Việt Nam Thời Báo

VNTB- Vì sao Giám mục Nguyễn Thái Hợp trở thành mục tiêu công kích của báo đảng?

Kiều Phong

(VNTB) – Đối với đảng, “cải cách” có thể dẫn đến “canh tân”, ai đòi “canh tân” thì bấy lâu nay họ coi như “phản động”. Chính vì vậy, những kênh truyền hình quốc doanh như VTV rồi An ninh TV nhảy vào công kích Giám mục Hợp là điều dễ hiểu.

Giám mục Nguyễn Thái Hợp

Trong số các giáo phận của người theo Công giáo ở Việt Nam, giáo phận Vinh là giáo phận đông dân thứ ba cả nước. Nhà cầm quyền Hà Nội xếp giáo phận Vinh thuộc diện “nhạy cảm”, vì lịch sử của giáo hội này cũng như những đặc điểm tính cách vùng địa lý.  Hiện tại, bầu không khí bức xúc đang bao trùm giáo phận Vinh. Bà con giáo dân cho rằng trong bản tin số ra ngày 15/05/2016,  VTV1 đã đưa tin sai lệch về thư chung Giám mục Nguyễn Thái Hợp và nói xấu người chủ chăn.

An ninh TV và VTV diễn dịch sai thư chung

Trước thảm họa môi trường ở miền Trung Việt Nam, và những bằng chứng không thể chối cãi chỉ ra tội ác hủy diệt môi trường của Formosa, các linh mục ở giáo phận Vinh  đã lên tiếng bảo vệ dân tộc nói chung và giáo dân của mình nói riêng. Ngày 13 tháng 5 năm 2016, tại tòa giám mục Xã Đoài ( giáo phận Vinh), Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp- lãnh đạo giáo phận đã ra bản thư chung được coi là cấp thiết.

Trong thư chung đó của Giám mục Nguyễn Thái Hợp, có bốn điều đáng chú ý:

A. “Chúng ta có quyền yêu cầu các nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh.”
B. “Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế – kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội (x. ĐGH Phanxicô, Laudato Sí, số 53 và số 59).”
C. “Hợp tác với những cá nhân và tổ chức thành tâm thiện chí để tìm ra nguyên nhân gây thảm họa, đồng thời nỗ lực tìm kiếm biện pháp khắc phục thảm họa này;”
D. “Thực hiện quyền công dân được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các Công ước Quốc tế quy định; thể hiện một cách ôn hòa quyền đòi hỏi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý thảm họa và buộc những kẻ đã gây ra phải bị xét xử đúng với công lý”.

Bốn điều tưởng chừng vô hại đó làm cho phía nhà nước run sợ và phản ứng tức tốc. Nội dung video clip trên An ninh TV có những đoạn như sau: 

“Ngày 13/5/2016 Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đã ra bản thư chung, diễn tả sự việc một cách thiếu khách quan, thổi phồng, gây hoang mang và dùng những lời lẽ kích động giáo dân. Một số đối tượng, hội nhóm hoạt động trá hình ở trong nước, ra các loại kiến nghị, tuyên bố, thư ngỏ mang tính lừa mị.”

Hai bên nói hai kiểu khác nhau, vậy Giám mục Hợp và nhà nước, ai đúng, ai sai?

Chúng ta lưu ý rằng trong thư chung, Giám mục Hợp nhấn mạnh chữ “ôn hòa” khi hướng dân giáo dân đến một chương trình hành động.

Chúng ta cũng biết rằng lời kêu gọi của Giám mục Nguyễn Thái Hợp, chắc chắn rồi, được sự đồng thuận từ tổng hành dinh Vatican. Ngoài ra không có một giáo hội hoàn cầu nào, Chính Thống giáo, Tin Lành… ra công văn phản đối thư chung của vị giám mục nổi tiếng thế giới. Kể cả giáo hội Phật giáo Việt Nam(2)vốn thân chính phủ Hà Nội cũng không dám dùng cơ quan ngôn luận của mình để quy kết Giám mục Hợp, như nhà nước đã làm.

Khi suy diễn điều A, nhà cầm quyền Hà Nội sợ rằng Giám mục Hợp đang kêu gọi người dân dám thể hiện quyền giám sát quyền lực nhà nước (điều A). Họ sợ người dân tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự để làm đối trọng với chính phủ độc đảng điều hành đất nước kém cỏi đến nỗi môi trường bị hủy diệt.

Nhưng sẽ chẳng học giả quốc doanh nào chỉ ra được Giám mục Hợp kích động giáo dân ở chỗ nào.Thư chung của giấy trắng mực đen, có đóng dấu, nhưng nhà nước không chỉ ra được thư chung đó vi phạm điều nào của Hiến pháp và Luật pháp do chính họ đặt ra.

Nhà nước đang tỏ ra bị đuối lý  và cô độc trong cuộc tổng tấn công vào địa phận Vinh.

Họ càng suy diễn bao nhiêu thì trí thức cả nước, trong thời đại internet, lại thấy trình độ lý luận non kém của họ bấy nhiêu. Riêng đối với giáo dân địa phận Vinh, vào thời buổi ai nấy đều đã có smartphone để vào internet kết nối với thế giới bên ngoài, hành động của VTV và An ninh TV chẳng khác nào khơi thêm hố sâu ngăn cách giáo-lương.

Vì sao Giám mục Nguyễn Thái Hợp trở thành mục tiêu công kích?

Ngoài lý do trực tiếp là bản thư chung kể trên, nhà nước công kích Giám mục Hợp cũng vì con người ấy có sức ảnh hưởng quá lớn.

Ở tất cả những địa phận trên mảnh đất hình chữ S, trước khi mỗi giám mục nhậm chức, luôn luôn có những cuộc thương thuyết  căng thẳng của giáo hội Công giáo hoàn vũ Rô-ma và lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam. Sự kiện giám mục Nguyễn Thái Hợp về nước tiếp quản giáo phận Vinh thay cho giám mục già Cao Đình Thuyên là một đề tài hay được bàn luận.

Người Công giáo ở miền Trung Việt Nam cho rằng mình lâu nay không được hưởng quyền tự do tôn giáo. Cũng không có gì khó hiểu, khi chủ nghĩa cộng sản xung đột khắc nghiệt với giáo lý Ki-tô. Họ khao khát một sự thay đổi, và Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã đưa  làn gió mới đến cho địa phận Vinh.  

Điều đầu tiên mà Giám mục Hợp cải cách làm nhà nước toàn trị lo ngại, đó là việc vị giám mục đòi quyền “tự trị” trong tuyển sinh Đại chủng viện. Trước đây, vào thời Giám mục Cao Đình Thuyên, mỗi một người thi đỗ Đại chủng viện không được chính quyền cấp giấy phép thì không được ra đại chủng viện Vinh Thanh(3) học , nghĩa là chính quyền không thích ai thì người đó đừng mơ  làm linh mục. Nhà nước toàn trị không muốn các tôn giáo “tự trị”.

Nhưng Giám mục Hợp đã thay đổi tất cả, ông bảo rằng giáo hội có toàn quyền tuyển sinh. Khách quan mà nói, không có nhà nước nào trên thế giới can thiệp vào quyền tuyển sinh của các giáo hội cả, chỉ có một vài nhà nước như Việt Nam mới làm như vậy. Yêu cầu “tự trị” của Giám mục Hợp nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của người dân khối Công giáo trên cả nước, nhưng cũng làm cho chính quyền hết sức bối rối.

Có một cuộc điều đình ngoạn mục giữa giám mục giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp trước chính quyền nhà nước. Vào một kỳ tuyển sinh của đại chủng viện Vinh Thanh, có một nam trí thức trẻ thi đỗ với điểm số rất cao. Lúc đó cũng là lúc lộn xộn vụ VTV cắt xén lời của Tổng giám mục Giu-se Ngô Quang Kiệt. Vì lòng yêu mến giáo hội, ứng sinh đó viết bài vạch mặt VTV về hành vi cắt xén ngôn từ dân đến hiểu nhầm. Nhà cầm quyền Hà Nội biết được và đánh trả bằng cách không cấp giấy phép để ứng sinh đó đi tu, mặc dù anh ta thi đậu. Giám mục Cao Đình Thuyên đang đứng tòa rất yêu mến ứng sinh đó nhưng chưa dám lên tiếng. Đến khi Giám mục Nguyễn Thái Hợp về đứng tòa thay Giám mục Thuyên, ông lục lại các bài thi dưới thời người tiền nhiệm và bắt gặp một ứng sinh xuất sắc, chính là người viết bài báo kia. Ông cho gọi ứng sinh đó ra học tại đại chủng viện, bất kể phản ứng phía nhà nước. Hiện nay ứng sinh đó đang giữ trọng trách trong một tờ ngôn luận của địa phận Vinh.
Sự việc trên có thể cho chúng ta hình dung được  bản lĩnh chính trị của giám mục thiên niên kỷ mới.  Nhà nước sợ  những người tư duy độc lập và có tâm hồn tự do như vậy, nhất là khi những người đó là lãnh đạo tôn giáo. Họ càng sợ Giám mục Hợp hơn, khi Giám mục Hợp công khai làm nhiều cải cách khác nữa, mà đáng kể nhất là thúc đẩy việc thành lập một giáo phận ở Hà Tĩnh khi các cơ sở ở giáo phận Vinh quá tải.

