Việt Nam Thời Báo

VNTB- Vì sao nhà cầm quyền ngăn cấm tổ chức Lễ tưởng nhớ Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo vắng mặt?

Thảo Vy

(VNTB) – “Chúng tôi chấp nhận mọi sự đàn áp của nhà cầm quyền nếu có, và chúng tôi sẵn sàng được chết với ngọn súng của chính quyền”. Ông Nguyễn Văn Điền khẳng định.



Kể từ sau tháng 4-1975 đến 2016, thì năm nay 2017 là năm đầu tiên mà chính quyền tỉnh An Giang buộc các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) không được cử hành tại nhà riêng về lễ tưởng nhớ ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH vắng mặt, kể từ sau biến cố 25/2 Đinh Hợi (16/4/1947), ngày mà tín đồ coi là truyền thống của PGHH.
Các năm trước, tại điểm lễ chính được coi là Thánh địa Hòa Hảo ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chính quyền chỉ tìm cách cản trở người dân đến tham dự, chứ không cấm việc tổ chức lễ tại gia đình của tín đồ PGHH.

Tự do tôn giáo theo… ý Đảng
Sau 1975, PGHH bị chính quyền buộc không được phép nhắc tới ngày Đức Thầy thọ nạn, hay còn gọi là ngày Đức Thầy vắng mặt. Mặc dù chính quyền không nêu lý do, song lịch sử lại ghi nhận trong một cuộc tập kích để ám sát Đức Thầy của Việt Minh, thì Đức Thầy đột nhiên bặt tin tức. Tín đồ PGHH tin rằng Đức Thầy sẽ sớm trở về…
Trước năm 1975 các tôn giáo tại miền Nam đều có quyền tự do hoạt động, có các sở văn hóa, truyền giáo, từ thiện… Viện Đại Học Hòa Hảo thành lập năm 1970, tại Long Xuyên chương trình học nhằm đào tạo cho giới trẻ sinh trưởng tại miền Nam có cơ hội tiến thân không cần phải đi học xa ở Sài Gòn, và cạnh tranh với các Viện Đại học Vạn Hạnh (Phật giáo 1964), Viện Đại học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt (Công giáo1957) Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh (1971)…
Sau 1975, tất cả các viện đại học này đều bị quốc hữu hóa.

Chính quyền An Giang đã vi Hiến
Việc chính quyền tỉnh An Giang buộc các tín đồ PGHH không được cử hành lễ tưởng nhớ ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH vắng mặt, là vi Hiến.
Hiến pháp 2013, Tại Điều 24, Chương II quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Lưu ý, ở đây dùng khái niệm “Mọi người” chứ không phải là “công dân” như các bản Hiến pháp trước đây khi nói về quyền tự do tôn giáo. Khái niệm “Công dân” là thể hiện mối quan hệ giữa người dân với Nhà nước, với thể chế Chính trị. Nhà nước cộng sản Việt Nam là Nhà nước thế tục, nghĩa là Nhà nước phi tôn giáo, khẳng định quyền tự do tôn giáo và nguyên tắc tách biệt giữa Nhà nước và Giáo hội, không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo.
Vì thế, khi ghi nhận “Mọi người” sẽ bao trùm rộng hơn so với “công dân”, vì trong thực tế không phải ai cũng có quyền công dân. Ví dụ, một người tù, mặc dù đã mất quyền công dân, nhưng vẫn có quyền tự do thờ phụng, thực hành tôn giáo của mình…

Tội xâm phạm quyền quyền tự do tôn giáo
Khoản 1 Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định: “Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.
Như vậy có thể hiểu, xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân (bị coi là tội phạm) là hành vi cấm đoán, cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Hiến pháp và pháp luật quy định hoặc có những hành vi xâm phạm đến những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo.
Người phạm tội thực hiện bằng hành vi cản trở quyền quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, de dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn không cho công dân thực hiện các quyền nói trên.
Trở lại vụ việc chính quyền tỉnh An Giang buộc các tín đồ PGHH không được cử hành lễ tưởng nhớ ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH vắng mặt, theo tường trình của ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Giáo hội PGHH thuần túy (GHPGHHTT):
“Vào các ngày 7, 8/3 vừa qua, đại diện Công an huyện Chợ Mới và chính quyền các xã Nhơn Mỹ, Long Giang, xã Mỹ Hội Đông mời các ông Hà Văn Duy Hồ, Phan Văn Chúng, Nguyễn Văn Bé Tư (Trị sự viên GHPGHHTT, thành viên Ban Tổ Chức Ngày Đại Lễ 25/2 âm lịch kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH vắng mặt), để làm việc, và ra lệnh ngăn cấm tổ chức họp mặt kỷ niệm ngày lễ. Nếu không chấp hành, họ răn đe sẽ khống chế không cho ra khỏi nhà.
Trước đó, có một người xưng là Đại úy Việt, công an tỉnh An Giang đến tại nhà ông Nguyễn Văn Vinh, xã Long Giang (nơi GHPGHHTT tạm mượn tổ chức các ngày lễ lớn của Đạo), người này ra lệnh cấm ông Vinh tổ chức ngày lễ 25/2 năm nay. Họ còn hăm dọa nếu cải lại sẽ bị xử lý.
Mặc dù trong nhiều năm qua, GHPGHHTT tổ chức các ngày lễ lớn của Đạo tại điểm lễ chính ở huyện Chợ Mới, An Giang bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cản hạn chế người địa phương khác đến tham dự. Nhưng chưa cấm người tại nơi đó tổ chức. Nhưng năm nay họ đã tuyên bố cấm”. (dừng trích)

Ông Nguyễn Văn Điền cho biết, các trị viên các cấp giáo hội PGHHTT sẽ có cuộc tuyệt thực và cầu nguyện tại tư gia trong thời gian tới để phản đối lệnh cấm tổ chức ngày lễ 25/2 âm lịch. GHPGHHTT quyết tâm tổ chức ngày đại lễ 25/2 âm lịch trên tinh thần ôn hòa, thuần túy tôn giáo. “Chúng tôi chấp nhận mọi sự đàn áp của nhà cầm quyền nếu có, và chúng tôi sẵn sàng được chết với ngọn súng của chính quyền”. Ông Nguyễn Văn Điền khẳng định.

Tin bài liên quan:

VNTB – Án lệ và dân oan: Đất tranh chấp đã bị quy hoạch xây dựng công trình công cộng (bài 2)

Phan Thanh Hung

Nguy cơ: Đảng lại tăng cường lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘Thủ phạm gây cá chết miền Trung’: Nhà nước có thể kiện Formosa Hà Tĩnh?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo