Việt Nam Thời Báo

VNTB – Văn học còn bị cầm tù sau 40 năm?

Minh Trí


(VNTB) – 40 năm đi qua. Văn học cần chấm dứt “ngục tù ý tưởng” của sợ sệt “bôi đen” chế độ. Hãy trả văn học về đúng vị trí của nó: vị nghệ thuật và vị nhân sinh – một nhân sinh không đảng phái, cục bộ phe nhóm lợi ích nào…
  
Gặp gỡ nhà văn Trần Đĩnh tại Sài Gòn sáng 2-5-2015, ông kể câu chuyện một nhạc sĩ nổi tiếng với những khúc quân hành thời chiến tranh, từng đặt câu hỏi: “Không biết mai này nhân dân có giữ bài hát nào của mình không?”.
Ông Đĩnh và người bạn nhạc sĩ đều chung lo lắng là những ca khúc một thời kêu gọi “khát máu – thù hận” đúng theo “lệnh tuyên huấn”, sẽ khó thể “thọ” trong lòng công chúng.

Nghệ thuật vị… “nhân sinh – đảng”?
Thi phẩm “Khóc vợ”, tức “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, bị cấm lưu hành trong toàn quân đến mãi thập niên 80 mới được công khai nhắc đến. “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (Tây Tiến, Quang Dũng) cũng bị cấm vì tính “ủy mị tiểu tư sản”.
Chuyện cấm này chỉ diễn ra ở miền Bắc. Tại Sài Gòn, “Màu tím hoa sim” do Phạm Duy phổ nhạc và “Những đồi hoa sim” do Dũng Chinh phổ nhạc được hát rộng rãi không chỉ ở phòng trà, mà trên khắp “bốn vùng chiến thuật”.
Trong tạp chí Giai phẩm Mùa xuân được ấn hành tháng giêng năm 1956, do nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương, về sau bị tịch thu, có bài Nhất định thắng của Trần Dần, miêu tả hoàn cảnh đời sống miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những ngày đầu đất nước chia cắt, tác giả bài thơ bị qui kết chống phá, “bôi đen” chế độ, với những câu thơ nổi tiếng: Tôi bước đi/ không thấy phố/ không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ trên màu cờ đỏ
Ngày 15 tháng 12 năm 1956, Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Số 6 không được in và phát hành. Tổng cộng Nhân Văn ra được 5 số báo và Giai Phẩm ra được 4 số báo (Tháng Ba, Tháng Tư, Tháng Mười và Tháng Chạp 1956) trước khi phải đình bản. Sau đó, hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm bị đưa đi học tập cải tạo vì có tư tưởng bị xem là trái với đường lối của Đảng Lao động Việt Nam. Một số bị treo bút một thời gian dài: Lê Đạt, Trần Dần, số khác không tiếp tục con đường sự nghiệp văn chương, thậm chí có người bị giam giữ trong một thời gian dài và tiếp tục bị giám sát trong nhiều năm sau khi mãn tù như trường hợp Nguyễn Hữu Đang. Dư luận chung thường gọi đây là “Vụ án Nhân Văn–Giai Phẩm”.
Năm 1987, Chế Lan Viên có bài thơ “Ai? Tôi?”, như lời sám hối cho văn chương “vị nhân sinh – đảng” một thời của chính bản thân ông. Những câu thơ nhức nhối đến tận hôm nay: Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng/ Chỉ một đêm, còn sống có 30/ Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?/ Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ/Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong/ Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm/ Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ/ Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ/ Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!/ Ai chịu trách nhiệm vậy?

Đừng lảng trách sự thật
Sinh thời, Trường Chinh với bút danh Sóng Hồng được nhắc đến với bài thơ “Là thi sĩ”; trong đó thi từ phê phán bài thơ “Cảm xúc” của Xuân Diệu. Sau 1975, Trường Chinh giải thích rằng “Là thi sĩ” được viết để làm… binh vận, và đối tượng trước hết của bài thơ là một anh thư ký nhà binh Pháp “hay làm thơ lãng mạn, than mây khóc gió, tiếc ngọc thương hoa”. Thực hư ra sao không ai rõ, chỉ biết suốt thời gian dài trên sách giáo khoa, đều được giảng dạy theo hướng lên án thái độ tiểu tư sản của trí thức, của văn nghệ sĩ không hưởng ứng cuộc chiến “sinh Bắc, tử Nam”.
Rồi để phục vụ cho công tác tuyên huấn, cổ động tinh thần cho người lính, người ta đã tạo dựng cả nền văn học “tuyên huấn”, mà mãi sau này khi các tác phẩm như “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Gặp gỡ cuối năm” của Nguyễn Khải… được dịp phát hành, người ta mới nhận ra “xẻ dọc Trường Sơn” có quá nhiều cay đắng. Cuộc chiến tương tàn huynh đệ hiện rõ hơn trong những trang sách này, đầy mỉa mai và quá buồn cho cả một thế hệ tuổi trẻ đi qua khói lửa đạn bom.
Đầu năm nay, trong chuyến sang Mỹ, tôi được trò chuyện với một nhà thơ gốc Bắc, hiện đang sống ở San Jose, ông đã nói thẳng: “Tôi không so sánh nền văn học hai miền trước năm 1975. Tôi chỉ nói theo quan điểm cá nhân. Tôi thấy những tác phẩm bị cấm ở miền Bắc thì trong miền Nam lại được tự do, thoải mái lưu truyền…”
40 năm đi qua. Bây giờ có gì khác? Hình như cũng không khác bao nhiêu. Với những tác phẩm nói thẳng, nói thật những mặt xấu, những khuyết điểm thì bị cấm hẳn – như Đèn Cù của nhà văn Trần Đĩnh; những tác phẩm nhẹ nhàng hơn một tí – như Tây Tiến hay Màu tím hoa sim, thì tạm thời được… tha (tuy Tây Tiến được đưa vào trong chương trình học cấp ba của tôi thời đó, nhưng khi được học, tôi cũng chỉ nghe giảng về tên bay đạn lạc, không ai bình giảng về thân phận người trai trẻ “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”…
Phải chăng, chính vì sự bưng bít thông tin, những tác phẩm văn học miêu tả đời sống thật sự không dám ra đời (vì sợ sẽ khốn nạn đến suốt cuộc đời – Hữu Loan là ví dụ); hoặc ra đời, nhưng cũng bị cấm đoán, hạn chế  – như Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục, đã tạo cho không ít những người trẻ tuổi (nhất là những sinh viên như chúng tôi) có cái nhìn chưa thật sự khách quan…
Cũng có những lập luận cho rằng: “Tại sao sinh viên không tự mày mò, tìm kiếm? Mấy tác phẩm đó có đầy trên mạng kia kìa!”. Điều này, theo quan điểm cá nhân của tôi là không sai, nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng. Phần đông sinh viên rất chịu khó tìm tòi, đọc thêm sách vở, tuy nhiên, do đã được học, được nghe tụng ra rả những tung hô chiến thắng, những bài giảng chính trị, những cái gọi là “thế lực thù địch” từ suốt cấp 1 cho đến khi lên đại học, thì quả thật khó lòng mà thay đổi “cách nhìn” trong một sớm, một chiều.

40 năm đi qua. Xin đừng gọi đó là thời hậu chiến nữa. Hình ảnh hai lá cờ cùng của Việt Nam đứng cạnh nhau ở Hội nghị Thượng đỉnh Á – Phi ở hạ tuần tháng 4-2015, cho thấy đã đến lúc cần cởi bỏ hẳn mọi trói buộc, kềm hãm lòng người. Và văn học cũng cần chấm dứt “ngục tù ý tưởng” của sợ sệt “bôi đen” chế độ. Hãy trả văn học về đúng vị trí của nó: vị nghệ thuật và vị nhân sinh – một nhân sinh không đảng phái, cục bộ phe nhóm lợi ích nào…

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo