Việt Nam Thời Báo

VNTB – Về một kiểu hành xử hèn hạ và nguy hiểm

Thành Khương (VNTB) Trong khi hàng loạt hành vi đấu tố, sỉ nhục, đe dọa bằng bạo lực và khủng bố tinh thần đối với những ứng viên độc lập Quốc hội khóa 14 diễn ra ở khắp nơi, khiến nhiều ứng viên và cử tri hết sức bất bình liên tiếp gửi đơn tố cáo, khiếu nại, thư phản đối (mà tuyệt nhiên không thấy ai ở Uỷ ban bầu cử quốc gia (UBBCQG), Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và ở cái Tiểu ban an ninh, trật tự của Quốc hội (TBANTTCQH) kịp thời mở miệng can thiệp, giải quyết (mãi đến hôm 13/4 người ta mới hé răng đôi lời chung chung, né tránh và giả vờ không biết) thì mới đây, theo Tường trình về Hội nghị cử tri Viện Hán Nôm và Đơn khiếu nại về Hội nghị cử tri của công dân Nguyễn Xuân Diện (ứng cử viên độc lập Quốc hội khóa 14) ngày 8/4/2016, tại Viện Hán Nôm đã diễn ra Hội nghị cử tri quái dị. 

Nó giống cuộc đấu tố thời cải cách ruộng đất trong thời của thánh thần – chữ của nhà văn Hoàng Minh Tường – vì nó làm nhục rồi buộc tội người ta mà không cần bằng chứng, nó “tuyên án” người ta mà không thèm nghe ý kiến phản đối; nó không có tiếng la ó, quát tháo của các thầy đội như bọn Hồng vệ binh bên Tàu năm xưa nhưng nó lại có cái xảo trá, gian manh của các ông, bà Giáo sư, Phó giáo sư, Thạc sĩ và quan lại hạng chuyên viên, cấp Vụ trưởng. Có rất nhiều điều để bàn về cái gọi là Hội nghị cử tri này nhưng ở đây chúng tôi chỉ xem xét khía cạnh đạo đức và khía cạnh hình sự.

Về khía cạnh đạo đức

Như một cặp bài trùng, ông Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm (VHN) trong vai trò chủ trì đã cùng với bà Trương Thị Thủy, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, trong vai trò Thư ký hội nghị (do ông Cường chỉ định mà không xin ý kiến Hội nghị) đã công bố đơn tố cáo công dân Nguyễn Xuân Diện, công bố việc Viện Hán Nôm (VHN) từng hối thúc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (VHLKHXHVN) và Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội (STTTTHN) xác minh 2 lá đơn tố cáo kể trên. Riêng ông Cường, ngoài việc ngạo mạn tuyên bố không được quay phim, chụp anh, ghi âm hội nghị, còn tự ý chỉ định 3 ngườì vào Ban kiểm phiếu và thực hiện kiểm phiếu một cách lén lút trong suốt 30 phút. Như vậy, ông Viện trưởng VHN và bà Trương Thị Thủy đã làm trái Luật bầu cử, làm trái nội dung hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia (HĐBCQG) và làm trái Luật tố cáo, khiếu nại để bôi nhọ và hạ nhục ứng cử viên Nguyễn Xuân Diện. Là những người có trách nhiệm, ông Cường và bà Thủy đều biết rất rõ rằng Hội nghị cử tri ở cơ quan là một hoạt động bình thường chứ không phải là hoạt động bí mật quốc gia, rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là thẩm quyền của cơ quan chức năng nhà nước chứ không phải là của họ, và rằng xúc phạm uy tín, danh dự của con người là điều vô đạo đức nhưng họ vẫn cố tình và ngang nhiên thực hiện. Như vậy, họ đã bộc lộ sự xấu xa hèn hạ đáng khinh bỉ.

Sự im lặng đáng sợ của cử tri trong Hội nghị này cũng bộc lộ sự thiếu văn hóa và thấp kém về đạo đức. Tại sao các cử tri không dám nói lên tiếng nói trung thực, thẳng thắn ủng hộ ứng cử viên (hoặc không ủng hộ) một cách đàng hoàng? Tại sao các cử tri lại không dám lên tiếng bảo vệ ứng cử viên đang bị người ta bôi xấu, hạ nhục? Lương tâm các vị ở đâu? Một tập thể trí thức mà không dám nói lên tiếng nói trung thực bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ đồng nghiệp đang bị hạ nhục thì cũng chẳng khác gì một đám đông ô hợp. Cái cách im lặng ấy còn thể hiện rõ sự cam tâm làm nô lệ cho cường quyền, cả về thân xác lẫn tinh thần, của các cử tri mang danh trí thức ở Viện Hán Nôm. 

Sự im lặng của hai ông khách mời cũng là một kiểu hành vi thiếu đạo đức. Hơn ai hết, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và ông Nguyễn Đức Tâm, chuyên viên, là khách mời của Hội nghị, phải là những người hiểu rõ đúng sai, thật giả trong sự ngang ngược, gian manh cố ý hạ nhục ứng cử viên đang diễn ra và phải có ý kiến chấn chỉnh ngay mới đáng mặt khách mời và mới đúng với vai trò của mình, nhưng các ông này đã bỏ mặc. Sự im lặng ấy cũng là hành vi vô đạo đức.

Khía cạnh hình sự

Có thể nói, nhiều hành vi ở Hội nghị cử tri Viện Hán Nôm ngày 8/4/2016 có dấu hiệu vi phạm Luật hình sự, Luật Bầu cử và Luật tố cáo, song rõ nhất là vi phạm 2 điều của Bộ luật hình sự, đó là Điều 121 tội làm nhục người khác và Điều 126 tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân.

