VNTB – Văn hóa – nghệ thuật “giãy chết” hay là tư tưởng bám rễ ngân sách

Anh Văn (VNTB) “Nếu không tâm huyết với Đảng, với cách mạng thì không ai đề nghị rằng hội chúng tôi phải là hội chính trị-xã hội-nghề nghiệp”.


Liên quan đến vấn đề văn hóa – nghệ thuật của nước nhà. Truyền thông nhà nước đưa tin, vào chiều ngày 4/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam “để lắng nghe, giải quyết các kiến nghị nhằm giúp Liên hiệp Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, sáng tạo nhiều sản phẩm có giá trị.”

Trong một chia sẻ đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ông ủng hộ quan điểm Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam là hội chính trị – xã hội – nghề nghiệp.

“Nếu không tâm huyết với Đảng, với cách mạng thì không ai đề nghị rằng hội chúng tôi phải là hội chính trị-xã hội-nghề nghiệp”.

“Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ văn nghệ sĩ nào có những ý tưởng xây dựng đất nước” trên tinh thần tạo môi trường tập hợp, sáng tạo cho các văn nghệ sĩ, đổi mới công tác lý luận – phê bình văn học nghệ thuật và phòng chống sự thâm nhập của các sản phẩm phi văn hóa và âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Là hội chính trị – xã hội – nghề nghiệp vì ngân sách?

40.000 văn nghệ sỹ và 74 tổ chức thành viên trong cả nước, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam là một tổ chức bao trùm lên cả nước. Vấn đề là, trong 9 kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị đầu lại là muốn tổ chức này được chỉ định là tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp (thay vì tổ chức xã hội, nghề nghiệp đơn thuần), và chỉ định bản thân tổ chức là một hoạt động chính trị dưới lớp văn học – nghệ thuật.

Lý giải cho vấn đề này, Nghị quyết T.Ư 5 được đem ra sử dụng như một lý do để biện hộ cho mục đích mà tổ chức này mong muốn trở thành, nhưng đi xa hơn là Hội sẽ được bao cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước thường xuyên (theo hạn định là 90 tỷ đồng/ năm). Và nó núp bóng dưới một lớp từ cực kỳ nhân văn là nhằm không biến người nghệ sĩ trở thành người xin tiền!

Trong một phản ứng có liên quan, Facebooker Chau Doan đã đặt câu hỏi: “4 vạn văn nghệ sỹ, thành viên của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật đã làm được gì cho đất nước mà đòi đặc quyền đặc lợi”.

Ông Chau Doan cũng nói thêm.

“Là nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sỹ nói chung thì phẩm chất đầu tiên cần phải có là lòng tự trọng, là phẩm cách kiêu hãnh của một con người đứng bằng đôi bàn chân của mình. Cầm một đồng từ tiền thuế của dân để sáng tác, ấy là tội ác, là vô liêm sỷ.”

“Hãy lớn lên đi những nghệ sĩ quốc doanh”

Trong những thập niên qua, chứng kiến sự xuống dốc không phanh trong sáng tác và đáp ứng nhu cầu thị trường của các tác phẩm nghệ thuật. Hiện tượng các tác phẩm nghệ thuật ra đời bị xếp xó trước luồng nghệ thuật nước ngoài đã trở nên thường xuyên.

“Ế” và không được dân chúng đón nhận đã trở thành một tính chất mang tính thời đại đối với hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật. Thậm chí, ngay cả khi được bao cấp ngân sách cho các sản phẩm nghệ thuật, lấy ví dụ như bộ film “Hà Nội 12 ngày đêm” thì tình hình cũng không được cải thiện là bao, hay bộ film “Sống cùng lịch sử” với trị giá bao cấp là 21 tỷ đồng phải ngừng chiếu vì chỉ thu hút được… vài chục người xem.

Câu chuyện phim ảnh cũng là thực trạng chung của những mảng khác của văn học – nghệ thuật như văn thơ và hệ thống sân khấu kịch được bao cấp trên cả nước. Giải thích lý do đằng sau sự nguội lạnh này chính là nằm ở sự thay đổi đề tài hay sự đổi mới về mặt tư duy sáng tác vẫn chưa có sau hàng thập kỷ kết thúc chiến tranh. Các tác phẩm ra đời dựa trên đơn “đặt hàng” từ nhà nước hơn là xã hội, nghĩa là hoạt động của hệ thống các tổ chức con thuộc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam vẫn đi ngược đường với nhu cầu của người dân. Phản ánh sự chân thật của xã hội sẽ bị quy kết là trái thuần phong mỹ tục, không phản ánh đúng với thực trạng đời sống Việt Nam, hay cao hơn là “diễn biến hòa bình” trong văn học nghệ thuật. Từ câu chuyện những tác phẩm hồn hậu và mang tính chất đời thục của Nguyễn Ngọc Tư bị gây khó dễ trong thời kỳ đầu, cho đến bộ film Bụi Đời Chợ Lớn, hay gần nhất là các biểu diễn nghệ thuật lên tiếng về thảm họa môi trường Formosa (như Nỗi đau của những con cá của nhóm Viet Art; Quẫy II  với chủ đề “Ngày 32” hay “The Silent Dao” của Trần,…), những tác phẩm phản ánh người bất đồng chính kiến xã hội của ca – nhạc sĩ Mai Khôi,… bị công an hoặc chính quyền tìm cách phat… hành chính!

Điều đáng nói, hầu như các tác phẩm nghệ thuật mà Nhà nước gắn mác “chính trị” thông qua ngôn ngữ “kích động” lại thu hút người xem, bởi công chúng nhận thấy tính hiện thực xã hội ở trong đó, hay nói đúng hơn – lúc này Nghệ thuật trở về lại với cộng đồng, tính sống động – hơi thở rất thực của đời sống luôn được đón nhận.

Trong khi đó, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam lại nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, được bao cấp ngân sách. Tức nó đã trở thành một “tiếng nói” của Đảng, dưới luồng quan điểm chính trị – xã hội của Đảng. Người ta nhìn vào các tác phẩm hoặc theo hai hướng, một là đời sống hiện thực xã hội sẽ không được phản ánh vì dễ bị quy vào “nhạy cảm chính trị”, tiếng nói và góc nhìn của công dân đối với thực tế chính trị nước nhà sẽ bị hạn chế hoặc giản lược; trong khi đó những tác phẩm ba xu (cổ vũ lối sống hưởng thụ, lệch lạc) hoặc theo xu hướng cổ động – tuyên truyền chính trị được đẩy mạnh xuất bản. Công chúng quay lưng, và giới lãnh đạo nghệ thuật nước nhà vẫn mang tư duy bao cấp nên chấp nhận đánh đổi tự do nghệ thuật – sáng tạo để nhận tiền cấp dưỡng. 

Và đồng thuế của người dân lại trở thành đồng thuế để nuôi công cụ Đảng Cộng sản.

Ăn ngân sách, làm ra những sản phẩm không phản ánh đúng hiện thực xã hội, bị người dùng tẩy chay, ấy thế mà lãnh đạo Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam lại khuyến nghị với Chính phủ tiếp tục ưu tiên biến tổ chức trở thành một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp để ăn ngân sách, nó chứng tỏ nhóm nghệ sĩ quốc doanh vẫn đang trong tư duy không lớn, về cả thời cuộc lẫn lòng tự trọng.

Thủ tướng lắng nghe nhưng răn đe

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự “lắng nghe” các văn nghệ sĩ có ý tưởng xây dựng đất nước trên môi trường sáng tạo, muốn đổi mới công tác lý luận nhưng lại răn đe về cái gọi là “sản phẩm phi văn hóa, âm mưa diễn biến hòa bình”.

Đó là mâu thuẫn tự thân của một người làm chính trị nhưng không tôn trọng các giá trị tự do trong tư tưởng và sáng tác nghệ thuật, xuất phát từ việc áp đặt tính chính trị đảng phái cầm quyền trong lĩnh vực này. Và một không gian nghệ thuật phi tự do, chứa đầy tính chính trị đảng phái đã trở thành một khuôn khổ của sự phi xây dựng quốc gia. Bởi nghệ thuật sẽ không bao giờ, vĩnh viễn không bao giờ mang tính xây dựng khi tự nó không thể xây dựng cho chính nó tinh thần của nghệ thuật với ngôn ngữ đời sống, khi tự nó vẫn đang mắc trong cái vòng nghệ thuật chính trị với ngôn ngữ giai cấp, đảng quyền.

Và văn học – nghệ thuật dưới con mắt của Đảng hay sự “hài lòng” của Thủ tướng sẽ là một bộ phận thân tôi đòi – ca ngợi mải miết về Đảng, nơi sản sinh những con người tự cao tự đại như cách “nhà văn Đông La” đang thể hiện. Hay “xây dựng đất nước” (kiêm chống diễn biến hòa bình) theo hướng xây dựng những “biệt kích văn nghệ” kiểu như Tuần báo Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, nơi đang tiếng hành mạt sát, đấu tố những giá trị nhân bản, tự do phổ quát và nhân phẩm con người dưới mác “lý luận nghệ thuật”.

Nền văn học – nghệ thuật quốc doanh đang tự nó đào thải nó ra khỏi dòng chảy xã hội (giãy chết). Chưa bao giờ tinh thần tự nguyện, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm lại cần thiết đối với tổ chức Liên hiệp như thế này, bởi nếu không có tinh thần này, thì tổ chức này tiếp tục từ chối trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của mình, bán rể lương tâm nghề nghiệp của mình và trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Đưa tổ chức này từ tổ chức chính trị nghề nghiệp trở lại thành tổ chức xã hội, tạo ra sân chơi cho các văn nghệ sĩ là yêu cầu, mệnh lệnh của thời đại, như cách mà CLB Thơ Hương Ngoại Ô (Hà Nội) đã từng làm rất tốt. 
Câu hỏi đặt ra là, sau chừng đó năm, tại sao tư duy của những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn bám rễ của sự bao cấp và giai cấp? Tại sao bao nhiêu năm qua, văn học – nghệ thuật không chỉ không phát triển, mà trở thành “trò hề” trong mắt người dân? Tại sao lãnh đạo ngày nay với internet lại có nhận thức thua xa nhận thức của tướng Trần Độ vào những năm cuối thể kỷ XX, rằng: “Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp.”
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)