Cùng thời gian Tổng thống Mỹ Obama có mặt tại Việt Nam vào tháng 5/2016, trên báo nhà nước bất chợt hiện ra thông tin “Chính phủ Mỹ đang nợ Việt Nam tối thiểu 12 tỷ USD”. Những tờ báo dẫn nguồn từthống kê Bộ Tài chính Mỹ: Việt Nam đang nắm giữ tối thiểu 12 tỷ đôla trái phiếu chính phủ Mỹ. Số nợ Mỹ do “ta cho vay” tăng 3.5 lần trong giai đoạn từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014. Việt Nam hiện nằm trong top 50 nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Thông tin trên không phải mới mà trước đây đã thỉnh thoảng được nêu ra, nhưng chỉ trong một ít bài phân tích kinh tế dạng chuyên ngành chứ không phổ cập.
Vì sao lại có hiện tượng báo nhà nước đặt lại việc “Mỹ nợ Việt Nam” vào đúng thời điểm Obama quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam?
Câu trả lời đã được chính vài tờ báo nhà nước giải đáp: Việt Nam cho Mỹ vay bao nhiêu thể hiện sức mạnh của Việt Nam nhiều hơn là gánh nặng nợ của Mỹ.
Tuy nhiên khi đề cập đến điều được gọi là “lợi thế so sánh” về kinh tế như trên, những tờ báo nhà nước đã lờ đi một thực tế là hàng năm Mỹ nhập siêu từ Việt Nam đến vài chục tỷ USD – quá lợi cho Việt Nam, trong khi mỗi năm Việt Nam lại phải nhập siêu từ Trung cộng đến ít nhất 30 tỷ USD.
Có thể hiểu câu chuyện công bố những khoản nợ trên không chỉ thuần túy là kinh tế, mà trên hết là “thể diện chính trị”, được góp phần bởi bàn tay chỉ đạo của giới tuyên giáo.
Giới lãnh đạo Việt Nam vẫn thường nổi tiếng là thích “nâng cao uy tín trên trường quốc tế”, cho dù việc Obama được dân chúng Hà Nội và Sài Gòn đổ xô ra đường đón tiếp nồng nhiệt đến thế nào đã cho thấy “ý đảng” và “lòng dân” khác nhau một trời một vực ở Việt Nam.
Thế nhưng bất chấp việc được Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn cố tỏ ra “trên cơ” bằng những trò tiểu xảo như tìm cách công bố “Mỹ nợ Việt Nam” mà qua đó muốn chứng tỏ rằng chính quyền Việt Nam chẳng hề phụ thuộc vào người Mỹ.
Tuy vậy, khôn nhưng không ngoan. Việc báo chí nhà nước công bố chính phủ Việt Nam đã mua đến 12 tỷ USD trái phiếu của Mỹ đã vô hình trung làm cho người dân có thể suy đoán rằng giá trị số trái phiếu này chiếm đến 40% trong tổng số 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối mà Ngân hàng nhà nước Việt Nam phô bày.
Theo một số chuyên gia kinh tế, tỷ lệ 12/30 tỷ USD trên là đáng lo ngại. Tức về số thực, Việt Nam chỉ còn 18 tỷ USD dự trữ ngoại hối, chứ không phải trong két sắt hiện có đến ba chục tỷ USD.
Vào năm trước, số liệu dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được thống đốc Ngân hàng nhà nước khi đó là Nguyễn Văn Bình “khoe” là đạt đến 37 tỷ USD, thậm chí có thời điểm lên đến suýt soát 40 tỷ USD. Tuy nhiên đến cuối năm 2015 và sang đầu năm 2016, cùng với tình trạng ngân sách “bất ngờ” rỗng ruột, lượng dự trữ ngoại hối cũng giảm đi nhanh chóng, để cho đến nay chỉ bảo đảm khoảng 3 tháng nhập khẩu, tức thấp hơn so với mức trung bình là bảo đảm cho 6 tháng nhập khẩu.
Còn nay, với thông tin có đến 12/30 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Việt Nam nằm dưới dạng trái phiếu Mỹ, càng có thêm cơ sở cho thấy tính bảo đảm của dự trữ ngoại hối cho nhập khẩu mong manh đến thế nào.
Khó có thể nói khác hơn, việc một số tờ báo cố ý công bố “Mỹ nợ Việt Nam” ngay trong thời gian Tổng thống Obama có mặt tại Hà Nội lại là hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông”.
Lê Dung / SBTN