Điều 121 Tội làm nhục người khác được quy đinh như sau:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến 3 năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người pham tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

(Trích Bộ luật hình sự, Chương XII, Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người).

Rõ ràng là, bằng việc thông báo hai đơn đơn tố cáo (trái với quy định, trái với Luật tố cáo) trước toàn thể cử tri Viện Hán Nôm, ông Nguyễn Tuấn Cường và bà Trương Thị Thủy đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự và đã làm tổn hại uy tín của ứng cử viên Nguyễn Xuân Diện. Xét về tính chất của hành vi thì sự ngang nhiên làm nhục người ứng cử, của ông Cường bà Thủy là hết sức nguy hiểm vì nó xâm phạm nghiêm trọng quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm con người.

Tại sao, ông Cường, bà Thủy dám ngang nhiên làm như vậy? Phải chăng, họ ghen gét, thù tức công dân Nguyễn Xuân Diện về việc riêng nào đó nên bây giờ đây, sẵn có điều kiện này, họ trả thù? Phải chăng ai đó chỉ chỉ đạo ông Cường và bà Thủy cố tình làm việc này? Chúng tôi không thấy bằng chứng nào nói lên sự trả thù cá nhân vì dẫu đốn mạt đến mấy, con người ta cũng không thể lợi dụng hội nghị để thực hiện trước mấy chục con người mà lại ở một hội nghị! Nhưng giả thiết về một sự chống lưng từ một thế lực nào đó, một người có quyền nào đó, thì có bằng cớ ít nhiều. Bởi vì nếu không có sự chỉ đạo trước thì ông Viện trưởng và bà Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Viện Hán Nôm không dám công nhiên làm sai trái và gian manh đến như vậy. Và nếu không có chống lưng thì hai ông khách mời ( hai ông này chắc không là những người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự) sẽ không chọn cách im lặng tệ hại đến như vây! Nếu đúng như vậy thì ở đây kẻ phạm tội làm nhục người khác được thực hiện do cố ý, với động cơ đê hèn và có đủ dấu hiệu phạm tội có tổ chức.

Những hành vi của ông Nguyễn Tuấn Cường và bà Trương Thị Thủy còn vi phạm điều 126 Bộ luật hình sự về tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân.

Điều 126 Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân được quy định như sau:

“Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 1 năm.

1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến 2 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ quyền hạn;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng’

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến năm năm”.

(Trích Bộ luật hình sự , Chương XIII, Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân). 

Rõ ràng là, với việc công bố hai đơn tố cáo, công bố công văn hối thúc xác minh đơn tố cáo, tuyên bố cấm quay phim, chụp ảnh ghi âm hội nghị và kiểm phiếu lén lút, ông Nguyễn Tuấn Cường và bà Trương Thị Thủy đã dùng thủ đoạn khác cản trở quyền ứng cử của công dân Nguyễn Xuân Diện. Bởi vì, với trách nhiệm tổ chức hội nghị cử tri cơ quan, ông bà này chỉ được quyền tổ chức và thực hiện một cách đúng đắn một số việc nhất định: mời cử tri và người ứng cử đến dự; thông báo một số quy định chủ yếu trong văn bản hướng dẫn của UBBCQG; công bố lý lịch và chương trình hành động của người ứng cử; lắng nghe và ghi nhận vào biên bản các ý kiến phát biểu của cử tri, ý kiến của người ứng cử; tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm người ứng cử; kiểm phiếu công khai và công bố khách quan kết quả tín nhiệm đối với người ứng cử rồi thông qua biên bản hội nghị chứ không được phép làm việc khác. Nhưng họ đã lợi dụng quyền chủ trì và quyền thư ký hội nghị để xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm công dân, bôi xấu và làm mất uy tín của công dân, nên những hành vi đó chính là thủ đoạn khác cản trở quyền ứng cử của công dân Nguyễn Xuân Diện. Hành vi của ông Cường, bà Thủy còn vi phạm tiết c) điều 121 về lợi dụng chức vụ quyền hạn đồng thời vi phạm và các tiết a), tiết b) điều 126 về phạm tội có tổ chức và lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Lời cuối bài 

Thực chất Hội nghị cử tri ở Viện Hán Nôm là nhằm hạ bệ uy tín của người ứng cử. Rõ ràng là khi chuẩn bị lên kế hoạch tổ chức hội nghị, họ đã bàn bạc thống nhất nên đã hành xử như trên. Tuy nhiên cần phải nói thêm rằng sự im lặng đáng sợ của UBBCQG, MTTQVN, TBANTT của Quốc Hội cũng đã bộc lộ sự thờ ơ, vô trách nhiệm của họ và đó là một kiểu dung dưỡng tội phạm, chống lưng cho tội phạm. 

Cùng với các vụ đấu tố khác bấy lâu nay ở khắp nơi bởi những Hồng vệ binh vô học và hung hãn, các ông các bà ở Viện Hán Nôm và VHLKHXHVN theo cách đã hành xử của mình sẽ đi vào trang sử mùa bầu cử này với những hình ảnh đáng hổ thẹn.

Tin bài liên quan:

VNTB – Không được trúng cử vì mệnh lệnh hành chính

Phan Thanh Hung

Tự ứng cử: Vì sao Chính phủ “nói ngược” Quốc hội?

Phan Thanh Hung

56 đại biểu không bấm nút biểu quyết lúc đó đi đâu?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo