Nguyễn Cao – Trần Thành
(VNTB) – Việc lập “vùng cấm” ngay trong hiến pháp khi trưng cầu ý dân, là hành động cố tình vi hiến, vì ngay ở Điều 4 của Hiến pháp 2013, ghi rõ “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Chúng tôi cho rằng phải qui định trưng cầu dân ý đối với hiến pháp, và hiến pháp nhất thiết phải được thông qua bằng trưng cầu dân ý.
Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, kiến nghị luật cần quy định cụ thể một số vấn đề không được trưng cầu ý dân như liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vai trò lãnh đạo của Đảng ở Điều 4 Hiến pháp, hay lợi dụng tổ chức trưng cầu ý dân để kích động phá hoại thống nhất Tổ quốc. Nói cách khác, hỏi “lòng dân”, nhưng quyết sách thì phải theo “ý Đảng”.
Trên bình diện quốc gia trong điều kiện hiện nay, chúng tôi cho rằng phải qui định trưng cầu dân ý đối với hiến pháp, và hiến pháp nhất thiết phải được thông qua bằng trưng cầu dân ý. Các lý do như sau:
Một là, quyền lập hiến là quyền đặt ra các nguyên tắc cai trị, nó có cả một lịch sử hình thành, bắt nguồn từ tư tưởng hiến trị (constitutionnalism), sau này, tư tưởng hiến trị từng bước phát triển ở Châu Âu, Châu Mỹ và trên thế giới. Trong đó khẳng định rằng quyền lập hiến phải có một chỗ đứng cao hơn quyền lập pháp.
Nói một cách rõ hơn, quyền lập hiến phải là một quyền riêng biệt, tách khỏi quyền lập pháp, và quyền lập pháp phải bắt nguồn từ quyền lập hiến. Các vấn đề này đã được ghi nhận vào Hiến pháp 1946, tại các Điều 21, Điều 70. Hiến pháp 1946 không những qui định quyền lập hiến là một quyền đặc biệt, tách khỏi quyền lập pháp, mà còn chỉ rõ hiến pháp phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Có lẽ sau đó, vì điều kiện chiến tranh nên nhà nước miền Bắc đã không ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật. Giờ đây đã đến lúc cần khôi phục, và quan trọng là phải qui định trong luật trưng cầu ý dân để có cơ chế cụ thể để thực hiện.
Hai là, việc thông qua hiến pháp bằng trưng cầu ý dân, cũng đồng nghĩa với việc nhân dân trực tiếp quyết định các nguyên tắc chính trị cơ bản nhất (nguyên tắc cai trị) của Nhà nước và của cả hệ thống chính trị.
Hay nói cách khác, bằng Hiến pháp, nhân dân qui định về phạm vi, giới hạn của quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp), cũng như các quyền tự do, dân chủ của công dân. Điều cần khẳng định là những vấn đề này, về nguồn gốc phải thuộc chủ quyền nhân dân. Chính vì vậy, có thể nói rằng việc nhân dân thông qua Hiến pháp là nội dung quan trọng nhất, nó đứng trên tất cả các qui định khác. Khi nhân dân trưng cầu các vấn đề khác, suy cho cùng cũng là những vấn đề nằm trong Hiến pháp, hoặc ít nhất cũng không được trái với Hiến pháp.
Ba là, theo hiểu biết của chúng tôi, chế định trưng cầu dân ý ở các nước đều qui định hiến pháp là đối tượng quan trọng nhất cần được áp dụng.
Ngoài ra, hiện nay Hiến pháp Việt Nam qui định về trưng cầu ý dân vào chung với một số quyền chính trị của công dân trong một điều và nằm trong chương V “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Theo chúng tôi, trưng cầu ý dân có lẽ mang tính đa diện hơn chứ không chỉ đơn thuần chỉ là một quyền chính trị của công dân. Ở góc độ khác, qui định này chi phối hoạt động của các cơ quan nhà nước và bộ máy nhà nước. Do vậy, trước mắt qui định này (cùng với qui định về bầu cử phổ thông đầu phiếu) nên qui định trong chương I (chương Chế độ chính trị). Còn về lâu dài, Hiến pháp nước ta nên qui định trong chương chế độ chính trị (hoặc đổi thành chương các nguyên tắc nền tảng của Hiến pháp) về phương thức thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân với các hình thức cụ thể như trưng cầu ý dân, bầu cử phổ thông đầu phiếu, sáng kiến trực tiếp từ nhân dân, thông qua tự quản địa phương…
Bốn là, về mặt pháp lý, bên cạnh việc khẳng định thiết chế dân chủ đại diện, các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 của Việt Nam đều đã quy định một số hình thức dân chủ trực tiếp, cụ thể như sau:
Trưng cầu ý dân
|
Sáng kiến công dân
|
Sáng kiến chương trình nghị sự
|
Bãi miễn đại biểu dân cử
|
|
Hiến pháp 1946
|
Điều 32 (quyền phúc quyết các vấn đề quan trọng với vận mệnh quốc gia do Nghị viện tổ chức).
