VNTB – Vì sao lại trưng cầu giám định tâm thần đối với người bị buộc tội?

VNTB – Vì sao lại trưng cầu giám định tâm thần đối với người bị buộc tội?

Hoài Nguyễn

 

(VNTN) – Rõ ràng có sự mâu thuẫn trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP về thẩm quyền trưng cầu giám định.

 

Ngày 21-5-2020, lực lượng chức năng đã bắt giam ông Phạm Thành (tức Phạm Chí Thành) vì tội: “làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, vật phẩm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Có nguồn tin từ thân nhân của ông Phạm Thành, là “Ngày 25-11-2020 vừa qua, điều tra viên cho biết đã chuyển nhà báo Phạm Thành đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương để giám định hay kiểm tra sức khỏe gì đó, họ báo cho chị Nguyễn Nghiêm biết sau một ngày chuyển đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương chị để đến đó gửi đồ tiếp tế.

Theo như chị Nguyễn Nghiêm cho biết, 2 anh chị chung sống với nhau bao nhiêu năm nay, anh Phạm Thành hoàn toàn bình thường như bao người khác, không có biểu hiện gì về tâm thần cho nên không hiểu họ chuyển chồng chị xuống đó làm mục đích gì?

Chị Nguyễn Nghiêm đến Viện đã gửi tiền lưu ký và quà nhưng không được gặp trực tiếp. Hiện tại chị vô cùng lo lắng nếu có sự cố bất ổn xảy ra” (*).

Ông Phạm Thành được cộng đồng mạng xã hội biết đến là tác giả của các đầu sách có tựa rất sốc “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”, “Cò hồn xã nghĩa”, “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN xuống hố cả lũ”…

Ông Phạm Thành, sinh năm 1952 từng làm việc tại Đài Tiếng Nói Việt Nam.

Liệu ông Phạm Thành có khả năng vi phạm pháp luật hình sự từ nguyên nhân tâm thần bất ổn?

Những nội dung tiếp theo đây chỉ thuần xem xét trên góc độ pháp luật hình sự liên quan đến yếu cầu giám định tư pháp, không bàn luận trực tiếp về tin tức hiện tại của ông Phạm Thành.

Trước tiên, việc điều tra đối với người bị nghi về năng lực trách nhiệm hình sự, được quy định tại Điều 448 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần, hoặc một bệnh lý khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, thì điều tra viên không cần phải chứng minh lỗi, động cơ phạm tội cũng như các tình tiết ảnh hưởng đến tính chất và mức độ trách nhiệm của họ.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 447 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì chỉ có Viện kiểm sát và Tòa án trên cơ sở tài liệu hồ sơ vụ án, trong đó có kết luận giám định pháp y tâm thần mới có quyền quyết định vấn đề có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, và quyết định vấn đề áp dụng hay không áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Trong vấn đề này, đang có mâu thuẫn về mặt văn bản như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 447 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:“ Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần”.

Khoản 1 Điều 451 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Sau khi thụ lý vụ án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần”.

Từ những căn cứ trên, thấy rằng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là rất cụ thể “tùy từng giai đoạn tố tụng” mà mỗi cơ quan khi có sự nghi ngờ về tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo thì sẽ tiến hành các thủ tục trưng cầu giám định để xác định về tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, điểm đ khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung lại có quy định sau:

“2. Khi thiếu chứng cứ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

…..

“đ. Chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không; nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào”.

Như vậy, rõ ràng có sự mâu thuẫn trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP về thẩm quyền trưng cầu giám định.

Cụ thể, nếu theo Bộ luật Tố tụng hình sự  2015 thì tùy vào giai đoạn tố tụng mà các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đều có trách nhiệm trưng cầu giám định để xác định tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP thì chỉ có Cơ quan điều tra có trách nhiệm trong việc xác định tình trạng tâm thần của bị can, vì đó là một trong các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung.

________________

Chú thích:

(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-nha-van-pham-thanh-phai-giam-dinh-tam-than/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)