VNTB – Ví điện tử của Việt Nam sẽ do ông chủ Trung Quốc vận hành?

VNTB – Ví điện tử của Việt Nam sẽ do ông chủ Trung Quốc vận hành?

Lynn Huỳnh

(VNTB) – eMonkey – là sản phẩm ví điện  tử đa năng của Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại và Công nghệ M-Pay, thành lập tháng 12/2008, trụ sở đặt tại tầng 18, tòa nhà VTC Online, số 18 phố Tam Trinh, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. 

Hiện tại, Tổng Giám đốc của M-Pay là Ou Yang Sau Vern, quốc tịch Singapore, Chủ tịch Hội đồng quản trị là Leiming Chen, quốc tịch Canada và là người Trung Quốc.

Ant Financial – công ty fintech của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba (Trung Quốc) đã ‘lặng lẽ’ mua lại một lượng khá lớn cổ phần của dịch vụ ví điện tử eMonkey của Việt Nam.

Một nguồn tin mới đây đăng trên Reuters cho biết, khoản đầu tư chiến lược dựa trên tám thỏa thuận thanh toán quốc tế của Ant sẽ cho phép công ty Trung Quốc này tham gia vào thị trường thanh toán đang bùng nổ tại Việt Nam với gần 100 triệu dân, trong đó có tới một phần tư dân số trẻ có độ tuổi dưới 25 và là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất về thương mại điện tử trong khu vực.

Theo mô tả, mỗi ví điện tử eMonkey được gắn kết duy nhất với một số điện thoại di động của khách hàng. Sau khi đăng ký, cài đặt và kích hoạt ứng dụng ví điện tử eMonkey trên điện thoại di động, khách hàng sẽ có ngay trên tay một công cụ giúp thực hiện các giao dịch thanh toán và mua sắm từ xa. Người dùng cần nạp tiền vào ví để có thể thực hiện thanh toán và mua sắm trực tuyến bằng ví điện tử eMonkey.

Lâu nay, sau khi mua hàng hoá, dịch vụ ở các điểm đến du lịch của Việt Nam, khách Trung Quốc sẽ cà thẻ trên POS có kết nối trực tiếp với ngân hàng thanh toán tại nước ngoài, hoặc sử dụng các ví điện tử trên điện thoại di động như Alipay, Wechat Pay (của Trung Quốc) để thanh toán bằng QR Code. Dòng tiền sẽ được chuyển từ tài khoản của du khách sang tài khoản của người bán đều mở tại ngân hàng nước ngoài mà không qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

Alipay là một nền tảng thanh toán trực tuyến của bên thứ ba, được thành lập tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2004 bởi thương nhân Jack Ma từ tập đoàn Alibaba. Vào năm 2015, Alipay chuyển trụ sở chính sang Phố Đông, Thượng Hải, công ty mẹ Ant Financial của nó vẫn giữ trụ sở tại Hàng Châu.

Nay thì Ant Financial đã là chủ nhân của ví điện tử eMonkey của Việt Nam, xem ra tam mã Alipay – Wechat Pay – eMonkey sẽ thay nhau thống trị toàn bộ việc thanh toán và mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.

Theo tin tức từ báo chí, ở các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng và bước đầu có cả Đà Lạt, hiện nhiều chủ cửa hàng thương mại bán hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, dịch vụ lưu trú khách sạn có liên kết với đối tác Trung Quốc, khi những nơi này tiếp khách du lịch đến từ Trung Quốc, thì nhiều người trong số đó sử dụng ví điện tử để thanh toán tiền ở khách sạn, nhà hàng hay địa điểm mua sắm.

Phương thức thanh toán như vậy khiến dòng tiền từ thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử của người mua sang thẳng ví điện tử, hoặc tài khoản ngân hàng của người bán ngay tại Trung Quốc, chứ không vào hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều này khiến các nhà quản lý tài chính không kiểm soát được giao dịch và thất thu thuế.

Quan sát của người viết trong một lần có dịp đến Đà Nẵng hồi hè 2019. Sau khi dạo quanh một vòng chợ Hàn, cô Thôi Khiết (khách đến từ Quảng Châu, Trung Quốc) chọn mua hàng giá chừng 1,2 triệu đồng và yêu cầu thanh toán trên ví điện tử WeChat Pay. Bà Võ Thu Nhạn, chủ quầy, nói chỉ có máy tính tiền qua thẻ visa hay master chứ không biết thanh toán qua điện thoại. Nhưng sau một hồi, mấy nhân viên bán hàng của bà Nhạn đưa Thôi Khiết tới quầy người bán nhang. Cô này nhập số tiền mua hàng để tạo ra một mã giao dịch QR trên ví điện tử WeChat Pay, sau đó đưa điện thoại quét. Giao dịch hoàn thành, chỉ mất khoảng 30 giây.

Theo nhà chức trách, tại Đà Nẵng – một trong những thị trường có đến 35% lượng khách nước ngoài nói tiếng Trung, nhiều chợ phục vụ du lịch ở Đà Nẵng đang đẩy mạnh dịch vụ thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử cho khách Trung Quốc.

Nay thì ngay cả khách mua hàng là người Việt Nam, sử dụng ví điện tử tiếng là ‘thuần Việt’ eMonkey, nhưng khi vào hệ thống cửa hàng chuyên dành cho du khách Trung Quốc đó ở Đà Nẵng, Nha Trang…, vẫn là câu chuyện của dòng tiền chảy thẳng về ngân hàng nơi có hàng hóa nhập khẩu sang Việt Nam. Mà hàng hóa ‘made in China’ thì vốn đầy ắp kệ hàng hóa ở nhiều địa điểm mua sắm tại Việt Nam.

Xin nhắc lại về một cảnh báo cũ kèm ‘cập nhật’ tin tức mới: Alibaba đang từng bước đưa hệ sinh thái doanh nghiệp của họ vào thị trường Việt Nam. Trước tiên họ mua Lazada, bước tiếp theo là giải pháp thanh toán Alipay – một mắt xích quan trọng để phát triển thương mại điện tử. 

Khi hai bước này hoàn thành sẽ dọn đường cho hàng loạt thương hiệu khác của Trung Quốc vào Việt Nam; với việc mới đây ông trùm Jack Ma đã nắm quyền sở hữu ví eMonkey của Việt Nam. Một khi sở hữu kênh thương mại điện tử mạnh, giải pháp thanh toán tốt, sản phẩm từ các nhà sản xuất gốc, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có lợi thế về giá. Các chương trình giảm giá khủng sẽ được triển khai, cho đến khi các doanh nghiệp trong nước Việt Nam hụt hơi trên đường đua thì coi như… ‘xong phim’ (!?).

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)