Nguyễn Huyền
(VNTB) – Chỉ trích những quyết sách, quyết định cực kỳ bất cập gây hại lên sinh hoạt xã hội/ góp ý và đưa ra các gợi ý (hoặc không có)… mức độ nào cũng cần được lắng nghe để hạn chế những bất cập lần sau.
Trước hết đó là câu chuyện xoay quanh vắc xin Vero Cell/ Sinopharm của Trung Quốc.
Chúng ta đã từng thấy người Trung Quốc tẩy chay sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của nước nào đó mà họ cho là xúc phạm tới đất nước họ. Vậy thì người Việt Nam có thái độ đối với sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ của kẻ cướp nước mình được hay không? Hay bị cấm, vì đây là quốc gia đồng minh cộng sản hiếm hoi còn sót lại trên bản đồ thế giới?
Cá nhân tôi cho rằng nếu quả thực chúng ta là một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân thì đương nhiên Nhà nước và các nhân viên của Nhà nước không thể phán xét, xúc phạm, ngăn cản, đe nẹt dân biểu lộ thái độ của mình một cách nghiêm túc – như vắc xin Trung Quốc đang được chích ở TP.HCM, mà không vi phạm pháp luật.
Bởi về mặt đạo đức, Nhà nước hay nhân viên của Nhà nước không thể bắt ép người dân làm hoặc không được làm những gì mà họ không muốn. Điều đó cũng đồng nghĩa việc hô hào “vắc xin tốt nhất là loại vắc xin được tiêm sớm nhất” từ Thủ tướng Phạm Minh Chính hay bất kỳ ai đi nữa, kể cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho chuyện sử dụng vắc xin Trung Quốc, thì dứt khoát đó không phải là pháp luật hay mệnh lệnh có tính chất pháp lý.
Đơn giản, “vắc xin tốt nhất là loại vắc xin được tiêm sớm nhất” nếu dùng để kêu gọi dân chúng đồng ý tiêm vắc xin Vero Cell của Trung Quốc, thì đây chỉ là giá trị của hô hào, của kêu gọi như chuyện Đảng và Nhà nước của chúng ta đã từng hô hào “dùng hàng nội là yêu nước”.
Một vấn đề khác, đó là câu chuyện của “lấy sức dân chăm lo cho dân” mà Thành ủy TP.HCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phát động hôm Chủ nhật 15-8-2021.
Là một người dân, tôi nghĩ rằng vì sao không chỉ dân chúng Sài Gòn, mà còn cả nhiều ông, bà chủ lớn tư nhân đã góp ‘tiền tươi thóc thật’ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM từ khi nơi đây phát lời kêu gọi hồi tháng 5-2021, để rồi vào cuối tháng 6, chính quyền TP.HCM đã gửi kiến nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính xem xét cho phép TP.HCM không chuyển vào ngân sách nhà nước kinh phí mua vắc xin phòng chống dịch COVID-19 mà Ban vận động đã tiếp nhận từ chuyện “lấy sức dân chăm lo cho dân”.
Tôi thấy trên trang Việt Nam Thời Báo đã nhắc đến vụ việc chính quyền TP.HCM xin được phép sử dụng đồng tiền do dân chúng và doanh nhân góp theo lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố này để mua vắc xin Pfizer về chích, nhưng rốt cuộc lại phải ‘chuyển’ về Hà Nội.
Tin tức cho biết từ khi vận động đến ngày 31-5-2021, ban vận động đã nhận gần 268 tỉ đồng, trong đó đã chi gần 191 tỉ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch. Riêng ủng hộ tiêm phòng vắc xin cho toàn dân, Ban vận động đã tiếp nhận hơn 65 tỉ đồng trên tổng số tiền đăng ký ủng hộ là 2.210 tỉ đồng.
Như vậy, trước mắt nếu thật sự muốn giữ chân nhân dân trong nhà đến giữa tháng 9-2021, thì hãy thực thi luôn “lấy sức dân chăm lo cho dân”, bằng việc trích hẳn ra khoản tiền nằm trong số 2.210 tỉ, cộng với đợt 2 cứu trợ 900 tỉ, gói 26.000 tỉ theo nghị quyết 68 của Chính phủ, để nuôi cơm dân 1 tháng tròn.
Tôi hiểu cái ý “sức dân lo dân” của đồng chí Phan Văn Mãi xứ dừa Bến Tre là vậy, tức lấy nguồn dân nghe lời, đóng góp phụ nhà nước lâu nay, đem ra giúp dân qua con trăng này.