Việt Nam Thời Báo

VNTB – Văn trào phúng và “Chuyện Sủ Nhi” của Nguyễn Ngọc Tư

nguyễn ngọc tư

Dương Tử

***

Lời Tựa

Giới nghiên cứu lịch sử văn học thế  giới đã chi ra một quy luật. Khi nào một chế độ chính trị đến hồi tàn cuộc, gọi là mạt kỳ, văn học nghệ thuật thích hợp nhất là văn chương trào phúng.

Thực vậy, văn học Phương Tây mất gần 300 năm làm cuộc Cách mạng văn hóa Phục hưng để đào hố chôn chủ nghĩa phong kiến nghìn năm Tây Âu- điển hình là tiểu thuyết Hiệp sĩ Don Quijote của văn hào Cervantes- bộ tiểu thuyết trào phúng vĩ đại nhất. Đại cách mạng Pháp 1789 nổ ra như một tất yếu sau 300 năm chuẩn bị.

Cuối thời Mãn Thanh, tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng tấn bi kịch và hài kịch tiêu biểu nhất của đế chế phong kiến Trung Hoa báo hiệu một cuộc Cách mạng tư sản phải ra đời như một tất yếu lịch sử. Và quả nhiên cách mạng tư sản Quốc dân đảng đã bùng nổ và thành công. Có điều, Trung Quốc như một ngoại lệ kỳ khôi- Đảng Cộng sản Trung Quốc nảy nòi nhanh nhờ lực lượng vô sản 95% dân số đã gây cản trở, làm chậm lại quá trình cách mạng trên xứ sở này…

Văn học Liên Xô và Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũng nằm trong quy luật. Những chuyện động trời tồi tệ ở xứ sở thành trì xã hội chủ nghĩa Liên Xô được nhà văn Oveskin viết tiểu thuyết trào phúng nổi tiếng “Chuyện thường ngày ở huyện” !

Nửa cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19, chế độ phong kiến Việt Nam non nghìn tuổi đang suy tàn không cưỡng nổi. Một trào lưu văn học nối liền 2 thế kỷ trỗi lên với Nguyễn  Du, Nguyễn Gia Thiều, Bà huyện Thanh Quan…đặc biệt, Hồ Xuân Hương với nụ cười trào phúng mang tính dân tộc rõ nét.

Văn học Việt Nam hiện đại, cụ thể là đương đại, cũng đang đi theo qui luật đó.

Do sự kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền Việt Nam, tác phẩm văn trào phúng lớn khó ra đời. Vậy thì trào phúng nhỏ, số đông, lại tạo ra một phong trào dễ hơn. Văn chương dân gian phản biện và trào phúng Việt Nam tồn tại như hình thức văn học dân gian. 

Trong bầu không khí trào phúng ấy, văn chương bắt gặp mạng xã hội internet bùng nổ hiện tượng trào phúng bình dân xen kẽ văn sĩ trí thức diễn ra hàng ngày. Đỉnh cao văn học viết là truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp tạo ra cột mốc. Còn thi ca thì dàn trải khó có xác định đỉnh cao.

Một tác phẩm trào phúng có giá trị bằng cả trăm nghìn tác phẩm hiện thực. Bởi tính phủ định của nó rất cao, căn bản và quyết định.

Một tiểu luận trào phúng tuy nhỏ nhắn xinh gọn nhưng lọt được vào báo chí chính thống thực là khó. Đó là truyện ngắn Sủ Nhi của nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư đã lên trang báo Tuổi Trẻ.

 

“Chuyện Sủ Nhi”- Truyện ngắn như một tiểu luận chính trị của Nguyễn Ngọc Tư

 

Nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư, hiện đang sung sức, được coi là đặc sản văn chương Nam Bộ hiếm hoi thời hiện đại. Gây chấn động bởi truyện vừa Cánh đồng bất tận, cô vẽ ra một “cánh đồng Việt Nam” u uất, nhàm chán, bế tắc… Sau đó cô rút lui vào những tập tản văn về chuyện đời thường để dưỡng bút và tạm ẩn mình.

Cách đây ba năm, Cô viết truyện ngắn Sủ Nhi khá đặc sắc. Nguyên chữ Nho xưa gọi “trẻ trâu” là Sửu Nhi, cô phát âm địa phương là Sủ Nhi. Từ ngữ này hiện nay ưa dùng để nói những người lớn mà đầu óc, nhân cách, hành xử như “trẻ con chăn trâu”.

Báo Tuổi Trẻ cũng có người biên tập viên lí lắc, quyết tâm đăng truyện ngắn này.

Nhân vật chính là Sủ Nhi.

Chuyện thăng tiến nhanh tuyệt đối chẳng phải vì Sủ Nhi là cháu ruột của viện trưởng, con trai của tỉnh trưởng, em vợ của phó bộ trưởng, mà hoàn toàn bởi tài năng xuất chúng của nó”.

Ngược về quá khứ thơ ấu, Sủ Nhi trong con mắt xóm giềng “Ai mà dè được thằng nhỏ đã từng nhấn nước chết mèo, vặt trụi lông đuôi chó, cho gà nuốt dây thun, nhái tướng đi của bà Bốn Cụt bán vé số, chạy xe tạt nước cống vào người đi đường, cái thằng mà thiên hạ xúm nói “Cái đồ vô cảm đó chừng lớn lên chỉ có nước đi phá làng phá xóm…”, 

Sủ Nhi trổ tài láu lỉnh trong ngôn ngữ điều hành chính trị, đã bao phen cứu thua cho Sở Đi Lại, Sở Sức Khỏe, Sở Bảo Vệ, Sở Cầu Đường… và được nhiều giải thưởng.

“Vụ đó báo chí làm rùm beng teng xeng lên, khui luôn chuyện có lần nó bút phê vô bệnh án “Chết vì tắt thở”. May nhờ ba má nó dàn xếp kịp, nhưng nhờ vậy mà ông bác ở Viện chữ Nhà nước phát hiện ra nhân tài ngay trong nhà mình. 

“Sủ Nhi chính thức bước vô tòa lầu bự chà bá lửa, gia nhập vào đội quân gần một trăm viện sĩ, những người gần như cả đời gom não để sáng tạo ra những cụm từ, những câu chữ mang tính Nhà nước cao.

“Thằng Sủ Nhi từng thắc mắc tính Nhà nước là tính gì, thì ông bác nói khó mà định nghĩa được. Sủ Nhi càng thấy khoái tỉ, bởi những thứ không có định nghĩa thì mông lung, nó làm sai bét cũng chẳng ai bắt bẻ. Nó linh cảm mình mà mần viện sĩ viện đó thì như xe cọp xoáy nòng, Ferrari đổ đầy xăng.

“Nhưng Sủ Nhi khẳng định tên tuổi phải từ vụ gỡ bàn thua trông thấy cho Sở Cầu Đường bởi cây cầu mới xây đã sập, nó phán: “Do biến động bất ngờ của dòng chảy cùng với độ lún khó lường của lòng sông”.“Vào buổi sáng đầu tiên nhận việc, Sủ Nhi nhận được đơn đặt hàng bên Sở Bảo Vệ, nhân viên của họ tung cước đá một tiếp viên trên máy bay, gái đó nằm vạ đòi xin lỗi. Và Sủ Nhi phán luôn khỏi cần nghĩ chi lâu: “Cứ nói mình duỗi cẳng cho máu chảy đều, là êm ru bà rù hết!”. 

“Tiếng tăm Sủ Nhi lên cao, Viện chữ Nhà nước càng được trọng vọng. Hôm kỷ niệm 80 năm lập viện, người ta khẳng định lần nữa sự đóng góp vô cùng bự của từng viện sĩ, giúp cho thiên hạ tránh được đại loạn, bởi mỗi tế bào não ưu việt của họ đã sản sinh ra bao cụm chữ lay động lòng người, xoa dịu vết thương, hàn gắn nỗi đau, như: “Lỗi do cơ chế”, “Sai sót trong thiện chí”, “Khuyết điểm mang tính khách quan cao”.

Viện trưởng, người góp phần sáng tạo ra những cụm từ mang tính mỹ cảm ngút trời ấy, vốn đau đáu lo lớp hậu sinh chưa có ai xứng đáng để giao viện lại, may phát hiện ra thằng cháu mình, cảm thấy ưng bụng vô cùng. Nhưng không phải là không chạnh lòng, khi mỗi lễ Tết về, khách nườm nượp đổ về phòng thằng cháu, nhằm bày tỏ lòng biết ơn, nhờ nó mà ghế ai cũng vững như bàn. 

“Ngoi lên cao, kẻ ghen ăn tức ở cũng nhiều. Có lần thằng Sủ Nhi bị họ bắt quả tang đang chơi xếp hình với chục ngoài mỹ nữ, ai cũng nghĩ phen này nó chết chắc, nhưng thế nào mà lỗi cuối cùng là do “Chưa được chừng mực trong công tác gần gũi quần chúng”.

“Cũng năm đó, Sủ Nhi say rượu lái xe vô đường ngược chiều bị chụp hình đăng báo, trong bản kiểm điểm đầy nước mắt, nó kêu mình “Xác định phương hướng chưa được sâu sắc”. 

KẾT: Mấy nét đặc sắc của “ Chuyện Sủ Nhi” 

Hình ảnh ám dụ nổi bật nhất trong truyện là “Viện chữ Nhà nước”.

Đó không chỉ là “Viện ngôn ngữ học Việt Nam” thuộc Viện hàn lâm KHXH-NV.  Đó phải là một cơ quan mơ hồ chuyên môn sáng tạo ra chữ mới. Chữ mới nghĩa là “khái niệm mới”. Vậy là, cơ quan này còn to hơn nhiều Viện ngôn ngữ học, rất có thể là một cơ quan đứng đầu đất nước và uy chấn thiên hạ.

Bí quyết của viện chữ nhà nước cao cấp là ở chỗ “chữ phải có độ mông lung cao, và phải vô cùng linh hoạt”. Viện trưởng, “người góp phần sáng tạo ra những cụm từ mang tính mỹ cảm ngút trời ấy, vốn đau đáu lo lớp hậu sinh chưa có ai xứng đáng để giao viện lại”. 

Những thứ không có định nghĩa thì mông lung, nó làm sai bét cũng chẳng ai bắt bẻ. Chữ của viện này phải “như nước chảy không ai bẻ được, chữ phải như cái bóng không ai bắt được”.

Khiêm tốn mà đánh giá, nữ nhà văn lí lắc đã tạo ra một cơ quan ẩn dụ hoặc ám dụ đặc sắc là “viện chữ nhà nước”- nơi vẽ ra những chữ mới không ai hiểu được, không có chỗ trong từ điển… Và một nhân vật Sủ Nhi hậu duệ của nhân vật Xuân tóc đỏ của nhà văn tiền bối Vũ Trọng Phụng.

 

https://tuoitre.vn/chuyen-su-nhi-truyen-ngan-cua-nguyen-ngoc-tu-1257157.htm


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đánh kẻ chạy đi, đánh luôn cả người chạy lại?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhân nghe tin cây bút Vũ Hạnh giã từ đời cách mạng sân si, bàn về dòng văn học “Cách mạng miền Nam”

Phan Thanh Hung

VNTB – Tò mò về báo Tuổi trẻ và Thanh niên

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo