VNTB – Vi Hiến?

VNTB – Vi Hiến?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – “Phương án nhân sự Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật”.

 

Các tờ báo ở Việt Nam đồng loạt đăng nội dung trên vào đầu giờ chiều ngày 30-12-2020.

Báo chí đưa tin tương tự nhau, rằng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Quyết định được ký theo đề nghị của Văn phòng Trung ương Đảng.

Theo đó, danh mục bí mật nhà nước của Đảng, căn cứ theo luật Bảo vệ bí mật nhà nước, được chia làm 3 mức độ mật, gồm: “Tuyệt mật”, “Tối mật” và “Mật”.

Trong đó, loại thông tin “Tuyệt mật” bao gồm 6 nhóm thông tin thuộc các lĩnh vực kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; công tác tổ chức xây dựng Đảng; công tác đối ngoại; kinh tế – xã hội; công tác dân vận và quốc phòng an ninh.

Cụ thể, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định, thông tin “Tuyệt mật” về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, gồm: các kết luận, tờ trình, báo cáo, thông báo, biên bản, công văn của Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh khi có dấu hiệu vi phạm, đề nghị thi hành kỷ luật Đảng, giải quyết tố cáo đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai.

Trong nhóm thông tin công tác tổ chức xây dựng Đảng, các quyết định, kết luận, tờ trình, kế hoạch, báo cáo, thông báo, công văn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề chính trị của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai là thông tin “Tuyệt mật”.

Cạnh đó, các báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai cũng là thông tin xếp vào loại “Tuyệt mật”.

Với danh mục bí mật như tóm tắt kể trên liên quan đến hoạt động của Đảng, cho thấy có ít nhất hai nội dung cần làm rõ: Thứ nhất, ở điều 4.2 Hiến pháp 2013, ghi “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Thắc mắc: phải chăng quyết định quyết định mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký theo đề nghị của Văn phòng Trung ương Đảng ban hành về danh mục bí mật nhà nước của Đảng, là một danh mục giới hạn người dân thể hiện quyền lực giám sát Đảng ghi tại điều 4.2, Hiến pháp 2013?

Thứ hai, các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là thuộc quyền quyết định của các đại biểu Quốc hội. Vậy thì vì sao lại phải chịu sự giới hạn trong bảng danh sách phương án nhân sự của Đảng, và là “Tuyệt mật”?

Hiến pháp 2013, điều 70 cho biết Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây (trích phần nội dung liên quan):

“1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật;

2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

(…)

6. Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;

8. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

(…)

10. Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

15. Quyết định trưng cầu ý dân”.

Liệu có thể bị quy chụp ‘phản động’ khi nhìn nhận vấn đề ở trên qua lăng kính của luật hiến pháp?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)