VNTB – Vì sao không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Covid?

VNTB – Vì sao không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Covid?

Thới Bình

 

(VNTB) – Việt Nam đang rất cần những quyết định từ Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng khẩn cấp dịch bệnh Covid ở Việt Nam.

 

Những ca nhiễm Covid ở TP.HCM mỗi ngày đang ở mức 4 chữ số. Quá tải bệnh viện đang diễn ra… Và dịch vẫn tình trạng mất kiểm soát ở nhiều tỉnh, thành.

Cần thiết việc Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Covid.

Đủng đỉnh chờ từ ‘phép thắng lợi tinh thần’ như năm 2020?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tình trạng khẩn cấp được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000…  thì đối với việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, mà trực tiếp là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Cụ thể, tại Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên trên thực tế thì cho đến nay vẫn chưa có một đề xuất nào về lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh Covid, mặc dù theo thông báo của Bộ Y tế, Tính đến 6g ngày 16-7, Việt Nam có tổng cộng 40.296 ca ghi nhận trong nước và 1.992 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến sáng 16-7 là 38.726 ca.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến sáng 16-7, TP.HCM đã phát hiện tổng cộng 21.493 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố. Tính từ 18 giờ ngày 14-7 đến 19 giờ 30 ngày 15-7, TP.HCM ghi nhận 2.691 trường hợp nhiễm mới. Và tính từ ngày 27-4-2021 đến ngày 14-7-2021 tại TP.HCM đã ghi nhận 142 trường hợp tử vong do Covid-19.

Bộ Y tế tuy không đưa ra con số cụ thể, nhưng có nhận định: “Một tỉ lệ khá lớn người bệnh Covid-19 và những người phải cách ly y tế do Covid-19 đã gặp những vấn đề như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ… trong vụ dịch này”.

Nhiều tỉnh, thành đã đưa ra quy định ngặt nghèo là buộc tạm ngưng hoạt động các doanh nghiệp nếu không đạt được các yêu cầu họi là ‘3 tại chỗ’: sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ.

Lỗi hệ thống chính trị?

Có ý kiến sở dĩ chưa thể ban bố lệnh khẩn cấp nào kể từ khi dịch Covid bùng phát tại Việt Nam cho đến nay, vì chồng chéo về các văn bản pháp luật.

Đơn cử, về nguyên tắc, khi chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh thì cũng cần tính đến khả năng phải ban ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng Việt Nam lại đang thiếu hành lang pháp lý để quy định về tình trạng khẩn cấp.

Thực trạng quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp ở Việt Nam hiện nay đặt ra một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, theo quy định cùa Hiến pháp năm 2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không họp được, Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp.

Thế nhưng ngặt nỗi là các biện pháp về phòng, chống dịch sẽ áp dụng theo văn bản nào thì không rõ ràng, thậm chí quy định trùng lặp giữa Luật Phòng, chống dịch bệnh và Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp.

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định về việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch nhưng quy định về thẩm quyền, nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp như Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp nhưng lại không quy định các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Điểm mới của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm là quy định về việc đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch. Mặc dù không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhưng nhiều biện pháp đang được áp dụng lại thực hiện các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp như đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch; Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch.

Bên cạnh đó, ngay trong Luật Phòng, chống dịch bệnh, các quy định về biện pháp phòng, chống dịch thông thường và phòng, chống dịch trong tình trạng khẩn cấp cũng không có sự khác biệt.

Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định một số biện pháp được phép áp dụng khi có dịch mà không cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp như tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức cách ly y tế; hạn chế ra vào vùng có dịch như biện pháp chống dịch thông thường.

Trong khi đó, Nghị định số 71/2002/NĐ-CP xem các biện pháp nêu trên là các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm.

Bên cạnh đó,  biện pháp “hạn chế tập trung đông người” đối với tình trạng dịch bệnh thông thường theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 52 và biện pháp “cấm tập trung đông người” trong tình trạng khẩn cấp quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 54 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm không có hướng dẫn cụ thể nên việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong thời gian dịch bệnh vừa qua về cơ bản mang nội hàm của quy định cấm tập trung đông người.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phiên bản năm 2015, trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội thì được ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thẩm quyền áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng, ban bố nghị quyết về tình trạng khẩn cấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; Chủ tịch nước quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

Thứ ba, nhìn chung, quy định trong các văn bản pháp luật liên quan đến tình trạng khẩn cấp không định nghĩa rõ thế nào là tình trạng khẩn cấp, mà chỉ liệt kê những tình huống có thể ban bố tình trạng khẩn cấp.

Vì vậy, việc ban hành văn bản pháp luật trong điều kiện dịch bệnh gặp nhiều lúng túng.

Thay lời kết

Theo cách hiểu chung nhất, tình trạng khẩn cấp là tình huống trực tiếp đe dọa sự sống, sức khỏe, tài sản, môi trường.

Tình trạng khẩn cấp đòi hỏi phải thực hiện ngay lập tức nhiều biện pháp để ngăn chặn. Tình huống cấp bách có nghĩa là tình huống được xác định có nguy cơ sẽ xảy ra trong tương lai nhưng chưa đòi hỏi phải có ngay lập tức các biện pháp để ứng phó.

Sự khác nhau cơ bản giữa tình trạng khẩn cấp và tình huống cấp bách là tình trạng khẩn cấp là những đe dọa ngay lập tức còn cấp bách là đe dọa trong tương lai gần. Do đó, xuất phát từ tình hình thực tiễn, rất nhiều quốc gia ban hành văn bản về tình trạng khẩn cấp, tình trạng khẩn cấp tạm thời cho phép Chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh trên phạm vi toàn quốc để phòng, chống dịch như hạn chế các quyền công dân, sử dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch.

Việt Nam đang rất cần những quyết định tương tự từ Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng khẩn cấp dịch bệnh Covid ở Việt Nam.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)