Điều 70 (c) (quyền phúc quyết những thay đổi hiến pháp).
|
–
|
–
|
Điều 20 (người có thể bị đề nghị bãi miễn gồm: nghị sĩ (Điều 41), thành viên HĐND và UBHC các cấp (Điều 61))
|
Hiến pháp 1959
|
Điều 53 khoản 1 (quyền bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu ý dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức)
|
Điều 5 (người có thể bị đề nghị bãi miễn gồm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp)
|
||
Hiến pháp 1980
|
Điều 100 khoản 6 (quyền bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu ý dân do Hội đồng Nhà nước tổ chức)
|
Điều 56 (Quyền tham gia quản lý công việc của nhà nước và của xã hội)
|
Điều 7 (người có thể bị đề nghị bãi miễn gồm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp)
|
|
Hiến pháp 1992
|
Điều 53 (quyền bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu ý dân do Quốc hội quyết định (khoản 14 Điều 84)
|
Điều 53 (Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước)
|
Điều 7 (người có thể bị đề nghị bãi miễn gồm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp)
|
|
Hiến pháp 2013
|
Điều 29 (quyền biểu quyết trong các cuộc trưng cầu ý dân do Quốc hội quyết định (khoản 15 Điều 70).
|
Điều 28 (Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước).
|
Điều 7 (người có thể bị đề nghị bãi miễn gồm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp).
|
Bảng trên cho thấy, trong khi trưng cầu ý dân và bãi miễn đại biểu dân cử được quy định trong tất cả các bản hiến pháp thì hai hình thức dân chủ trực tiếp khác là sáng kiến công dân và sáng kiến chương trình nghị sự chỉ mới được đề cập trong các hiến pháp sau này.
Tuy nhiên, quy định về tất cả các hình thức dân chủ trực tiếp trong những bản hiến pháp nêu trên của Việt Nam đều chưa hoàn thiện. Cụ thể, với hình thức bãi miễn đại biểu dân cử, cử tri mới chỉ có quyền đề xuất chứ chưa có quyền bỏ phiếu như ở nhiều nước. Thêm vào đó, ngoại trừ Hiến pháp 1946 quy định đối tượng bị bãi miễn bao gồm cả các quan chức hành chính (UBHC các cấp), các hiến pháp sau chỉ giới hạn đối tượng bãi miễn là đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp (hẹp hơn so với nhiều quốc gia).
Đối với hình thức trưng cầu ý dân, ngoại trừ Hiến pháp 1946 (quy định rõ việc sửa đổi hiến pháp nhất thiết phải được đưa ra toàn dân phúc quyết, còn những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thì nghị viện sẽ đưa ra phúc quyết nếu có ít nhất hai phần ba tổng số nghị viên tán thành), và Hiến pháp 2013 (quy định trách nhiệm của Ủy ban dự thảo Hiến pháp phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp), các hiến pháp khác đều không quy định cụ thể những việc cần đưa ra để nhân dân biểu quyết, cũng như những quy trình, thủ tục trong vấn đề này.
Riêng với hai hình thức sáng kiến công dân và sáng kiến chương trình nghị sự, những điều khoản liên quan trong các hiến pháp trên mới chỉ ở mức độ là cơ sở, nguyên tắc nền tảng. Tất cả những vấn đề như quyền đề xuất và bỏ phiếu, phạm vi các vấn đề và thủ tục đề xuất, bỏ phiếu… đều chưa được quy định cụ thể.
Xét trên phương diện lập pháp, trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ trước tới nay cũng chưa có văn bản pháp luật nào được xây dựng riêng để cụ thể hóa các hình thức dân chủ trực tiếp, kể cả hai hình thức phổ biến là trưng cầu ý dân và bãi miễn đại biểu dân cử. Sự bất cập của hệ thống pháp luật là nguyên nhân khiến cho tất cả các hình thức dân chủ trực tiếp cho đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ ở Việt Nam.