Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao phải xây nhà chuồng cọp?

Dân Trần

 

(VNTB) – Không xây rào chắn thì sợ trộm cắp, xây rào chắn thì sợ hỏa hoạn chạy không kịp

 

Nếu như trước đây Hà Nội nổi tiếng với nhà chuồng cọp để chống trộm, thì bây giờ loại hàng rào này đã xuất hiện nhiều hơn ở các thành phố lớn phía Nam như Sài Gòn, Biên Hòa… Chuồng cọp ở nhà cao tầng là tiếng lóng để chỉ những khung sắt được gắn ngoài ban công, che kín xung quanh từng căn hộ trên các toà nhà cao tầng.

Ban đầu thì loại chuồng cọp này xuất hiện ở Hà Nội do di dân đổ về thủ đô làm việc nhiều nên nhà nước đã xây thêm nhiều căn hộ, nhà tập thể để chia cho viên chức, cán bộ ở. Nhưng diện tích của những nhà tập thể này khá nhỏ, nên người dân phải gắn thêm các lồng sắt bên ngoài để tăng thêm diện tích sử dụng. Người thì làm chỗ phơi đồ để quần áo khỏi bay, người thì trồng thêm cây cảnh, thậm chí làm thêm cái bếp, hoặc phòng ngủ…

Như vậy thì ban đầu chuồng cọp được “phát minh” ra là do quy hoạch của nhà nước không phù hợp với nhu cầu người dân. Diện tích các khu nhà tập thể quá nhỏ khiến cho người dân phải phá bỏ lan can để lắp thêm khung sắt, mở rộng không gian sống. Nếu so sánh cùng thời điểm với Hà Nội thì Sài Gòn trước năm 1975 cũng có nhiều khu chung cư lớn như cư xá Bắc Hải, cư xá Thanh Đa, chung cư Vĩnh Hội… thì người dân vẫn sống thoải mái mà không cần phải xây thêm chuồng cọp. Dĩ nhiên, đây là so sánh tại thời điểm vừa xây xong tới khoảng những năm 2000. Chứ thời gian gần đây thì chuồng cọp từ Hà Nội đã được du nhập vào Sài Gòn nhiều hơn rồi.

Ngoài yếu tố quy hoạch thiết kế thì một nguyên nhân khác cũng từ nhà nước mà ra, đó là buông lỏng quản lý. Việc người dân có thay đổi thiết kế ban đầu trên chung cư, hoặc gia cố thêm bất cứ cái gì thì cũng đều phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng. Đây là luật ở Việt Nam. Nhưng việc dễ dãi của nhà chức trách đã khiến cho người dân thoải mái lắp đặt thêm mà bất chấp mỹ quan đô thị, an toàn của cả công trình và tính mạng của tập thể.

Một lý do khiến cho người dân đua nhau xây chuồng cọp nữa chính nạn trộm cắp ở các đô thị lớn như rươi. Mặc dù công an có mặt ở khắp nơi, nhưng rõ ràng số vụ trộm cắp đột nhập ngày càng gia tăng. Nhiều trộm cắp tức là do nhà chức trách điều hành nền kinh tế yếu kém, không đáp ứng nhu cầu sống của người dân nên buộc họ phải liều lĩnh trộm cắp, hoặc do đạo đức suy đồi làm nảy sinh ra lớp người sẵn sàng vi phạm pháp luật để mưu lợi.

Và ăn trộm thường lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, đêm khuya để đột nhập vào nhà dân. Thông thường là phá khoá cửa, nhưng cũng có lúc kẻ gian leo lên hàng rào, hoặc lên ban công tầng 1 cho nên người dân phải hàn thêm lồng sắt để tránh bị đột nhập bằng cách này.

Người dân biết rằng khi xảy ra hỏa hoạn thì sẽ khó chạy thoát khi bị “giam” trong chuồng cọp. Nhưng hỏa hoạn thì ít khi xảy ra hơn là trộm cướp, xây lồng sắt không phải chỉ là để bảo vệ tài sản mà còn là tính mạng của gia đình. Vì nếu bị trộm phát hiện thì có khi chúng sẽ giết luôn cả chủ nhà để thoát thân.

Cho nên nhà nước muốn người dân tháo bỏ chuồng cọp thì việc cần làm là phải phát triển kinh tế, giáo dục để mọi người dân đều có việc làm đàng hoàng, không trộm cướp, không lo mất của hay mất mạng. Tiếp theo là phải đảm bảo an ninh trật tự, chứ trong một xã hội mà nhìn đâu cũng thấy trộm cướp hoành hành thì người dân phải tìm cách bảo vệ bản thân dù là ích kỷ. Và dĩ nhiên thì nhà chức trách phải coi lại cách quy hoạch, quản lý, xử phạt nghiêm những trường hợp xây dựng, cơi nới thiếu an toàn. Rõ ràng mọi trách nhiệm đều nằm trong tay nhà cầm quyền chứ không thể đổ lỗi cho dân được!

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đà Lạt: Cái cốt, cái nhân…

Do Van Tien

VNTB – Tân thứ trưởng Nguyễn Tri Thức coi chừng tiếp bước Nguyễn Trường Sơn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Phố núi chìm trong lũ sau một cơn mưa

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.