Việt Nam Thời Báo

VNTB- Vẫn có thể nổ ra biểu tình nếu không công bố nguyên nhân xác đáng vụ ‘cá chết Formosa’

Biểu tình môi trường còn diễn ra nữa không? Đây là câu hỏi mà nhiều người đã nêu ra trên mạng xã hội, sau cuộc biểu tình môi trường khá thành công vào ngày 1/5/2016 tại Hà Nội, Sài Gòn, Hà Tĩnh, Quảng Bình Nghệ An, Vũng Tàu, Nha Trang…, thu hút đến ít nhất 7,000 – 8,000 người tham gia.

                       Biển người biểu tình môi trường ngày 1/5/2016 tại Sài Gòn. Hình Internet.

Hãy đừng bàn đến “âm mưu chống phá chính quyền của các thể lực thù địch”. Câu hỏi trên tùy thuộc rất lớn vào việc Chính phủ Việt Nam có sớm công bố nguyên nhân vụ “cá chết Formosa”, và nguyên nhân được công bố có xác đáng hay không.

Cho tới nay, chính phủ và chính quyền các địa phương miền Trung mới chỉ “chữa cháy”. Biện pháp “tháo van tình thế” là Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu “thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ” và cứu trợ 15kg gạo/người cho ngư dân.

Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bật ra khẩu lệnh “Không bao che ai khi tìm nguyên nhân cá chết”.

Nói là thế, nhưng hành động lại vô cùng chậm chạp. Chậm đến mức làm nổi lên quá nhiều nghi ngờ về thái độ bị xem là đồng lõa của chính phủ và những quan chức cao cấp bên đảng với hành vi xả thải đã quá rõ của Tập đoàn Formosa.

Cứ nhìn vào cái cách Tổng bí thư Trọng thực hiện một chuyến “kiểm tra tiến độ công trình Formosa” ngay trong thời gian cá chết mà không hề đến thăm ngư dân đang ngắc ngoải, hiện tượng Thứ trưởng Tài nguyên môi trường Võ Tuấn Nhân cố ý “lái” nguyên nhân làm cá chết hàng loạt sang “thủy triều đỏ” mà sau đó chính Thủ tướng Phúc cũng phải bác bỏ, rồi gần đây lại xuất hiện thông tin cực kỳ mơ màng về “4 tàu lạ bỏ chất độc xuống biển”…, mới thấy quá khó để chính phủ Việt Nam kết luận về nguyên nhân đích thực vụ cá chết.

Ngay trước mắt là việc Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể tiến hành… thuê tư vấn nước ngoài. Bộ này, cùng Bộ Khoa học công nghệ và 24,000 tiến sĩ ở Việt Nam, hàng năm tiêu tốn quá nhiều tiền của của dân đóng thuế vào tuyệt đại đa số đề tài khoa học nhét ngăn kéo, đã trở nên “bất lực” một cách kỳ quái mà không thể tự mình tìm ra nguyên nhân cá chết.

Trong khi thời gian cứ vụt trôi, những tang chứng trong lòng biển và cả trên đất liền sẽ biến mất nhanh chóng. Rất nhiều dư luận đã ồn ào về động cơ “câu giờ để phi tang” với sự cống hiến đắc lực của các bộ ngành Việt Nam.

Cũng đang rộ lên dư luận về việc Formosa không còn là của Đài Loan, mà đã thuộc về… Trung cộng.

Khả năng lớn nhất đang hiện hình là vụ “cá chết Formosa” sẽ bị “chìm xuồng”. Sau một thời gian đủ dài mà hy vọng dư luận lắng xuống, sau khi chính quyền làm một ít động tác “cứu trợ” ngư dân, sẽ có thể không còn nổ ra phản ứng dư luận. Còn báo chí nhà nước thì không đáng lo vì đã có Ban Tuyên giáo trung ương “kềm cặp” sát sườn…

Thế nhưng đó chỉ có thể là trù tính của giới lãnh đạo vô cảm và vô tâm. Thực tế là gần như vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, vụ “cá chết Formosa” năm 2016 đã khuấy động bức xúc rất rộng và rất lớn trong người dân, để cuối cùng nổ ra cuộc biểu tình của người dân chứ không còn thuần túy của giới đấu tranh dân chủ nhân quyền như trước đây.

Biển vẫn đang chết dần mòn bởi thói vô trách nhiệm quan chức. Không khó để hình dung rằng chính phủ càng lâu công bố nguyên nhân cá chết, chưa nói đến nguyên nhân này phải hoàn toàn xác đáng, sẽ càng sớm tiếp tục nổ ra những cuộc biểu tình phản kháng của dân chúng trên nhiều vùng đất nước.

Hiện đang lan truyền trên mạng một số ý kiến trao đổi và lời kêu gọi về cuộc biểu tình môi trường tiếp theo vào sáng chủ nhật 8/5 tới tại Hà Nội, Sài Gòn và những nơi khác.

Lê Dung 

(SBTN)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.