Phạm Chí Dũng
Người Việt
Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang “thề”
Đang có một khả năng mà theo một số đánh giá – có thể lên đến 60-70% – để Quốc Hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Luật Về Hội vào cuối năm 2016.
Khi thời gian năm 2016 đang trôi về những tháng cuối cùng và chẳng mấy ai còn thấy tăm hơi của một thứ “nợ dân” – Luật Về Hội – đâu, ngày 22 Tháng Chín, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội “bất ngờ” cho ý kiến vào dự thảo Luật Về Hội. Hết cuộc họp này, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng “bất ngờ” cho rằng dự thảo Luật Về Hội đã đủ điều kiện để trình ra Quốc Hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai vào Tháng Mười.
Thậm chí, bà Ngân còn nhắc lại một giai điệu quá nhàm cũ của nhiều lãnh đạo “không để nợ dân lâu hơn nữa.”
Vì sao lại quay ngoắt như thế?
Tâm lý và tâm thế của giới lãnh đạo Việt Nam là nợ quá nhiều, nợ như chúa chổm, lúc nào cũng như sắp vỡ nợ, khó đoán định và quá khó lường, đặc biệt liên quan thiết thân đến những quyền dân như quyền tự do lập hội.
Một phần nữa là bởi vì điều mà giới lãnh đạo luôn ra rả về “món nợ với dân” thực ra đã kéo dài suốt từ Hiến Pháp năm 1992, tức suýt soát một phần tư thế kỷ.
Cũng bởi hai phạm trù mà đảng cầm quyền vô cùng thất hứa và luôn bị ám ảnh về triển vọng “lật đổ chế độ” là quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình.
Không trấn áp được bằng vũ lực thì áp chế bằng luật
Chỉ từ năm 2013, dự thảo Luật Về Hội mới được một số quan chức nhắc đến, tiếp sau tiến trình “bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ” được cụ thể hóa bằng chuyến thăm Hoa Kỳ của nhân vật số hai trong đảng – Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang. Sau đó, cứ mỗi năm, giới chức Quốc Hội từ ông Nguyễn Sinh Hùng đến ông Nguyễn Hạnh Phúc bên Quốc Hội, ông Nguyễn Tấn Dũng bên chính phủ, lại nhắc lại hứa hẹn sẽ cho ra đời Luật Lập Hội (đây là cái tên “nguyên thủy” của luật này) càng sớm càng tốt. Nhưng trong khi người dân tiếp tục chờ dài cổ thì vẫn không thấy tăm hơi bóng dáng Luật Về Hội ở đâu.
Mãi đến năm 2015, một bản dự thảo Luật Về Hội mới được chính quyền đưa ra để “lấy ý kiến rộng rãi.” Tuy nhiên ngay từ bản nguyên sơ này đã bộc lộ chủ thế là đảng muốn “nắm” hết, muốn tung ra luật để “quản” xã hội dân sự chứ không phải để chấp nhận thực thể này.
Vào lúc này, bất chấp chính quyền không chấp nhận, vẫn có đến gần 30 tổ chức xã hội dân sự độc lập tự phát ra đời với một căn cứ pháp lý duy nhất: Hiến Pháp. Trong vài năm trời, chính quyền và công an đã làm đủ cách và cũng thất bại đủ kiểu trong ý đồ tước đoạt thực thể tự do lập hội còn trong trứng nước của người dân.
Không trấn áp được bằng vũ lực thì áp chế bằng luật. Trong dự thảo Luật Về Hội, các quy định mập mờ tại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định tại Điều 9 về các lĩnh vực hoạt động trùng lắp nhằm đặc biệt tạo ra vật cản lớn đối với các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Đây chính là những kẽ hở để nếu luật này được Quốc Hội thông qua thì chính quyền sẽ công nhận các tổ chức quốc doanh trùng tên và trùng lắp trong lĩnh vực hoạt động với các tổ chức xã hội dân sự độc lập, và đương nhiên các tổ chức xã hội dân sự độc lập – khởi nguồn từ phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền – sẽ bị gạt thẳng cánh.
Những nội dung tréo ngoe thể hiện ý chí độc tôn còn nước còn tát của đảng đã thậm chí vang vọng đến cộng đồng quốc tế. Đến lúc này, nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế phải viện dẫn Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chính quyền Việt Nam tham gia ký kết từ năm 1982 để chỉ trích về bản dự thảo Luật Về Hội của Việt Nam là quá thiếu thành tâm.
Nhưng với nhiều người dân trong nước thì bộc toạc hơn rất nhiều: Dự thảo Luật Về Hội đơn giản là một trò ma mị.
Thế lực chính trị “muốn thay đổi?”
Sự kiện quay ngoắt đáng ngạc nhiên là tin tức “sắp thông qua Luật Về Hội” bất ngờ xuất hiện vào gần cuối Tháng Chín, trong khi chỉ mới vào đầu tháng đó, lúc công bố chương trình làm việc của Quốc Hội kỳ họp hai, không có thông tin cụ thể nào về dự thảo Luật Về Hội sẽ được đưa ra để xem xét. Thậm chí còn có tin ngoài lề cho biết cách đây không lâu chính bà Ngân là người “chống” Luật Về Hội.
“Nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên của Việt Nam” đang nghĩ gì? Phải chăng bà Ngân, trong một xúc cảm bốc đồng và “trắc ẩn lòng dân,” đã tự “quyết” về Luật Về Hội?
Nhưng không ai quên rằng chỉ mới vào Tháng Tám, chính bà là người ra tay bác Dự Luật Biểu Tình với lý do “làm rối loạn đất nước.”
Chiều dài chính trị của bà Ngân lại là độ thu ngắn đến mức tối thiểu về chính kiến, đặc biệt từ khi làm phó chủ tịch quốc hội cho tới nay. Rất nhiều ý kiến cho rằng trong những trường hợp đặc biệt, không phải “Ngân nói” mà là “đảng nói.”
Rất có thể vào lần này, ứng với dự thảo Luật Về Hội, ý kiến trên một lần nữa là có cơ sở. Đảng nói!
Nhưng khá khác biệt với bối cảnh vài năm trước khi đảng chỉ chịu áp lực quốc tế về cải cách thể chế với Luật Về Hội là một trong những trọng tâm yêu sách, gần đây có thông tin cho biết rằng tỷ lệ “muốn thay đổi” trong đảng và cả trong Quốc Hội đã lên đến 60%. Dù chưa có gì thể hiện tư tưởng “muốn cải cách” ở tỷ lệ này, nhưng ngày càng có nhiều ủy viên trung ương và đại biểu quốc hội muốn tìm ra một “lối thoát.” Thậm chí, một số trong tỷ lệ này đã trở nên một thế lực chính trị ngầm ẩn. Chính áp lực số đông này khiến cho bộ phận thiểu số cực kỳ bảo thủ trong đảng phải dao động rồi dần đổi ý.
Tất nhiên, luồng thông tin và đánh giá trên chỉ mang tính tham khảo trong bối cảnh trong đảng hiện xuất hiện nhiều, hoặc quá nhiều phe phái, và chẳng một cơ quan nào dám đưa đầu chịu báng để làm một cuộc thăm dò, dù chỉ bỏ túi, về “theo Tàu còn đảng mất nước” hay “theo Mỹ còn nước mất đảng” – cái nào trội hơn.
Lần này sẽ “thành tâm” hơn?
Nhưng cần chú ý, nếu cả những lý luận gia gạo cội và thường nặng tính bảo thủ của đảng như ông Vũ Ngọc Hoàng, người từng giữ chức phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên Giáo Trung Ương, và chỉ mới “nghỉ” gần đây – còn bắt đầu mấp mé nói về “tam quyền phân lập” – một khái niệm của “tư bản giãy chết,” đồng thời chính thức viết trên mặt công luận cụm từ “xã hội dân sự,” xem ra bản dự thảo Luật Về Hội lần này có vẻ “thành tâm” hơn, dù chỉ đôi chút.
Một dấu hiệu khác biểu hiện thái độ “thành tâm” chút đỉnh như thế là lần đầu tiên vai trò của sáu tổ chức chính trị xã hội lớn nhất – vốn được coi là “cánh tay nối dài của đảng” – đang trở nên lép vế chưa từng thấy. Đó là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, và Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam.
Ngày càng có nhiều ý kiến chuyên gia và cả quan chức yêu cầu đưa sáu tổ chức trên vào danh mục bị điều chỉnh vì Luật Về Hội chứ không còn đặc quyền đặc lợi như trước đây. Nếu yêu cầu này được hiện thực hóa, hệ quả đầu tiên là các tổ chức trên sẽ bị cắt giảm mạnh kinh phí từ nguồn ngân sách.
Rất nhiều hội đoàn nhà nước khác cũng bởi thế càng tràn trề cơ hội “đội nón ra đi” vì ngân sách đã đến hồi trống rỗng.
Chỉ có các tổ chức xã hội dân sự độc lập là chẳng có gì phải lo: Chưa bao giờ các tổ chức này bị phụ thuộc vào nguồn ngân sách chính quyền, và cũng chưa bao giờ phải chịu sự nô thuộc tư tưởng chính trị vào đảng cầm quyền.