Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao cần thuyết phục ông Nguyễn Phú Trọng không nên “chống dịch” như “chống giặc”?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Điều 4, Hiến pháp nói rằng Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, mà ông Nguyễn Phú Trọng thì đang là Tổng bí thư Đảng.

 

Ngày 29-7-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra “Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19”, trong đó có đoạn:

“Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Tôi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này”.

Phần kết của văn bản “Lời kêu gọi…”, Tổng bí thư tái khẳng định mệnh lệnh:

“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!”.

Như vậy với hai yêu cầu rất cụ thể của ông Tổng bí thư: “chống dịch như chống giặc” – “chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được” cho thấy đây là điều bất khả thi, ngoại trừ việc Việt Nam đóng cửa hoàn toàn biên giới đường bộ, đường không, đường thủy của “bế quan tỏa cảng”.

Sở dĩ có thể nói như vậy mà không ngại bị chụp mũ chính trị về cáo buộc ‘phản động’ – ‘tự diễn biến’ – ‘tự chuyển hóa’, vì cách nhìn nhận chung của phần thế giới rộng lớn còn lại, họ không quan niệm “chống dịch như chống giặc” nên cũng không đưa ra mệnh lệnh quân sự kiểu như “chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được”.

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tâm niệm chống dịch như chống giặc, sẽ đưa đến hệ lụy là ông không quá bận tâm đến hình ảnh video lan truyền trên mạng xã hội về đoàn xe chở quan tài xếp hàng dài chờ vào khu hỏa táng Bình Hưng Hòa vào tối 4-8.

Theo thống kê của bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn tại Sài Gòn, thì số ca tử vong 5 ngày gần đây ở thành phố này thống kê tại nơi điều trị Covid, ở ngày 4-8 là 214 ca, ở 4 ngày trước đó lần lượt là 217, 170, 174, 107. Vẫn theo bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, ở ngày 4-8, số ca phải thở máy tăng gần 300 ca, nâng tổng số ca thở máy lên 1.316 ca, ECMO có 15 ca.

Quy định, trong vòng 24 giờ, các ca tử vong vì dịch Covid sẽ được bệnh viện chuyển đến hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Con số tử vong trong ngày đối với chữa trị Covid ở các bệnh viện tại Sài Gòn được đánh giá là thuộc nhóm tốt nhất quốc gia, mà đã đưa đến mỗi ngày đến 3 chữ số về tử vong, cho thấy là nỗi ám ảnh về sự thất bại của y tế điều trị.

Thế nhưng nếu các con số thương vong này dưới góc nhìn của ông Tổng bí thư về chống dịch như chống giặc, thì con số ‘tử trận’ đó quả là không gì phải bận tâm. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” kia mà.

Tạm kết bài viết này bằng một đề xuất nếu như ông Tổng bí thư ‘chịu nhìn lại’, đó là người đứng đầu Bộ Chính trị cần thay đổi sách lược đối phó dịch Covid-19, không chỉ chú ý vào việc tập trung người nhiễm bệnh để chữa trị, mà còn phải tăng tốc độ tiêm ngừa và tăng bội chi ngân sách để tài trợ các chương trình yểm trợ sản xuất cần thiết, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân và cứu trợ người nghèo, nhằm giúp ổn định một phần đời sống dân chúng, và giảm việc phải phong tỏa, giãn cách xã hội quá lâu.

Đồng thời cũng phải xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu năng của nền kinh tế, như việc mạnh dạn chuyển đổi kỹ thuật số để thúc đẩy các dịch vụ công quyền và thương mại điện tử. Làm được như thế mới có thể sống chung lâu dài với dịch như cách ứng xử chung của thế giới.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao ông Thể lại có thể công khai vi phạm chỉ thị?

Phan Thanh Hung

VNTB- Thiên hạ luận: Không lẽ chính quyền vô can?

Phan Thanh Hung

VNTB – Mồng 7 hạ nêu

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo