Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII lại nhấn về “hạnh phúc”?

Mỹ Thuận

(VNTB) – Để người dân có thể “sung sướng” thì cần phải “bình yên” và “hạnh phúc”.

“Trong dự thảo lần này có nhấn mạnh đến vấn đề “khát vọng phát triển đất nước”. Khát vọng phát triển đất nước là một yếu tố rất là mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội địa, tìm tòi của dân tộc ta. Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào thì lúc đầu nhiều người nghĩ là “xây dựng một nước Việt Nam hùng cường”. Việc này cũng đúng. Nhưng sau qua cân nhắc toàn diện, gần đây nhất, Tiểu ban Văn kiện báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo “khát vọng triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đặc biệt là nhấn mạnh đến yếu tố “hạnh phúc” của nhân dân.

Qua đại dịch Covid-19 vừa rồi càng ngày càng hiểu là: “hóa ra không phải cứ thu nhập cao là sung sướng, không phải cứ tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc”.

Cho nên, yếu tố “hạnh phúc” là một điểm nhấn trong dự thảo lần này, tính con người, tính nhân văn được thể hiện đậm nét”.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đã trả lời báo chí như trên ở bên lề “Hội thảo những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”, tổ chức vào sáng 26/9 tại Hà Nội.

Xét thuần về “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, cho thấy dường như ngài Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đang có dấu hiệu của hành vi “tự diễn biến – tự chuyển hóa”, thậm chí là đang có hơi hướm của chủ nghĩa xét lại.

Trở ngược lịch sử, theo Hồ Chí Minh, trong điều kiện nước thuộc địa như Việt Nam thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì đó vẫn là độc lập kiểu cũ, và vì vậy độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Với Hồ Chí Minh, nước có độc lập rồi thì dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, vì hạnh phúc tự do là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Muốn có hạnh phúc, tự do thì độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện. Khi Hồ Chí Minh xác định giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản, tức là đã khẳng định độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh không phải là câu trả lời cho mong muốn chủ quan của con người theo quan niệm duy tâm, không tưởng, mà là câu trả lời cho một sự vận động lịch sử hiện thực theo khái niệm duy vật phê phán.

Chủ nghĩa xã hội là một vấn đề hiện thực, xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ hiện thực vận động của lịch sử, từ đặc điểm Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội trong quan điểm Hồ Chí Minh không thể suy nghĩ chủ quan, giáo điều, nóng vội, duy ý chí mà phải dựa trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, đặc điểm thế giới và xu thế của thời đại.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cống hiến quý giá nhất của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên suốt đường lối và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Các lập luận như nêu ở trên là rất quen thuộc với những ai từng theo học các lớp bồi dưỡng định kỳ về “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Vậy thì nếu sắp tới đây văn kiện Đại hội Đảng XIII tái đặt lại yêu cầu về “hạnh phúc” ở mức được gọi là “Khát vọng phát triển đất nước”, thì hóa ra suốt mấy mươi năm qua Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn loay hoay tìm lời giải cho thế nào là “hạnh phúc” của “nhân dân”?

Cũng đúng, “hạnh phúc – tự do” theo quan điểm Hồ Chí Minh, là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại. Đời sống vật chất là trên cơ sở một nền kinh tế cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Một dẫn chứng thời sự nhân dịp năm học mới vừa bắt đầu, “Ai cũng được học hành” là điều hết sức mỉa mai, vì tiếng là hệ thống trường công lập, nhưng phụ huynh không chỉ phải đóng học phí cho con em hàng tháng, mà còn phải đóng vô số các khoản tiền khác – ghi nhận ý kiến cụ thể từ phụ huynh:

“Trường THPT công lập Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) có các khoản phí được đưa ra, ngoài tiền học phí hơn 1,6 triệu đồng/ tháng, còn phải đóng thêm các khoản như tiền nước uống 200.000 đồng/năm; sổ liên lạc điện tử 120.000 đồng/năm; ấn phẩm 50.000 đồng/năm; tập san 130.000 đồng/năm; sách tiếng anh 142.000 đồng/năm; quỹ trường 400.000 đồng/năm; tiền phô tô tài liệu, ủng hộ các câu lạc bộ của trường; tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…”.

___________________

Ghi chú:  Trong ảnh là danh sách các khoản thu đầu năm ở một trường tiểu học công lập tại TP Hồ Chí Minh.

Tin bài liên quan:

VNTB – Người dân nói gì về độc quyền nhà nước trong nhận và phát hàng cứu trợ đồng bào miền Trung

Phan Thanh Hung

VNTB – Đâu là sòng phẳng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Về quê xác nhận mình nghèo…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.