Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh VOA
Trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9/2016, chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bất thần bật ra một phát ngôn về việc Việt Nam phê chuẩn hiệp định TPP sẽ cần căn cứ vào chủ trương của ban chấp hành trung ương đảng, và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Chỉ mới vào tháng 8/2016, chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đang chuẩn bị tích cực để quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua TPP, có thể vào cuối năm nay.
Trước đó nữa, không có bất cứ biểu hiện công khai nào cho thấy chính quyền Việt Nam trì hoãn bỏ phiếu thông qua TPP. Cũng chẳng có dấu hiệu nào từ “trung ương đảng” chỉ đạo cho quốc hội phải “thận trọng” đối với tiến trình bỏ phiếu TPP.
Vậy vì sao lại có chuyện “Việt Nam không vội thông qua TPP do bầu cử ở Mỹ”?
Những thông tin gần nhất cho thấy tình hình TPP là bất lợi cho nhiều quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Vào tháng 7/2016, ứng cử viên Hillary đã thẳng thừng tuyên bố không ủng hộ TPP vì một số lý do. Sau đó thông tin quốc tế cho biết ứng cử viên Trump cũng không ủng hộ hiệp định thương mại này. Đây là tình thế hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, vì Mỹ là quốc gia đóng vai trò quyết định trong TPP, và quá khó để tổng thống mới của Mỹ nhanh chóng thông qua hiệp định này, cho dù tổng thống hiện thời là Obama vẫn luôn khích lệ thông qua càng sớm càng tốt.
Công cuộc vận động để tham gia vào TPP của chính quyền Việt Nam từ năm 2010 có nguy cơ xôi hỏng bỏng không. Không chỉ Việt Nam mà cả những nước khác cũng vậy…
Có thể hình dung tâm trạng thật sự hụt hẫng của giới lãnh đạo Việt Nam khi nhìn vào gương mặt của Hillary và Trump. TPP vẫn được coi là cứu cánh đối với nền kinh tế đã trôi vào năm thứ 8 suy thoái liên tiếp ở Việt Nam, là cần cẩu để trục vớt cho những gì còn sót lại từ sau triều đại bị coi là “phá chưa từng có” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. TPP cũng là một trong những mấu chốt để ổn định – ít nhất trên lý thuyết – sự tồn tại của đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Nhưng bây giờ thì tất cả đều phải chờ đợi. Giới chính khách Mỹ chờ đợi, phần lớn thế giới chờ đợi, và giới lãnh đạo Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Quốc hội và đảng có lẽ rất sợ “cầm đèn chạy trước ô tô”, vội vàng bỏ phiếu thông qua TPP nhưng sẽ bị “hố”. Việc Hillary hoặc đặc biệt là Trump thắng cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi, thậm chí là thay đổi rất lớn về chính sách đối ngoại, trong đó TPP chỉ là một phần.
Hẳn nhiên, Bộ ngoại giao Việt Nam – cơ quan tham mưu không chỉ cho chính phủ mà cho cả Bộ chính trị nước này – đang theo dõi rất sát tình hình bầu cử ở Mỹ. Khả năng quốc hội CSVN thông qua sớm nhất đối với TPP sẽ chỉ có thể diễn ra vào kỳ họp đầu năm 2017, nếu tình hình có chút ánh sáng.
Còn nếu không thuận lợi, TPP sẽ bế tắc và Việt Nam cũng thế.
Lê Dung / SBTN