Việt Nam Thời Báo

VNTB- Vì sao Chính phủ CSVN chỉ dám bảo lãnh vay 1 tỉ USD năm 2017?

Lê Dung

(SBTN)


Vì sao Chính phủ CSVN chỉ dám bảo lãnh vay 1 tỉ USD năm 2017?

Nền kinh tế được báo chí nhà nước và giới tuyên giáo luôn tuyên truyền “đang phục hồi mạnh mẽ” cùng “GDP vượt hơn 6%/năm” vừa lộ thêm một “gót chân Asin”: chỉ dám bảo lãnh vay 1 tỷ USD cho doanh nghiệp trong năm 2017.

Thông tin trên được phát ra bởi Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài Chính). Cơ quan này giải thích rằng hạn mức quá khiêm tốn như thế là để không tăng thêm gánh nặng nợ công.
Như vậy, hạn mức bảo lãnh vay năm 2017 sẽ giảm mạnh so với những năm trước (năm 2015 là 2.5 tỉ USD và 2016 là 1.5 tỉ USD), và giảm rất mạnh so với mức 6.6 tỷ USD của năm 2014.

Cục Quản Lý Nợ Và Tài Chính Đối Ngoại lại chính là cơ quan mà vào năm 2016 đã úp mở về thông tin “Việt Nam còn đến 22 tỷ USD chưa giải ngân”, và được một số tờ báo nhà nước hoan hỉ như thể nền kinh tế vẫn còn “cứu cánh”. Tuy thế, một số tin tức xuất hiện sau đó lại cho biết con số 22 tỷ USD này về thực chất mới chỉ là “ghi nhớ”, chứ chưa đi vào lộ trình ký kết và thực hiện. Chưa kể từ giữa năm 2017, các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu… sẽ áp dụng cơ chế cho Việt Nam vay với mặt bằng lãi suất tăng gấp gần 3 lần so với cơ chế ưu đãi trước đây (sẽ vào khoảng 2.5 – 3%/năm), trong khi thời gian ân hạn giảm đi một nửa (chỉ còn 10-20 năm so với 30-40 năm trước đây).

Trong khi vay bị tiết chế mạnh, nợ phải trả lại liên tiếp đến hạn và tăng vọt.

Vào năm 2015, thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam phải trả nợ đến 20 tỷ USD. 

Còn vào năm 2016, người “may mắn” thế chỗ cho ông Dũng là Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam phải trả 12 tỷ USD.

Chưa có thông tin chính thức về trả nợ năm 2017, nhưng nhiều khả năng Việt Nam cũng phải trả cho các chủ nợ khoảng một chục tỷ USD.

Những năm trước, hiện tượng nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay nợ tràn lan, đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm. Và thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.

Có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã, và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái. Con số mới nhất từ một nhà nghiên cứu độc lập là Tiến sĩ Vũ Quang Việt – cựu vụ trưởng vụ Thống kê Liên hiệp quốc – cho biết các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đang gánh một khoản nợ công lên đến 231 tỷ USD – vượt hơn rất nhiều số “dự tính” khoảng 25 tỷ USD do một số cơ quan nghiên cứu của chính quyền Việt Nam đưa ra.

Chỉ riêng năm 2016, một số dự án “khủng” như Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam (ước toán đầu tư đến hơn 50 tỷ USD), Dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam (hơn 10 tỷ USD), Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (20 tỷ USD) đã bị Chính phủ và Quốc hội “dũng cảm” đình hoãn vô thời hạn, nhưng ai cũng hiểu lý do thực chất là… hết tiền. Ngay cả dự án xây dựng sân bay Long Thành có ước toán đầu tư đến 15 tỷ USD (khoảng 60- 80% là vay ODA) cũng chưa biết làm cách nào để “xoay” ra tiền…

Đầu năm 2017, chính phủ còn tuyên bố thẳng thừng sẽ không đưa nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công, nằm trong Luật về Nợ công (đang dự thảo sửa đổi). Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ từ chối trả thay nợ vay nước ngoài cho doang nghiệp, và hẳn sẽ có nhiều doanh nghiệp nhà nước phải phá sản.

Tin bài liên quan:

VNTB- Đè đầu dân tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường để làm gì?

Phan Thanh Hung

VNTB- Bị phản ứng mạnh, đề nghị ‘Gộp Tết Tây, Ta’ tạm thời thất bại

Phan Thanh Hung

VNTB- Chính phủ phủi trách nhiệm với nợ của doanh nghiệp nhà nước?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo