VNTB – Vì sao “làng quê vô hồn, người quê chẳng còn chân quê”?

VNTB – Vì sao “làng quê vô hồn, người quê chẳng còn chân quê”?

Định Tường

 

(VNTB) – Những chuyến về quê chỉ còn như một nghĩa vụ, về rồi vội vã rời đi. Vội vì công việc, nhưng cũng vì làng quê không còn cảm xúc thân thuộc, quyến luyến như ngày nào…

 

Đoạn văn biểu cảm trên ở phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo văn hóa năm 2022 ngày 17-12 tại Bắc Ninh, là của tác giả được bà con miệt Đồng Tháp quen gọi “ông Bảy Xích lô”, tức Lê Minh Hoan, người đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Bảy Xích lô” nói tiếp, “hàng rào cây xanh, những đường làng quanh co thênh thang, những miệt vườn xanh mướt, những ao làng, giếng làng làm mềm mại hồn quê… dần biến mất, chỉ còn những bê tông vô hồn. Người quê cũng chẳng còn chân chất, hiền lành, làng xóm chẳng còn tắt lửa tối đèn có nhau nữa…”.

Cùng là dân miền Nam, nhưng ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, lại không nói thẳng như đồng liêu khi ông phát biểu mang tính nhấn mạnh trong tham luận khai mạc tại Hội thảo văn hóa năm 2022 ngày 17-12 tại Bắc Ninh:

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đã luôn chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Từ hai trích dẫn trên trong cùng một hội thảo, cho thấy nếu Đảng tự tin về các quyết sách phát triển văn hóa, con người Việt Nam như lời của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thì cảm nghĩ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về làng quê Nam bộ của ông chỉ là góc nhìn mang tính cá nhân, nhưng lại… phổ biến (!?).

Thử cùng trao đổi về thắc mắc “người quê cũng chẳng còn chân chất, hiền lành, làng xóm chẳng còn tắt lửa tối đèn có nhau nữa” theo góc nhìn của ông Trần Thanh Mẫn, người sinh ra ở tỉnh Hậu Giang và hoạn lộ khởi từ lúc tỉnh Cần Thơ được tái lập.

Trước tiên, người quê ở đây nếu tính từ mốc thời gian gọi là “thống nhất đất nước”, xem ra 47 năm qua nền giáo dục xã hội chủ nghĩa từ bậc tiểu học đến trung học với những hoạt động sinh hoạt chính trị bắt buộc, mang tính cưỡng bức của các tổ chức như Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã không mang đến hiệu quả về gìn giữ nề nếp gia phong của miền quê Nam bộ.

Bắt con cá lóc nướng trui/ Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”.

Dù nghèo đến đâu, khi có khách hay bạn bè đến chơi thì với người miền Tây, họ luôn tâm niệm rằng “nghèo thì nghèo, tiếp bạn chu đáo cái đã, tiền bạc có sá gì, nhơn nghĩa mới là điều quan trọng”. Vì vậy, những ai không có nhơn nghĩa thì cũng đừng hòng họ đáp lại bằng nhơn nghĩa.

Ngược lại, nếu sống có tình nghĩa thì khó khăn nào họ cũng chịu, gian khổ mấy họ vẫn sẵn sàng chấp nhận. Và một đặc điểm nữa đi liền với tính cách của người miền Tây là: Họ nói một là một, hai là hai, không thay đổi, tình cảm luôn rõ ràng, dứt khoát, nếu đã hứa thì phải làm dù cho sự thay đổi có thể mang lại cho họ nhiều điều lợi nhưng họ vẫn khăng khắng một lời “quân tử nhất ngôn”.

Lợi lộc thì họ ham nhưng không vì danh lợi đó mà làm những công việc phi nghĩa, làm trái với tinh thần nghĩa khí hào hiệp của họ. Họ chỉ nhận những gì tương xứng với công sức mà họ bỏ ra.

Một tính cách nổi bật nữa của những con người miền Tây ở đây mà người ta thường nhắc đến là tính hiên ngang, dân gian thường gọi là tính “ngang tàng”.

“Ngang tàng” ở đây không phải là ngang ngược, lỗ mãng, mà “ngang tàng” ở đây chính là tính nghĩa khí, chí khí hiên ngang. Họ đối đãi với nhau rất là điệu nghệ, sẵn sàng “hy sinh bản thân” để sống cho việc nghĩa.

Trời sinh cây cứng lá dai,/ Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều”.

 Chính tính cách này giúp người miền Tây sống hòa thuận với nhau, cùng chung sức khai hoang lập ấp. Với sự nỗ lực đó, mảnh đất hoang vu thuở nào nay đã trù phú, rừng hoang đã rẫy, với những cánh đồng bát ngát xanh tươi…

…Câu chuyện xứ miền Tây ở trên kể từ sau tháng tư, 1975 dần không còn đúng nữa. Chỉ riêng chuyện “học tập cải tạo” như tuyên bố của chính quyền cách mạng, để rồi sau đó là “cải tạo mút chỉ cà tha” theo cách diễn tả của người miền Tây, cho thấy “một không là một, hai không là hai” nữa rồi.

Vậy là khó trách khi để thích nghi cho công cuộc sinh tồn “sau giải phóng”, buộc người ta dần đi đến điều mà ông “Bảy Xích lô” chua chát: “Người quê cũng chẳng còn chân chất, hiền lành, làng xóm chẳng còn tắt lửa tối đèn có nhau nữa” …

Còn giờ nếu được quyền quy trách nhiệm, có lẽ đúng như ‘gợi ý’ khéo léo của ông Trần Thanh Mẫn ngay đoạn mở đầu trong tham luận khai mạc: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng…”.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)