VNTB – Vì sao có ‘bệnh’ sợ sai, sợ trách nhiệm?

VNTB – Vì sao có ‘bệnh’ sợ sai, sợ trách nhiệm?

 

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Tính đến nay, chưa thấy có bất kỳ một tổng bí thư nào công khai nhận trách nhiệm về “quy hoạch cán bộ”, và tự đưa ra mức kỷ luật nào đó.

 

Có cán bộ thốt lên rằng “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, vì thế mà không muốn làm gì.

Trong thực tế khi nhận nhiệm vụ, không có vị lãnh đạo nào là không hứa hẹn sẽ tận tâm, tận lực mang hết khả năng và tinh thần trách nhiệm để cống hiến. Thậm chí khi vào Đảng là lời tuyên thệ trước Đảng: Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác…

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cán bộ sợ sai không dám làm là vì cơ chế. Ở thời điểm này cơ chế có thể đúng, nhưng ở một thời điểm khác có thể sai?.

Ở chiều ngược lại, phía ‘triều đình’ luôn cho rằng, “bản chất cơ chế, chính sách là đúng nhưng cái không đúng là người ta lợi dụng cơ chế để làm những việc khuất tất để phục vụ cho lợi ích sân sau, lợi ích nhóm. Vì thế không thể đổ cho cơ chế. Nếu là cơ chế, tại sao nhiều cán bộ công chức chấp nhận nghèo chứ không tham nhũng? Không thể nói số đó không hiểu luật, mà họ có đạo đức, có tự trọng, có danh dự. Trong khi đó, có những vị chức to, quyền lớn lại không có liêm sỉ thì làm sao có thể làm đúng được…”.

Luận điểm trên không khó cho phản biện: Nhân sự quản lý cao cấp đều do nhóm quyền lực nào đó ở Bộ Chính trị sắp đặt. Đứng đầu nhóm quyền lực này, thường là Tổng bí thư. Vậy khi có quá nhiều nhân sự được cho là ‘nhúng chàm’, liệu đó có phải là ‘tầm nhìn’ trong chọn lựa nhân sự của người đứng đầu?

Thế nhưng tính đến nay, người ta chưa thấy có bất kỳ một tổng bí thư nào công khai nhận trách nhiệm về “quy hoạch cán bộ”, và tự đưa ra cho mình mức kỷ luật nào đó. Việc “chưa thấy” này, trớ trêu thay lại chưa thấy vi phạm vào một điều luật nào, vì trên thực tế ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có luật về đảng chính trị; nên nói theo cách dân dã, chuyện ‘tự tung, tự tác’ là lẽ đương nhiên.

Có thể dẫn chứng về ‘tréo ngoe’ trên qua bài viết “Điểm rơi phong độ” của ngoại giao Việt Nam?.

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào sáng 14-12-2021 mà bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo nhắc đến nhưng lại ‘tế nhị’ không ‘đi sâu’, ghi nhận phát biểu lúc đó của ông Nguyễn Phú Trọng là rất hồ hỡi tự khen về tài năng lãnh đạo mang tính cá nhân của người đứng đầu Bộ Chính trị như sau:

Có được những kết quả, thành tích đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, bình tĩnh, tỉnh táo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự đồng tình, đoàn kết, ủng hộ của toàn thể nhân dân; sự vào cuộc và hoạt động tích cực của cả hệ thống chính trị, tất cả các ngành, các cấp, trong đó Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm công tác đối ngoại trong cả nước là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng”.

Khi đó, trong bài diễn văn của mình, ông Nguyễn Phú Trọng không ngần ngại đi đến kết luận:

Bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ mà lâu nay chúng ta vẫn thường nói là “cái gốc của mọi công việc”. Các thế hệ cán bộ đối ngoại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, trong đó có đội ngũ cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương với chức năng tham mưu và trực tiếp triển khai công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Mang chuông đi đánh xứ người” là một công việc rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại. Những nỗ lực trên mặt trận đối ngoại thời gian qua đã tạo ra lớp lớp thế hệ cán bộ đối ngoại ngày càng hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên, bước đầu thể hiện được bản lĩnh, đạo đức, cốt cách của ngoại giao Hồ Chí Minh.

Cuối cùng, bao trùm tất cả là bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các cơ quan tham mưu đã có sự nhạy bén trong nhận định và nắm bắt tình hình, quyết đoán trong việc đưa ra các chính sách, biện pháp cụ thể.

Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý những vấn đề phức tạp, những tính toán lựa chọn đúng thời điểm tiến hành những hoạt động đối ngoại lớn, trong đó có các việc đón và thực hiện các chuyến thăm cấp cao, đã tác động mạnh mẽ có sức thuyết phục, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, và được dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ” (dừng trích).

Dài dòng với trích dẫn như trên nhằm muốn nói đến một điều: nếu tất cả các tâng bốc, tung hô kể công trạng ở trên đều đúng, cho thấy không hề có ‘bệnh’ sợ sai, sợ trách nhiệm, mà tất cả đang làm theo đúng định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Còn những viên chức,quan chức nào có tâm thế ‘chần chừ’, thì rất có thể đơn giản vì trong nhận thức, họ cảm thấy những chính sách/ quyết sách của ai đó nhân danh Bộ Chính trị là ‘có vấn đề’, nên chấp nhận chuyện dè bỉu mắc ‘bệnh’ sợ sai…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)