức hóa sự giàu có phi lý của quan chức. Trong khi người dân lao động cật lực, chắt chiu từng đồng để mua một căn nhà ở xã hội cũng phải vướng hàng loạt thủ tục chứng minh thu nhập, còn quan chức thì không cần kê khai nhưng vẫn có thể “tặng” con gái 600 công đất một cách nhẹ nhàng.
Rất nhiều câu hỏi đặt ra là, trong suốt những năm qua, bản kê khai tài sản của ông Mến đã đi đâu, và ai là người giám sát nó? Phải chăng những bản kê khai ấy chỉ được điền vào cho có, để rồi sau đó xếp xó trong ngăn kéo của một cơ quan nào đó mà không ai thèm xem xét? Nếu ngay cả một Phó chủ tịch huyện cũng có khối tài sản kếch xù như vậy, thì những vị trí cao hơn trong bộ máy còn sở hữu bao nhiêu của cải? Nếu thật sự tài sản này có được một cách minh bạch, tại sao ông Mến không thể cung cấp bằng chứng rõ ràng về quá trình tích lũy và sở hữu hợp pháp?
Và điều đáng nói hơn cả, cơ quan điều tra chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm về kê khai tài sản, mà không hề truy xét đến nguồn gốc tài sản này có hợp pháp hay không. Điều đó chẳng khác nào hợp thức hóa cho những khối tài sản khổng lồ của quan chức bằng cách phạt cảnh cáo cho qua chuyện. Không thể không đặt nghi vấn rằng cơ quan kiểm tra tỉnh Kiên Giang đã được ông Mến “cảm ơn” bao nhiêu tiền sau quyết định cảnh cáo này.
___________________
Tham khảo: