VNTB – Vì sao chính sách ‘lockdown – phong thành’ kéo dài sẽ đẩy dân chúng vào khốn cùng?

VNTB – Vì sao chính sách ‘lockdown – phong thành’ kéo dài sẽ đẩy dân chúng vào khốn cùng?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh thành phía Nam từ 0g ngày 19-7-2021, thời hạn 14 ngày, để chống dịch.

 

Chỉ với 32 ký tự của ‘chapeâu’ ở trên đã quá dư dã cho việc gây choáng váng cho người nghèo, khi họ không biết sẽ phải kiếm cái ăn ở đâu cho những ngày được gọi tên rất đơn giản là ‘giãn cách theo chỉ thị 16’.

Chiều 17-7, báo chí đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký văn bản hỏa tốc về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại một số địa phương.

Theo đó, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng chỉ thị 16 là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, sẽ có thêm 16 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải được báo chí ghi nhận về cam kết của bộ này: “Chúng ta đã có kinh nghiệm áp dụng chỉ thị 16 tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM. Xin khẳng định Chính phủ và các bộ ngành luôn đảm bảo đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân. Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương, chúng tôi làm hết sức mình để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân”.

Vậy kinh nghiệm đó là gì mà Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã phát biểu ‘hồn nhiên’ đến vậy?

Đó là thực tế được ghi nhận ở bài báo “Đừng bình ổn thị trường trên giấy” đăng trên tờ Tuổi Trẻ số phát hành hôm 17-7. Bài báo cho biết, trong khi thị trường thực phẩm tại TP.HCM trở nên căng thẳng hơn tuần nay, sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bản tin về tình hình hàng hóa, giá cả được Bộ Công thương phát ra lại đều khẳng định nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, việc khan hàng sốt giá chỉ cục bộ một vài nơi…

Chỉ đến các bản tin ngày 15 và 16-7, tình trạng người dân tại TP.HCM phải xếp hàng khi đi mua thực phẩm ở các siêu thị mới được ghi nhận với lý do quá nhiều người đi mua sắm, “giá các loại hàng trong siêu thị tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng”… Những bản tin trước đó đều đưa ra những thông tin rất xa rời thực tế.

Chẳng hạn, tại bản tin ngày 14-7, bộ này cho biết thị trường Cần Thơ ổn định, siêu thị đủ hàng và không tăng giá… Tương tự, tại Đồng Nai cũng “không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng”. Trước đó, bản tin ngày 11-7 khẳng định TP.HCM có lượng hàng hóa dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, giá cả ổn định…

Trong thực tế, tràn ngập trên các mặt báo và những trang mạng xã hội là thông tin và hình ảnh người dân TP.HCM phải sắp hàng vài giờ trước siêu thị chờ mua hàng, nhưng vào được siêu thị lại chỉ thấy các quầy kệ trống trơn. Nhiều người đội nắng sắp hàng lúc 12g trưa nhưng chỉ nhận được… phiếu hẹn đến 22g quay lại mua hàng!

Bên cạnh đó, thì câu hỏi đang là ám ảnh của dân chúng: buộc ở nhà, vậy tiền đâu để họ có thể xoay xở cho các chi phí ăn uống, tiền điện nước, tiền thuê trọ?

Cũng có ý kiến phải chăng ‘lockdown’ khiến số ca tử vong Covid-19 tăng vì thật ra đây là những bệnh nhân có trong người những bệnh mãn tính, ‘lockdown’ khiến họ khó khăn hơn khi đi khám bệnh, và rồi bị ‘dính Covid’, họ dễ dàng bị suy sụp và nhập viện thì mọi chuyện trở nên muộn màng…

Đó là chưa kể – như xác nhận của lãnh đạo TP.HCM, “Phần lớn các ca mới những ngày qua đều trong khu cách ly. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận không loại trừ lây chéo ở những nơi này. Vì vậy, sắp tới phải giảm dần số ca F0 ở các khu cách ly, phong toả”, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong nói, và cho rằng thống kê cho thấy 3 – 8% số ca trong khu cách ly do lây chéo, còn lại do ủ bệnh lâu.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)