VNTB – Vì sao Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cố tình dựng chuyện để ‘bôi đen’ ông Lê Vinh Danh?

VNTB – Vì sao Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cố tình dựng chuyện để ‘bôi đen’ ông Lê Vinh Danh?

Hiền Vương

(VNTB) – “Lương tháng 8 giảng viên 23,7 triệu đồng, hiệu trưởng Lê Vinh Danh 556,1 triệu đồng”.

Ông Ngọ Duy Hiểu – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – đã có khẳng định như trên về chuyện lương bổng tại buổi thông tin với báo chí chiều 23-10 (1).

Báo chí đã rất nhanh chóng đưa tin tức theo hướng ‘giật gân’, với mức chênh lệch cao ngất ngưởng của hiệu trưởng Lê Vinh Danh so với giảng viên đại học. Phải vài hôm sau đó thì mọi chuyện mới vỡ lẽ là không hề đúng như vậy.

Trách nhiệm của Đảng ủy Tổng liên đoàn lao động Việt Nam?

Một vài tờ báo bắt đầu đặt câu hỏi, “Có thật ông Lê Vinh Danh ĐH Tôn Đức Thắng nhận lương 556 triệu đồng/tháng?”.

Báo Dân Trí, viết (2):

“Một thành viên trong Hội đồng chính sách tiền lương của trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, Nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho ông Danh ở mức lương 556 triệu/tháng như thông tin trên.

Cụ thể, hàng tháng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) thanh toán thu nhập cho nhân sự theo ba khoản chính gồm: 1. lương cơ bản (lương theo ngạch, bậc, hệ số theo đúng quy định của Nhà nước) ông Danh giữ ngạch giảng viên cao cấp có hệ số lương 6.92, phụ cấp chức vụ là 1.00 và phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định; 2. các khoản phụ cấp; 3. thu nhập theo năng lực và phụ cấp thi đua căn cứ theo Quy chế chi tiêu nội bộ và việc đánh giá thi đua hàng năm.

Tổng cộng 3 khoản này của ông Danh là 407 triệu/tháng, trong đó có 2 khoản là 2 và 3 và  là mức thu nhập không có tính ổn định hàng năm, sau trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản phải nộp khác theo quy định thì thực nhận của ông Danh còn khoảng 286 triệu đồng/ tháng.

“Đây là khoản thu nhập của TDTU trả cho ông Danh bao gồm lương và tất cả các khoản phụ cấp như phụ cấp ăn trưa, đi lại, trang phục, thi đua…” – vị cán bộ này nhấn mạnh. Con số 407 triệu/tháng là thu nhập hay có thể gọi là tất cả các khoản mà ông Danh nhận được từ Nhà trường. Do đó, việc dùng từ lương là chưa phù hợp, lương và thu nhập là hai thuật ngữ khác nhau”.

Khi một nửa sự thật là sự chết người cố tình

Sự thật còn liên quan đến thời sự của đại dịch Covid mà phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã cố tình làm ngơ, khi chỉ nêu chừng một phần ba sự thật.

Theo bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-10, thì, “Qua rà soát, bộ phận tính lương của trường cho biết trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng bị ảnh hưởng, thanh toán các khoản chi thường xuyên và thanh toán các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản là bài toán sống còn.

Đồng cảm với tình hình chung của dịch bệnh và tình hình tài chính của nhà trường, giảng viên, viên chức đã tự nguyện nhận lương ít hơn trong các tháng 3 và 4-2020, phần còn lại cho phép nhà trường chậm trả. Đây như là một hành động chia sẻ khó khăn với nhà trường. Có người tự nguyện cho nhà trường chậm trả 50%, 60%, thậm chí là 100% thu nhập…

“Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tình hình tài chính của nhà trường dần quay về bình thường, nhà trường trả lại khoản thu nhập đó cho giảng viên viên chức. Do số tiền mà cán bộ tự nguyện cho trường chậm trả trong tháng 3, 4-2020 khá nhiều, nên không thể thanh toán một lần, mà tiến hành trả bổ sung trong ba tháng 6, 7 và 8-2020.

Trong ba tháng này, ngoài mức thu nhập bình thường của giảng viên viên chức thì họ còn được nhận lại một phần thu nhập của tháng 3 và 4-2020. Ông Lê Vinh Danh đã tự nguyện cho nhà trường chậm trả 60% thu nhập, tháng 3 và 4-2020 ông chỉ nhận 40% thu nhập của một tháng bình thường.

Như vậy, trong tháng 8-2020 ông sẽ được nhận thu nhập của tháng này và một khoản thu nhập của tháng 3 và 4-2020. Đến đây có thể thấy được “xuất thân” chính xác của con số 556 triệu đồng/tháng của hiệu trưởng, cũng như con số hơn 200 triệu đồng của trợ lý hiệu trưởng mà báo chí có đề cập” – một cán bộ nhà trường lý giải” (3).

Lỗi của thầy dùi?

Một giảng viên đại học chuyên ngành tài chính, nói rằng ở đây phía Tổng liên đoàn lao động có lẽ vì quá tham lam, và cũng ‘nghèo’ kiến thức trong quản lý một trường đại học công lập, nên đã chọn những ‘điểm rơi’ sai trong kịch bản ‘đánh’ hiệu trưởng Lê Vinh Danh.

“Lý lịch tư pháp của ông Ngọ Duy Hiểu cho biết ông ấy tốt nghiệp thủ khoa Đại học Luật Hà Nội, chuyên ngành Tư pháp. Từ 1999 đến 2001, ông học cao học Luật tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và tuyên truyền), chuyên ngành Chính trị học. Ông có bằng Thạc sĩ Luật học, tiêu đề luận văn Thạc sĩ Luật học của ông là: “Đổi mới tư duy pháp lý về đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”. Tháng 5 năm 2011, ông tiếp tục theo học chương trình đào tạo tiến sỹ Luật học tại trường Đại học Luật Hà Nội. Ông Ngọ Duy Hiểu có bằng Cao cấp lý luận chính trị.

Với lý lịch khoa bảng như vậy, tin rằng ông ấy hiểu rõ chuyện tốc độ tăng học phí trung bình 10%/năm – cao hơn đáng kể mức tăng thu nhập bình quân đầu người cũng như mức lương cơ sở. Đồng thời, chưa có sự thống nhất về mức trần học phí giữa các trường tự chủ thí điểm theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, cùng với đó, mức thu học phí của các đơn vị thí điểm tự chủ thường có sự chênh lệch đáng kể so với các trường thực hiện tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP trong cùng lĩnh vực đào tạo.

Mặt khác, do áp lực tự cân đối thu chi trong khi việc huy động các nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và dịch vụ tại các đơn vị còn rất hạn chế, đã tạo ra áp lực đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học trong việc gia tăng các khoản thu chưa có trong quy định để bù đắp các khoản chi.

Liệu có tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định về thu học phí, thu chưa có trong quy định còn phổ biến, từ đó làm gia tăng gánh nặng cho người học và xã hội tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng?

Nói một cách khác, những quan chức chóp bu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chắc chắn khi nghiên cứu kịch bản tấn công ông Lê Vinh Danh, họ hiểu rõ về những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách tự chủ đại học.

Vậy thì tại sao họ không bám theo trục đó để ‘moi móc’ ông Lê Vinh Danh, mà lại bày ra đủ trò ‘bôi đen’ đầy bẩn bựa đến như vậy?” – vị giảng viên đại học chuyên ngành tài chính, đặt câu hỏi về năng lực thật sự ở những bản tự khai lý lịch học vấn của các quan chức của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Có thể lỗi chính ở đây là đội ngũ thầy dùi của quan chức chóp bu Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

__________________

Chú thích:

(1) https://tuoitre.vn/luong-thang-8-giang-vien-23-7-trieu-dong-hieu-truong-le-vinh-danh-556-1-trieu-dong-20201023185143031.htm

(2) https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/co-that-ong-le-vinh-danh-dh-ton-duc-thang-nhan-luong-556-trieu-dongthang-20201026095121227.htm

(3) https://tuoitre.vn/truong-dh-ton-duc-thang-ly-giai-ra-sao-ve-khoan-luong-hon-nua-ti-dong-20201025185633879.htm

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)