VNTB – Văn Thánh miếu – biểu tượng của học phong Nam Kỳ

VNTB – Văn Thánh miếu – biểu tượng của học phong Nam Kỳ

Hoàng Mai

(VNTB) – Văn Thánh miếu Vĩnh Long là Văn Miếu được xây dựng sau cùng ở Nam kỳ dưới thời Nguyễn.

 

So với các Văn Miếu khác, Văn Miếu Vĩnh Long được xây dựng trong một tình thế đặc biệt: Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ; tỉnh Vĩnh Long bị chiếm đóng nhưng sau đó được trao trả theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862).

Khi Vĩnh Long được trả, nhiều trí thức Nam kỳ ở Biên Hoà, Gia Định và Định Tường đã quy tụ về đây. Quan Đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông đã hợp với các sĩ phu gấp rút xây dựng Văn Thánh miếu làm nơi ôn tập cho các sĩ tử và cũng là trung tâm hoạt động văn hoá, đề cao Đức Khổng Tử và các bậc tiền hiền nhằm giáo dục lễ nghĩa và duy trì “đạo học”.

Công trình khởi công từ mùa đông năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần (1866). Năm 1867, thực dân Pháp đem chiến thuyền uy hiếp và đánh chiếm Vĩnh Long. Thực dân lấy cớ cần có gỗ để xây dựng dinh Tham biện định phá Thánh Miếu. Bá hộ Trương Ngọc Lang được dân cử đứng ra điều đình với Pháp để giữa lại. Trải qua thời gian, Văn Thánh miếu được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được những nét cơ bản nguyên sơ.

Người địa phương nói rằng chỉ một đoạn sông Long Hồ từ dòng Cổ Chiên (một trong chín nhánh sông Cửu Long đổ ra biển) đi qua chợ Vĩnh Long, uốn lượn vào chừng hơn cây số có đến ba thủ tướng ở hai chế độ chính trị khác nhau.

Rồi một nhánh rẽ từ đoạn sông này chỉ chừng vài trăm mét còn có hai người bạn nhà cạnh nhau, cùng học trường làng sau này trở thành hai thủ tướng của hai chế độ khác nhau. Đó là vùng đất Vĩnh Long, quê hương của vị tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ Phan Thanh Giản…

Phạm Hùng và Võ Văn Kiệt là hai chính khách thủ tướng của nhà nước Việt Nam sau tháng 4-1975.

Thời chính phủ Quốc gia Việt Nam có Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu (1950-1952). Tại hội nghị 51 nước (đầu tháng 9-1951) về việc đánh bại phát xít Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai tại Mỹ, ông là người đã phát biểu khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa có ông Trần Văn Hương (sinh năm 1902) được bổ nhiệm thủ tướng thời Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, từ 1971 đến 1975, giữ chức vụ phó tổng thống và những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, ông giữ chức tổng thống được… bảy ngày.

Trước ông Hương có Quốc trưởng Phan Khắc Sửu quê làng Mỹ Thuận (nay là phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh). Ông Sửu tốt nghiệp kỹ sư canh nông ở Pháp. Năm 1933, ông lập đội bóng đá nữ Cái Vồn, có thể xem là đội bóng đá nữ đầu tiên ở châu Á.

Cũng từ đoạn sông Long Hồ này có một nhánh rẽ (rạch Ông Me) chạy dài chỉ vài trăm mét có nhà cạnh nhau của hai thủ tướng ở hai chế độ chính trị và từng là bạn học trường làng. Đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc (Tám Lộc) – Thủ tướng thời Việt Nam Cộng hòa (từ tháng 11-1967 đến đầu năm 1968). Cũng xin nói thêm ông Chín Tường, anh ông Tám Lộc, tham gia cách mạng hy sinh trong một lần vượt qua quốc lộ 53…

Người xứ này nói rằng Vĩnh Long thời Long Hồ dinh xưa, các tiền nhân xây dựng Văn Thánh miếu như một biểu tượng của vùng “đất học”, và chính nhờ “đất học” đó nên mới có những tên tuổi ở cả hai chế độ tại Việt Nam thời đương đại.

Những hình ảnh ở đây được ghi nhận vào trung tuần tháng 5-2023.

Văn Thánh miếu Vĩnh Long được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào tháng 3-1991. Hiện di tích tọa lạc tại phường 4, thành phố Vĩnh Long.

Hai câu liễn đối của vạn thế sư biểu Chu Văn An tại Văn Thánh miếu Vĩnh Long: “Sống là tử tế nhưng đừng nhu nhược – Sống là tự tin nhưng đừng kiêu ngạo”.

 Gian thờ tiền hiền Mẫn Tử Khiên và Tử Hạ.

Gian thờ cụ Phan Thanh Giản và Võ Trường Toàn ở Tụy Vân Lâu, Văn Thánh miếu.

Là vị Tiến sĩ khai khoa ở Nam Bộ và làm quan trải qua 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Phan Thanh Giản là người hết lòng yêu nước thương dân nhưng lại chịu án oan “mãi quốc”, và phải đau xót mang tiếng nhơ làm mất đất về tay Pháp xuống đáy mồ. Dù phải dùng đến thuốc độc để rửa oan nhưng cụ Phan vẫn phải chịu tiếng đời phán xét trong hơn một thế kỷ rưỡi của chế độ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)