Tử Long
(VNTB) – “Quan điểm của Đảng ta là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả”.
Một tài liệu gọi là “nghiệp vụ công tác Tuyên giáo”, viết:
“Quan điểm của Đảng ta là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả. Quan điểm này được Nhà nước thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật.
Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Điều 54 quy định: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai”.
Và Điều 4 Luật đất đai năm 2013 quy định: “ Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều này thể hiện sự vận dụng sảng tạo, đúng đắn các quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về vấn đề đất đai vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, bởi đất đai là tài sản cực kỳ quý báu, là một nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay…” (dừng trích)
Nghiên cứu các vụ án liên quan đến đất đai đã khởi tố gần đây xảy ra ở Bình Dương sẽ đưa ra xét xử từ ngày 15-8-2022 và một số tỉnh thành khác, không khó để thấy rằng, có sự tương đồng về chiêu thức, thủ đoạn, động cơ của một số vị lãnh đạo “chóp bu” một số tỉnh thành.
Đa số các sai phạm đều xuất phát từ sự bất chấp pháp luật của một số cán bộ nhân danh là “đại diện chủ sở hữu” để “ưu ái” cho doanh nghiệp thâu tóm hàng ngàn héc ta đất công – mà sau khi các vụ án khởi tố gọi là “giá rẻ mạt, gây thiệt hại ngân sách sách nhà nước hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng”.
Chỉ cần gõ từ khóa “tham nhũng đất đai” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ xuất hiện hàng trăm ý kiến, thông tin, bài viết về tình trạng tham nhũng gia tăng về số lượng, tính chất ngày càng nghiêm trọng về thiệt hại cho Nhà nước lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, trong đó đặc biệt lo ngại và bức xúc nhất là tham nhũng đất đai với hàng loạt các vụ việc nổi cộm, từ vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ Thủ Thiêm, TP.HCM, vụ truy tố xét xử 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam liên quan đến bán đất công gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng…
Dư luận đã đặt ra hàng loạt câu hỏi, tại sao tham nhũng trong lĩnh vực đất đai có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng? Tại sao Đảng tuyên bố việc xử lý tham nhũng đất đai quyết liệt, không có vùng cấm thế nhưng tình trạng này dường như chưa hạ nhiệt? Vậy thì tham nhũng đất đai bắt nguồn từ nguyên nhân nào?
Trong thực tiễn, các vụ án tham nhũng về đất đai thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành, vì vậy việc xử lý khó khăn hơn và thiệt hại cũng lớn hơn.
Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không thể thực hiện quyền giám sát của mình mà pháp luật đã quy định, cho nên khó phát hiện ngay tham nhũng.
Bên cạnh đó, UBND, cấp có thẩm quyền vừa thực hiện quyền quyết định về đất đai với vai trò đại diện cho sở hữu toàn dân và vừa thực hiện quyền quản lý đất đai, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vì thế không thể phát hiện tham nhũng kịp thời.
Nôm na ở Việt Nam trong môi trường không có sự cạnh tranh đảng phái chính trị nên dân chủ chỉ mang tính hình thức, và lẽ ấy nên tham nhũng quyền lực trong chính sách công là điều dễ hiểu và “khó trị”.