Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao chưa thể thành lập “Tổ chức đại diện người lao động”?

Ngọc Yến

 

(VNTB) – Các quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động còn chưa cụ thể.

 

Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, cho phép người lao động thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức này còn chưa cụ thể.

Theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012 (Luật Công đoàn), Công đoàn cơ sở được tổ chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, các tổ chức đại diện người lao động khác chỉ được thành lập ở cấp cơ sở, tức tương đương với cấp thấp nhất của hệ thống tổ chức công đoàn.

Về điều kiện thành lập, ngoài quy định chung tại Luật Công đoàn, tổ chức Công đoàn tại cơ sở hiện nay được thành lập theo Nghị định số 98/2014/NĐ-CP về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Theo đó, “doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam”. Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở được gọi là Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, do Đại hội Công đoàn cơ sở bầu ra. Số lượng thành viên của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở do Đại hội Công đoàn cơ sở quyết định theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong khi đó, các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Theo quy định của Điều 173 Bộ luật Lao động năm 2019, “tại thời điểm đăng ký, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ”.

Đến thời điểm hiện nay là hạ tuần tháng 2-2021, số lượng thành viên tối thiểu này vẫn chưa được xác định vì vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

Ngoài ra, cũng theo Điều luật này, Ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động do thành viên của tổ chức đó bầu ra. Ban lãnh đạo là cơ quan quan trọng của tổ chức để dẫn dắt các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Theo quy định, thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Vậy, thành viên ban lãnh đạo có thể là người thân thích của người sử dụng lao động được hay không? Có thể thấy rằng, với quy định như trên, người thân thích của người sử dụng lao động, nếu cùng là người lao động trong doanh nghiệp đó thì vẫn có thể được bầu làm thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động.

Bên cạnh đó, liên quan đến Ban lãnh đạo của Tổ chức đại diện người lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng bỏ ngỏ quy định cụ thể về số lượng thành viên lãnh đạo tại tổ chức đại diện người lao động.

Ngoài ra, liên quan đến quyền thương lượng tập thể của tổ chức của người lao động, cần làm rõ thêm tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền này khi đạt đến tỷ lệ đại diện bao nhiêu?

Cũng cần lưu ý thêm rằng, việc cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp là một phần trong tiến trình sửa đổi pháp luật Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế và hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia; trong đó có Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).


Tin bài liên quan:

VNTB – Chủ tịch công đoàn vừa trúng cử… thì bị đuổi việc

Bùi Ngọc Dân

(VNTB)-Hội thảo “tự do hiệp hội-công đoàn”: Tín hiệu mới cho công đoàn độc lập

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền tự do công đoàn trong bộ luật lao động ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.