Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Vật giá tăng, vì hạ giá linh hồn”.

Thạch Thảo (VNTB) – Giá xăng lại tăng gần 2.000 đồng vào tối 5/5. Trước đó, giá điện tăng 7,5%, phí cầu đường ở một số nơi như Pháp Vân – Cầu Giẽ tăng, nước nhấp nhổm tăng… 
 
Sự tăng giá được áp vào một khuôn khổ gọi là “sự điều chỉnh theo cơ chế thị trường”, nhưng ai cũng biết rằng, nó là dùng để bù vào việc nợ công tăng cao, thâm hụt ngân sách nặng.

Theo đó, ngân sách năm 2015 dành 70% là chi thường xuyên và hơn 30% là chi trả nợ, đầu tư, tổng nợ phải trả chiếm khoảng 31,2% thu ngân sách. Trong khi đó, vào ngày 4/5, đồng hồ nợ công quốc tế trên tạp chí Economist cho biết, tổng nợ công của Việt Nam đang ở mức 89.08 tỷ USD, chiếm tỉ lệ 46.6% GDP và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân mỗi người dân Việt Nam đang “gánh” trên mình 979.77 USD nợ công, tức khoảng 21.2 triệu đồng Việt Nam.


Tất nhiên, người dân – đối tượng đóng thuế chính lại không làm nên cái nợ công hay thâm hụt ngân sách đó, mà do những “đầy tớ” làm nên nó. Sự kém minh bạch trong quản lý, đầu tư công đã khiến cho thất thoát, tham nhũng ngày một mở rộng, 10 đồng cho dự án thì hết 6 đồng chui vào túi các quan chức biến chất, trong khi các dự án hàng trăm triệu, hàng tỉ đô la dù được cảnh báo là xa rời thực tiễn nhu cầu và hoàn cảnh của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng tài chính quốc gia, nhưng vẫn được lãnh đạo cao cấp nhà nước đốc thúc tiến hành. Sân bay Long Thành là một ví dụ.

“Vật giá tăng, vì hạ giá linh hồn”. Ảnh: Sate

Nợ công, thâm hụt ngân sách tăng cứ thế mà không có điểm dừng, mặc kệ lời cam kết chính trị của những quan chức cấp cao về đỉnh nợ công, trần nợ công, và kiểm soát ngân sách nhà nước. Cuối cùng, người dân vẫn oằn mình ra để gánh chịu sự tăng giá vô lý đó, như một lẽ tất nhiên khi sống và tồn tại trong thể chế xã hội từ trên xuống này.

Tại diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, thu từ thuế và phí (không kể thu từ dầu thô) của Việt Nam hiện nay ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% và Ấn Độ chỉ là 7,8%.

Như vậy, mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Nói nôm na, người Việt gánh thuế phí cao nhất ASEAN.

Vô lý ở chỗ, kẻ sài đồng tiền thuế thì không biết tiết kiệm, người nộp thuế thì phải chịu trăm thứ thuế để nuôi cho cái bộ máy hoang phí kia.

Vô lý giống như việc, bộ máy công chức vốn ăn nhiều tiền ngân sách nhất, tham nhũng nhất được hô hào tinh giảm, chống tham nhũng nhưng càng hô hào bao nhiêu thì bộ máy càng phình ra bấy nhiêu. Trong khi số doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa – càng hô hào động lực bao nhiêu thì càng chết nhiều bấy nhiêu vì thiếu sự hỗ trợ chính đáng về mặt thuế phí, môi trường kinh doanh.

Cụ thể giá xăng dầu, điện nước vẫn tăng khiến chi phí sản xuất tăng lên. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn kiếm 1 đồng lợi nhuận phải chi 0,7 đến 1 đồng chi phí không chính thức cho các dịch vụ hành chính công. Và theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc Tế (TI) vừa qua, Việt Nam xếp thứ 119/175 nền kinh tế, có điểm số 31/100 điểm.
Chính vì vậy,
theo bà Phạm Chi Lan cho biết, bước sang quý I/2015 số doanh nghiệp chết vẫn tăng hơn 10%.

Sắp tới, khi Việt Nam “hội nhập sâu” hơn nữa trong nền kinh tế, thuế quan nhiều mặt hàng giảm xuống 0%, thì thuế phí sẽ tiếp tục được coi là phương cách chính để đỡ đần nợ cân và thâm hụt ngân sách. Nhưng nó sẽ không còn ở mức “lạm thu”, mà để chuyển sang giai đoạn “tận thu”.

Người dân sẽ khốn khổ, trong khi các doanh nghiệp thì nỗi lo giải thể do các loại thuế, phí, vật giá tăng, nhũng nhiễu tăng làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, sức cạnh tranh.

Dẫu thế, họ vẫn sẽ trả thuế phí, vẫn phải cam chịu, bởi người dân Việt Nam là những con người thật thà, chất phác, và có một sức chịu đựng bền bĩ, thụ hưởng những điều bất công, ngay cả trong cả  trong chế độ khắc nghiệt này – nơi linh hồn, lương tâm lãnh đạo được rao bán với giá thấp.

Tin bài liên quan:

VNTB – EVN lại tiếp tục báo lỗ

Do Van Tien

Thói an phận người Việt: Bức xúc giá xăng rồi làm gì nữa? *

Phan Thanh Hung

VNTB – Đừng vội mừng khi Chính Phủ lại tăng lương dồn dập

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.