Thường Sơn (VNTB) – Sau sự kiện 20 hội viên Hội nhà văn VN đồng loạt tuyên bố rút tên khỏi hội đoàn nhà nước này để phản đối tình trạng Hội nhà văn VN bị biến thành công cụ chính trị và vi phạm dân chủ trầm trọng, giới chính khách tận tâm bảo vệ chuyên chế và chuyên quyền trong Hội nhà văn VN vẫn giữ nguyên bản điều lệ hội, nhưng bổ sung một điều: những người được kết nạp vào hội không được tham gia cùng một lúc hai tổ chức mà trong đó một tổ chức phạm pháp (tức là tổ chức chưa được Nhà nước, pháp luật công nhận). Đối với các hội viên đã là hội viên rồi mà tham gia vào tổ chức đó thì chỉ được quyền tham gia một trong hai tổ chức.
Bản điều lệ bị chính trị hóa nặng nề trên là sự phản ứng của Hội nhà văn VN sau sự kiện Văn đoàn độc lập VN được một số nhà văn muốn có tiếng nói tự do thành lập vào đầu năm 2014. Với nội dung mới bổ sung và trường hợp ‘đủ tư cách’ của hội viên, bản điều lệ này đã công khai tuyên chiến với Văn đoàn độc lập VN và bắt buộc hội viên Hội nhà văn VN không được tham gia vào tổ chức Văn đoàn độc lập cũng như những tổ chức xã hội dân sự độc lập khác.
Cũng với nội dung quá kém cỏi về tư cách văn nhân trên, giới nhà văn quan chức ‘còn đảng còn mình’ của Hội nhà văn VN đã vi phạm thậm tệ quyền tự do lập hội, tham gia hội của công dân được hiến định trong Hiến pháp năm 1992 và 2013.
Một số thành viên của Văn đoàn độc lập VN
—————————–
Tin liên quan:
Sửa đổi điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam
TT – Sáng 3-7 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức họp báo về Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Tại buổi họp báo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cho biết ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành chín đại hội khu vực với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung sửa đổi điều lệ.
Theo đó, có hai nội dung được sửa đổi trong điều lệ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Thứ nhất, nội dung đủ tư cách vào hội vẫn giữ nguyên các điều kiện của điều lệ cũ nhưng bổ sung một điều: những người được kết nạp vào hội không được tham gia cùng một lúc hai tổ chức mà trong đó một tổ chức phạm pháp (tức là tổ chức chưa được Nhà nước, pháp luật công nhận). Đối với các hội viên đã là hội viên rồi mà tham gia vào tổ chức đó thì chỉ được quyền tham gia một trong hai tổ chức.
Thứ hai, công nhận những hội viên danh dự của Hội Nhà văn Việt Nam chủ yếu dành cho người Việt Nam ở nước ngoài – mang quốc tịch nước ngoài đã nỗ lực đứng về phía nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chính nghĩa, đã nỗ lực truyền bá văn hóa, văn
học Việt Nam ra thế giới.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được đơn xin ra khỏi hội của 20 nhà văn hay chưa và có phương án giải quyết như thế nào, ông Nguyễn Quang Thiều nói: “Cho đến hiện nay, theo tôi biết, hội mới chỉ nhận được một hay hai đơn chính thức gửi đến. Trước đó là đơn của nhà thơ Ý Nhi, sau đó hình như là đơn của nhà thơ Nguyễn Duy. Nhưng tôi nói với các anh các chị là tất cả các chế độ về báo chí, về dự trại sáng tác, về đi nước ngoài, về đầu tư… chúng tôi vẫn thực hiện đầy đủ với các nhà văn, thậm chí với cả các nhà văn tham gia văn đoàn hay ký vào những văn bản khác mà đi ngược lại với cương lĩnh cũng như mục đích hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ở đây, chúng ta không chỉ dùng luật cho sự khô cứng. Chúng ta là nhà văn, ở đây chúng ta đợi chờ một điều khác và có những nhà văn đã nhận ra điều đó và họ đã đổi thay. Chúng tôi tôn trọng những ý kiến, tôn trọng quan niệm của từng nhà văn nhưng mỗi một tổ chức đều có cương lĩnh, điều lệ, luật của nó.
Và tất cả ai đã tham gia phải thực thi đúng như vậy. Cho đến bây giờ chúng tôi cũng chưa nhận được nhiều đơn. Chúng tôi vẫn chưa trả lời hay quyết định một điều gì cả. Chúng tôi vẫn tiếp tục trò chuyện với họ như một người bạn, một đồng nghiệp, như một hội viên để tìm đến một giải pháp tốt nhất, chung nhất, đúng nhất”.
Ông phó chủ tịch hội cũng nói thêm khi các hội viên vào hội phải có đơn thì khi ra cũng phải có một lá đơn chính thức, ban chấp hành sẽ phải xét duyệt và biểu quyết về việc đó. “Chúng tôi không lưỡng lự, không ngại trong chuyện
này” – ông nói.
Khép lại cuộc họp báo, nhà thơ Hữu Thỉnh – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cho biết: “Hiện nay đã có 404 nhà văn từ cơ sở được giới thiệu vào ban chấp hành. Tám kỳ đại hội trước Hội Nhà văn Việt Nam đều phải làm công tác bầu cử đến cả đêm. Hi vọng kỳ đại hội này sẽ không vất vả như thế”.
Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11-7 tại khách sạn La Thành và Trung tâm hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong. Dự kiến đại hội có 539 đại biểu đại diện cho hơn 1.000 hội viên tham dự.
|
Tuổi trẻ