Khánh Vy
(VNTB) – Trại phong Quy Hòa vẫn giữ nguyên căn phòng Hàn Mặc Tử ở trong vòng chưa đầy 2 tháng trời.
Ở trại phong Quy Hòa vẫn giữ nguyên căn phòng Hàn Mặc Tử ở trong vòng chưa đầy 2 tháng trời. Vẫn còn đó chiếc giường nhỏ với manh chiếu cói, những tập thơ và cả bút tích để lại.
Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử có tên khai sinh Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 mất ngày 11 tháng 11 năm 1940. Ông là người khởi xướng Trường thơ Loạn. Lệ Thanh và Phong Trần là các bút danh khác của ông.
Hàn Mạc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.
Bác sĩ cho rằng Hàn Mạc Tử sớm qua đời do nội tạng hư hỏng vì uống quá nhiều thuốc tạp nham trước khi nhập viện phong Quy Hòa, mang số bệnh nhân 1.134 và từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11 tháng 11 năm 1940 tại đây khi mới bước sang tuổi 28.
Ngày nay, ở đây vẫn giữ nguyên căn phòng ông ở trong vòng chưa đầy 2 tháng trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Những hình ảnh ở đây được ghi nhận vào ngày 21-6-2023.
Vào khoảng năm 1929, một linh mục người Pháp có tên Paul Maheu thấy Quy Hòa có nhiều điều kiện phù hợp nên đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên bệnh viện Laproserie de Quy Hoa.
Năm 1932, Paul Maheu về lại Pháp, dòng Phan sinh ở Pháp cử 6 nữ tu đến Quy Hòa để phục vụ bệnh nhân. bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài. Cho đến trước khi Nhật đảo chính Pháp, nơi đây đã tiếp nhận, nuôi dưỡng hơn 500 bệnh nhân, trong đó có nhà thơ Hàn Mạc Tử.
Chú thích của tấm ảnh này là dòng chữ viết tay: “Tổng đốc Bình Định đang gắn medail cho các nữ tu sĩ người Pháp. Người thứ hai từ trái sang là nữ tu Julta, người đã săn sóc nhà thơ Hàn Mạc Tử”.
Ở Quy Hoà, bệnh nhân không cần phải theo tôn giáo nào để được điều trị. Thế nhưng trong khuôn viên, ta vẫn bắt gặp những bức tượng thờ: Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các vị thánh và các y sĩ danh tiếng lúc bấy giờ. Sự có mặt của những bức tượng này như một lời nhắc nhở về sứ mệnh của ngôi làng: để xoa dịu và truyền động lực cho những mảnh đời bất hạnh.
Căn giường nơi Hàn Mạc Từ nằm trong 2 tháng vật lộn với những cơn đau. Vẫn còn đó manh chiếu cói, hộc tủ nhỏ. Một tấm bảng ghi rõ, nơi phòng này, 5g45 phút, ngày 11-11-1940 nhà thơ từ trần.
Bút tích với chữ ký là tên thật của Hàn Mạc Tử. Nội dùng là lời nhắn ông gửi từ Quy Hòa về cho mẹ ở Quy Nhơn. “A mama de Quy Nhon – Viết mấy hàng chữ này để lạy từ tạ mẹ – Con bất hiếu”, ông viết.
Còn đây là bút tích cuối cùng của Hàn Mạc Tử trước khi trút hơi thở cuối cùng. Nội dung là lời cám ơn gửi anh Nguyễn Văn Xê (người trong ảnh), bạn đồng bệnh đã săn sóc ông trong suốt 52 ngày điều trị ở trại phong. “Thơ cầu nguyện đề tặng anh Xê – François Trí”.
Cách đó không xa là mộ phần ban đầu của thi sĩ. Năm 1959, mộ phần ông được cải táng ra đồi Ghềnh Ráng. Ðài cao khoảng 5 mét, trên đỉnh vừa là hình ảnh bút nghiên (con người thi sĩ) vừa là hình cây thánh giá (con chiên của chúa). Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa, như trang đời sự nghiệp của Hàn Mạc Tử còn dở dang.
Trên nền mộ cũ, cuối năm 1991, được dựng lên một đài tưởng niệm. Ðài được xây từ sự hỗ trợ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và một số thân hữu yêu thơ Hàn Mạc Tử.