Có thể nói rằng Giám mục Hợp thay đổi não trạng của rất nhiều người giáo dân, nếu không muốn nói là kể cả tầng lớp tu sĩ. Từ khi ông về đứng tòa, các linh mục dưới quyền đồng loạt phát ngôn về chính trị, sau khi giám mục có lời  rằng “ linh mục thì không tranh giành quyền lực chính trị, nhưng chính trị liên quan đến dân thì linh mục phải lên tiếng”. Ông cũng nêu cao tấm gương nghèo khó và thuyết phục được nhiều linh mục sửa đổi cuộc sống như những người thượng lưu để hy sinh nhiều hơn cho giáo hội . Ở bình diện xã hội, trong vai trò là một trí thức, Giám mục Hợp còn tham gia ký tên vào nhiều bản kiến nghị, thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ Hà Nội thực hiện những gì họ cam kết. Trong một số bản kiến nghị, Giám mục Hợp còn xưng là “linh mục” thay vì “giám mục”, ngõ hầu kêu gọi các linh mục dưới quyền mình đồng loạt lên tiếng.

Thực tế chứng minh những cải cách của Giám mục Hợp. Các linh mục ở địa phận Vinh thay vì ngồi trong văn phòng nhà xứ như trước, thì nay đã xuống đường biểu tình trước đại nạn ô nhiễm môi trường. Nhiều linh mục ở Vinh bị đánh đập, hạch sách, nhưng con số linh mục công khai bất đồng chính kiến ngày càng tăng lên. Giáo dân địa phận Vinh đã nhận thức được quyền của mình, và họ sử dụng quyền đó để yêu cầu Hà Nội cải cách.

Mà đối với đảng, “cải cách” có thể dẫn đến “canh tân”, ai đòi “canh tân” thì bấy lâu nay họ coi như “phản động”. Chính vì vậy, những kênh truyền hình quốc doanh như VTV rồi An ninh TV nhảy vào công kích Giám mục Hợp là điều dễ hiểu.

Chú thích:

(1). Ở Việt Nam hiện có hai giáo hội Phật giáo đáng chú ý đang đối trọng nhau: Một, giáo hội Phật giáo Việt Nam, thân nhà nước. Hai, giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ( mà thiền sư Thích Nhất Hạnh là một thành viên trong tăng đoàn). Giáo hội Thống Nhất cũng đã gửi kiến nghị với nhà nước về thảm họa ô nhiễm môi trường biển.
(2) Đại chủng viện Vinh Thanh là đại chủng viện thuộc tòa giám mục Xã Đoài, nơi chính thức đào tạo linh mục giáo phận Vinh.

Tham khảo:

1) Thư chung của giám mục Nguyễn Thái Hợp về thảm họa ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung:
 http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=12620


2) Clip An ninh TV- kênh truyền hình của Công an Việt Nam công kích giám mục Nguyễn Thái Hợp, từ phút 9:52 đến phút 10:05: https://www.youtube.com/watch?v=z21qc8X3MJc

3) Kênh truyền hình nhà nước Việt Nam- VTV, nhân danh chính mình, cũng tung bản tinh công kích giám mục mục Nguyễn Thái Hợp , từ phút 34:14 đến 34:25: https://www.youtube.com/watch?v=xfq30SZGWhY

Đáng chú ý, do ăn cắp bản quyền trên Youtube, tài khoản Youtube của VTV đã bị khóa vĩnh viễn bởi cách làm thiếu trung thực của kênh truyền hình nhà nước này.

Tin bài liên quan:

VNTB – Học sinh cuối cấp trung học khó chọn trường đại học.

Phan Thanh Hung

VNTB- GS. Phạm Quang Tuấn: Phải có tam quyền phân lập, phải có đa đảng

Phan Thanh Hung

VNTB- Công an đàn áp dân miền Trung: Vì sao Quân khu 4 ‘đứng ngoài’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.