Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao nền kinh tế thiếu nền tảng?

Thới Bình

 

(VNTB) – Chỉ cần một đợt dịch Covid-19 là nền kinh tế lao đao ngay vì thiếu nền tảng và cần phải thay đổi ở tầm vĩ mô.

 

Ông Nguyễn Chu Hồi, một chuyên gia tư vấn độc lập, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, trào lộng nhận xét về thể chế chính trị hiện tại qua lăng kính kinh tế lý thuyết: “Chúng ta cứ đi thống kê rồi vui đột xuất, buồn đột xuất. Như vậy, nghĩa là ta chả chủ động được cái gì. Vui thì chúng ta vỗ tay, buồn thì chúng ta ngồi tìm cách giải thích. Giải pháp tương ứng thì cũng bí”.

Dịch giã chỉ là ‘giọt nước tràn ly’

Ông Nguyễn Chu Hồi nhìn thẳng vào thực tế, chỉ cần một đợt dịch Covid-19 là nền kinh tế lao đao ngay, thiếu cả tiền mặt để mà tiêu, chưa nói vấn đề khác, ông Hồi nhận định rằng nền kinh tế đang thiếu nền tảng và cần phải thay đổi ở tầm vĩ mô.

Thay đổi đó cụ thể là gì? Một đơn cử, theo ông Nguyễn Chu Hồi thì chú ý vấn đề quy hoạch, vì hiện rất trì trệ.

“Quy hoạch chưa xong mà năng động, sáng tạo, quyết tâm và quyết một cái thì “vào lò”, nên không dám quyết mà ngồi kêu. Phải nhìn vào thực tiễn để chọn ra một số giải pháp cụ thể để xem làm được hay không. Cứ ngồi trên mây, quen làm chung chung thì khi cụ thể lúng túng”, ông Hồi lập luận, song tránh đề cập là những ai đang giữ thói quen “cứ ngồi trên mây” đó.

“Chúng ta phải nhìn lại cái chúng ta đang đứng trên để nhìn về phía trước là nền tảng nào, nó khỏe hay yếu, nó cứng hay mềm để đứng được vững”, ông Hồi nhấn mạnh. Về giải pháp cụ thể, ông Hồi cho rằng, cần phải giải quyết ngay sự trì trệ trong quy hoạch hiện nay vì đang gây ách tắc và lúng túng cho địa phương.

“Đi tỉnh nào cũng kêu là bây giờ không biết bố trí thế nào. Kể cả có nhà đầu tư vào rồi, vốn gợi ý rồi, bày tỏ thiện chí rồi nhưng quy hoạch chưa có. Mà với tình hình hiện nay, quy hoạch chưa xong mà ông năng động, ông sáng tạo, ông đổi mới, ông quyết liệt, quyết tâm mà ông quyết một cái thì ông lại vào lò.

Cho nên, không ông nào dám làm cả, chỉ ngồi kêu thôi. Đây là tình trạng mà tôi thấy rằng rất thất vọng với các địa phương”, ông Hồi nêu, và nhìn nhận tình cảnh lâu nay là chỉ bó tay, chỉ chờ. “Ai cũng hiểu chỉ một người nếu không hiểu là chết cả. Đây là một cái cực kỳ khó khăn cho địa phương nếu ta không giải quyết được”, ông Hồi nhấn mạnh.

Một vướng mắc khác ở các địa phương là giải quyết những vấn đề tồn đọng do lãnh đạo thế hệ trước bị xử lý. Ông Hồi cho biết, tại nhiều địa phương, lãnh đạo “xộ khám” rồi nhưng hậu quả vẫn tồn tại và thế hệ lãnh đạo sau phải giải quyết.

Nhưng giải quyết theo chính sách luật pháp nào thì hiện nay “cũng là cái chết” như đã nêu ở đề cập trên. Tình trạng này nếu kéo dài không chỉ cản trở sự phát triển của địa phương mà còn ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Đừng ngồi ‘trên mây’ nữa

“Hiện nay tôi hỏi thì tất cả đều nói rằng chờ xem sao. Đối với kinh tế, câu chờ xem sao của những người nắm nguồn lực của đất nước nó sẽ làm cho chúng ta mất chi phí cơ hội. Mà mất chi phí cơ hội trong kinh tế là cái mất vô giá”, ông Hồi nhìn nhận và cho rằng đây là điều đang diễn ra mà “không có giải pháp thì rất nguy hiểm”.

Ông Nguyễn Chu Hồi cũng đề nghị quan tâm đến vấn đề ngư dân – ngư nghiệp – ngư trường, bởi đây không chỉ cho phát triển kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng an ninh, bảo vệ lãnh thổ chủ quyền biển đảo, cần chính sách cụ thể, thực hiện đồng bộ để hướng đến nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Tuy nhiên với một lát cắt nhận xét như trên về bức tranh toàn cảnh thể chế chính trị Việt Nam hiện tại, xem ra ‘dở khóc dở cười’ với mệnh lệnh hành chính đưa ra hôm 25-5 vừa rồi của Tổng bí thư tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30-7-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Theo đó, Tổng bí thư đưa ra yêu cầu cho thấy tiếp tục kịch bản của thói quen “cứ ngồi trên mây” như nhận xét của ông Nguyễn Chu Hồi, đó là:

“Những điều chúng ta mong muốn, Nghệ An phải giàu có hơn, mạnh hơn, các địa phương lân cận cũng phải có đà tiếp theo tốt hơn, chứ không phải ra nghị quyết thì coi như là thành công quyết định. Đấy mới chỉ là bước mở đầu rất quan trọng. Cho nên phải có biện pháp tổ chức, chỉ đạo một cách cụ thể, tích cực, có hiệu quả rõ rệt, chứ không phải là Trung ương ban hành nghị quyết xong rồi cứ khoán trắng cho địa phương, mà các ngành, các cấp phải vào cuộc…”.

Ở đây, nói theo ví von hình tượng về “ngồi trên mây”, đó là tại sao Tổng bí thư không thử ‘sắm vai’ vào chuyện ‘trực tiếp đi làm’, tin rằng lúc đó ông cũng thấm thía nỗi đau về sự bất lực của thể chế chính trị “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà ông đeo đuổi và buộc ‘gắn’ vào nền kinh tế thị trường.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cần chấm dứt coi ‘dịch’ là ‘giặc’ để doanh nghiệp còn có thể làm ăn

Phan Thanh Hung

VNTB – Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Không biết bao giờ khắc phục được tình trạng thiếu thuốc

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo