VNTB – Vì sao nông dân miền Tây đang nghèo đi?

VNTB – Vì sao nông dân miền Tây đang nghèo đi?

Hồng Dân

(VNTB) – Nông hộ nhỏ lẻ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa vì muốn làm giàu, họ phải có trên 3 ha.

 

“Diện tích đất trồng lúa bị giảm sẽ dẫn đến nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp, trở thành lao động tự do. Có dự án thu hồi đất lúa xong thì bị bỏ hoang rất lãng phí, trong khi người dân không có đất sản xuất. Đó là chưa kể một số địa phương vẫn để tình trạng tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác”.

Đó là ý kiến của bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tại phiên thảo luận về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của dự thảo nghị quyết về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) do Chính phủ trình. Theo đó, diện tích đất trồng lúa trên cả nước đến năm 2030 sẽ giảm khoảng 348.000ha, từ 3,9 triệu ha xuống 3,5 triệu ha.

Bà Mai Thị Phương Hoa nói rằng nên cân nhắc tiêu chí chuyển đổi diện tích đất trồng lúa. sang đất phi nông nghiệp, bởi mỗi ha đất nông nghiệp dành cho khu công nghiệp có vài ha đất không thể sản xuất. Đối với địa phương có diện tích đất trồng lúa cần có rà soát, chế độ khuyến khích để phát triển góp phần bảo đảm an ninh lương thực.

Theo góc nhìn của vị nữ Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thì phải xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất lúa, khu vực nào cần chuyển đổi, khu vực nào cần giữ. Mặc dù về lâu dài, để phát triển kinh tế, cần có quỹ đất dành cho khu công nghiệp, nhưng cần hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp vì đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa.

Bà Mai Thị Phương Hoa cũng cho rằng, đối với địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn, đề nghị Chính phủ có tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách phù hợp hơn và có giải pháp tăng giá trị lúa gạo.

Thế nào mới gọi là “chính sách phù hợp hơn”?

Thứ nhất là chuyện nước. Muốn có nước phải chi tiền. Ngày trước, tại nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân canh nước lớn để thả nước vô ruộng. Bây giờ có đê bao, nông dân khỏi canh nước, nhưng phải trả tiền cho chủ trạm bơm. Thực tế mùa hạn mặn năm nay, nhà nông vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long phải chi tiền nhiều hơn để có nước ngọt giữ đồng lúa, vườn cây, ao cá. Và cái khó còn kéo dài.

Thứ nhì là chuyện phân bón. Ngày chưa có đê bao, nông dân làm lúa chỉ hai vụ, còn lại là cho đất nghỉ. Mùa khô có trùn, dế làm tơi đất. Mùa nước có phù sa bồi đắp. Đất tốt tự nhiên nên ít dùng phân bón hóa học. Ngày nay làm ba vụ lúa, phải bón phân nhiều và theo đó cũng phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, tốn tiền hơn cho phân và thuốc.

Thứ ba là chuyện canh tác. Giờ hầu hết các khâu đều do máy móc làm. Chuyện vần công, đổi công, thuê mướn nhân công làm ruộng ngày càng hiếm. Giờ nông dân trả tiền cho chủ máy.

Thứ tư là chuyện bán. Thay cho cách trữ lúa và xay gạo bán dần, ăn dần ngày trước, nay nông dân bán hết lúa tươi tại ruộng rồi mua lại gạo chợ để ăn, mất tiền cho “cò” lái lúa và mất cho người bán gạo.

Thứ năm, đã có những người tiên phong thay đổi nhưng vẫn chưa phát triển rộng khắp. Bởi trừ khi có thật nhiều đất, bằng không, nông dân không thể nào giàu được nếu làm nông nhưng không được đổ mồ hôi trên đất, không có thêm tiền từ việc đồng áng, và phải chi phí đủ thứ tiền cho hàng loạt vấn đề như hiện nay.

Trong tham luận đưa ra tại hội thảo ở Cần Thơ hồi tháng 5-2017, “Tích tụ, tập trung đất đai vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa”, phía Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) khẳng định nông dân Nam bộ muốn giàu từ cây lúa phải có trên 3 ha diện tích đất.

Theo nhận định của đại diện GIZ, đồng bằng sông Cửu Long là nơi có điều kiện ưu đãi nhất về sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, hộ chuyên lúa phải có ít nhất 2 ha thì mới vượt qua ngưỡng đói nghèo; hộ có ít nhất 3 ha mới đạt tới ngưỡng thu nhập trung bình ở nông thôn. Do đó, nông hộ nhỏ lẻ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa vì muốn làm giàu, họ phải có trên 3 ha.

Và để có “chính sách phù hợp hơn” như ý kiến của bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, căn cơ là có những thay đổi phù hợp về quyền đất đai nông nghiệp của tư nhân.

Nôm na, muốn làm giàu phải tích tụ ruộng đất, và khi tư nhân đã dốc vốn liếng tích tụ ruộng đất để mần ruộng thì họ sẽ không bị ám ảnh của ‘đánh tư sản’, của ‘quốc hữu hóa’ từ viện dẫn đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, quản lý.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)