Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vạn lý trường “làng” của Trung Quốc

Tác giả: Muyi Xiao và Agnes Chang 

Khánh An dịch 

 

(VNTB) – Trung Quốc đã di dời hàng nghìn người đến các khu định cư mới ở biên giới và gọi những người dân này  là “người bảo vệ biên giới”.

 

Ngày 8 tháng 8 năm 2024

 

Làng Tân Qionglin nằm sâu trong dãy Himalaya, chỉ cách khu vực có sự tập trung quân sự mạnh mẽ chỉ 5km, và các cuộc đối đầu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở đây đã gây ra lo ngại về một cuộc chiến tranh biên giới.

Vùng đất từng là một thung lũng hoang vu, cao hơn 3.000m so với mực nước biển, chỉ có thợ săn địa phương đi qua. Sau đó,  Trung Quốc đã xây dựng làng Qionglintừ các nơi khác với những ngôi nhà giống nhau và trả tiền cho người dân chuyển đến đó sống.

Tập Cận Bình, gọi những người như vậy là “người bảo vệ biên giới”. Dân làng Qionglin về cơ bản là lính canh ở tuyến đầu trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực Arunachal Pradesh, tiểu bang cực đông của Ấn Độ, mà Bắc Kinh khẳng định là một phần của Tây Tạng do Trung Quốc cai trị.

Nhiều ngôi làng như làng Qionglin đã mọc lên. Những ngôi làng như vậy mang lại cho chủ quyền của Trung Quốc  một sự tồn tại mới không thể phủ nhận dọc theo các ranh giới có tranh chấp với Ấn Độ, Bhutan và Nepal. Ở phía bắc, các khu định cư tăng cường an ninh và thúc đẩy thương mại với vùng Trung Á. Ở phía nam,  là để  chống lại ma túy và tội phạm từ Đông Nam Á.

Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Tập Cận Bình đang sử dụng các khu định cư dân sự để âm thầm củng cố quyền kiểm soát của Trung Quốc ở các vùng biên giới xa xôi, giống như đã làm với lực lượng dân quân đánh cá và các đảo ở Biển Đông đang tranh chấp.

Tờ New York Times – NYT- đã lập bản đồ và phân tích các khu định cư dọc biên giới Trung Quốc để tạo ra hình ảnh trực quan chi tiết đầu tiên về cách quốc gia này định hình lại biên giới  bằng các tiền đồn dân sự chiến lược, chỉ trong tám năm.

Công ty trí tuệ nhân tạo RAIC Labs đã quét hình ảnh vệ tinh về toàn bộ biên giới đất liền của Trung Quốc do Planet Labs chụp, dựa vào đó NYT  đã xác định được vị trí của các ngôi làng mới và đối chiếu chúng với hình ảnh cũ, phương tiện truyền thông nhà nước, bài đăng trên mạng xã hội và hồ sơ công khai.

Theo Matthew Akester, một nhà nghiên cứu độc lập về Tây Tạng và Robert Barnett, một giáo sư từ Đại học SOAS London, bản đồ cho thấy Trung Quốc đã xây ít nhất một ngôi làng gần mỗi đường đèo ở Himalaya giáp với Ấn Độ, cũng như trên hầu hết các đèo giáp với Bhutan và Nepal. Ông Akester và ông Barnett, những người đã nghiên cứu các ngôi làng biên giới của Tây Tạng trong nhiều năm, đã xem xét các phát hiện của NYT

Các tiền đồn này về bản chất là dân sự, nhưng chúng cũng cung cấp cho quân đội Trung Quốc đường sá, quyền truy cập internet và điện, trong trường hợp quân đội muốn nhanh chóng di chuyển quân đến biên giới. Dân làng là tai mắt ở những vùng xa xôi, ngăn chặn những kẻ xâm nhập hoặc chạy trốn.

“Trung Quốc không muốn người ngoài có thể đi bộ qua biên giới trong bất kỳ khoảng cách nào mà không bị nhân viên an ninh hoặc công dân của mình phát hiện”, ông Akester cho biết.

Việc xây dựng các khu định cư làm gia tăng lo lắng trong khu vực về tham vọng của Bắc Kinh. Mối đe dọa xung đột luôn hiện hữu: Các cuộc đụng độ chết người đã nổ ra dọc biên giới giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc kể từ năm 2020 và hàng chục nghìn binh lính từ cả hai bên vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Mắt và tai của Trung Quốc

Những dấu hiệu đầu tiên về tham vọng của  Tập Cận Bình xuất hiện vào năm 2017, khi truyền thông nhà nước đưa tin về bức thư ông viết cho hai chị em người Tây Tạng ở ngôi làng Yume nằm gần Arunachal Pradesh bị tuyết phủ dày hơn nửa năm.

Ông ca ngợi gia đình họ vì đã bảo vệ khu vực này cho Trung Quốc trong nhiều hàng chục năm, bất chấp địa hình khắc nghiệt: “Tôi hy vọng các cháu sẽ tiếp tục tinh thần yêu nước và bảo vệ biên giới của mình”.

Trong vài năm tiếp theo sau đó, Trung Quốc đã cho xây dựng hàng chục ngôi nhà mới ở Yume và  di dời hơn 200 người dân đến đó.

Yume, còn được gọi là Yumai trong tiếng Trung, là một trong ít nhất 90 ngôi làng mới và các khu định cư mở rộng đã mọc lên ở Tây Tạng kể từ năm 2016, khi Trung Quốc bắt đầu phác thảo kế hoạch xây dựng làng biên giới tại khu vực này. Tại Tân Cương và Vân Nam lân cận, NYT đã xác định được sáu ngôi làng mới và 59 ngôi làng biên giới mở rộng. (Trung Quốc cho biết có hàng trăm ngôi làng như vậy, nhưng không có công bố thông tin chi tiết và nhiều ngôi làng dường như đã được nâng cấp lên.)

Trong số những ngôi làng mới mà tờ NYT xác định ở Tây Tạng nằm trên vùng đất mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền mặc dù nằm trong biên giới thực tế của Trung Quốc; 11 khu định cư khác nằm ở những khu vực tranh chấp với Bhutan. Một số trong 11 ngôi làng đó nằm gần khu vực Doklam, nơi xảy ra cuộc đối đầu giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2017  khi Trung Quốc muốn mở đường.

Trung Quốc khẳng định rõ rằng các ngôi làng này ở đó để giữ an ninh. Năm 2020, một lãnh đạo của một huyện biên giới Tây Tạng đã nói với phương tiện truyền thông nhà nước rằng ông đang di dời hơn 3.000 người đến các khu vực biên giới “được kiểm soát yếu, có tranh chấp hoặc không có người ở”.

Brahma Chellaney, một nhà phân tích các vấn đề chiến lược có trụ sở tại New Delhi, cho biết khi âm thầm xây dựng các ngôi làng quân sự hóa ở vùng biên giới đang tranh chấp, Trung Quốc đang sao chép cách tiếp cận bành trướng đã sử dụng thành công ở Biển Đông.

“Điều nổi bật là tốc độ và sự lén lút mà Trung Quốc đang vẽ lại rất ít được quan tâm về hậu quả địa chính trị”, ông Chellaney cho biết. “Trung Quốc đã đưa những người định cư vào những vùng đất mới hoàn toàn ở biên giới Himalaya với Ấn Độ và biến họ thành tuyến phòng thủ đầu tiên của mình”.

Trong một phản hồi bằng văn bản gửi cho tờ NYT, Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết khi giải quyết các vấn đề biên giới với các nước láng giềng, “Trung Quốc luôn nỗ lực tìm ra các giải pháp công bằng và hợp lý thông qua các cuộc tham vấn hòa bình và hữu nghị”.

Ấn Độ và Bhutan đã không trả lời các yêu cầu bình luận về sự gia tăng này. Các quan chức Ấn Độ trước đây đã lưu ý đến “hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng” của Trung Quốc dọc theo biên giới. Các nhà lãnh đạo địa phương ở Arunachal Pradesh và Ladakh đã phàn nàn với tờ NYT  rằng Trung Quốc đang dần cắt xén những phần nhỏ lãnh thổ của Ấn Độ.

Ấn Độ đã phản ứng bằng cái mà họ gọi là “Những ngôi làng sôi động”, một chiến dịch hồi sinh hàng trăm ngôi làng dọc theo biên giới.

Nhưng Trung Quốc đang xây dựng nhiều hơn Ấn Độ, Brian Hart, một nhà phân tích của Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (C.S.I.S.), gần đây đã đồng thực hiện một báo cáo về các ngôi làng biên giới ở Tây Tạng, cho biết.

Trong số những phát hiện khác, báo cáo của C.S.I.S. đã xác định được những gì có vẻ là một cơ sở quân sự hóa trong một ngôi làng như vậy, được gọi là Migyitun hoặc Zhari trong tiếng Trung, một dấu hiệu cho thấy bản chất sử dụng kép của các khu định cư. Tờ NYT đã nghiên cứu hình ảnh vệ tinh của cùng một ngôi làng và xác định được xe tải và lều trại quân sự, cũng như có lẽ là một trường bắn gần đó.

Các ngôi làng cũng là công cụ tuyên truyền: thể hiện sức mạnh và sự vượt trội của Trung Quốc trong khu vực, Jing Qian, đồng sáng lập Trung tâm Phân tích Trung Quốc tại Hiệp hội Châu Á cho biết.

“Họ muốn người Ấn Độ, người Trung Á và những người khác nhìn thấy và nghĩ rằng các ngôi làng của Trung Quốc rất tốt, rằng mô hình Trung Quốc đang hoạt động rất tốt.”

Tương lai bất định, địa hình khắc nghiệt

Lãnh thổ Himalaya nơi nhiều ngôi làng Trung Quốc mọc lên phần lớn không có người ở vì nhiều lý do. Địa hình đá và băng giá đặc biệt nguy hiểm vào mùa đông, với những con đường bị tuyết dày chôn vùi mấy tháng liền trong năm. Không khí loãng và lạnh. Đất đai cằn cỗi, khiến việc canh tác trở nên khó khăn.

Để thuyết phục người dân chuyển đến đó, quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hứa với họ rằng nhà mới sẽ rẻ. Người dân sẽ nhận được trợ cấp hàng năm và được trả thêm tiền nếu tham gia tuần tra biên giới. Các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc cho biết chính phủ sẽ tạo việc làm và giúp thúc đẩy các doanh nghiệp và du lịch địa phương. Các ngôi làng sẽ có đường trải nhựa, kết nối internet, trường học và phòng khám.

Một tài liệu của chính quyền địa phương mà tờ NYT xem cho thấy  một số người chịu di dời có thể nhận được khoảng 20.000 nhân dân tệ ( gần 3.000 usd) một năm. Một người dân được liên lạc qua điện thoại cho biết anh ta kiếm thêm 250 đô la một tháng bằng cách tuần tra biên giới.

Nhưng không rõ liệu những ngôi làng này có hợp lý về mặt kinh tế hay không.

Theo ông Akester, một chuyên gia độc lập, người dân trở nên phụ thuộc vào trợ cấp vì có rất ít cách kiếm sống khác.

Chính sách di dời của Trung Quốc cũng là một hình thức kỹ thuật xã hội, được thiết kế để đồng hóa các nhóm thiểu số như người Tây Tạng vào dòng chính. Người Tây Tạng, phần lớn theo đạo Phật, trong lịch sử đã phản đối sự kiểm soát xâm phạm của Đảng Cộng sản đối với tôn giáo và lối sống của họ.

Hình ảnh từ các ngôi làng cho thấy rằng đời sống tôn giáo phần lớn không có. Các tu viện và đền thờ Phật giáo dường như không thấy ở đâu cả. Thay vào đó, cờ quốc gia và chân dung của Tập Cận Bình hiện diện ở khắp mọi nơi, trên các cột đèn, tường phòng khách và lan can ban công.

“Họ muốn biến đổi cảnh quan và dân số”, ông Akester cho biết.

Trong nhiều năm, chính phủ đã thúc đẩy nhiều người Tây Tạng du mục bán bò yak và cừu, rời khỏi đồng cỏ và chuyển đến khu nhà ở, nhưng thường không có cách để họ sinh tồn. Thay vì chăn thả, người dân phải làm việc để kiếm tiền công.

Các cuộc phỏng vấn cho thấy rằng nhiều người du mục không thích nghi được khi chuyển đến những ngôi làng mới. Có người đi chăn bò yak nửa năm trên núi; người khác trở về sống ở nhà cũ hàng tháng.

Ông Barnett cho biết, người dân thường không được thông báo về những thách thức sẽ gặp phải khi dọn nhà tới khu định cư như phải chi nhiều tiền hơn để đi đến các thị trấn, và tiền điện, nước, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cũng tốn kém hơn nhiều.

“Vấn đề chính là họ đang di chuyển họ từ lối sống này sang lối sống khác”, ông nói. “Cuối cùng, họ không có vốn, không có kỹ năng hữu dụng, không có kỹ năng  để đi làm thuê và không có sự quen thuộc về văn hóa”.

Khi tiền không đủ, quan chức Trung Quốc ép buộc người dân phải di dời.

Một bộ phim tài liệu do đài truyền hình nhà nước CCTV phát sóng đã cho thấy cách một quan chức Trung Quốc đến Dokha, một ngôi làng ở Tây Tạng, để thuyết phục người dân chuyển đến một ngôi làng mới có tên là Duolonggang, cách Arunachal Pradesh 10 dặm.

Ông đã bị người dân phản đối. Tenzin, một Phật tử tại gia, khẳng định rằng đất đai của Dokha rất màu mỡ, có thể trồng được cam và các loại trái cây khác. Ông nói rằng “Chúng tôi có thể tự nuôi sống mình mà không cần trợ cấp của chính phủ”.

Theo một bài báo của phương tiện truyền thông nhà nước được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trích dẫn trong một báo cáo, viên chức này đã chỉ trích Tenzin vì “sử dụng tuổi tác và địa vị tôn giáo của mình để cản trở việc di dời”.

Cuối cùng, tất cả 143 cư dân Dokha đã phải chuyển đến khu định cư mới.

 

Bài có sự đóng góp của Joy Dong, Christoph Koettl, Sameer Yasir, Olivia Wang, Ishaan Jhaveri, và Matthew Bloch.

 

_______________________

Nguồn:

NYT – China’s Great Wall of Villages


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bắc Kinh gia tăng chiến dịch đồng hóa sắc tộc

Phan Thanh Hung

VNTB – Úc đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc muốn giữ ngôi vị đầu ra lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.