Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao Đảng viên biết luật lại phạm pháp?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Tin về ông Trần Trọng Tuấn bị khởi tố hình sự do liên quan đến sai phạm tại Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài Gòn (SAGRI), là một bất ngờ, vì trên hết, ông Tuấn xuất thân là một thầy giáo của trường đại học Luật TP.HCM.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong ngành tố tụng xảy ra việc những quan chức đang đứng đầu chính quyền và cả cơ quan đảng, đã bị khởi tố điều tra trong một liên đới ở vụ án hình sự, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Trần Vĩnh Tuyến lúc nhận quyết định khởi tố hôm 11-7, ông là phó chủ tịch UBND TP.HCM. Khi công bố quyết định này, ông vẫn đang dự cuộc họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Trước đó ít hôm, ông tham dự Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42, khóa X, nơi mà ông từng kinh qua chức vụ Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Thành ủy.

Ông Trần Trọng Tuấn lúc nhận quyết định khởi tố hôm 11-7, đang giữ chức vụ phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021.

Đường hoạn lộ của ông Trần Trọng Tuấn đi lên từ môi trường đại học tương tự như các ông Nguyễn Thành Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM.

Ông Trần Trọng Tuấn có lý lịch tóm tắt như sau: từ tháng 10/1987 đến tháng 10/1991 ông là sinh viên trường Đại học Pháp lý TP.HCM (nay là trường Đại học Luật TP.HCM), giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường, Bí thư Chi đoàn. Từ tháng 11/1991 đến tháng 5/1995, ông Tuấn là giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM.

Từ tháng 6/1995 đến tháng 6/2006, ông Tuấn công tác tại Thành Đoàn, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành Đoàn, kiêm Trưởng Ban Biên tập Chương trình Truyền hình Thanh niên (1999 – 2003); Phó Bí thư Thành Đoàn kiêm Trưởng Ban An ninh quốc phòng – Địa bàn dân cư; kiêm Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM (2003 – 2006).

 

                                                 Con đường hoan lộ của ông Trần Trọng Tuấn

Từ tháng 7/2006 đến tháng 4/2008, ông Tuấn công tác tại Ủy ban nhân dân Quận 4, giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 4, sau đó phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh. Từ tháng 2/2013 đến tháng 4/2019, ông Tuấn  giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng.

Từ tháng 4/2019 đến tháng 6/2020, ông Tuấn là Bí thư Quận ủy quận 3. Vào ngày 26/6/2020, ông Tuấn được điều động về làm phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM.

Với lý lịch như kể trên, sẽ rất khó hiểu khi ai đó cho rằng ông Tuấn là một cán bộ lơ mơ về pháp luật, đến độ giờ đây phải đối mặt tù tội của bản án nghi dính chàm về tham nhũng.

Thứ nhất, với một cán bộ quản lý không mấy am tường và thiếu cập nhật về pháp luật hình sự, thì rất có thể vấp váp những nội dung của Điều 219 “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện như sau: Người phạm tội có hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Hành vi này có thể là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước như mua sắm tài sản nhà nước vượt quá tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; hoặc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; hoặc không sử dụng tài sản của nhà nước dưới mưa nắng dẫn đến bị hư hỏng nặng gây thất thoát, lãng phí…

Lỗi của người phạm tội ở Điều 219 là lỗi cố ý.

Là một người được đào tạo bài bản về luật, từng là giảng viên đại học luật trước khi bước vào hoạn lộ của một chính khách, tin chắc với cụ thể trường hợp của ông Trần Trọng Tuấn, khó thể ông lại vấp một lỗi hình sự được gọi là “lỗi cố ý”.

Và đã nói là ‘khó thể’, thì một khi đã chuyển thành ‘có thể’ như với ông Trần Trọng Tuấn, xem ra cần rà soát lại hết toàn bộ quy trình sử dụng cán bộ trong bộ máy công quyền lâu nay vẫn được đánh giá mang đặc tính là thiếu động lực cạnh tranh của đảng chính trị.

Thứ hai, do lỗi của người phạm tội ở Điều 219 Bộ Luật hình sự là lỗi cố ý, nên giả dụ sắp tới đây khi chứng minh có yếu tố vụ lợi, thì rất có thể sẽ cấu thành tội danh khác ví dụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; hoặc nếu ông Tuấn, ông Tuyến có nhận tiền, tài sản, giá trị vật chất tinh thần để vi phạm pháp luật về đất đai, thì rất có thể cấu thành tội “Nhận hối lộ”. Đây là các tội thuộc nhóm tội phạm về chức vụ.

Chế tài xử lý đối với nhóm tội phạm về chức vụ sẽ nặng hơn chế tài các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Nếu có như vậy, theo Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành, cơ quan điều tra hoàn toàn có quyền thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can với tội danh thay đổi.

Và trong tình huống như trên, thì càng rốt ráo hơn trong kiên quyết phải rà soát lại hết toàn bộ lộ trình quy hoạch cán bộ trong bộ máy đảng cầm quyền. Bởi lâu nay nhiều phản biện cho rằng ở Việt Nam thiếu động lực cạnh tranh của đảng chính trị.

Tin bài liên quan:

VNTB – Cần có luật về hoạt động của đảng chính trị

Phan Thanh Hung

VNTB – Cái kết cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Sóc Trăng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Việt Nam tiếp tục ‘độc quyền chính trị’ về công đoàn

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.